Chiến dịch tìm MH370 dưới đáy biển sẽ khép lại trong vòng 1 tuần tới
Các nỗ lực tìm kiếm chuyến bay MH370 mất tích đang ở “một bước ngoặt then chốt”, trong bối cảnh các cơ quan chức năng muốn đánh giá lại cuộc tìm kiếm, vốn không đem lại hiệu quả. Việc tìm kiếm bằng tàu ngầm không người lái sẽ kết thúc trong một tuần tới.
Tàu Bluefin 21 đang là hy vọng duy nhất để tim MH370 dưới đáy biển
Thông tin được đại diện chính quyền Malaysia khẳng định với báo giới. Theo đó các cuộc tìm kiếm trong hôm nay và ngày mai sẽ có tính chất rất quyết định.
“Cuộc tìm kiếm hôm nay và ngày mai có tính bước ngoặt vô cùng quan trọng. Do đó tôi kêu gọi mọi người khắp thế giới hãy cầu nguyện và cầu nguyện thật nhiều để chúng ta tìm thấy thứ gì đó mà tiếp tục công việc”, quyền bộ trưởng giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein khẳng định.
Chiếc Boeing 777-200 được tin là đã rơi xuống một vùng nước sâu và xa xôi cách Úc hàng nghìn km về phía Tây.
Tuy nhiên, với việc chiến dịch tìm kiếm quốc tế đến nay không đạt bất kỳ kết quả nào, thủ tướng Úc Tony Abbott hôm thứ Năm đã đề ra thời hạn 1 tuần cho việc dùng tàu ngầm mini để tìm kiếm chiếc máy bay.
Nỗ lực tìm kiếm do Úc dẫn đầu hiện đang dựa vào duy nhất một tàu ngầm không người lái của hải quân Mỹ, để rà soát một vùng đáy biển chưa được biết tới, ở độ sâu khoảng 4500m hoặc sâu hơn.
Những khó khăn về kỹ thuật, bao gồm việc tàu ngầm mini Bluefin-21 phải hoạt động ở độ sâu tối đa, khiến cuộc tìm kiếm diễn ra chậm chạp. Được đưa xuống từ một tàu hải quân Úc, đến nay thiết bị này đã có 6 lần rà soát đáy biển nhưng không tìm thấy gì.
“Chúng tôi đã theo đuổi mọi manh mối có thể có được cung cấp cho tới thời điểm này, và với mỗi ngày trôi qua, cuộc tìm kiếm lại trở nên khó khăn hơn”, Hishammuddin, lãnh đạo cơ quan của chính phủ Malaysia chịu trách nhiệm tìm kiếm khẳng định.
Trong bổi cảnh chiến dịch tìm kiếm được nhận định sẽ là tốn kém nhất trong lịch sử hàng không tiếp tục kéo dài, các cơ quan chức năng đang có ý định tìm đến các phương pháp khác, bao gồm cả các thiết bị có thể lặn sâu hơn.
Video đang HOT
Hishammuddin khẳng định những điều chỉnh “có thể bao gồm cả việc mở rộng phạm vi tìm kiếm và sử dụng các phương tiện khác có thể liên quan trong chiến dịch tìm kiếm”, nhưng ông nhấn mạnh nó không có nghĩa là việc tìm kiếm bị từ bỏ.
Trong khi đó, thông báo từ Trung tâm điều phối các cơ quan hỗn hợp (JACC) của Úc khẳng định: “Miễn là điều kiện thời tiết thuận lợi để triển khai và trục vớt tàu ngầm không người lái (UAV), và UAV hoạt động tốt, chúng ta nên kết thúc việc tìm kiếm trong vùng nước trọng tâm trong vòng 5-7 ngày tới”, JACC khẳng định trong một thư điện tử gửi báo giới.
Các quan chức không cho biết họ có tin tưởng việc tìm kiếm trong vùng biển hiện tại có đem về thông tin mới nào của chuyến bay hay không, và cũng không chỉ rõ những bước đi tiếp theo sẽ được triển khai nếu hoạt động tìm kiếm dưới nước không hiệu quả.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh JACC khẳng định những bài báo trước đó cho rằng việc tìm kiếm dưới nước có thể kéo dài vài tháng là không chính xác.
Đến nay, phạm vi tìm kiếm vẫn tập trung vào một khu vực nơi một loạt tín hiệu “ping”, vốn được cho là của hộp đen máy bay, được ghi nhận. Sau những đợt triển khai không thành công do bị giới hạn bởi độ sâu tối đa 4500m, tàu Bluefin-21 đã được lập trình lại để xuống sâu tới mức kỷ lục 4.695m. Dù vậy đến nay, dữ liệu sau 6 lần lặn của tàu này, trên diện tích 133 km2 vẫn chưa có thông tin khả quan nào.
Thanh Tùng
Tổng hợp
Theo Dantri
Thảm kịch chìm phà ở Hàn Quốc: 29 người chết, 273 người mất tích
Chính quyền Hàn Quốc ngày 19.4 xác nhận có 29 người chết và 273 người vẫn còn mất tích, được cho là mắc kẹt trong phà, theo AFP.
Phóng viên bao vây phỏng vấn ông Lee Joon-seok (người trùm đầu), thuyền trưởng điều khiển phà Sewol, tại đồn cảnh sát ở thành phố Mokpo - Ảnh: AFP
Ông Lee Joon-seok, thuyền trưởng điều khiển chiếc phà bị chìm đã bị bắt, ngày 19.4 cho biết ông đã trì hoãn việc sơ tán hành khách vì điều kiện bất lợi trên biển và tàu cứu hộ chưa kịp đến.
Cảnh sát đã bắt giữ ông Lee và hai thành viên thủy thủ đoàn vào ngày 18.4 với cáo buộc tắc trách, vi phạm luật hàng hải và không đảm bảo an toàn cho hành khách trên phà.
Khi bị cảnh sát dẫn đi, các phóng viên đã hỏi ông Lee rằng vì sao hành khách nhận được mệnh lệnh giữ nguyên vị trí và ngồi yên trong cabin trong vòng 40 phút mà không sơ tán sau khi chiếc phà gửi tín hiệu cầu cứu vào lúc 9 giờ sáng ngày 16.4 (giờ địa phương).
"Vào lúc đó tàu cứu hộ vẫn chưa kịp đến. Không có tàu cá nào xung quanh hoặc tàu nào khác để giúp đỡ", ông Lee nói.
"Dòng nước chảy xiết và nước biển rất lạnh vào lúc đó. Tôi nghĩ rằng hành khách sẽ gặp rắc rối và bị cuốn trôi nếu họ sơ tán mà không mặc áo phao".
Thậm chí dù hành khách có mặc áo phao thì họ cũng sẽ bị dòng nước biển cuốn trôi, theo ông Lee.
Thân nhân hành khách mất tích, đa số là học sinh trung học, tin rằng nhiều người có thể thoát khỏi chiếc phà chìm nếu họ di chuyển đến các điểm sơ tán trước khi con phà bắt đầu nghiêng, nước tràn vào và chìm.
Chính quyền Hàn Quốc ngày 19.4 xác nhận có 29 người chết và 273 người vẫn còn mất tích, được cho là mắc kẹt trong phà, theo AFP.
Trong số 476 người trên chiếc phà Sewol bị chìm vào ngày 16.4, có 325 học sinh của Trường trung học Danwon. Chính phủ Hàn Quốc bị chỉ trích gay gắt do thay đổi liên tục con số người trên phà.
Các học sinh Trường Danwon đi phà Sewol để đến đảo Jeju trong một chuyến du lịch kéo dài 4 ngày.
Vào ngày 18.4, ông Lee thừa nhận rằng đã không điều khiển chiếc phà vào thời điểm xảy ra vụ việc, mà để cho thuyền phó lái phà.
Khu vực phà Sewol chìm được đánh dấu bằng hai phao - Ảnh: AFP
Ông Lee cho rằng vụ chìm phà xảy ra khi ông trở lại buồng lái từ phòng ngủ vì lý do cá nhân, đồng thời bác bỏ thông tin cho rằng ông đã say xỉn.
Các dữ liệu từ Bộ Hàng hải Hàn Quốc cho thấy phà Sewol đã có một cú cua gắt vào khoảng 8 giờ 48 phút sáng ngày 16.4 (giờ địa phương) trước khi phát tín hiệu cầu cứu.
Một số chuyên gia cho AFP biết có thể do tàu chuyển hướng đột ngột, quá gắt khiến các kiện hàng nặng dịch chuyển dẫn đến mất cân bằng chiếc phà, khiến nó bị nghiêng và chìm.
Nhưng một số chuyên gia khác cho rằng phà Sewol chìm có thể là do đâm trúng đá ngầm trên biển.
Các học sinh Trường trung học Danwon cầm những thông điệp dành cho những học sinh thiệt mạng và còn mất tích trong vụ chìm phà - Ảnh: AFP
Cảnh sát Hàn Quốc ngày 19.4 xác nhận thông tin vụ Hiệu phó Trường trung học Danwon, người được cứu sống khỏi chiếc phà chìm ở Hàn Quốc, đã treo cổ tự tử vào ngày 18.4.
Công tác tìm kiếm và cứu hộ tiếp tục trong ngày 19.4 và các thợ lặn phát hiện được 3 thi thể kẹt trong một cabin của chiếc phà chìm, nhưng vẫn không thể vớt ra được.
Theo TNO
Đắm phà Hàn Quốc: Thuyền trưởng giải thích lý do sơ tán chậm trễ Sau khi bị bắt vào sớm nay 19/4, thuyền trưởng của chiếc phà đắm ngoài khơi Hàn Quốc sáng ngày 16/4, làm gần 300 người mất tích, đã giải thích lý do không ra lệnh sơ tán ngay sau khi phà bị nghiêng về phía mạn trái. Thuyền trưởng phà đắm Hàn Quốc khi bị đưa tới đồn cảnh sát vào sáng nay...