Chiến dịch tìm kiếm MH370 tiêu tốn bao nhiêu?
Chiến dịch tìm kiếm chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích vẫn đang được nhiều nước triển khai rầm rộ với chi phí được nhận định sẽ lên tới hàng trăm triệu USD.
Chiến dịch tìm kiếm MH370 được nhận định sẽ tốn kém nhất lịch sử
Thông tin được tờ Want China Times của Đài Loan dẫn nguồn tin của Thời báo hoàn cầu, Trung Quốc đăng tải cuối tuần qua.
Theo đó tổng cộng đã có 26 quốc gia tham gia vào chiến dịch tìm kiếm, vượt xa quy mô cuộc tìm kiếm chuyến bay 447 của hãng hàng không Pháp Air France gặp nạn trên Đại Tây Dương năm 2009, khiến 228 người thiệt mạng. Đã phải mất 2 năm Pháp và Brazil mới tìm thấy hộp đen của máy bay này.
Theo công bố của người phát ngôn Lầu Năm Góc Steven Warren hôm 21/3, chiến dịch tìm kiếm đến thời điểm đó đã khiến nước này tiêu tốn 2,5 triệu USD. Mỹ đã có kế hoạch phân bổ 4 triệu USD ngân sách cho chiến dịch này, đủ để kéo dài sang đầu tháng 4.
Mỹ ban đầu đã triển khai tàu khu trục tên lửa USS Kidd và tàu USS Pinckney để rà soát trên biển Đông trước khi các tàu này được rút đi.
Video đang HOT
Hiện hải quân Mỹ đang sử dụng hai tàu khu trục tên lửa trang bị trực thăng, cùng hai máy bay tuần tra để tìm kiếm tại vùng biển Nam Ấn Độ Dương, phía Tây thành phố Perth. Nước này cũng đã điều động một thiết bị lặn không người lái để dò tìm hộp đen máy bay mất tích.
Theo công bố của hạm đội Thái Bình Dương, hai tàu khu trục và các trực thăng tiêu tốn 100.000 USD/ngày để hoạt động, trong khi hai máy bay tuần tra tiêu tốn lần lượt 77.000 USD và 43.000 USD mỗi ngày.
Trung Quốc, nước có 153 hành khách trên máy bay mất tích, hiện triển khai 3 tàu, 2 trực thăng và hai máy bay Il-76 tại Nam Ấn Độ Dương, nơi các vệ tinh đã chụp được hình ảnh của nhiều vật thể nghi vấn.
Một tàu đổ bộ nữa cũng đang trên đường tới vùng tìm kiếm. Nhiều vệ tinh của nước này cũng được điều chỉnh để quét khu vực Nam Ấn Độ Dương.
Một chuyên gia quân sự giấu tên khẳng định sẽ khó ước tính chi phí tài chính Trung Quốc phải chịu, khi tính tới khấu hao của máy bay, chi phí nhiên liệu và bảo trì. Mỗi chiếc Il-76 tiêu tốn gần 10.000 USD/giờ bay dù chưa tính tới chi phí nhân lực.
Liu Jianping, một chuyên gia quân sự khẳng định chi phí của các tàu được triển khai tìm kiếm, bao gồm nhiên liệu, nước, thực phẩm, thuốc men, lương và trợ cấp cho nhân lực. Các tàu này cần được bảo dưỡng thường xuyên, và có mức khấu hao lớn. Do đó, chuyên gia này cho rằng mỗi tàu khu trục của Trung Quốc tiêu tốn gần 100.000 USD/ngày để vận hành. Chi phí này sẽ còn cao hơn đối với tàu đổ bộ.
Ngoài ra, Trung Quốc còn huy động 21 vệ tinh, với chi phí được đồn đoán có thể lên tới 100 triệu nhân dân tệ (16 triệu USD). Tuy vậy, một chuyên gia hàng không của Trung Quốc khẳng định chi phí sử dụng vệ tinh sẽ thấp hơn dự kiến bởi chúng không nhất thiết phải được tái định vị.
Theo Dantri
Nghi án nhận lại quả 80 triệu yên: Nhật chỉ cung cấp thông tin khi có kết luận điều tra
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, Bộ này và JICA chưa có thông tin về tình hình điều tra vụ việc liên quan đến nghi án lại quả 80 triệu yên. Thông tin chỉ có thể được cung cấp sau khi có kết luận điều tra và được sự cho phép của Chính phủ.
Nhật Bản vẫn chưa cung cấp danh tính quan chức ngành đường sắt nghi nhận lại quả 80 triệu yên
Tối qua 28-3, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã về nước sau nhiều ngày làm việc với các cơ quan hữu quan của Nhật Bản nhằm làm rõ các thông tin mà báo Nhật Bản (Yomiuri Shimbun) đưa tin về việc Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) hối lộ các cán bộ ngành đường sắt Việt Nam.
Bộ GTVT cho biết, trong thời gian tại Nhật Bản, Đoàn đã gặp và làm việc với Bộ Ngoại giao Nhật Bản và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản -JICA. Tại các buổi làm việc này, Thứ trưởng Bộ GTVT đã thông báo với các cơ quan này về quan điểm, chỉ đạo và hành động của Chính phủ Việt Nam cũng như của Bộ GTVT Việt Nam khi biết thông tin nêu trên.
Ông Nguyễn Ngọc Đông cũng đề nghị Bộ Ngoại giao và JICA xác minh thông tin mà báo chí đã nêu, cung cấp và chia sẻ thông tin về tình hình điều tra vụ việc, và phối hợp với các cơ quan liên quan của Việt Nam trong việc tăng cường công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian tới.
"Bộ Ngoại giao Nhật Bản và JICA đánh giá cao quan điểm chỉ đạo cũng như phản ứng nhanh chóng, tích cực, quyết liệt của Việt Nam. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, Quốc hội và đặc biệt là người dân Nhật Bản rất quan tâm đến vụ việc này, vì vậy nếu vụ việc xảy ra đúng như phản ánh của báo chí thì đây sẽ là một vấn đề rất đáng tiếc và hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực tới chính sách ODA của Nhật Bản", đại diện Bộ GTVT cho hay.
Theo thông tin từ phía Nhật Bản, hiện nay vụ việc đã được giao cho cơ quan tư pháp Nhật Bản (Cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát, Cơ quan thuế) điều tra. Hiện, Bộ Ngoại giao và JICA chưa có thông tin về tình hình điều tra vụ việc và thông tin chỉ có thể được cung cấp sau khi có kết luận điều tra và được sự cho phép của Chính phủ.
Tuy nhiên, phía Bộ Ngoại giao Nhật Bản và JICA đề nghị, trong khi công tác điều tra đang được tiến hành tại Nhật Bản, hai bên Việt Nam- Nhật Bản khẩn trương làm rõ, công khai minh bạch về vụ việc xảy ra; phối hợp để đưa ra những biện pháp mạnh mẽ nhằm phòng ngừa tham nhũng, hối lộ, cạnh tranh không bình đẳng trong quá trình triển khai các dự án ODA. Nhật Bản cũng đề nghị Việt Nam cần xử lý nghiêm minh những cán bộ vi phạm nếu vụ việc được cơ quan điều tra kết luận là có thực.
Tại buổi làm việc với JICA, Thứ trưởng Bộ GTVT Việt Nam đã đề nghị JICA nghiên cứu cải tiến quy chế vốn vay theo hình thức STEP để tăng tính cạnh tranh, tránh trường hợp đến giai đoạn mở thầu chỉ có 1 nhà thầu tham gia, dẫn đến việc chi phí bỏ thầu tăng cao.
Trên cơ sở kết quả làm việc của đoàn, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ giao Bộ Công an tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan của Nhật Bản để xác minh, điều tra sớm làm rõ nội dung báo chí đưa tin.
Trước đó, theo thống nhất giữa Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và Ngài Fukada Hiroshi Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản và được sự đồng ý của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, cuộc họp Ủy ban hỗn hợp Việt - Nhật lần thứ 1 sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào sáng ngày 3-4-2014.
Cuộc họp do Thứ trưởng Bộ GTVT và Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đồng chủ trì. Với mục tiêu trao đổi thông tin và thảo luận những biện pháp phòng chống trong thời gian tới bao gồm cả biện pháp phòng chống tái phát và thảo luận về đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách nhằm ngăn ngừa, hạn chế tiêu cực trong các dự án GTVT sử dụng vốn vay.
Theo ANTD
Nghi án JTC hối lộ: Nhật cung cấp thông tin gì cho Thứ trưởng GTVT? Tại Nhật Bản, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã làm việc với Bộ Ngoại giao nước này. Phía Nhật Bản đánh giá cao quan điểm chỉ đạo cũng như phản ứng nhanh chóng, tích cực, quyết liệt của Việt Nam Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông và Đoàn công tác đã gặp và làm việc với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật...