Chiến hạm chen đặc Singapore
Triển lãm thiết bị hải quân và hội luận về an ninh biển diễn ra sôi động ở Singapore giữa lúc có nhiều lo ngại về tình hìnhBiển Đông.
Hải quân Ấn Độ mang đến Singapore 2 chiến hạm tàng hình hiện đại tự đóng INS Kamorta và INS Satpura – Ảnh: Thục Minh
Sáng qua 19.5, phát biểu khai mạc sự kiện có tên gọi IMDEX Asia được tổ chức mỗi 2 năm, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen nói: “Để đảm bảo vùng biển của chúng ta duy trì được tình trạng an toàn và ổn định, cần hợp tác cùng nhau để giải quyết các thách thức an ninh đang đe dọa tất cả chúng ta”. Phát biểu của ông Ng, cũng như những phát biểu gần đây của các quan chức và báo chí Singapore, rõ ràng thể hiện mối lo của một quốc gia nằm tại vùng biển huyết mạch của thế giới đang căng thẳng bởi những tính toán quân sự từ nhiều phía, dù nước này không là một bên trực tiếp tranh chấp.
Bên cạnh sự nóng bỏng liên quan đến những tranh chấp chủ quyền và hoạt động xây dựng cấp tập của Trung Quốc trên Biển Đông, Giáo sư Geoffrey Till của đại học Kings College (Anh) cũng chỉ ra rằng IMDEX Asia 2015 diễn ra giữa lúc xuất hiện những chiến lược biển đầy tham vọng. Đó là “Con đường tơ lụa trên biển” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và “Điểm tựa an ninh biển toàn cầu” của tân Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Chuyên gia lịch sử hàng hải và an ninh biển này cũng nói rằng, với tất cả những gì đang diễn ra, biển trong tương lai sẽ trở thành mối quan tâm hàng đầu trong nền kinh tế mỗi quốc gia vùng châu Á – Thái Bình Dương, bởi nước nào cũng tăng cường đầu tư cho hải quân. “Lần đầu tiên trong lịch sử 400 năm, các nước châu Á đầu tư cho hải quân lớn hơn các nơi khác. Châu Âu đang giảm đi, trong khi châu Á phình to”, Giáo sư Till nói.
Lo ngại từ những con số
Cùng nhận định với Giáo sư Till, chuyên gia quân sự Richard Bitzinger tại Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (Singapore) cũng chỉ ra rằng hải quân các nước Đông Nam Á đang “lột xác”, từ những “binh chủng khiêm tốn” tập trung bảo vệ bờ biển nay trở thành các “hạm đội hiện đại” với hỏa lực đáng gờm, có khả năng chinh phục biển cả. Không dừng ở mức đầu tư các tàu hộ tống tên lửa lớn hơn, tầm hoạt động xa hơn, hải quân của phần lớn các quốc gia Đông Nam Á đều trang bị tàu ngầm và các phương tiện chiến tranh đa năng, thần tốc…
Nhà tổ chức triển lãm lần thứ 10 này cho hay có hơn 180 công ty chế tạo thiết bị quốc phòng từ 28 quốc gia tham dự với những sản phẩm tân tiến nhất. Chưa hết, 20 chiến hạm từ 12 quốc gia cũng tề tựu về quân cảng Changi trong một cuộc phô diễn năng lực làm chủ vùng biển của mình.
Đại diện nhà tổ chức, ông Leck Chet Lam dẫn các con số dự đoán từ Công ty nghiên cứu thị trường AMI International cho biết đến năm 2031, châu Á – Thái Bình Dương sẽ chi khoảng 200 tỉ USD để sắm mới chiến hạm và tàu ngầm, trong đó các nước ASEAN chi khoảng 25 tỉ USD. “Sự tăng trưởng năng động này đem đến cho các công ty sản xuất thiết bị an ninh biển những cơ hội bao la”, ông Leck nói.
Nhưng trái ngược với sự lạc quan của nhà tổ chức, tiến sĩ Bitzinger cảnh báo: “Việc tăng cường sức mạnh này chắc chắn sẽ phóng đại các va chạm quân sự không may xảy ra trên Biển Đông. Những xung đột tương lai trong khu vực nhiều khả năng diễn ra nhanh hơn, nặng nề hơn, chết chóc và thiệt hại cũng lớn hơn”.
Cơ hội hợp tác ?
Bên cạnh triển lãm, IMDEX Asia với sự phối hợp của hải quân Singapore kéo dài từ ngày 19 – 21.5 cũng diễn ra một loạt hội thảo về an ninh biển, công nghệ hải quân, tàu ngầm, diễn tập chia sẻ thông tin, với sự tham gia của trên 70 quan chức hải quân, không quân, cảnh sát biển từ 40 quốc gia.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen coi đây là cơ hội để các quốc gia tăng cường hợp tác an ninh biển. Tuy nhiên, như phát biểu của một học giả quân sự tại IMDEX Asia 2011, mâu thuẫn và căng thẳng trên biển có lẽ cũng gia tăng từ sự kiện này. “Trong lúc chúng ta đang ngồi đây bàn về hợp tác, thì ngay bên ngoài gian triển lãm, các tập đoàn công nghiệp quốc phòng ra sức chào mời các vũ khí tối tân”, ông này nói.
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
Theo Thanhnien
Chiến hạm, vũ khí thế giới đổ về Singapore
Giữa lúc tình tình Biển Đông đang nóng bỏng, hàng chục chiến hạm, khí tài hiện đại cùng quan chức hải quân các nước tề tựu về Singapore với một chương trình hoạt động cấp tập.
Video đang HOT
20 chiến hạm từ 12 quốc gia tề tựu tại quân cảng Changi của Singapore trong khuôn khổ IMDEX Asia 2015 - Ảnh: Thục Minh
Chương trình triển lãm thiết bị hải quân, phô trương tàu chiến và hội luận về an ninh biển, gọi tắt là IMDEX Asia, diễn ra mỗi hai năm một lần tại Singapore là một sự kiện lớn của nền công nghiệp quốc phòng biển, đồng thời cũng là cơ hội hợp tác giữa hải quân các nước.
IMDEX Asia lần thứ 10 diễn ra từ 19 - 21.5.2015 càng trở nên đặc biệt không chỉ bởi những tranh chấp nóng bỏng trên Biển Đông, hay ở biển Hoa Đông, mà còn - như giáo sư Geoffrey Till của đại học Kings College (London, Anh) chỉ ra - là sự xuất hiện của những chiến lược hay học thuyết biển đầy tham vọng.
Đó là chiến lược "Con đường Tơ lụa trên biển" (Maritime Silk Road) của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và "Điểm tựa an ninh biển toàn cầu" (Global Maritime Fulcrum) của tân Tổng thống Indonesia, Joko Widodo.
Hơn 180 công ty chế tạo thiết bị quốc phòng từ 28 quốc gia đã đem đến IMDEX Asia 2015 những sản phẩm mới nhất của mình. Đặc biệt là sự xuất hiện của 13 gương mặt mới như Ametek, Quantum Marine Stabilizers (Mỹ), Kelvin Hughes (Anh), Microflown Maritime (Hà Lan), Strategic Marine (Úc), Zhejiang Hengxin Ship Equipments (Trung Quốc)... tại Trung tâm triển lãm Changi.
Gian hàng của Tổ hợp công nghiệp không gian Israel (IAI) đang hoàn thiện những khâu chuẩn bị cuối cho triển lãm IMDEX Asia 2015 - Ảnh: Thục Minh
Sự hào hứng của hải quân châu Á
Lần đầu tiên sau nhiều năm vắng mặt, tại cuộc trình diễn ở lần này, Trung Quốc đưa tới quân cảng Changi của Singapore khinh hạm CNS Yulin, loại tàu hộ tống lớp Jiangkia II.
Tàu hộ tống CNS Yulin của hải quân Trung Quốc đến tham gia trình diễn tại quân cảng Singapore, nhưng "đóng cửa" với báo chí - Ảnh: Thục Minh
Tháp điều khiển của khinh hạm CNS Yulin - Ảnh: Thục Minh
Lính hải quân Trung Quốc đứng gác trước mũi tàu CNS Yulin - Ảnh: Thục Minh
Trong số 20 chiến hạm đến từ 12 quốc gia, Mỹ không chỉ nhiều về số lượng tàu mà còn đem đến triển lãm lần này tàu ngầm hiếm hoi thuộc lớp Los Angeles, chiếc USS Pasadena, bên cạnh tàu tác chiến cận bờ lớp Freedom - chiếc USS Fort Worth và khu trục hạm lớp Arleigh Burke là chiếc USS Mustin.
Khu trục hạm USS Mustin, 1 trong 3 chiến hạm của hải quân Mỹ tham gia IMDEX Asia năm nay - Ảnh: Thục Minh
Chiếm số lượng tàu đông nhất là nước chủ nhà Singapore với 4 chiếc thuộc 4 thể loại, từ tàu vận tải đổ bộ RSS Endeavour, hộ tống hạm RSS Intrepid, đến tàu tuần tra Mako Shark và tàu ngầm cứu hộ MV Swift Rescue.
Bốn chiếc tàu tham gia trình diễn của Singapore nằm ở vị trí trung tâm quân cảng. Xung quanh là nhiều chiến hạm khác của nước chủ nhà neo tại quân cảng Changi - Ảnh: IMDEX Asia 2015
Hộ tống hạm RSS Intrepid do hải quân Singapore tự đóng, mang tên lửa Harpoon và trực thăng Sikorsky S-70B Seahawk - Ảnh: Thục Minh
Tàu vận tải đổ bộ RSS Endeavour cũng do Singapore tự đóng - Ảnh: Thục Minh
Nhìn toàn cảnh, cuộc trình diễn chiến hạm lần này cho thấy các quốc gia châu Á đang ngày càng trở nên "hào hứng" - như lời của giáo sư Geoffrey Till - với vấn đề an ninh biển, giữa sự thiếu vắng những con tàu đến từ châu Âu như Anh hay Pháp.
Một trong những gương mặt châu Á khá mới đến với IMDEX Asia là Bangladesh với tàu hộ vệ tên lửa BNS Dhaleshwari.
Bé nhỏ như Brunei cũng đem đến tàu tuần tra KDB Daruttaqwa.
Tàu tuần tra KDB Daruttaqwa của hải quân Brunei - Ảnh: Thục Minh
Úc tiếp tục tham gia như những lần trước với tàu hộ tống HMAS Perth.
Khinh hạm HMAS Perth của hải quân Úc - Ảnh: Thục Minh
Malaysia có tàu hộ vệ tên lửa KD Lekir; Sri Lanka có tàu tuần tra SLNS Sayura. Hàn Quốc có hộ tống hạm ROKS Incheon.
Trong khi đó, Indonesia đưa đến 2 chiến hạm gồm tàu hộ vệ tên lửa KRI John Lie và tàu vận tải tên lửa KRI Tombak.
Còn Thái Lan chỉ đưa đến Singapore tàu tuần tra xa bờ HTMS Krabi và tuần duyên hạm PGM 113.
Đặc biệt, Hạm đội Phương Đông của hải quân Ấn Độ đưa tới Singapore tàu hộ vệ tên lửa INS Kamorta và tàu hộ tống INS Satpura. Đây là 2 chiến hạm mới toanh, tự thiết kế và tự đóng, đưa vào sử dụng năm 2014 và 2011.
Tàu hộ tống INS Satpura và tàu hộ vệ tên lửa INS Kamorta thuộc Hạm đội phương Đông của hải quân Ấn Độ sẽ tham gia tập trận cùng hải quân Singapore từ 23-26.5 - Ảnh: Thục Minh
Trao đổi với Thanh Niên Online, chỉ huy trưởng Hạm đội Phương Đông, chuẩn đô đốc Ajendra Bahadur Singh, cho biết hai con tàu này xuất phát từ căn cứ Visakhapatnam, bang Andhra Pradesh, dọc bờ tây Vịnh Bengal đổ ra Ấn Độ Dương.
Chỉ huy trưởng tàu INS Kamorta, Manoj Jha là chuyên gia về hỏa lực, từng phục vụ trên tàu sân bay INS Viraat - Ảnh: Thục Minh
Tại Singapore, tàu hộ vệ tàng hình chống tàu ngầm INS Karmota và khinh hạm tàng hình đa năng INS Satpura sẽ tham gia diễn tập scùng hải quân nước chủ nhà từ 23-26.5, trước khi rời đi thăm và tập trận chung với hải quân Úc.
Chuẩn đô đốc Ajendra Bahadur Singh, Chỉ huy trưởng Hạm đội Phương Đông của hải quân Ấn Độ rất tự tin về năng lực đóng tàu chiến của nước này - Ảnh: Thục Minh
Chuẩn đô đốc Singh cũng tự hào cho biết 2 chiến hạm nói trên chỉ là những con số lẻ trong số hàng chục con tàu hiện đại, gồm cả tàu sân bay, mà hải quân Ấn Độ đã và đang tự đóng, nhằm chủ động giảm lệ thuộc vào khí tài nhập khẩu, đồng thời dần dần nâng Ấn Độ lên tầm quốc gia có công nghệ quốc phòng tiên tiến và xuất khẩu vũ khí.
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
Theo Thanhnien
Hàn Quốc bất ngờ tập trận bắn đạn thật, 20 chiến hạm tham gia Hải quân Hàn Quốc cho biết cuộc tập trận trên bao gồm cả khoa mục bắn tên lửa hạm đối hạm Haesung-1 và Harpoon. Tàu chiến của Hải quân Hàn Quốc Truyền thông Hàn Quốc đưa tin cho biết hải quân nước này đã phát động một cuộc tập trận bắn đạn thật trên khu vực Biển Hoa Đông nhằm nâng cao khả...