Chiến lược của Samsung: Khi không đoán được, bạn cần phải thử hết
Tất cả những thứ Samsung muốn đó là làm ra sản phẩm mà người dùng sẽ mua. Chiến lược này là sự thừa nhận rằng khách hàng chứ không phải các công ty mới là người thông thái nhất.
Bài viết gốc của tác giả Farhad Manjoo đăng trên Slate Magazine.
Câu chuyện về những chiếc Phablet.
Trở lại năm 2011, khi Samsung lần đầu tiên giới thiệu Galaxy Note – một chiếc smartphone 5.3 inch – với kích thước đủ lớn để thành chiếc mini-tablet, hình dạng xấu xí cục mịch – các chuyên gia còn không dấu nổi tiếng cười mỉa mai dành cho nó. Một chiếc điện thoại? Một chiếc tablet? Một trò đùa?
Boy Genius Report gọi Note là “chiếc điện thoại vô dụng nhất tôi từng sử dụng”, và nói thêm “Bạn trông sẽ rất lố bịch khi dùng nó để gọi điện thoại, mọi người sẽ cười vào mặt bạn, và dĩ nhiên bạn sẽ chẳng thể cười nổi.” Gizmodo còn thêm lời: “Không chỉ thiết kế tồi tệ – nó dường như không phải được làm ra cho con người.” Tôi cũng không thể cưỡng lại niềm ham muốn ném đá lúc đó. Tuy nhiên Samsung dường như lại tin rằng khi rút từ trong túi quần ra một chiếc điện thoại lớn như Galaxy Note, các tay chơi sẽ nghĩ bạn là thần thánh.
Trớ trêu thay chính chúng tôi mới là trò đùa. Trái với dự đoán, Samsung bán được 10 triệu chiếc Note trong năm 2012, biến nó trở thành một trong những chiếc smartphone thành công nhất trong lịch sử. Sau đó, vào mùa thu, Samsung ra mắt Galaxy Note II, bản nâng cấp với màn hình lớn hơn – ngay lập tức bán được 5 triệu chiếc, và đang trên đà tới mốc 20 triệu chiếc một năm.
Thành công của Note dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng các sản phẩm sao chép, với những chiếc phablet đang trở thành kiểu smartphone hấp dẫn nhất. Trên Quartz, Christopher Mims lập luận một cách hóm hỉnh rằng: thật vô lý như vẻ bề ngoài của nó, phablet đang thành thiết bị máy tính được lựa chọn trong thế giới đang phát triển. “Nếu ngân quỹ bạn có hạn, tại sao phải sử dụng hai chu kỳ nâng cấp khác nhau với hai thiết bị khác biệt, trong khi có thể vứt hết tiền vào một thiết bị duy nhất ” ông nói. Mims tin rằng thành công của Note có thể khiến Apple cho ra đời một Phablet khác để cạnh tranh.
Tôi không chắc, nhưng tôi sẽ không bất ngờ ở điểm này. Samsung đang ở định cao của họ, và mọi đối thủ khác đều hẳn đã “ghé thăm” gian hàng rộng lớn của Samsung ở CES để theo sát người khổng lồ công nghệ của Hàn Quốc. Tuần trước, MG Siegler ở Techcrunch phong cho Samsung là “kỵ sĩ thứ năm” – kẻ duy nhất xứng đáng để đối đầu với tứ hùng Amazon, Apple, Google và Facebook đang thao túng thị trường công nghệ. Samsung giành được vị trí này một phần bởi con số thống kê đáng sợ:
Họ là công ty công nghệ lớn nhất thế giới nếu tính theo doanh thu, và trong năm 2012 , Samsung trở thành người dẫn đầu trong việc sản xuất Smartphone. Theo số liệu công ty nghiên cứu thị trường Canalys, thị phần của smartphone Samsung trong quý 3 năm vừa rồi đánh bật Apple, Sony, HTC và RIM cộng lại. Dù vẫn đi sau Apple về lợi nhuận do Apple bán iPhone ít hơn nhưng kiếm nhiều tiền hơn nhưng doanh số smartphone của Samsung đã tăng gấp đôi trong năm qua nên không sớm thì muộn họ sẽ bắt kịp Apple.
Nhưng có thứ khác đằng sau yếu tố kích thước khiến Samsung cực kỳ thành công, một ví dụ điển hình qua thành quả với Galaxy Note đó là Samsung sẵn sàng làm THỬ bất cứ thứ gì. Đúng vậy, họ sẵn sàng thử sức mọi thứ. Bằng việc làm ra hàng tá mẫu mã khác nhau trong mỗi loại sản phẩm – họ làm mọi thứ từ điện thoại tới tablet tới tủ lạnh, máy giặt – Samsung có thể cung cấp thiết bị cho mọi thị trường ngách. Miễn là thiết bị còn đạt được tiêu chuẩn chất lượng thì với ngân sách Marketing khổng lồ, Samsung chắc chắn sẽ giữ được vị thế dẫn đầu của một công ty công nghệ.
Theo Genk