Chiến hạm tỷ đô Mỹ nguy cơ thành sắt vụn
Tàu đổ bộ USS Bonhomme Richard có thể cháy suốt nhiều ngày, với chi phí khắc phục lên tới hàng trăm triệu USD, khiến việc sửa chữa không khả thi.
“Chúng tôi tin rằng ngọn lửa bùng phát từ khoang chở hàng nằm sâu trong thân tàu, nơi cất trữ trang bị khí tài của thủy quân lục chiến và mọi thứ trên tàu. USS Bonhomme Richard đang chứa hơn 3.000 tấn dầu, nhưng chúng nằm cách xa nguồn nhiệt”, chuẩn đô đốc Philip Sobeck, chỉ huy Nhóm tác chiến viễn chinh số 3 hải quân Mỹ, nói với các phóng viên hôm 12/7, đề cập tới vụ cháy nổ tàu đổ bộ tại quân cảng San Diego.
Sở cứu hỏa San Diego nhận được tin báo có cháy và tiếng nổ lớn trên tàu đổ bộ tấn công USS Bonhomme Richard vào khoảng 8h30 ngày 12/7. Video quay từ trên không tại hiện trường cho thấy con tàu dài 257 mét bị khói bao trùm, trong khi các tàu cứu hỏa tại cảng liên tục xả nước để làm mát vỏ tàu.
Hiện trường vụ cháy USS Bonhomme Richard hôm 12/7. Video: Reuters.
“Một vụ nổ đã xảy ra trong thân tàu, nhưng chúng tôi chưa xác định được nguyên nhân”, phó đô đốc Sobeck nói, thêm rằng đó có thể là hiện tượng lửa cháy ngược, xảy ra khi lượng lớn khí tràn vào môi trường thiếu oxy, khiến không khí trong khu vực cháy giãn nở đột ngột và bùng ra bên ngoài.
Giám đốc Sở cứu hỏa San Diego Colin Stowell cho biết ngọn lửa có thể cháy suốt nhiều ngày và “lan tới ngang mớn nước của tàu”.
“Hải quân Mỹ có thể mất khí tài cực kỳ quan trọng, vốn đang được nâng cấp để vận hành siêu tiêm kích F-35B, nếu không thể kiểm soát ngọn lửa. Chi phí sửa chữa có thể lên tới hàng trăm triệu USD nếu con tàu không bị phá hủy hoàn toàn, trong khi đóng tàu thay thế sẽ mất nhiều năm và tiêu tốn khoảng một tỷ USD”, Lawrence Brennan, đại tá hải quân Mỹ về hưu, nêu quan điểm.
Thời điểm đám cháy bùng phát, trên tàu có khoảng 160 thủy thủ, ít hơn rất nhiều so với thủy thủ đoàn 1.000 người khi làm nhiệm vụ. Đám cháy xảy ra trong quá trình bảo dưỡng tại quân cảng San Diego, khiến 18 thủy thủ và 4 nhà thầu dân sự bị thương, chủ yếu là do bỏng và hít phải khói.
Hai khu trục hạm neo cạnh USS Bonhomme Richard đã được di chuyển ra khu vực khác, toàn bộ các tàu trong cảng cũng được đặt trong trạng thái sẵn sàng hỗ trợ lực lượng cứu hỏa.
Khói bốc lên từ USS Bonhomme Richard hôm 12/7. Ảnh: Reuters.
USS Bonhomme Richard là chiếc thứ sáu trong lớp tàu đổ bộ tấn công Wasp, loại chiến hạm lớn thứ hai trong biên chế hải quân Mỹ, chỉ sau tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Tàu được biên chế từ năm 1998, đã tham gia một số hoạt động quân sự trong những năm qua. Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ ước tính USS Bonhomme Richard có chi phí chế tạo khoảng 761 triệu USD và đang thực hiện gói nâng cấp 250 triệu USD, khiến giá trị của nó vượt một tỷ USD.
Mississippi thay cờ bang có biểu tượng Liên minh miền Nam
Các nhà lập pháp tại thượng viện bang Mississippi nhất trí thông qua một nghị quyết nhằm loại bỏ biểu tượng Liên minh miền Nam khỏi lá cờ bang này.
Với tỷ lệ 37 phiếu thuận và 14 phiếu chống, thượng viện Mississippi hôm 28/6 đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết nhằm loại bỏ biểu tượng Liên minh miền Nam khỏi cờ của bang này.
Trước đó cùng ngày, nghị quyết đã được hạ viện bang thông qua với 91 phiếu thuận, 23 phiếu chống. Cơ quan này cũng kêu gọi một ủy ban gồm 9 thành viên sẽ thiết kế ra lá cờ mới của bang Mississippi, không sử dụng biểu tượng Liên minh miền Nam.
"Đó là một bước tiến lớn, tuy nhiên, chúng ta vẫn đang trong hành trình khám phá những gì Chúa trời ban cho nhân loại và giá trị bản thân", thượng nghị sĩ Dân chủ John Horn nói, đồng thời cho rằng, việc thay đổi lá cờ của bang sẽ không làm thay đổi quá khứ về phân biệt chủng tộc.
Cờ bang Mississippi tại trụ sở cơ quan lập pháp ở thành phố Jackson, hôm 25/6. Ảnh: AP.
Năm 1861, Abraham Lincoln, thành viên đảng Cộng hòa, đắc cử tổng thống và muốn xóa bỏ chế độ nô lệ ở Mỹ. Bảy bang miền nam phản đối chính sách này và tuyên bố ly khai chính phủ liên bang, thành lập chính phủ riêng do Jefferson Davis làm tổng thống, hay còn gọi là Liên minh miền Nam.
Chính quyền Abraham Lincoln và quốc tế không công nhận chính phủ này. Khi nội chiến Mỹ bùng nổ, thêm 4 bang khác gia nhập phe miền nam chống lại Liên bang miền Bắc. Chính phủ Liên minh miền Nam tan rã sau khi hai đại tướng Robert E. Lee và Joseph Johnston đầu hàng quân miền Bắc tháng 4/1865.
Mississippi xem xét loại bỏ biểu tượng của Liên minh miền Nam khỏi cờ bang sau cái chết của người da màu George Floyd, bị cảnh sát ghì gáy dẫn đến tử vong ở Minneapolis, bang Minnesota, hôm 25/5. Cái chết của Floyd đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc và đòi công lý cho người da màu trên khắp nước Mỹ, lan sang nhiều nước trên thế giới.
Quân đội Mỹ cũng đang quay lưng với các biểu tượng của Liên minh miền Nam. Tham mưu trưởng hải quân, Đô đốc Michael M. Gilday, hôm 9/6 cho biết ông đang chỉ đạo nhân viên soạn thảo lệnh cấm cờ chiến đấu của Liên minh miền Nam khỏi tất cả các khu vực công cộng và nơi làm việc trên tàu, máy bay và căn cứ của Hải quân. Thủy quân lục chiến cũng ban hành lệnh tương tự.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi còn gửi thư tới một ủy ban chuyên trách, kêu gọi dỡ bỏ tượng chiến sĩ Liên minh miền Nam khỏi tòa nhà quốc hội nước này. Cờ hiện nay của Mississippi được sử dụng từ năm 1894, có ba màu đỏ, trắng, xanh dương, cùng với biểu tượng của Liên minh miền Nam ở góc trái. Đây là bang cuối cùng ở Mỹ còn sử dụng cờ có biểu tượng này.
Đài Loan đưa quân tới đảo tranh chấp với Trung Quốc Thủy quân lục chiến Đài Loan triển khai binh sĩ tới quần đảo Đông Sa, khi có tin Trung Quốc đại lục sắp tập trận trong khu vực. Các binh sĩ thủy quân lục chiến Đài Loan đang được triển khai tới quần đảo Đông Sa trong thời gian ngắn để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, một quan chức thuộc lực lượng...