Chiến dịch tranh cử của ông Biden phá vỡ kỷ lục gây quỹ trực tuyến vào tháng 8
Ông Biden và Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ đã phá vỡ kỷ lục gây quỹ trực tuyến khi huy động được tổng cộng 364,5 triệu USD vào tháng 8.
Ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden thông qua hình thức gây quỹ trực tuyến đã huy động được nhiều tiền hơn so với bất kỳ ứng viên Tổng thống nào trước đây trong vòng 1 tháng. Chỉ riêng các khoản thu trực tuyến đã phá vỡ kỷ lục gây quỹ tổng thể của ông Biden trong tháng 7.
Ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden. Ảnh: Boston Globe.
Chiến dịch tranh cử của Biden cho biết trong một thông cáo ngày 2/9, ông Biden và Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) đã huy động được tổng cộng 364,5 triệu USD vào tháng 8, vượt xa kỷ lục là 193 triệu USD mà cựu Tổng thống Barack Obama đã huy động được trước cuộc bầu cử vào năm 2008. Theo chiến dịch tranh cử của Biden, khoảng 57% số tiền (205 triệu USD) đến từ các nhà tài trợ trực tuyến, nghĩa là chỉ riêng số tiền quyên góp trực tuyến đã cao hơn kỷ lục gây quỹ tổng thể trong tháng 7.
“Con số đó khiến tôi kinh ngạc. Chúng tôi đã nâng số tiền gây quỹ lên một cách đúng đắn, từ việc mọi người trên khắp đất nước cố gắng sở hữu một phần của chiến dịch này, đầu tư vào tương lai của con và cháu mình”, ông Biden nói trong một tuyên bố. Tuy nhiên, ứng viên đảng Dân chủ cũng kêu gọi những người ủng hộ ông vẫn nên cảnh giác khi chiến dịch tranh cử của Trump cũng đang nhận được nhiều tiền tài trợ.
Cựu Phó Tổng thống đã gửi một thông điệp đến những cử tri ủng hộ ông, nói rằng số tiền đóng góp khiến ông cần khiêm tốn: “Ngay cả trong thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu, những người dân lao động vẫn dành ra một số tiền để hỗ trợ chiến dịch tranh cử. Số tiền ít được tích lũy dần thành số tiền lớn”.
Video đang HOT
Vào tháng 7, chiến dịch tranh cử của ông Trump và Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa (RNC) đã vượt quỹ tranh cử của ông Biden và DNC gần 30 triệu USD. Tổng thống đương nhiệm và RNC đã mang về 169,3 triệu USD trong tháng 7 so với 140 triệu USD mà ông Biden và DNC huy động được. Tuy nhiên, tổng số tiền cả ông Trump và ông Biden huy động được trong tháng 7 vẫn ít hơn 50 triệu USD so với con số kỷ lục của ứng viên đảng Dân chủ gây quỹ trong tháng 8.
Đáng chú ý, tổng số tiền huy động được trong tháng 8 của chiến dịch tranh cử Biden nhiều gấp 2,5 lần so với 143 triệu USD mà cựu ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton giành được trong cùng tháng trước cuộc bầu cử năm 2016. Tổng thống Trump chỉ huy động được 90 triệu USD vào tháng 8/2016, tuy nhiên số tiền gây quỹ vượt trội của bà Clinton vẫn không mang lại chiến thắng cho bà.
Chiến dịch tranh cử của Trump và RNC vẫn chưa công bố số tiền họ huy động được trong tháng 8. Vào tuần trước, RNC cho biết, họ thu về 76 triệu USD trong 4 ngày diễn ra Đại hội đảng Cộng hòa. Trong khi đó, sau Đại hội đảng Dân chủ, chiến dịch của Biden thu về 70 triệu USD.
Phần lớn các cuộc thăm dò toàn quốc cũng như các cuộc khảo sát gần đây ở các bang chiến địa quan trọng cho thấy, ông Biden đang dẫn trước ông Trump. Theo kết quả cuộc thăm dò do Trường Cao đẳng Grinnell thực hiện từ ngày 26-30/8, ông Biden dẫn trước 8 điểm phần trăm với 49% tỷ lệ ủng hộ so với 41% của ông Trump. Theo Newsweek, ứng viên đảng Dân chủ dẫn trước Tổng thống đương nhiệm 7 điểm trong cuộc thăm dò toàn quốc của FiveThirtyEight và dẫn trước 7 điểm tại cuộc khảo sát của RealClear Politics./.
Covid-19 bùng phát mạnh trở lại - Thế giới đón thêm tin vui về vaccine
Giữa lúc số ca Covid-19 xác lập thêm các kỷ lục mới, thế giới ghi nhận việc Trung Quốc cấp bằng sáng chế cho vaccine Covid-19 đầu tiên của nước này.
Cuối tuần qua, số ca mắc Covid-19 tại Mỹ Latin đã vượt mốc 6 triệu người. Bất chấp việc là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của khu vực, hôm qua (16/8), một số điểm du lịch nổi tiếng tại Brazil đã được mở cửa trở lại, nhằm cứu lấy ngành du lịch đã thiệt hại gần 30 tỷ USD trong 5 tháng qua.
Tại châu Âu, sau 1 khoảng thời gian tình hình dịch bệnh tạm lắng, một số nước đã ghi nhận sự bùng phát trở lại mạnh mẽ của dịch bệnh. Bộ Y tế Pháp hôm qua thông báo có thêm hơn 3.000 ca mắc Covid-19 mới trong 24 giờ, đánh dấu ngày thứ 4 liên tiếp nước này ghi nhận mức tăng kỷ lục sau khi gỡ bỏ lệnh phong tỏa.
Trong khi đó, tại Italy, với tỉ lệ ca mắc Covid-19 mới tăng nhanh và độ tuổi trung bình của những người mắc bệnh giảm xuống, nước này đã phải khẩn trương tái áp đặt các biện pháp hạn chế, đồng thời kêu gọi những người trẻ tuổi phải hết sức thận trọng. Lệnh tái áp đặt các biện pháp hạn chế của Italy sẽ được thực hiện từ ngày 17/8 đến 7/9. Theo đó, các câu lạc bộ khiêu vũ và các câu lạc bộ giải trí ban đêm sẽ phải đóng cửa. Người dân rời khỏi nhà trong khoảng thời gian từ 6h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau ở một số khu vực buộc phải đeo khẩu trang.
Tại châu Á, Hàn Quốc hôm nay đã phải cách ly hơn 3.000 tín đồ Tin lành liên quan tới nhà thờ Sarang Jeil ở thủ đô Seoul. Trong số 4.000 tín đồ mà giới chức xác định được, 3.400 người đã được xếp vào diện cách ly và 2.000 đã được xét nghiệm. Trong số đó, 312 người cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Ở khu vực Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ đang ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng cao nhất từ tháng 6. Trong khi đó, Jordan hôm nay cũng đã phải phong tỏa thành phố Ramtha gần biên giới với Syria sau khi ghi nhận số ca mắc mới theo ngày cao nhất trong vòng 4 tháng qua.
Tại Syria, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cảnh báo số người mắc Covid-19 tại nước này đang gia tăng đáng báo động trong 2 tuần qua.
Tình hình dịch bệnh phức tạp tại New Zealand cũng đã buộc Thủ tướng Jacinda Ardern hôm nay quyết định hoãn cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào ngày 19/9 tới và lùi lại tới 17/10.
"Tôi cần cung cấp sự đảm bảo về cảm giác công bằng và cảm giác thoải mái cho cử tri rằng đây sẽ là một cuộc bầu cử an toàn. Tôi cũng nghĩ rằng việc có thêm thời gian sẽ cho mọi người thấy rằng đây là những vấn đề quan trọng".
Bên cạnh 1 loạt các thông tin "đáng lo ngại" của tình hình dịch bệnh, hôm nay, thế giới lại nhận thêm những tin vui từ việc phát triển vaccine Covid-19. Viện Công nghệ sinh học Bắc Kinh, Trung Quốc và Công ty vaccine CanSino Biologics vừa mới giành được sự chấp thuận bằng sáng chế cho ứng cử viên vaccine Covid-19 Ad5-nCOV. Đây là bằng sáng chế vaccine Covid-19 đầu tiên được Trung Quốc cấp.
Qua giai đoạn thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2, loại vaccine này đã cho kết quả an toàn và có thể tạo ra phản ứng miễn dịch. Dự kiến, loại vaccine này đang được tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 ở Saudi Arabia.
Hôm qua, hãng dược phẩm đa quốc gia AstraZeneca cũng thông báo, việc sản xuất vaccine phòng Covid-19 do hãng này phát triển cho các quốc gia Mỹ Latin có thể bắt đầu ngay vào quý đầu tiên của năm sau.
Bà Sylvia Varela, Người đứng đầu AstraZeneca tại Mexico cho biết: "Chúng tôi hy vọng sẽ kết thúc thử nghiệm giai đoạn 3 vào cuối tháng 11 hoặc tháng 12. Theo thỏa thuận với Argentina và Mexico, sau khi có kết quả của giai đoạn 3, chúng tôi sẽ tiến hành các thủ tục đăng ký vaccine và sau đó ngay lập tức bắt tay vào quá trình chuyển giao công nghệ để có thể đưa vào sản xuất. Hoạt chất sẽ được sản xuất ở Argentina và xuất khẩu sang Mexico để đóng gói, hoàn thiện và phân phối ở Mexico, cũng như xuất khẩu sang các nước khác"./.
Biden 'phản công' Trump Đại diện của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden chỉ trích gay gắt Trump, gọi nhận định của ông về phó tướng Harris là nói dối "ghê tởm". "Trump đang tìm cách châm ngòi cho sự phân biệt chủng tộc và chia rẽ đất nước chúng ta", phát ngôn viên của ông Biden, Andrew Bates, cho biết trong tuyên bố...