Chiến lược ‘miễn dịch cộng đồng’ bằng niềm tin của Thụy Điển
Thụy Điển chống Covid-19 không bằng lệnh phong tỏa, mà chỉ dựa vào những khuyến cáo cách biệt cộng đồng và ý thức tuân thủ của người dân.
“Đã có rất nhiều hiểu nhầm về chiến lược của chúng tôi”, Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde nói trong cuộc phỏng vấn với Guardian hôm 27/4, đề cập đến chiến lược chống Covid-19 “một mình một kiểu” của nước này.
Thụy Điển, quốc gia Bắc Âu với hơn 10,2 triệu dân, đang kỳ vọng sẽ đạt “miễn dịch cộng đồng” ở thủ đô Stockholm vào tháng 5, giúp người dân vượt qua Covid-19 mà không phải chịu lệnh phong tỏa nghiêm ngặt như hầu hết các nước châu Âu khác.
“Miễn dịch cộng đồng” là thuật ngữ được sử dụng để chỉ việc người dân trở nên miễn dịch với một loại bệnh truyền nhiễm nhờ phục hồi sau khi mắc bệnh hoặc được tiêm vaccine. Một số chuyên gia tin rằng ngưỡng đạt miễn dịch cộng đồng của Covid-19 là khi 60% dân số bị nhiễm virus.
Trong khi hàng tỷ người trên thế giới phải ở yên trong nhà hoặc chịu các biện pháp hạn chế đi lại nhất định để ngăn Covid-19, Thụy Điển lại khuyến cáo, thay vì ra lệnh cho người dân, tránh đi lại không cần thiết, tăng cường làm việc từ xa và không ra ngoài nếu trong nhà có người cao tuổi hoặc người ốm.
Bằng cách dựa vào ý thức trách nhiệm của người dân, Thụy Điển vẫn cho phép các cửa hàng, nhà hàng và phòng gym mở cửa, nhưng hy vọng khách hàng đến các địa điểm này tuân thủ việc giữ khoảng cách an toàn. Nước này chỉ đóng cửa trường trung học và cấm tụ tập từ 50 người trở lên.
Nhiều người Thụy Điển ủng hộ và tuân thủ chính sách của chính phủ, dù chiến lược “miễn dịch cộng đồng” bị nhiều nhà khoa học chỉ trích gay gắt. Tỷ lệ người chết vì Covid-19 trên một triệu dân của Thụy Điển thấp hơn so với Tây Ban Nha và Italy, nhưng vẫn cao hơn nhiều lần so với các nước láng giềng Bắc Âu.
Quốc gia này đã ghi nhận gần 20.000 ca nhiễm và gần 2.400 ca tử vong vì nCoV. Trong khi số ca nhiễm và tử vong ở Đan Mạch là gần 8.900 và hơn 430, Na Uy là gần 7.600 và hơn 200, Phần Lan là gần 4.700 và gần 200.
“Mục tiêu của Thụy Điển là cứu sống mọi người, ngăn chặn nCoV lây lan, đảm bảo hệ thống y tế có thể ứng phó và giảm thiểu hậu quả về kinh doanh, việc làm”, bà Linde nói.
Ngoại trưởng Linde khẳng định Thụy Điển sẵn sàng thay đổi chính sách tùy theo tình hình. “Chúng tôi có khá nhiều mục tiêu tương đồng với mọi chính phủ khác. Như chúng tôi luôn nói, chính phủ Thụy Điển sẵn sàng đưa ra những quy định mang tính ràng buộc hơn nếu người dân không tuân thủ các biện pháp hiện hành”, bà cho hay.
Ngoại trưởng Ann Linde tại văn phòng ở thủ đô Stockholm. Ảnh: AFP.
Ngoại trưởng Thụy Điển cũng thêm rằng chính sách của quốc gia này mang tính lâu dài. “Đây là một chạy đua đường trường, không phải chạy nước rút”, bà Linde khẳng định.
Giới chức Stockholm cuối tuần qua quyết định đóng cửa 5 quán rượu và nhà hàng vì không tuân thủ nguyên tắc giãn cách. Họ chỉ cho thực khách có đủ thời gian hoàn thành bữa ăn trước khi buộc họ rời khỏi nhà hàng.
“Đây là một lời cảnh báo mạnh mẽ. Đó không phải là những biện pháp mang tính tự nguyện. Bạn phải hiểu rằng bạn cần tuân thủ. Chúng tôi tin cách tốt nhất chính là kết hợp giữa một số biện pháp mang tính ràng buộc và những khuyến nghị rõ ràng cho công chúng. Chúng tôi muốn xây dựng một mối quan hệ tin cậy lâu dài và vững chắc giữa chính quyền với người dân”, Ngoại trưởng Linde chia sẻ.
Video đang HOT
Bà khẳng định nhiều bằng chứng cho thấy hầu hết người dân Thụy Điển đều tuân thủ quy định, khi chỉ ra lượng đặt phòng tại hai điểm du lịch trong nước nổi tiếng nhất ở quốc gia này đã giảm 96%, sau khi chính phủ khuyến nghị người dân nên ở nhà trong dịp lễ Phục sinh. Tỷ lệ nhiễm nCoV ở quốc gia này cũng có dấu hiệu giảm và Cơ quan Y tế Cộng đồng ước tính khoảng 20% trong số hơn 10 triệu dân bị nhiễm nCoV.
Ngoại trưởng Linde chia sẻ bà “sẽ rất ngạc nhiên” nếu chiến lược này không bị chỉ trích. “ Nhạc trưởng” của chiến lược chống Covid-19 Thụy Điển là nhà dịch tễ học nổi tiếng Anders Tegnell, người từng mô tả nó không chỉ tạo ra “miễn dịch cộng đồng” mà còn giúp ngăn chặn sự lây lan của nCoV, trong khi duy trì khả năng ứng phó của hệ thống y tế.
Một quán cà phê ở thủ đô Stockholm vẫn đông khách hôm 20/4. Ảnh: Reuters.
Một số học giả và giáo sư y khoa hàng đầu quốc gia đã chỉ trích gay gắt quyết định “một mình một kiểu” của Thụy Điển khi không phong tỏa đất nước như nhiều quốc gia châu Âu khác. Họ từng gửi nhiều thư ngỏ và đơn kiến nghị kêu gọi chính phủ cần thay đổi khẩn cấp chiến lược hiện hành khi thấy số ca nhiễm và tử vong nCoV ở Thụy Điển tăng.
Bà Linde khẳng định tỷ lệ tử vong tương đối cao chắc chắn không phải là điều mà Thụy Điển mong muốn khi áp dụng chiến lược hiện tại. Tuy nhiên, bà thừa nhận số ca tử vong đặc biệt cao ở các viện dưỡng lão, chiếm hơn nửa số người chết được ghi nhận ở quốc gia này, là thất bại của chính phủ.
Thụy Điển đã sớm cấm người dân tới thăm thân ở viện dưỡng lão, nhưng nCoV vẫn xâm nhập vào các cơ sở này và khiến nhiều người tử vong. “Chúng tôi không biết tại sao. Có lẽ đó là do một số viện dưỡng lão không tuân thủ các quy định, hoặc do nhân viên sợ mất việc nên không dám xin nghỉ phép dù đã bị nhiễm virus. Chúng tôi đang điều tra vấn đề này”, bà Linde cho hay.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Thụy Điển cũng cho biết mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau về hiệu quả của chiến lược đối với Covid-19, Thụy Điển vẫn hợp tác rất tốt với các quốc gia Bắc Âu. Họ đã có “những cuộc thảo luận dài” với Đan Mạch và Phần Lan về vấn đề đóng cửa biên giới trước khi đưa ra những thỏa thuận giữa hai bên. Phần Lan đã chấp thuận cho phép những người làm trong lĩnh vực y tế đang hỗ trợ Thụy Điển ở một số khu vực tiếp tục được qua biên giới mỗi ngày.
“Tôi thường phải trả lời rất nhiều câu hỏi từ những người đồng cấp của mình trên khắp thế giới về cách chống dịch của Thụy Điển”, bà Linde chia sẻ.
Mặc dù không phải phong tỏa toàn bộ đất nước, nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Thụy Điển vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do Covid-19. Chính phủ đã tung ra những biện pháp cứu trợ trị giá 100 tỷ kronor (khoảng 10 tỷ USD), nhưng dự đoán GDP năm nay vẫn giảm khoảng 10%. Tỷ lệ thất nghiệp cũng đang gia tăng.
Người dân xếp hàng mua kem tại phố Norr Malarstrand, Stockholm, hôm 19/4. Ảnh: TT News Agency.
Ngoại trưởng Linde khẳng định hiện còn quá sớm để đánh giá chiến lược của chính phủ Thụy Điển là thành công hay thất bại so với các quốc gia khác, hoặc thậm chí để nói về tiêu chí thành công có thể là gì.
“Tôi sẽ không đánh giá hay phán xét về chiến lược của Thụy Điển hay bất kỳ quốc gia nào khác. Sẽ cần thêm một khoảng thời gian dài hơn để bất kỳ ai có thể làm điều đó”, bà nhận định.
Ngoại trưởng Thụy Điển thêm rằng các quốc gia khác nhau có phương pháp thống kê số ca tử vong do Covid-19 khác nhau. Hậu quả dài hạn của Covid-19, như tác động của lệnh phong tỏa kéo dài đối với sức khỏe cộng đồng, hay tình trạng mất việc làm gia tăng, sẽ cần mất nhiều năm để đánh giá. “Chúng tôi chỉ đơn giản cố gắng làm mọi điều mà mình tin là đúng đắn”, bà nói.
Thanh Tâm
Chuyên gia hàng đầu Thụy Điển: Có thể xuất hiện miễn dịch cộng đồng vào tháng tới
Cố vấn y tế cao cấp cho chính phủ, "tác giả" của chiến lược chống dịch Covid-19 gây tranh cãi Thụy Điển - ông Anders Tegnell, cho rằng, một số khu vực ở nước này có thể đạt được miễn dịch cộng đồng vào tháng 5 tới, tờ Daily Mail đưa tin.
"Các chuyên gia của chúng tôi tại Cơ quan Y tế Công cộng Thụy Điển đã bắt đầu thấy rất nhiều người đạt được khả năng miễn dịch trong dân số ở Stockholm. Điều này sẽ có tác động đến khả năng lây lan của dịch Covid-19", ông Anders Tegnell cho biết.
Chính phủ Thụy Điển vẫn kiên quyết không áp dụng các biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội nghiêm ngặt hơn mặc dù ngày càng có nhiều lời kêu gọi đến từ trong nước và quốc tế. Các nhà hàng, rạp chiếu phim, quán bar và nhiều hàng quán khác vẫn mở cửa tại Thụy Điển, bất chấp số ca nhiễm và tử vong cao hơn nhiều so với những nước cùng khu vực.
"Mô hình theo dõi dịch bệnh của chúng tôi cho thấy, thời điểm đạt được miễn dịch cộng đồng có thể tới vào tháng 5", ông Anders Tegnell phát biểu.
Tuy nhiên, ông Anders Tegnell cũng nói thêm rằng, kết luận này chỉ dựa trên các mô hình dữ liệu toán học và cần có thời gian để chờ xem kết quả thực tế liệu có đúng như vậy hay không.
Người dân Thụy Điển vui chơi tại công viên hôm 18.4 (ảnh: Daily Mail)
Tuần trước, chính phủ Thụy Điển đã quyết định thực hiện biện pháp xét nghiệm Covid-19 diện rộng với mục tiêu là đạt được 50.000 - 100.000 xét nghiệm/tuần.
Đến ngày 19.4, Thụy Điển ghi nhận 14.385 ca nhiễm Covid-19 với 1.540 trường hợp tử vong.
Khi được hỏi về tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao tại Thụy Điển, ông Tegnell thừa nhận đây là thất bại nhưng sẽ không ảnh hưởng đến chiến lược chống dịch chung.
"Đó không phải là thất bại cho chiến lược tổng thế, nhưng lại là thất bại trong việc bảo vệ những người cao tuổi sống tại các viện dưỡng lão", ông Tegnell nói.
Hôm 16.4, quốc hội Thụy Điển đã thông qua đạo luật mới cho phép chính phủ có nhiều quyền hạn hơn để nhanh chóng áp dụng thêm các biện pháp nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch Covid-19. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại Thụy Điển hiện vẫn chưa có nhiều biến chuyển.
Một số nhà dịch tễ học hàng đầu Thụy Điển đã đưa ra chỉ trích nhằm vào Cơ quan Y tế Công cộng Thụy Điển và cho rằng ẩn sau biện pháp miễn dịch cộng đồng là một chính phủ không có sự chuẩn bị tốt để ứng phó với dịch bệnh.
"Cơ quan y tế và chính phủ thật ngốc vì không tin rằng dịch bệnh có thể lây lan sang Thụy Điển. Họ chuẩn bị kém hoặc thậm chí là không có chuẩn bị gì", ông Bo Lundback, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Gothenburg (Thụy Điển), cáo buộc.
Ông Lundback cùng 21 chuyên gia khác đã kêu gọi chính phủ Thụy Điển xem xét lại và nhanh chóng đưa ra các biện pháp mạnh mẽ, nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Bài viết của những chuyên gia này được đăng trên tờ Dagens Nyheter.
Chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Thụy Điển cho rằng miễn dịch cộng đồng có thể xuất hiện vào tháng 5 (ảnh: Daily Mail)
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Daily Mail, ông Anders Tegnell cho rằng, biện pháp phong tỏa cả nước của Anh đã đi quá xa.
Anh ban đầu cũng theo đuổi chiến lược làm chậm sự lây lan của Covid-19 nhưng sau đó đã thay đổi và thực hiện nhiều biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội mạnh mẽ hơn khi phát hiện những dấu hiệu bất ổn.
Cùng với việc bày tỏ "thất vọng vì sự thay đổi đột ngột của Anh", ông Tegnell cho rằng, Thụy Điển đang làm tốt với chiến lược chống dịch đặc biệt của mình.
"Cho đến nay, những biện pháp chúng tôi thực hiện vẫn đang hoạt động tốt. Chúng tôi đang đánh bại nó (Covid-19). Chúng tôi vẫn đến nhà hàng. Chúng tôi không thể giết chết tất cả những dịch vụ", ông Tegnell cho biết.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:
- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.
- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.
- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.
- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095.
Vương Nam
Ca tử vong vượt 1.000, Thụy Điển vẫn chống dịch 'ngược chiều thế giới' Thụy Điển đã vượt qua cột mốc chết chóc với 1.000 ca tử vong vì virus corona, vượt xa những nước láng giềng sát bên. Giới chức nước này cho rằng đỉnh dịch có thể đã tới gần trong khi các nhà khoa học tiếp tục nghi vấn cách tiếp cận mềm mỏng của chính phủ. 101 người tử vong vì virus corona...