Chiến hạm Mỹ có thể thử thách cam kết của ông Tập ở Biển Đông
Kế hoạch điều tàu chiến vào sát đảo nhân tạo Trung Quốc xây ở Biển Đông sẽ thử thách tuyên bố không quân sự hóa mà ông Tập đưa ra trong chuyến thăm Mỹ.
Tàu chiến đấu ven biển USS Fort Worth hồi tháng 5 thực hiện một đợt tuần tra kéo dài một tuần trên Biển Đông. USS Fort Worth bị tàu chiến Trung Quốc bám theo và dõi chặt chẽ khi thực hiện hoạt động. Ảnh: US Navy
NYTimes hôm nay dẫn lời các quan chức châu Á và Mỹ cho biết Washington đã thông báo kế hoạch triển khai tàu chiến vào trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Orville Schell, giám đốc Trung tâm nghiên cứu quan hệ Mỹ – Trung, đánh giá rằng chính quyền Obama đang mất kiên nhẫn đối với hành vi “hung hăng và đôi khi còn hiếu chiến” của Trung Quốc.
“Tôi nghĩ rằng Washington đang ở điểm bùng phát với cả Trung Quốc và ông Tập”, Schell nói. “Họ chắc chắn đang xem xét đưa ra lập trường cứng rắn hơn rất nhiều”.
Thử thách cam kết
Theo WSJ , việc Mỹ quyết tâm tuần tra gần đảo nhân tạo sẽ thử thách cam kết hồi tháng 9 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh không có ý định “quân sự hóa” các đảo này – tuyên bố đã làm giới chức Mỹ bất ngờ.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra cam kết trong cuộc họp báo với Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng, tuy nhiên, ông không nói rõ cam kết đó sẽ tác động như thế nào đến hoạt động của Trung Quốc trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Nếu mục tiêu của ông Tập khi đưa ra tuyên bố đó là ngăn chặn Mỹ tiến hành tuần tra gần sát đảo nhân tạo, thì ông dường như đã không thành công.
Một quan chức Mỹ khẳng định rằng chính quyền Obama đã quyết định tiến hành tuần tra nhưng chưa rõ việc này sẽ diễn ra khi nào và ở đâu. “Đây chỉ còn là vấn đề thời gian”, quan chức này nói. Một quan chức Mỹ khác nói rằng hoạt động có thể diễn ra trong vài ngày tới.
Video đang HOT
Loại tàu mà Mỹ triển khai sẽ cho thấy nước này muốn đưa ra tuyên bố mạnh mẽ đến nhường nào, ông James Hardy, biên tập viên châu Á – Thái Bình Dương của tạp chí quốc phòng IHS Jane’s nhận định.
Mỹ từng dùng tàu chiến ven biển để tiến hành các cuộc tuần tra như vậy. Mỹ cũng có thể điều một tàu khu trục lớp Arleigh Burke, kèm theo một vài tàu nhỏ, để phát đi thông điệp cứng rắn hơn, ông suy đoán.
Cái cớ
Trung Quốc có thể phản ứng trước hoạt động tuần tra này bằng cách hạn chế kế hoạch phát triển đảo nhân tạo, hoặc có thể lấy chính việc tuần tra của Mỹ làm cái cớ để nói rằng Mỹ đã có hành vi khiêu khích, nên Bắc Kinh không cần thực hiện cam kết không quân sự hóa.
Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã sẵn sàng tiến hành “hoạt động khẳng định tự do hàng hải” (Fonop) quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc trong nhiều tháng, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nêu lên phương án này hồi đầu năm. Quyết định bắt đầu tuần tra dường như bị trì hoãn để tránh làm ảnh hưởng đến cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Trung hồi tháng 9, các nguồn thạo tin cho biết.
“Hoạt động Fonop của Mỹ sẽ cho Trung Quốc cơ hội để tố rằng Mỹ mới là quốc gia ‘quân sự hóa’ Biển Đông. Trung Quốc có thể lấy Fonop làm cái cớ để tiếp tục quân sự hóa hoặc tiếp tục phát triển các thực thể mà nước này chiếm đóng”, Taylor Fravel, chuyên gia về quân đội Trung Quốc tại Viện Công nghệ Massachusetts, đánh giá.
Ông Tập không đưa ra cam kết không quân sự hóa các đảo nhân tạo trong cuộc gặp riêng với ông Obama, theo những người biết nội dung cuộc họp. Các quan chức Mỹ cũng không có thời gian ngay sau buổi họp báo để làm rõ với đối tác Trung Quốc rằng, “quân sự hóa” theo cách hiểu của họ thực sự là gì.
Các quan chức Mỹ, những người luôn muốn đối tác Bắc Kinh giải thích rõ, không nghĩ rằng ông Tập nói nhầm. Nhưng tuyên bố bất ngờ về một trong những vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ Mỹ – Trung cho thấy phong cách lãnh đạo tập trung nhiều quyền lực ở cấp trên của ông Tập có thể gây ra sự mập mờ.
Phát ngôn viên Nhà Trắng từ chối bình luận về phát biểu của ông Tập nhưng nhắc đến tuyên bố của Tổng thống Obama tại cuộc họp báo chung rằng “Mỹ sẽ tiếp tục điều tàu, máy bay và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà pháp luật quốc tế cho phép”.
Tác động
Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes IV F., chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc gia Philippines hoan nghênh kế hoạch tuần tra của Mỹ. “Việc này khá nguy hiểm, nhưng ngay bây giờ, chúng ta cần phải biết Trung Quốc sẵn sàng bảo vệ các đảo nhân tạo đó đến mức nào”, ông nói.
Trillanes cho biết ông không lo ngại rằng động thái như vậy có thể làm tăng khả năng xung đột trong khu vực. “Mỹ đã tính toán rồi. Họ sẽ không làm điều này nếu căng thẳng leo thang cao hơn so với những gì họ dự đoán”, ông nói.
“Ảnh hưởng của điều này sẽ là gì? Tôi không biết. Tôi nghĩ mọi người đều nhất trí rằng chúng ta phải tìm được cách để hòa hợp với Trung Quốc. Nhưng Washington có thể đang đặt câu hỏi là nếu cứ mềm mỏng và tiến hành những cuộc đối thoại bất tận thì liệu có đạt được kết quả gì không”, ông Schell nói.
Chuyên gia về Trung Quốc Bill Bishop viết rằng việc các báo như Navy Times, Financial Times và New York Times dẫn lời các quan chức thông báo kế hoạch trước khi chính quyền Mỹ chính thức tuyên bố là một “chiến dịch có phối hợp” để đưa thông tin này ra. Mỹ sẽ giống như “một con hổ giấy” nếu kế hoạch này không được triển khai.
“Khó để tưởng tượng việc tuần tra sẽ có kết quả tốt đẹp, nhưng nếu Mỹ nhượng bộ, thì điều đó sẽ làm hỏng uy tín của Mỹ ở châu Á. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ coi đây là bằng chứng cho thấy sức mạnh của Mỹ đang giảm, vô hình trung trở thành động lực để Bắc Kinh tăng cường thách thức Mỹ ở khu vực”.
Phương Vũ
Theo VNE
Sự mập mờ trong thỏa thuận tránh chạm trán quân sự Mỹ - Trung
Mỹ và Trung Quốc có thể có cách nhìn nhận khác nhau về phạm vi áp dụng thỏa thuận tại vùng tranh chấp ở Biển Đông.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 25/9. Ảnh: Reuters
Mỹ và Trung Quốc hôm 25/9 đạt được thỏa thuận liên quan đến chạm trán trên không và trên biển, tuy nhiên, các quan chức quốc phòng Mỹ thừa nhận thỏa thuận chủ yếu đặt ra các "biện pháp xây dựng niềm tin" và vẫn chưa rõ nó sẽ được áp dụng thế nào đối với khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Năm ngoái, Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí thiết lập quy tắc ứng xử đối với các vụ đối đầu trên biển và trên không, nhằm tránh hiểu lầm và tai nạn. Phần nội dung về đối đầu trên biển được hoàn tất từ năm trước, nhưng phần nội dung về đối đầu trên không đến hôm 25/9 mới được hoàn thành. Các quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng lý do trì hoãn phần này vì có ít tiền lệ quốc tế về thỏa thuận như vậy.
Theo thỏa thuận mới, máy bay quân sự của hai nước nếu chạm trán thì phải tuân thủ các quy tắc quốc tế và "bảo đảm an toàn hàng không thông qua kỹ năng lái máy bay chuyên nghiệp, trong đó có việc sử dụng thiết bị liên lạc hợp lý".
Nguyên tắc là nếu một máy bay quân sự của nước này phát tín hiệu liên lạc, thì máy bay quân sự nước kia phải trả lời, nếu sứ mệnh cho phép. Quy tắc cũng yêu cầu các phi công phải tự xưng danh, thông báo nơi họ đang bay đến và động tác bay họ sẽ thực hiện.
Chiến đấu cơ Trung Quốc và máy bay trinh sát Mỹ đã có nhiều lần đối đầu ở châu Á - Thái Bình Dương. Sự cố gần đây nhất xảy ra hôm 15/9, khi hai chiến đấu cơ JH-7 của Trung Quốc bay tạt qua trước mũi máy bay do thám RC-135 của không quân Mỹ, khi cách nhau 152 m, trên biển Hoàng Hải.
"Cần phải có thấu hiểu chung giữa hai nước về các vụ đối đầu trên không", một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ nói.
WSJ đánh giá rằng vẫn chưa rõ thỏa thuận mới sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với vùng tranh chấp ở biển Đông.
Các quan chức Mỹ nói rằng thỏa thuận mới áp dụng cho tất cả không phận quốc tế, theo định nghĩa của Mỹ, tức là bao gồm cả khu vực trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc đang xây dựng trái phép ở Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại cho rằng khu vực này thuộc lãnh hải và không phận của mình. Vì vậy, Trung Quốc coi việc máy bay và tàu nước ngoài xuất hiện trong phạm vi này là xâm phạm chủ quyền, đồng nghĩa với việc, về phía Bắc Kinh, thỏa thuận mới sẽ không áp dụng được trong trường hợp này.
Mỹ cũng chưa thực hiện các hoạt động thể hiện quyền tự do đi lại trong phạm vi này tại Biển Đông kể từ năm 2012.
Dù vậy, thỏa thuận vẫn được xem là một tiến triển tích cực. "Trước thời Tập Cận Bình, chúng ta chưa bao giờ đạt được những điều như vậy", Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao ở Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), Mỹ nhận xét. "Ông Tập dường như rất chú trọng đến việc tránh các vụ va chạm không mong muốn", bà nói.
Trong một thỏa thuận khác, Mỹ và Trung Quốc cũng thống nhất về quy trình đường dây nóng quân sự, nhằm đẩy nhanh liên lạc cấp cao trong trường hợp cần trao đổi về khủng hoảng quân sự. Thực chất, đường dây này đã tồn tại từ năm 2008 và hiện có cả kết nối video. Các quan chức quốc phòng Mỹ vào thời điểm đó nói rằng, đường dây là bước tiến tích cực giữa hai nước, đặc biệt sau vụ va chạm trên không giữa một máy bay do thám của hải quân Mỹ và chiến đấu cơ Trung Quốc, khiến máy bay Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp ở đảo Hải Nam tháng 4/2001.
Tuy nhiên, đường dây này có nhược điểm là khó có thể bảo đảm Trung Quốc sẽ trả lời các cuộc gọi của Bộ Quốc phòng Mỹ, hoặc cuộc đối thoại sẽ diễn ra ở cấp cao tương đương nhau giữa quan chức quân sự hai nước.
Thỏa thuận mới là nỗ lực để giải quyết vấn đề nói trên bằng cách thiết lập các giao thức để tuân theo, khi Lầu Năm Góc và quân đội Trung Quốc tiến hành các cuộc đàm thoại.Một trong số các quy định là các cuộc gọi phải diễn ra trong vòng 48 giờ sau khi một yêu cầu bằng văn bản bên này được fax đến bên kia.
Hồng Vân
Theo VNE
Trưởng đội vệ sĩ bí mật của ông Tập lộ mặt ở Mỹ Người đứng đầu đơn vị vệ sĩ bí mật của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có lần xuất hiện hiếm hoi khi nằm trong danh sách khách mời quốc yến tại Nhà Trắng. Nhà trắng tổ chức quốc yến thiết đãi ông Tập hôm 25/9. Ảnh: AFP Theo WSJ, trong danh sách khách mời, tên của ông được viết là "Ngài...