Chiến dịch trả đũa bí mật của Hàn Quốc trên đất Triều Tiên
Hàn Quốc từng tiến hành nhiều hoạt động bí mật trên lãnh thổ Triều Tiên để đáp trả những hành động khiêu khích vào cuối thập niên 1960.
Biệt kích Hàn Quốc huấn luyện đột nhập lãnh thổ đối phương. Ảnh: SOFREP.
Cuối thập niên 1960, Triều Tiên tiến hành chiến tranh du kích nhằm vào Hàn Quốc bằng cách gửi điệp viên và lính đặc nhiệm phá hoại ở hậu phương nước này. Sau khi đặc nhiệm Triều Tiên ám sát bất thành Tổng thống Park Chung Hee, Hàn Quốc cũng đã tiến hành một loạt chiến dịch đột kích bí mật trên lãnh thổ Triều Tiên để trả đũa, theo War Is Boring.
Theo tài liệu giải mật của CIA, Triều Tiên khởi đầu chiến tranh du kích chống Hàn Quốc từ tháng 10/1966 bằng việc tiến hành 7 vụ phục kích trong vòng 5 ngày ở khu phi quân sự (DMZ). Ngày 26/10, Hàn Quốc bí mật trả đũa bằng cách cho 30 lính xâm nhập qua khu DMZ và sát hại khoảng 30 lính Triều Tiên.
Một tuần sau, lính Triều Tiên phục kích, tấn công các binh sĩ Sư đoàn bộ binh số 2 Mỹ bằng lựu đạn, làm 6 lính Mỹ và một lính Hàn Quốc thiệt mạng. Vụ phục kích này được cho là nhằm đáp trả cho vụ tấn công cuối tháng 10, cũng là nỗ lực khiến Mỹ kiềm chế đồng minh Hàn Quốc.
Một báo cáo của CIA vào tháng 2/1967 cho thấy một ngày sau vụ phục kích, Hàn Quốc đã ba nhóm binh sĩ tiến hành 4 vụ tập kích nhắm vào các cơ sở Triều Tiên ở khu DMZ.
Lee Jin-sam, một cựu binh tham gia tấn công lãnh thổ Triều Tiên năm 1967, cho biết những vụ tập kích xuyên trong khu vực DMZ của Triều Tiên khiến binh sĩ Hàn Quốc mất tinh thần chiến đấu nghiêm trọng, buộc các chỉ huy Hàn Quốc phải làm gì đó để ngăn chặn đối phương. CIA tin rằng các chỉ huy Hàn Quốc này muốn trả đũa Triều Tiên để nâng cao tinh thần cho binh sĩ.
Tướng Charles Bonesteel, chỉ huy lực lượng Mỹ và Liên Hợp Quốc tại Hàn Quốc đã cảnh báo nước này không tiếp tục tiến hành các hoạt động trả đũa hành vi gây hấn của Triều Tiên.
Lính Hàn Quốc huấn luyện tác chiến mùa đông. Ảnh: Zimbio.
Tuy nhiên, nỗ lực kiềm chế đồng minh của Mỹ không phải lúc nào cũng hiệu quả. Lee Jin-san cho biết ông được biên chế vào một đơn vị tình báo quân đội Hàn Quốc (AIU) và đã ba lần xâm nhập trót lọt vào lãnh thổ Triều Tiên.
Video đang HOT
Nhiệm vụ được giao cho nhóm của Lee là bắn hạ nhóm binh sĩ Triều Tiên rải mìn ở khu DMZ, sau đó cải trang và sát hại 20 người lính ở một trạm gác gần đó. Ngoài ra, họ còn lên kế hoạch ám sát một sĩ quan cấp cao của quân đội Triều Tiên nhưng thất bại.
AIU có nhiệm vụ sát hại binh sĩ Triều Tiên bằng cách tấn công doanh trại, đội tuần tra, trạm cấp nước, căn cứ mặt đất và gài mìn trên các tuyến giao thông. Họ cũng tiến hành tấn công phá hoại nơi bố trí loa tuyên truyền, sở chỉ huy cấp trung đoàn và sư đoàn của Triều Tiên. Các vụ tấn công này thường không được sự cho phép hoặc không phối hợp với quân đội Mỹ.
Lính Hàn Quốc còn thu thập tin tức tình báo về kế hoạch tác chiến của Triều Tiên, đồng thời xây dựng mạng lưới gián điệp cảnh báo trước về các cuộc tấn công sắp diễn ra. CIA cho rằng Hàn Quốc đã tiến hành 12 chiến dịch trên lãnh thổ Triều Tiên trong giai đoạn 1967-1968. CIA không tham gia vì chúng ẩn chứa nhiều rủi ro và không có nhiều giá trị.
Báo cáo của CIA cho rằng Hàn Quốc đã tấn công 50 cơ sở của Triều Tiên trong năm 1967, triển khai khoảng 7.700 điệp viên xâm nhập Triều Tiên trong giai đoạn 1953-1972. Phần lớn số này chưa bao giờ trở lại Hàn Quốc.
Đỉnh điểm của chiến dịch bí mật này là việc Hàn Quốc tự thành lập Đơn vị đặc nhiệm 684 để ám sát lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành. 31 thành viên Đơn vị 684 được huấn luyện khắc nghiệt trên đảo Silmido, sẵn sàng xâm nhập Triều Tiên để thực hiện nhiệm vụ mạo hiểm nhất. Tuy nhiên, quan hệ hai nước sau đó trở nên nồng ấm nên nhiệm vụ ám sát này bị hủy.
Duy Sơn
Theo VNE
Ớn lạnh những công việc nguy hiểm nhất trong quân đội Mỹ
Lính đặc nhiệm, chuyên gia dò gỡ bom mìn, hay thậm chí tài xế vận tải quân sự là những người hứng chịu nhiều rủi ro trong lực lượng quân đội Mỹ.
Quân đội được coi là môi trường làm việc đặc thù, ẩn chứa nhiều nguy hiểm có thể khiến binh sĩ thiệt mạng hoặc bị thương. Tuy nhiên trong quân đội Mỹ có những công việc hứng chịu rủi ro cao hơn so với những người khác, theo WATM.
Sĩ quan chỉ thị mục tiêu pháo binh
Một sĩ quan chỉ thị mục tiêu pháo binh Mỹ. Ảnh: USArmy
Là lực lượng trông cậy nhiều vào hỏa lực yểm trợ, các đơn vị bộ binh Mỹ luôn có sĩ quan chỉ điểm pháo binh đi kèm để trực tiếp gọi pháo hỗ trợ khi có yêu cầu, cũng như hiệu chỉnh đường bắn của pháo sau từng loạt đạn. Đây cũng là mục tiêu mà đối phương ưu tiên tiêu diệt đầu tiên, bên cạnh sĩ quan chỉ huy.
Trong khi sĩ quan chỉ huy thường ăn mặc giống với binh lính để tránh bị nhận diện, sĩ quan chỉ điểm pháo binh lại rất dễ bị phát hiện vì các hệ thống liên lạc cồng kềnh trên người, hoặc việc liên tục cầm điện đài liên lạc cũng khiến vị trí này rất dễ bị đối phương chú ý. Trong một số trường hợp, người chỉ điểm pháo binh phải ở rất sát khu vực bị pháo kích, dẫn tới nguy cơ thiệt mạng vì đạn lạc.
Lính cứu hộ không quân
Lính cứu hộ không quân giải cứu phi công bị bắn rơi trong một cuộc diễn tập. Ảnh: WATM.
Thay vì thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu, lính cứu hộ không quân (pararescue) được ví như xe cứu thương chiến trường. Nhiệm vụ của họ là hỗ trợ cấp cứu và di chuyển thương binh bằng trực thăng từ tiền tuyến về bệnh viện.
Lính pararescue thường phải hạ cánh ngay giữa vùng chiến sự ác liệt, không giống các lực lượng đổ bộ khác có bãi đáp an toàn. Họ luôn là mục tiêu hàng đầu của đối phương trong mỗi lần thực hiện nhiệm vụ.
Không chỉ là quân y có nghiệp vụ y tế chuyên sâu, lính cứu hộ không quân còn được trang bị đầy đủ vũ khí và kỹ năng tác chiến để bảo vệ thương binh và bản thân trước hỏa lực của đối phương.
Lính đặc nhiệm
Lính đặc nhiệm hải quân Mỹ. Ảnh: USNI
Đặc nhiệm là một trong những lực lượng phải đối đầu với nhiều nguy hiểm nhất. Các lực lượng đặc nhiệm Mỹ được huấn luyện để đột nhập vào lãnh thổ đối phương, thực hiện nhiệm vụ một cách êm thấm rồi rút lui.
Do thiên về các cuộc đột kích mang yếu tố bất ngờ, lính đặc nhiệm chỉ được trang bị nhẹ, thiếu sự yểm trợ hỏa lực cần thiết. Một khi bị phát hiện và mất đi yếu tố bất ngờ, sức chiến đấu của lính đặc nhiệm nhanh chóng giảm sút. Nếu không được giải cứu kịp thời, toàn bộ đội đặc nhiệm có nguy cơ bị tiêu diệt hoặc bắt sống.
Chuyên gia bom mìn
Chuyên gia bom mìn xử lý các quả đạn được thu giữ. Ảnh: WATM.
Tại Iraq và Afghanistan, hơn một nửa thương vong của lính Mỹ là do mìn và các thiết bị nổ cải tiến gây ra. Quân đội Mỹ phải dựa vào các đơn vị rà phá bom mìn để tìm kiếm và vô hiệu hóa chất nổ.
Lực lượng dò gỡ mìn phải làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng, luôn đối đầu với những thiết bị nổ vô cùng nguy hiểm, chỉ một sai lầm nhỏ cũng khiến họ thiệt mạng.
Lực lượng vận tải
Một đoàn xe quân sự Mỹ di chuyển trên đường. Ảnh: USArmy
Quân đội Mỹ không thể tác chiến mà thiếu bộ máy hậu cần khổng lồ phía sau, trong đó nòng cốt là lực lượng vận tải. Họ chủ yếu sử dụng các xe tải bọc thép, có nhiệm vụ vận chuyển nhu yếu phẩm và vũ khí đạn dược cho các đơn vị đồn trú.
Do di chuyển thành đoàn xe lớn và chỉ được bảo vệ mỏng, đây luôn là mục tiêu ưa thích của phiến quân tại Iraq và Afganistan. Mối đe dọa lớn nhất của lực lượng này là mìn tự tạo cài ven đường, cũng như các cuộc phục kích có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Phiến quân sở hữu nhiều loại vũ khí chống tăng có uy lực lớn, dễ dàng bắn trúng và tiêu diệt các xe tải to lớn và nặng nề, cũng như gây thương vong lớn cho lính hậu cần trong đoàn.
Theo Lã Linh (VnEpress)
5 công việc nguy hiểm nhất trong quân đội Mỹ Lính đặc nhiệm, chuyên gia dò gỡ bom mìn, hay thậm chí tài xế vận tải quân sự là những người hứng chịu nhiều rủi ro trong lực lượng quân đội Mỹ. Quân đội được coi là môi trường làm việc đặc thù, ẩn chứa nhiều nguy hiểm có thể khiến binh sĩ thiệt mạng hoặc bị thương. Tuy nhiên trong quân đội...