Chiến hạm Mỹ, Nhật diễn tập ở Biển Đông
Tàu tác chiến ven biển Mỹ hội quân cùng hai tàu huấn luyện Nhật Bản để cùng diễn tập tại một khu vực không được tiết lộ trên Biển Đông.
Quân đội Mỹ ngày 23/6 công bố hình ảnh cho thấy tàu tác chiến ven biển USS Gabrielle Giffords gặp tàu huấn luyện JS Kashima và JS Shimayuki của lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) để tiến hành cuộc diễn tập chung trên Biển Đông, song không nêu vị trí cụ thể.
“Cơ hội hợp tác cùng bạn bè và đồng minh trên biển đặc biệt quan trọng với khả năng sẵn sàng chiến đấu và quan hệ của chúng tôi. Thực hiện các kỹ năng hàng hải phức tạp với JMSDF cho phép hai lực lượng xây dựng khả năng tương tác và sẵn sàng chiến đấu của chúng tôi khi duy trì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, chuẩn đô đốc Fred Kacher, chỉ huy Nhóm Tấn công Viễn chinh số 7 của Mỹ, cho biết trong thông cáo.
Các chiến hạm của Mỹ và Nhật Bản triển khai huấn luyện khoa mục liên lạc song phương, chiến thuật chia tách, cơ động chính xác và chụp ảnh. Cuộc diễn tập giúp tăng khả năng tương tác giữa hai lực lượng, cho phép thủy thủ đoàn trên các tàu thực hành giao tiếp và phối hợp khi hoạt động cùng nhau.
Tàu tác chiến ven biển USS Gabrielle Giffords (ngoài cùng, bên phải), tàu huấn luyện JS Kashima (giữa) và JS Shimayuki (ngoài cùng, bên trái) diễn tập tại Biển Đông, ngày 23/6. Ảnh: US Navy.
Hải quân Mỹ cho biết tàu Gabrielle Giffords được triển khai tới vùng hoạt động của Hạm đội 7 để “hỗ trợ an ninh và ổn định tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
Trước đó, Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ cho biết ba tàu sân bay nước này đang hoạt động ở khu vực Biển Philippines, sát Biển Đông. Hiện chưa rõ vị trí cụ thể của ba nhóm tàu sân bay Mỹ trên Biển Philippines và liệu chúng có cùng tiến vào Biển Đông hay không.
Quân đội Mỹ gần đây chật vật đối phó với Covid-19 để duy trì hiện diện quân sự ở tây Thái Bình Dương nhằm trấn an đồng minh và ngăn Trung Quốc lợi dụng tình hình đại dịch để gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.
Cấp cao ASEAN sẽ bàn diễn biến mới ở Biển Đông Trung Quốc hé lộ binh lực Mỹ ở châu Á Ba tàu sân bay Mỹ xuất hiện ở cửa ngõ Biển Đông Báo Trung Quốc dọa ‘đáp trả’ ba tàu sân bay Mỹ Chuyên gia: Trung Quốc không còn ‘bọc nhung nắm đấm’ ở Biển Đông
Chuyên gia: Trung Quốc không còn 'bọc nhung nắm đấm' ở Biển Đông
Trung Quốc đang gia tăng áp lực, gây nguy cơ xung đột trên Biển Đông trong khi "nắm đấm ngoại giao của họ không còn bọc nhung", theo giới chuyên gia.
Tàu thăm dò Địa chất Hải dương 8 của Trung Quốc hồi tháng 4 tới khu vực phía nam Biển Đông khảo sát, gần vị trí hoạt động của tàu khoan West Capella do công ty dầu khí Petronas của Malaysia thuê. Ba nguồn tin an ninh cho biết Địa chất Hải dương 8 đã bám theo West Capella, tàu Trung Quốc có lúc được 10 tàu hộ tống gồm các tàu hải cảnh và lực lượng dân binh.
Video đang HOT
Dữ liệu định vị trong một tháng cho thấy con tàu di chuyển theo dạng đan chéo, kiểu di chuyển khi thực hiện hoạt động khảo sát, giống lần xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam ở phía nam Biển Đông năm ngoái.
Malaysia điều tàu hải quân hộ tống West Capella, trong khi hải quân Mỹ hôm 21/4 triển khai tàu đổ bộ tấn công USS America cùng tuần dương hạm USS Bunker Hill di chuyển gần Địa chất Hải dương 8.
Tàu chiến USS Gabrielle Giffords di chuyển gần tàu West Capella hôm 12/5. Ảnh: US Navy.
Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) có trụ sở tại Mỹ cho biết căng thẳng giữa Bắc Kinh và Kuala Lumpur đã diễn ra trong nhiều tháng, trong đó West Capella thường xuyên bị các tàu Trung Quốc quấy nhiễu. Tuy nhiên, Trung Quốc phủ nhận cáo buộc, nói rằng tàu Địa chất Hải dương 8 đang tiến hành "các hoạt động thông thường".
Bắc Kinh gần đây thực hiện hàng loạt hoạt động gây hấn ở Biển Đông trong bối cảnh các nước tập trung đối phó với Covid-19. Giới chuyên gia cho rằng những chiến thuật ngày càng hung hăng của Trung Quốc có thể gây nguy cơ xung đột với các nước trong khu vực như Malaysia và Indonesia.
Giám đốc AMTI Greg Polling cho biết tàu Trung Quốc đang mở rộng tầm hoạt động trong khu vực nhờ các đảo nhân tạo mà nước này chiếm đóng và cải tạo trái phép trên Biển Đông. "Đảo nhân tạo đã trở thành căn cứ tiền phương cho tàu Trung Quốc, biến Malaysia và Indonesia thành những quốc gia ở tiền tuyến. Luôn có trên 10 tàu hải cảnh và khoảng 100 tàu cá hoạt động ở gần quần đảo Trường Sa, sẵn sàng xuất phát khi có lệnh", Polling cho hay.
Biển Đông hiện là một trong những khu vực tranh chấp nóng nhất thế giới, trong đó Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền phi lý bao trùm gần như toàn bộ khu vực từ đảo Hải Nam tới gần lãnh hải Indonesia. Tuyên bố này không có cơ sở pháp lý và bị tòa án quốc tế bác bỏ hồi năm 2016.
Bất chấp điều này, chính phủ Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh tham vọng bằng cách cải tạo trái phép các thực thể bị nước này chiếm đóng trái phép ở Biển Đông, sau đó quân sự hóa chúng bằng cách triển khai nhiều hệ thống cảnh giới và máy bay các loại.
"Những đảo nhân tạo đó được trang bị đầy đủ hệ thống radar và trinh sát, cho phép họ theo dõi mọi biến động ở Biển Đông. Trước kia, Trung Quốc không thể biết các bạn đang khoan thăm dò ở đâu. Giờ đây họ chắc chắn nắm được thông tin đó", Polling nói, thêm rằng Bắc Kinh cũng xây dựng đội tàu hải cảnh và tàu cá lớn để gây hấn với các nước láng giềng, cũng như hiện diện tại những khu vực nhạy cảm.
Cuộc đối đầu với tàu khoan Malaysia không phải hành động gây hấn đầu tiên của Trung Quốc trong năm nay. Đây được coi là một phần trong chiến lược "vùng xám" của Trung Quốc nhằm lợi dụng lực lượng tàu cá, dân quân biển củng cố yêu sách chủ quyền phi lý của Biển Đông.
Indonesia hôm 30/12/2019 thông báo khoảng 50 tàu cá Trung Quốc dưới sự bảo vệ của hai tàu hải cảnh cỡ lớn đã xâm nhập, hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia ngoài khơi quần đảo Natuna ở nam Biển Đông. Hai bên triển khai lực lượng đối đầu, nhưng không xảy ra xung đột.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đến thăm đến quần đảo Natuna và lên tàu chiến KRI Usman Harun tại căn cứ hải quân Lampa Strait hôm 8/1. Ngay sau đó, hải quân Indonesia đưa 8 chiến hạm đến quần đảo Natuna để "tuần tra và cứu nạn". Không quân Indonesia cũng triển khai tiêm kích F-16 đến quần đảo Natuna để "tuần tra thường nhật".
Tàu chiến Indonesia chạm mặt tàu hải cảnh Trung Quốc (màu trắng) ở bắc quần đảo Natuna hôm 12/1. Ảnh: Reuters.
Hôm 2/4, tàu cá QNg 90617 TS và 8 ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại khu vực đảo Phú Lâm, vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm. Khi nhận tin báo, ba tàu cá khác của ngư dân Việt Nam cùng đến ứng cứu nhưng bị phía Trung Quốc truy đuổi. Hai tàu bị bắt, lai dắt vào đảo Phú Lâm và được thả cùng 8 ngư dân trên tàu QNg 90617 TS vào tối 2/4.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc bồi thường, đồng thời nhắc lại Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trung Quốc từ lâu đã quấy rối tàu của các nước trên Biển Đông, chủ yếu là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia. Trong quá khứ, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã giúp giải tỏa căng thẳng giữa các bên, nhưng giới chuyên gia cho rằng đại dịch Covid-19 và chiến lược ngoại giao "chiến lang" của Bắc Kinh đã loại bỏ mọi cầu nối trong quan hệ với láng giềng khu vực.
"Điều thay đổi là nắm đấm ngoại giao của họ không còn bọc nhung. Mọi tuyên bố đều rất hung hăng và không giúp ích gì", Polling nói, nhận định hành động gây hấn ngày càng tăng của Trung Quốc bắt nguồn một phần từ tình hình Covid-19, vốn gây thiệt hại nặng cho nền kinh tế đang phát triển và uy tín quốc tế của Bắc Kinh.
Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp quốc hội thường niên ở Bắc Kinh hôm 22/5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết thay vì đặt mục tiêu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) như những năm trước, nước này sẽ ưu tiên ổn định việc làm và đảm bảo mức sống sau Covid-19. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc không đặt mục tiêu GDP kể từ khi bắt đầu công bố những mục tiêu như vậy năm 1990.
Cùng lúc đó, căng thẳng giữa Bắc Kinh với Washington và châu Âu cũng leo thang, xoay quanh vai trò của Trung Quốc trong kiểm soát đại dịch khiến hơn 400.000 người chết. Lo ngại vai trò quyền lực đang suy giảm có thể thúc đẩy Bắc Kinh gia tăng những phát biểu cứng rắn và chủ nghĩa dân tộc, trong đó có tham vọng kiểm soát Biển Đông.
"Trung Quốc muốn các nước Đông Nam Á thấy rằng sức mạnh quân sự và cam kết của Mỹ với khu vực đang suy giảm. Họ cũng muốn thể hiện rằng vấn đề kinh tế sẽ không ảnh hưởng tới chính sách Biển Đông", Ian Storey, nhà nghiên cứu tại Viện ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore, nêu quan điểm.
Malaysia và Indonesia vẫn tránh để vấn đề Biển Đông quyết định quan hệ với Trung Quốc, nhưng các động thái của Bắc Kinh gần đây có thể buộc họ chấm dứt giai đoạn ngoại giao thầm lặng. "Mức độ hung hăng nào sẽ buộc họ không thể phớt lờ? Liệu bao giờ họ mới lên tiếng phản đối giống như Việt Nam và Philippines suốt những năm qua", Polling nói.
Đây dường như là thời điểm để các nước Đông Nam Á kết hợp nhằm đối phó hoạt động của Trung Quốc, nhưng các vấn đề kinh tế xã hội, cũng như đối phó Covid-19 khiến ASEAN gặp khó khăn.
Kuala Lumpur luôn tìm cách cân bằng giữa lợi ích trong quan hệ thân thiết với Bắc Kinh và chính sách đối ngoại độc lập. Đó là lý do các cuộc đối đầu với tàu Trung Quốc trong vùng biển Malaysia thường được giữ kín trên truyền thông, theo giám đốc AMTI.
Chiến hạm Indonesia (trái) và tàu hải cảnh Trung Quốc gần quần đảo Natuna hồi năm 2016. Ảnh: Reuters.
Tàu chiến Indonesia hồi năm 2016 từng bắn cảnh cáo làm ngư dân Trung Quốc bị thương, gây ra sự cố ngoại giao giữa hai nước. Lực lượng chức năng Indonesia đã rút kinh nghiệm và ưu tiên giải quyết tình hình ngoài khơi Natuna đầu năm nay bằng biện pháp ngoại giao hòa bình. Jakarta coi đối phó một cách quyết liệt và tương xứng là chìa khóa để giải quyết vấn đề.
Nhiều khả năng điều này sẽ không thay đổi được tham vọng của Trung Quốc. "Bắc Kinh tin rằng họ có thể làm xói mòn sự phản đối từ Jakarta, khiến Indonesia dần nhận ra rằng họ không có lựa chọn nào ngoài chấp nhận sự hiện diện của Trung Quốc, cũng giống như Malaysia trước đó", nhà nghiên cứ Felix Chang của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại tại Mỹ nhận định.
Dù vậy, chính phủ Trung Quốc cũng đối mặt với nhiều nguy cơ. Mỹ đã tăng cường hoạt động tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông, với số lần hiện diện trong 5 tháng đầu năm 2020 bằng một nửa nhiệm vụ trong cả năm 2019. Tàu tác chiến ven biển USS Gabrielle Giffords của Mỹ hôm 12/5 cũng xuất hiện gần tàu khoan West Capella.
"Mỹ ủng hộ nỗ lực theo đuổi lợi ích kinh tế hợp pháp của các đồng minh và đối tác", phó đô đốc Bill Merz, tư lệnh Hạm đội 7 hải quân Mỹ, cho biết.
James Holmes, giáo sư tại Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Mỹ, cho biết nhiều nước có thể ngả về Washington nếu Bắc Kinh tiếp tục gây hấn trên Biển Đông.
"Tôi nghĩ Trung Quốc đã đánh giá quá cao bản thân khi uy hiếp các nước láng giềng và thể hiện sự hung hăng quá mức. Bắc Kinh càng chèn ép thì họ càng dễ đoàn kết để chống lại tham vọng của Trung Quốc", ông nói trong một buổi diễn thuyết hồi tháng 5.
Mọi động thái chống lại sẽ khiến Trung Quốc chịu thiệt hại kinh tế. Nước này có quan hệ thương mại chặt chẽ với Philippines, Malaysia và Indonesia, cũng như cần họ để thực hiện những mục tiêu quốc tế như sáng kiến Vành đai và Con đường.
"Tôi nghĩ đã có nhiều lo ngại trong khu vực về việc Trung Quốc lợi dụng Covid-19 để thực hiện yêu sách chủ quyền phi lý trên Biển Đông. Họ sẽ không muốn phá hủy hoàn toàn quan hệ với Đông Nam Á bằng cách chèn ép quá mức", Storey cảnh báo.
Chiến hạm Mỹ áp sát Hoàng Sa Tàu khu trục USS Mustin tuần tra tự do hàng hải gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. "Hôm 28/5, tàu USS Mustin đã thực thi quyền tự do hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế", đại úy Anthony Junco, phát ngôn viên Hạm đội 7...