Chiến lược giúp “hình mẫu tiêm chủng của thế giới” đối phó “quái vật” Delta
Israel, quốc gia được xem là “hình mẫu tiêm chủng” của thế giới, đang triển khai chiến lược để đối phó với chủng virus Delta.
Nhiều người không cần đeo khẩu trang tại trung tâm mua sắm ở Israel (Ảnh: AFP).
Bốn tuần trước, Israel đã ăn mừng sự trở lại cuộc sống bình thường sau cuộc chiến với Covid-19.
Sau đợt tiêm chủng nhanh chóng giúp giảm thiểu ca nhiễm và tử vong do Covid-19, người Israel đã ngừng đeo khẩu trang và từ bỏ mọi quy tắc giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể Delta với khả năng lây lan nhanh hơn, cùng với đó là sự gia tăng về số ca nhiễm đã buộc Thủ tướng Israel Naftali Bennett phải thiết lập lại một số biện pháp hạn chế và xem xét lại chiến lược phòng chống Covid-19.
Với chính sách được gọi là “áp lực mềm”, chính phủ muốn người dân Israel học cách sống chung với virus. Theo đó, Israel sẽ hạn chế ít nhất có thể các rào cản chống dịch và tránh phong tỏa toàn quốc lần thứ tư vì lo ngại điều này có thể gây tổn hại thêm cho nền kinh tế.
Do hầu hết những người Israel trong nhóm nguy cơ cao đều đã được tiêm vắc xin Covid-19, Thủ tướng Bennett kỳ vọng Israel sẽ ghi nhận ít ca bệnh nặng hơn ngay cả khi số ca nhiễm tăng lên.
“Thực hiện chiến lược (sống chung với virus) sẽ kéo theo những rủi ro nhất định, nhưng xét một cách tổng thể, bao gồm cả các yếu tố kinh tế, đây là sự cân bằng cần thiết”, ông Bennett cho biết vào tuần trước.
Việc triển khai chiến lược chống dịch mới bao gồm giám sát các ca nhiễm, khuyến khích tiêm chủng, xét nghiệm nhanh và các chiến dịch tuyên truyền về việc đeo khẩu trang.
Chiến lược của Israel đã được đưa ra so sánh với kế hoạch của chính phủ Anh nhằm mở cửa nền kinh tế Anh sau phong tỏa, mặc dù Israel đang trong quá trình khôi phục một số biện pháp hạn chế trong khi London đang dỡ bỏ các biện pháp hạn chế.
Video đang HOT
Tại Israel, một số biện pháp hạn chế đã được khôi phục bao gồm việc bắt buộc đeo khẩu trang trong nhà và cách ly đối với tất cả những người nhập cảnh vào Israel. Bộ Y tế Israel thông báo, với những trường hợp trẻ em vi phạm quy tắc cách ly phòng dịch, cha mẹ có thể đối diện với khoản phạt tiền mặt lên tới 1.540 USD.
Bộ trưởng Y tế Israel Nitzan Horowitz cho biết công dân Israel di chuyển tới các quốc gia có nguy cơ Covid-19 cao cũng sẽ đối mặt với việc có thể bị phạt tiền. Ngày 16/6, Israel ban lệnh cấm những người sống ở nước này tới Argentina, Brazil, Nam Phi, Ấn Độ, Mexico và Nga trừ khi họ nhận được sự cho phép đặc biệt.
Tuy vậy, chiến lược của Thủ tướng Bennett, cũng giống như chiến lược của chính phủ Anh, đã vấp phải sự nghi ngờ của một số nhà khoa học.
Sharon Alroy-Preis, người đứng đầu bộ phận y tế cộng đồng của Bộ Y tế Israel, nói với Kan Radio hôm 11/7 rằng Bộ Y tế ủng hộ việc thúc đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh.
“Có thể sẽ không có sự gia tăng mạnh về số ca bệnh nặng nhưng cái giá phải trả của việc mắc sai lầm là điều khiến chúng tôi lo lắng”, bà Sharon cho biết.
Trong khi đó, nhiều nhà khoa học khác ủng hộ chiến lược của Thủ tướng Bennett.
“Tôi rất ủng hộ cách tiếp cận của Israel”, Tiến sĩ Nadav Davidovitch, giám đốc Trường y tế công cộng thuộc Đại học Ben Gurion của Israel, nói.
Ông Nadav cho rằng chiến lược của Israel là “con đường lý tưởng”, kết hợp giữa việc nới lỏng các biện pháp hạn chế như ở Anh và việc triển khai biện pháp cứng rắn hơn như ở Australia.
Virus “sẽ không dừng lại”
Người dân tiêm chủng tại Israel năm 2020 (Ảnh: Reuters).
Đợt phong tỏa gần đây nhất của Israel đã được triển khai vào tháng 12 năm ngoái, khoảng một tuần sau khi nước này bắt đầu chương trình tiêm chủng nhanh nhất thế giới.
Các ca mắc Covid-19 mới ở Israel hiện ở mức 450 người/ngày. Biến thể Delta, lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ, hiện chiếm khoảng 90% số ca nhiễm tại Israel. Delta cho đến đã xuất hiện ở trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và khiến tình hình dịch bệnh ở nhiều nơi trở nên nghiêm trọng.
“Chúng tôi dự đoán rằng chúng tôi sẽ không đạt đến đợt bùng phát dịch cao điểm như trước đây. Nhưng nếu chúng tôi thấy số lượng và tỷ lệ gia tăng các ca bệnh nặng gây nguy hiểm cho hệ thống y tế, chúng tôi sẽ phải thực hiện các bước tiếp theo”, Tiến sĩ Nachman Ash, quan chức Bộ Y tế Israel, cho biết vào tuần trước.
Israel là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm vắc xin đủ mũi cho người dân cao nhất thế giới. Họ được xem là “hình mẫu tiêm chủng” Covid-19 toàn cầu trong lúc nhiều nước vẫn đang chật vật tìm kiếm nguồn cung vắc xin.
Khoảng 60% trong 9,3 triệu dân Israel đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin Pfizer-BioNtech. Ngày 11/7, chính phủ Israel bắt đầu tiêm mũi thứ ba cho những người có hệ miễn dịch kém.
Tiến sĩ Ran Balicer, chủ tịch hội đồng chuyên gia của chính phủ Israel về Covid-19, cho biết trung bình Israel ghi nhận khoảng 5 ca nhiễm nghiêm trọng và một ca tử vong mỗi ngày vào tuần trước, sau 2 tuần không có trường hợp tử vong nào liên quan đến Covid-19.
Israel cho tới nay ghi nhận hơn 6.400 ca tử vong vì Covid-19 và hơn 847.000 ca nhiễm.
Đề cập tới tác động của biến thể Delta, ông Ran cho biết hội đồng chuyên gia cảnh báo nên thận trọng với việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế.
Israel vẫn chưa vội phê duyệt việc tiêm vắc xin tăng cường vì cho rằng, chưa có dữ liệu rõ ràng cho thấy biện pháp này là cần thiết. Trong trường hợp này, Israel chỉ chấp thuận tiêm cho những người có hệ thống miễn dịch yếu theo từng đối tượng cụ thể.
Các nhà chức trách Israel cũng đang xem xét cho phép trẻ em dưới 12 tuổi tiêm vắc xin trong từng trường hợp cụ thể.
Tiến sĩ Ash cho biết, chỉ “vài trăm” trong số 5,5 triệu người đã được tiêm vắc xin ở Israel bị nhiễm Covid-19.
Trước khi biến thể Delta xuất hiện, Israel ước tính 75% dân số sẽ cần được tiêm vắc xin để đạt được “miễn dịch cộng đồng” – mức độ mà dân số được miễn dịch đủ để có thể ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Ngưỡng tiêm chủng được Israel đặt ra hiện nay để đạt miễn dịch cộng đồng là 80%.
“Virus sẽ không dừng lại. Nó vẫn đang tiến triển, đó là bản chất tự nhiên của virus. Nhưng bản chất của chúng ta là tồn tại”, Tiến sĩ Gadi Segal, người đứng đầu phòng điều trị Covid-19 tại Trung tâm Y tế Sheba gần Tel Aviv, Israel, cho biết.
Việt Nam đề nghị Israel nhượng một phần vaccine Covid-19
Thủ tướng Phạm Minh Chính điện đàm với người đồng cấp Israel, mong muốn nước này ưu tiên hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nguồn vaccine Covid-19 nhanh nhất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn Việt Nam và Israel phối hợp chặt chẽ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 khi lần đầu điện đàm với Thủ tướng Israel Naftali Bennett hôm nay, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel hôm nay. Ảnh: BNG .
Trong bối cảnh biến chủng mới khiến tình hình Covid-19 ngày càng phức tạp, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn hai bên sớm kết nối, cùng hợp tác nghiên cứu, phát triển vaccine cũng như các giải pháp điều trị khác, đặc biệt ưu tiên hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nguồn vaccine và thuốc điều trị Covid-19 nhanh nhất thông qua tất cả hình thức hợp tác có thể, nhất là việc Israel tạo điều kiện chuyển nhượng lại số vaccine mà nước này đã ký với AstraZeneca và Moderna.
Hai thủ tướng nhất trí sẵn sàng hợp tác chặt chẽ để đưa quan hệ giữa hai nước ngày càng thực chất và hiệu quả, đẩy nhanh đàm phán, ký hiệp định thương mại tự do và hiệp định hợp tác lao động giữa hai nước, đặt mục tiêu cao hơn phấn đấu tăng đầu tư, thương mại hai chiều, hướng tới phục hồi bền vững sau đại dịch.
Thủ tướng Israel bày tỏ nhất trí cao với những đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đề nghị giao các bộ ngành hai nước sớm triển khai cụ thể những nội dung đã trao đổi, nhất là hợp tác trong lĩnh vực vaccine Covid-19, góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong thời gian tới.
Thủ tướng Bennett đánh giá cao thành tựu của Việt Nam trong ứng phó đại dịch Covid-19, cũng như phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại, khẳng định Israel coi trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam.
Nhân dịp này, hai Thủ tướng đã trao đổi lời mời thăm chính thức lẫn nhau hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Israel (1993-2023).
Quốc gia đầu tiên triển khai UAV tích hợp trí tuệ nhân tạo vào thực chiến Israel dường như là quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng các máy bay không người lái (UAV) có sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI) trong thực chiến. Đội UAV của Israel (Ảnh: Quân đội Israel). Walla News dẫn nguồn tin từ một chỉ huy trong quân đội Israel (IDF) được gọi Thiếu tá "Mem" cho hay, nước...