Chiến hạm tàng hình Gepard trầy trụa sau đợt thử nghiệm vũ khí trên biển
Tàu hộ vệ tên lửa Gepard số hiệu 487 trở về quân cảng Novorossiysk, Nga trong tình trạng bong tróc sơn nhiều chỗ sau khi hoàn tất cuộc thử nghiệm vũ khí trên Biển Đen.
Tàu hộ vệ tàng hình Đề án 1166.1E (lớp Gepard 3.9) mang số hiệu 487 hồi cuối tháng 2 trở về quân cảng Novorossiysk, tây nam nước Nga, sau hai tuần thử nghiệm hệ thống tác chiến và vũ khí trên Biển Đen, theo Livejournal.
Khi trở về cảng, chiếc 487 được hai tàu kéo lai dắt vào cầu tàu số 33 để neo đậu và kiểm tra. Có thể thấy rõ các vết bẩn và phần sơn tạm bị tróc do chuyến thử nghiệm gây ra.
Cây bút Code Barmaley cho biết nhà sản xuất sẽ phủ lớp sơn tàng hình và sơn bảo vệ sau khi thử nghiệm hoàn tất, bảo đảm khả năng hấp thụ sóng radar và thẩm mỹ cho tàu.
Tàu 487 đã trải qua giai đoạn khử từ vào đầu tháng 12 năm ngoái, trong khi chiếc 486 cùng lớp thực hiện một chuyến hành trình dài ngày để kiểm tra hệ thống động lực trên tàu.
Chiếc 487 được neo cạnh tàu tuần dương hạng nặng Mikhail Kutuzov, chiếc cuối cùng thuộc lớp tuần dương hạm Sverdlov và đóng vai trò tàu bảo tàng tại quân cảng Novorossiysk.
Video đang HOT
Tàu Gepard 3.9 có chiều dài 102 m và giãn nước 2.100 tấn, nhưng sở hữu hỏa lực áp đảo “người khổng lồ” Mikhail Kutuzov, vốn dài tới 210 m và có giãn nước đầy tải 16.000 tấn.
Vũ khí chính của Gepard 3.9 là 8 tên lửa chống hạm 3M24E với tầm bắn 130 km, một pháo hải quân AK-176MA cỡ nòng 76,2 mm, một tổ hợp pháo – tên lửa phòng không Palma, hai hệ thống pháo tầm cực gần AK-630M, ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm.
Tàu 487 được tạm thời neo giữa tuần dương hạm Kutuzov và một tàu tuần tra tại cảng Novorossiysk.
Đề án 1166.1E (Gepard 3.9) là lớp tàu hộ vệ tên lửa do Nga thiết kế chế tạo. Tàu dài 102 m, rộng 13,1 m, giãn nước 2.100 tấn. Tàu có thiết kế tàng hình, bao gồm phần thượng tầng nhiều góc cạnh và được phủ sơn hấp thụ sóng radar. Gepard 3.9 có tốc độ tối đa 28 hải lý/giờ, tầm hoạt động liên tục 7.000 km.
Cách đây hai tháng, tàu Gepard 3.9 từng xả khói phủ kín một nửa quân cảng này. Nguyên nhân được cho là động cơ diesel – tua bin khí trang bị trên tàu thường tạo ra rất nhiều khói trắng trong quá trình khởi động. Khi động cơ đã chạy ổn định, khí thải của tàu sẽ trở thành không màu.
Tàu Gepard sử dụng hệ thống đẩy theo thiết kế “kết hợp tua bin khí hoặc diesel” (CODOG) của Ukraine. Ưu điểm của CODOG là cho phép tàu đạt tốc độ tối đa cao hơn nhiều so với tốc độ hành trình, đồng thời đơn giản hóa về mặt thiết kế. Nhược điểm chính của nó là tiêu tốn nhiên liệu khi chạy hết tốc lực nếu so với các thiết kế phức tạp hơn.
Chiếc 487 được quấn nhiều vòng cáp điện để khử từ hồi tháng 12 năm ngoái, nhằm loại trừ từ tính của thân tàu, tránh kích nổ các loại vũ khí cảm ứng từ như ngư lôi hay thủy lôi.
Nga đang vận hành hai tàu Đề án 1166.1K là Tatarstan (691) và Dagestan (693). Việt Nam đã đặt mua 4 tàu hộ vệ lớp này, gồm hai chiếc thuộc Đề án 1166.1E là Đinh Tiên Hoàng (011) và Lý Thái Tổ (012) đã đưa vào biên chế Hải quân Nhân dân Việt Nam, cùng cặp tàu Gepard đang thử nghiệm tại Nga.
Tử Quỳnh
Ảnh: Livejournal
Theo VNE
SIPRI: Việt Nam xếp hạng 10 về nhập khẩu vũ khí
Hoạt động mua bán vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2012 - 2016 đã đạt đến mức chưa từng có kể từ thời Chiến tranh Lạnh, do nhu cầu mạnh mẽ từ châu Á và Trung Đông.
Cẩu dàn phóng tên lửa đối hạm lên tàu M6, tàu tên lửa tấn công nhanh (lớp tàu thiết kế 12418, còn gọi là Molniya, Việt Nam tự đóng theo giấy phép của Nga) trước khi ra biển nghiệm thu bắn đạn thật DUY KHÁNH
Lượng giao dịch vũ khí đã tăng 8,4% trên toàn cầu khi so sánh với giai đoạn 5 năm trước đó, từ 2007 - 2011, theo báo cáo mới của Viện Nghiên cứu Hòa bình Thế giới Stockholm (SIPRI, Thụy Điển) công bố ngày 20.2.
Mỹ và Nga vẫn chễm chệ ở vị trí nhà cung cấp số 1 và số 2 thế giới trong khoản vũ khí hạng nặng, lần lượt bán được 33% và 23% trên tổng lượng vũ khí toàn cầu. Gần phân nửa lượng vũ khí xuất khẩu của Mỹ là sang thị trường Trung Đông, còn đa số khách hàng của Nga là ở châu Á.
Xếp ngay sau đó lần lượt là Trung Quốc (6,2%), Pháp (6%) và Đức (5,6%). Trong đó, Trung Quốc đã gia tăng sản lượng xuất khẩu lên hơn 70% so với giai đoạn 5 năm trước, còn Pháp và Đức đều sụt giảm doanh thu.
Các quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á, châu Đại Dương chiếm 43% trong tổng sản lượng nhập khẩu vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2012 - 2016.
Chỉ tính riêng Ấn Độ đã mua đến 13% số vũ khí, tăng 43% so với 5 năm trước đó, nên nước này đứng số 1 trong danh sách mua vũ khí toàn cầu của SIPRI.
Trong khi đó, châu Á tiếp tục chứng kiến lượng lớn vũ khí đổ về cuồn cuộn, theo Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu kỳ cựu của Chương trình Chi tiêu Vũ khí và Quân đội SIPRI.
Trung Quốc là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ 2 sau Nga ở thị trường béo bở này.
Tại Đông Nam Á, Việt Nam nhảy từ hạng 29 trong giai đoạn 2007 - 2011 lên hạng 10 trong giai đoạn 2012 - 2016 về mua sắm vũ khí, chiếm 3% tổng số lượng nhập khẩu vũ khí toàn cầu.
Tàu Gepard 3.9 số hiệu tạm 486 của Hải quân Việt Nam thử nghiệm cấp nhà nước trên Biển Đen, gần Novorossiysk (Nga), ngày 17.2.2017 EVGENYI/SHIPSPOTTING
Ở Trung Đông, nơi nhu cầu tăng cường kho vũ khí cho quân đội tăng 86%, đạt 29% trong tổng số giá trị đơn hàng nhập khẩu. Đa số vũ khí của khu vực này mua từ Mỹ và Pháp.
Ả Rập Xê Út đứng thứ 2 trong danh sách mua vũ khí, chỉ sau Ấn Độ, với sức mua tăng 212% so với cùng kỳ 5 năm trước. Kế đến là Qatar, tăng nhập khẩu vũ khí lên 245%.
"Dù giá dầu thấp, các nước trong khu vực tiếp tục đặt mua nhiều vũ khí hơn vào năm 2016, xem đây là công cụ quan trọng để đối phó các cuộc xung đột và căng thẳng trong khu vực", theo trưởng nghiên cứu Pieter Wezeman của SIPRI.
(Theo Thanh Niên)
Sputnik: Tàu nổi Việt Nam có thể trang bị Yakhont hoặc Kalibr Các chuyên gia Nga tiếp tục khẳng định, các tàu mặt nước của Hải quân Việt Nam có thể được nâng cấp để sử dụng tên lửa hành trình Kalibr hoặc Yakhont. Ngày 13/11, hãng thông tấn Nga Sputnik có bài viết thứ 2 trong vòng 2 ngày về hợp tác quân sự Việt - Nga, trong đó nhấn mạnh đến các loại...