Chiến lược đâm va nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông
Trung Quốc đã chuyển từ chiến lược “cắt lát salami” chiếm dần Biển Đông sang chiến lược đâm va.
Một tàu thực thi pháp luật của Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm va, gây thiệt hại.
Sau khi tạo một “sự thật” mới bằng cách đưa một giàn khoan dầu vào vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đang nhấn mạnh tới thực tế mà nước này đang tạo ra. Đầu tiên là vào tháng trước, Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá Việt Nam.
Gần đây, Việt Nam đã công bố một đoạn video ghi lại một vụ việc khác vào ngày 1/6, khi một tàu Trung Quốc đâm một tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Việt Nam.
Khi đưa tin về vụ việc, tờ Wall Street Journal bình luận: “Vụ đâm va mới nhất… cho thấy Trung Quốc sẽ không giảm bớt các hành động tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, bất chấp sự chỉ trích mạnh từ giới chức cấp cao Úc, Nhật, Mỹ tại đối thoại Shangri-La gần đây, vốn quy tụ các bộ trưởng quốc phòng và các lãnh đạo quân đội”.
Đã đến lúc phải chấp nhận rằng điều mà Trung Quốc đang làm là một lời giải thích chính thức và đầy đủ cho chính sách của Trung Quốc. Chúng ta đã qua đi quá xa cái ngưỡng mà chế độ của Trung Quốc nên được thông cảm vì các ý kiến cho rằng Trung Quốc không phải là một khối thống nhất – một quan điểm biện minh cho việc cơ chế kiểm soát khủng hoảng của Trung Quốc bao gồm 2 nhân tố: quân đội tạo khủng hoảng và bộ ngoại giao giải quyết những chỉ trích.
Quan điểm đó giúp xóa bỏ trách nhiệm của Trung Quốc về chính sách đâm va liều lĩnh. Chúng ta hãy xem những gì Bắc Kinh nói. Trung Quốc tự nhận là một cường quốc lớn và quan trọng, nhưng những cường quốc như vậy phải có trách nhiệm với những gì mà quân đội, lực lượng bảo vệ bờ biển và các cơ quan năng lượng của họ làm trên danh nghĩa nhà nước.
Nếu Biển Đông là nồi lửa của châu Á, như chuyên gia Robert D. Kaplan – trưởng nhóm phân tích địa chính trị của Công ty phân tích thông tin toàn cầu tư nhân Stratfor – từng ví von, thì sức nóng trong nồi lửa đang gia tăng.
Video đang HOT
Cuốn sách “Asia’s Cauldron” của ông Kaplan đã ra mắt được vài tháng, cho thấy một dự đoán hoàn hảo cho những gì đã và đang xảy ra trong vài tuần qua khi Việt Nam bị tấn công.
Khi nhận định về các quốc gia châu Á, ông Kalplan viết: “Tất cả phụ thuộc vào Việt Nam”. Kalplan đã trích dẫn bình luận của một quan chức hàng đầu của Mỹ về lập trường của ASEAN: “Malaysia đang tỏ ra kín tiếng, trong khi Brunei đã giải quyết được vấn đề với Trung Quốc. Indonesia không có chính sách ngoại giao rõ ràng về vấn đề này, Philippines có ít quân bài để đánh bất chấp các tuyên bố cứng rắn của Manila, còn Singapore có khả năng nhưng lại thiếu quy mô”.
Nhưng ASEAN không thể bỏ rơi Việt Nam giống như cách khối này đã làm đối với Philippines hồi năm ngoái. Chấp nhận rằng đâm va là chính sách chính thức của Trung Quốc, được sự ủng hộ từ lãnh đạo cấp cao nhất, vậy ASEAN có thể làm gì?
ASEAN có thể thay đổi cuộc chơi
Đông Nam Á cần thay đổi cách đối phó của khối với Trung Quốc, từ bỏ chính sách không hiệu quả là cố gắng đàm phán một thỏa thuận với Bắc Kinh. Dù là cắt lát hay đâm va, Trung Quốc cũng đang tạo ra thêm “các sự thật” để tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc không muốn bất kỳ một thỏa thuận đa phương nào. Bắc Kinh cho rằng đã phạm sai lầm khi nhất trí về Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sẽ không tham gia Quy tắc ứng xử (COC).
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia Úc rất am hiểu về Biển Đông, đã chia sẻ một số quan điểm về việc làm thế nào để ASEAN có thể thay đổi cuộc chơi.
Trong một bài thuyết trình tại Hội nghị bàn tròn châu Á-Thái Bình Dương ở Kuala Lumpur, Malaysia hồi đầu tháng 6, ông Thayer nhấn mạnh rằng nỗ lực COC chỉ lãng phí công sức của ASEAN vì Trung Quốc sẽ khiến nỗ lực đó không thành hiện thực.
Tiến trình COC đã dẫn tới những chia rẽ trong ASEAN và các quốc gia đòi chủ quyền trong khối. Việc Trung Quốc khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với Biển Đông và các hành động hung hăng gần đây khi huy động các tàu quân sự được trang bị vũ khí và máy bay quân sự giờ đây là cản trở lớn đối với việc kiểm soát tình hình ở Biển Đông.
Theo giáo sư Thayer, ASEAN nên từ bỏ nỗ lực không mang lại kết quả với Trung Quốc và đàm phán một thỏa thuận trong nội bộ khối. 10 quốc gia thành viên Đông Nam Á có thể giải quyết các tranh chấp biển và lãnh thổ với nhau, dựa theo thỏa thuận giữa Indonesia và Philippines gần đây, vốn phân chia biên giới biển tại Biển Celebes và Mindanao.
Ông Thayer cho rằng một bộ quy tắc mới có thể tồn tại cạnh Tuyên bố về Khu vực Hoà bình, Tự do, Trung lập (ZOPFAN, 1971), Hiệp ước hữu nghị và hợp tác (1976), và Hiệp ước không vũ khí hạt nhân tại Đông Nam Á (1995).
Một bộ quy tắc mới cho các quy định hàng hải tại Đông Nam Á có thể tăng cường sự đoàn kết và liên kết của khối, thúc đẩy sự độc lập của khu vực và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực.
Việc khởi động tiến trình này có thể thay đổi giọng điệu của luận cứ, ít nhất là bằng cách đưa ASEAN xích lại gần nhau. Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục chính sách đâm va, nhưng sẽ vấp phải một sự phản ứng của ASEAN dựa trên thỏa thuận đoàn kết, hợp pháp và đàm phán. Đó là một phản ứng đáng gờm đối với Trung Quốc.
Theo Dantri
Trung Quốc ngang nhiên xây trường học trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 14/6 cho biết, một trường học với vốn đầu tư 5,76 triệu USD sẽ được xây dựng trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, mà Trung Quốc xâm chiếm trái phép bằng vũ lực năm 1974.
Đường băng Trung Quốc xây dựng trái phép trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
Ngôi trường sẽ được xây dựng trên diện tích 4.650 m2 trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Theo thị trưởng cái gọi là thành phố Tam Sa mà Trung Quốc thành lập trên đảo Phú Lâm cho biết, ngôi trường bao gồm một nhà trẻ, một trường tiểu học dự kiến sẽ hoàn tất trong vòng một năm rưỡi.
Hiện tại trên đảo này, Trung Quốc khẳng định có 40 trẻ em đến tuổi đi học nhưng chưa có ngôi trường nào.
Trung Quốc tuyên bố thành lập trái phép đơn vị hành chính Tam Sa tháng 7 năm 2012, sau khi đã xây dựng nhiều công trình trên hòn đảo này, bao gồm cả một đường băng, bất chấp sự phản đối của nhiều nước ASEAN trong đó có Việt Nam.
Theo tờ Daily Mail của Anh, tại thời điểm thành lập, trên hòn đảo có diện tích chưa đầy 2 km2 này chỉ có một vài cư dân là các ngư dân, số còn lại trong số khoảng 1000 người ở đây là cảnh sát, các binh sỹ quân đội và một vài viên chức.
Trên đảo có một vài công trình xây dựng được gọi là "dân sự", như một siêu thị, một bệnh viện nhưng đều trống không. Nước ngọt phải được chuyển từ đảo Hải Nam tới trên hành trình tiếp vận kéo dài 13 tiếng.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu như toàn bộ Biển Đông, phớt lờ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển, mà nước này là một bên ký kết. Bắc Kinh cũng nhiều lần tấn công các tàu cá của Việt Nam hoạt động đánh bắt bình thường trên ngư trường truyền thống quanh quần đảo Hoàng Sa
Thanh Tùng
Tổng hợp
Theo Dantri
"Nếu con nằm lại với biển, mẹ cũng hãy yên lòng!" Cứ mỗi lần xem lại tờ giấy báo tử, tập nhật ký, những bức thư...là nước mắt các mẹ lại chảy. 26 năm qua, mẹ vẫn không một lần muốn tin những đứa con thân yêu của mình đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi, chưa tìm thấy thi hài. Nước mắt mẹ vẫn chảy... Theo chân anh Trần Thiên Phụng, một...