Chiến dịch Rửa xe – cuộc điều tra tham nhũng lớn nhất lịch sử nhân loại
Bắt đầu từ một vụ điều tra rửa tiền đơn giản, câu chuyện xung quanh vụ bê bối Petrobras ở Brazil đã nhanh chóng tăng tầm, cho thấy một mạng lưới bòn rút tiền nhà nước khổng lồ, với sự tham gia của nhiều chính trị gia quyền lực và các doanh nghiệp sừng sỏ trong nước.
Một vụ bắt giữ bình thường
Trong ngày 14.1.2015, nhân viên cảnh sát Newton Ishii đang đứng ở sân bay Galeão tại Rio de Janeiro để chờ gặp một người sắp hạ cánh xuống đây trên một chuyến bay đêm từ London. Nhiệm vụ của ông rất đơn giản. Một cựu giám đốc Petrobras, Công ty dầu khí quốc gia Brazil, đang ở trên máy bay. Ishii có nhiệm vụ bắt nhân vật này ngay khi ông ta đặt chân lên đất Brazil và lập tức đưa ông ta đi tới chỗ các điều tra viên để thẩm vấn.
Đó chẳng phải là nhiệm vụ gì khó khăn, Ishii nghĩ khi chờ đợi tại Ga số 1 ở sân bay. Đây chỉ là một trong nhiều chiến dịch chống tham nhũng mà ông đã tham gia. Thường thì các vụ bắt giữ luôn khiến báo chí quan tâm ban đầu, nhưng rồi chuyện nhanh chóng phai lạt và những kẻ phạm tội lại tiếp tục hoạt động của chúng, như chưa có chuyện gì xảy ra.
Người ta thậm chí còn có cả một cụm từ mang tính chế giễu dành cho những vụ như thế này “Acabou em pizza” (tạm dịch: Kết thúc bằng bánh pizza) với ý rằng mọi tranh bê bối, tranh cãi mang tính chính trị đều có thể giải quyết chỉ sau một bữa ăn và mấy ly bia.
Sĩ quan cảnh sát Ishii, người đã trở nên nổi tiếng sau vụ bê bối Petrobas.
Nestor Cerveró, cựu giám đốc Petrobras, một mắt xích quan trọng trong vụ tham nhũng lớn nhất thế giới.
Khi chiếc máy bay hạ cánh, mục tiêu của Ishii rất dễ nhận diện trong nhóm các hành khách đang túa ra tại sảnh đến. Nestor Cerveró có một gương mặt không cân đối một cách đáng kinh ngạc, với mắt trái thấp hơn hẳn so với mắt phải. “Ông ta đã không thể tin nổi khi bị bắt. Ông ta nói rằng đó là một sai lầm”, Ishii nhớ lại. “Tôi nói với ông ta rằng mình chỉ đang làm đúng phận sự và ông ta có thể khiếu nại với quan tòa”.
Cerveró gọi cho anh trai và một luật sư. Ông ta tin mình sẽ được tự do trước buổi sáng hôm sau. Ishii cũng nghĩ rằng nghi phạm sẽ chẳng bị giam quá lâu. Nhiều năm làm việc trong lực lượng cảnh sát đã khiến ông hiểu rằng những kẻ giàu có và quyền lực có thể thoát khỏi lưới nhanh như thế nào. Chẳng có lý do gì để nghĩ rằng vụ này sẽ khác biệt. Hóa ra, cả hai đều lầm to.
Cuộc điều tra dẫn tới vụ bắt giữ Cerveró, có biệt danh Lava Jato (Rửa xe), đang chuẩn bị bóc trần mạng lưới tham nhũng chưa có tiền lệ. Báo chí gọi đây là vụ bê bối tham nhũng lớn nhất trong lịch sử Brazil. Rồi khi nhiều quốc gia cùng công ty nước ngoài bị phát hiện có liên lụy, nó đã được coi là vụ tham nhũng lớn nhất thế giới.
Được triển khai từ tháng 3.2014, chiến dịch ban đầu chỉ tập trung vào các doleiro (những kẻ giao dịch tiền bẩn ở chợ đen) chuyên sử dụng các doanh nghiệp nhỏ như trạm bán xăng và cửa hàng rửa xe, để rửa tiền bẩn kiếm được từ hoạt động bất hợp pháp. Nhưng cảnh sát nhanh chóng nhận ra rằng họ đang theo đuổi một thứ gì đó lớn hơn khi phát hiện ra các doleiro đang làm việc cho Paulo Roberto Costa, giám đốc phụ trách lọc dầu và phân phối tại Petrobras.
Người biểu tình mang theo hình nộm của bà Rousseff và ông Lula da Silva xuống đường ở Sao Paulo vào tháng 4.2016.
Đầu mối này giúp các công tố viên phát hiện một mạng lưới tham nhũng khổng lồ. Khi bị thẩm vấn, Costa đã khai ra ông ta, Cerveró và nhiều lãnh đạo khác của Petrobras đã phạm luật ra sao, thông qua những hoạt động như cố tình chấp nhận giá cao hơn bình thường cho các hợp đồng ký kết với một loạt công ty khác nhau trong các lĩnh vực xây dựng văn phòng, sản xuất giàn khoan dầu, nhà máy lọc dầu và tàu khoan khai thác.
Video đang HOT
Các công ty trúng thầu giá cao đã thành lập một thỏa thuận để đảm bảo họ có các điều khoản có lợi trong hợp đồng với Petrobras, đổi lấy việc sẽ chuyển từ 1-5% giá trị mỗi hợp đồng vào nhiều quỹ bí mật. Sau đó, các sếp Petrobras dùng tiền từ những quỹ này để bơm ngược trở lại cho các chính trị gia đã chỉ định họ vào chiếc ghế lãnh đạo và đảng chính trị mà họ thuộc về. Mục tiêu của mạng lưới tham nhũng này, vốn hút máu người đóng thuế và các cổ đông với số tiền lên tới hàng tỉ USD, là dùng tiền để đầu tư vào các chiến dịch tranh cử, nhằm giúp liên minh cầm quyền tiếp tục tại vị.
Nhưng không chỉ có các chính trị gia là được hưởng lợi. Gần như bất kỳ ai có liên quan tới các thỏa thuận mờ ám này đều được hối lộ, bằng tiền mặt hoặc bằng các hiện vật như xe hơi, tác phẩm nghệ thuật đắt tiền, đồng hồ Rolex, các chai rượu 3.000 USD hoặc thậm chí là du thuyền và trực thăng.
Nhiều khoản tiền khổng lồ đã được chuyển tới các tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ, được rửa qua các thỏa thuận đầu tư bất động sản ở nước ngoài hoặc thỏa thuận làm ăn với các công ty nhỏ. Phương thức chuyển tiền ra nước ngoài hoặc vô cùng phức tạp để che giấu nguồn tiền, hoặc rất đơn giản để tránh việc phải làm các thủ tục giấy tờ sổ sách. Các công tố viên phát hiện rằng nhiều người già đã được đường dây này thuê làm là chở tiền từ thành phố này sang thành phố nọ và họ thường buộc rất nhiều bó tiền quanh người khi vận chuyển.
Một công ty không bình thường
Cần biết rằng Petrobras không phải là một công ty bình thường. Ngoài việc là một công ty có giá trị thị trường cao nhất ở khu vực Mỹ Latin, đây còn là đầu tàu của một nền kinh tế đang lên, đang cố gắng thu lợi từ việc mới phát hiện hàng loạt giếng dầu mới với trữ lượng khổng lồ ở khu vực nước sâu ngoài khơi Rio de Janeiro.
Petrobras thu hút hơn 1/8 tổng vốn đầu tư tại Brazil, cung cấp hàng trăm ngàn việc làm tới cho các công ty xây dựng, xưởng đóng tàu và nhà máy lọc dầu. Công ty này cũng hình thành các hoạt động hợp tác làm ăn với nhiều nhà cung cấp quốc tế lớn, gồm Rolls-Royce và Samsung Heavy Industries.
Petrobras còn nằm ở trung tâm nền chính trị Brazil. Trong nhiệm kỳ Tổng thống của lãnh đạo đảng Lao động Luiz Inácio Lula da Silva (2003-2010), người còn được gọi là Lula, các vị trí giám đốc của công ty đều được trao cho các đồng minh chính trị của tổng thống, nhằm gây dựng sự ủng hộ trong Quốc hội.
Petrobras có tầm quan trọng về cả mặt thương mại và chiến lược tới mức Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) đưa vào diện theo dõi. Như cuộc điều tra Rửa xe đã chứng minh, nếu anh có thể phanh phui bí mật của công ty này, anh cũng có thể phanh phui bí mật của đất nước Brazil.
Đầu tiên, các điều tra viên phải buộc các giám đốc Petrobras phải mở miệng. Cho tới gần đây, chuyện này là không thể tưởng tượng nổi. Một văn hóa miễn trừ động chạm tới những nhân vật như thế ngự trị lâu nay ở Brazil. Nhưng thời thế đã thay đổi, như viên giám đốc Nestor Cerverò của Petrobras sớm nhận ra.
Được biết khi bị bắt và đưa vào trung tâm tạm giam ở sân bay, với một cái giường không đẹp đẽ cho lắm, ông này vẫn tỏ ra hống hách. “Làm sao tôi tôi có thể nằm trên thứ này được?”, ông ta hỏi. “Không nằm trên giường thì ông cứ việc đứng mà ngủ”, Ishii trả lời. Chẳng mấy chốc, Cerverò chìm vào giấc ngủ, chỉ để bị đánh thức vào lúc 6 giờ sáng. “Bữa sáng của tôi đâu”, ông ta cao giọng hỏi. “Chả có bữa sáng nào đâu, tôi đưa ông tới Curitiba”, Ishii đáp.
Curitiba, trái tim của cuộc điều tra Rửa xe, là thủ phủ bang Paraná ở miền Nam. Theo tiêu chuẩn Brazil, với khoảng cách 845km so với Rio, nơi này không nằm cách quá xa. Tuy nhiên về mặt văn hóa thì đôi bên khác nhau một trời một vực.
Hai cựu tổng thống Brazil Dilma Rousseff và Luiz Lula da Silva.
Thẩm phán Moro.
Curitiba còn được biết tới với cái tên “London của Brazil” vì người dân ở đây ủng hộ việc tuân thủ pháp luật hơn cư dân của các thành phố lớn ở phía Bắc. Trong mấy năm gần đây, nơi này đã được quốc tế ca ngợi vì hệ thống giao thông công cộng tiên tiến và các chính sách về môi trường tiến bộ. Nhờ chiến dịch Rửa xe, nơi này nay đã nổi tiếng hơn vì các thẩm phán, công tố và cảnh sát.
Tuy nhiên nếu thiếu một sự cải cách về luật, cuộc điều tra Petrobras sẽ không thể cất cánh. Bà Dilma Rousseff, người lên nắm quyền sau ông Lula, đã phải đối mặt với các cuộc biểu tình chống tham nhũng quy mô rộng lớn hồi năm 2013. Nhằm xoa dịu công chúng, bà đã đẩy nhanh tiến trình thông qua các đạo luật nhằm trấn áp nạn tham nhũng. Lần đầu tiên Brazil cho phép triển khai thỏa thuận nhận tội. Các công tố viên giờ đã có thể thỏa thuận với nghi phạm và sẽ giảm án nếu chúng cung cấp thông tin giúp bắt nhiều nhân vật quan trọng hơn.
Giám sát cuộc điều tra ở Curitiba là Sérgio Moro, một thẩm phán trẻ tham vọng, người giúp các công tố viên tăng sức ép lên các nghi phạm bằng cách phê chuẩn hoạt động bắt giữ “ngăn chặn kéo dài”. Ông từ chối cho người giàu đóng tiền thế chân để tại ngoại. Ông làm thế để ngăn không cho những kẻ này dùng sức mạnh kinh tế hoặc ảnh hưởng chính trị để chống lại bất kỳ cáo buộc nào nhằm vào chúng. Trong khi đó, lệnh bắt giữ ngăn chặn kéo dài tăng sức ép lên các nghi phạm. Chúng phải thông qua thỏa thuận nhận tội hoặc cứ việc ngồi tù kéo dài.
Cerveró không phải người đầu tiên được đưa ra sự lựa chọn này. Ông ta đã gia nhập một đội nghi phạm VIP trong khuôn khổ chiến dịch Rửa xe – các giám đốc công ty, những doanh nhân giàu có và sau này là 2 nghị sĩ từng rất quyền lực. Tất cả đã có nhiều tháng sống trong trung tâm giam giữ của Curitiba.
Vốn đã quen với cuộc sống xa hoa, các tù nhân siêu giàu này phải chen nhau 3 người trong phòng giam vốn dành cho 1 người. Hoàn cảnh mới rõ ràng là cú sốc với họ. “Một tù nhân thậm chí còn không biết cả cách cạo râu, do trước đây luôn có người làm điều này cho ông ta”, một cai ngục đề nghị giấu tên kể với phóng viên Guardian. Bạn tù phàn nàn rằng Cerveró còn tè lên cả người họ
trong đêm. Nhiều nghi phạm đã thỏa thuận nhận tội ngay sau khi được gặp thân nhân. “Tôi nghĩ chúng làm thế bởi đã ngửi thấy mùi nước hoa và xà phòng đắt tiền, từ cuộc sống mà chúng để lại sau lưng”, viên cai ngục nói. Một số nghi phạm kháng cự trong nhiều tháng, số khác chỉ vài ngày. Nhưng gần như tất cả đều gục ngã trước nỗ lực của nhà chức trách.
Thăm dò dư luận cho thấy công chúng rất hài lòng vì vấn đề tham nhũng kéo dài lâu nay cuối cùng đã bị xử lý trong một chiến dịch lớn quy mô toàn quốc. Gần như mỗi ngày, chi tiết về một cuộc đột kích của cảnh sát hay một cáo buộc mới lại xuất hiện trên mặt báo. Tổng cộng, người ta đã phát hiện ra số tiền hơn 2 tỉ USD bị tước đoạt khỏi Petrobras dưới dạng các khoản hối lộ và chi trả bí mật.
Không gì có thể đứng trên pháp luật
Khi quy mô của vụ việc này ngày càng lộ rõ, nhiều người Brazil đã chĩa nỗi tức giận của họ vào các chính trị gia, ban đầu là Lula, Rousseff và những người khác trong đảng Lao động. Các tờ báo cho rằng những người thuộc đảng này phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho vụ bê bối. Thực tế thì câu chuyện không rõ ràng như thế.
Gần như mọi chính đảng lớn ở Brazil đều có liên quan tới các vụ tham nhũng khác nhau xuất hiện trong các chính quyền trước nữa. Theo giới quan sát, khung cảnh chính trị ở Brazil thực sự rất dễ để tình trạng tham nhũng xảy ra. Với hàng chục đảng phái và các cuộc bầu cử diễn ra ở ba cấp độ (liên bang, bang và thành phố) trên một trong những đất nước lớn nhất thế giới, các chiến dịch vận động tranh cử thường rất đắt đỏ và không một đảng chính trị nào có thể giành chiến thắng đa số. Để nắm quyền, các đảng chính trị vừa phải thắng trong các cuộc bầu cử, vừa phải trả tiền cho các đảng khác để thành lập liên minh. Và hai hoạt động này cần rất nhiều tiền.
Điều trên dẫn tới việc một trong những phần thưởng lớn nhất của nền chính trị tại Brazil lâu nay vẫn là quyền chỉ định các giám đốc cao cấp tại nhiều công ty do nhà nước điều hành, bởi mỗi giám đốc đó sẽ nhận hàng triệu đô la lại quả từ các nhà thầu và sau đó phần lớn tiền sẽ được chuyển trở lại quỹ vận động tranh cử của đảng.
Người ta từng tin rằng Đảng Lao động sẽ khác biệt trong khung cảnh đó. Đảng này được cử tri lựa chọn với lời hứa dọn sạch tham nhũng, nhưng rồi nhanh chóng bị cuốn vào trong. Sau khi đắc cử Tổng thống Brazil vào năm 2002, Lula đã lâm vào tình trạng chỉ nằm ở phe thiểu số trong Quốc hội. Chánh văn phòng của ông đã mua sự ủng hộ cả các đảng nhỏ hơn, bằng cách dàn xếp để thanh toán các khoản phí hàng tháng, được biết tới với tên mensalão. Số tiền này thường được các công ty xây dựng bỏ ra, để đổi lấy việc họ được cấp các dự án xây dựng mới. Dù bất hợp pháp, hoạt động này giúp Đảng Lao động xử lý công việc.
Kết quả là nhiệm kỳ đầu của ông Lula đã kết thúc rất ấn tượng khi giảm nghèo, tăng chi tiêu xã hội và quản lý môi trường. Tuy nhiên, do các cải cách của Lula chỉ được thông qua tại Quốc hội nhờ sự hỗ trợ của hoạt động hối lộ, các thành tích này giống như đã được xây trên một bãi cát lún về tiêu chuẩn đạo đức.
Khi bê bối mensalão bị phanh phui hồi năm 2004, Đảng Lao động buộc phải ngừng chi tiền cho các đảng đồng minh và Lula lại chỉ còn nắm trong tay phe thiểu số trong Quốc hội. Tệ hơn, ông còn có nguy cơ bị phế truất. Để ngăn chặn điều này, Lula đã với tay sang đối thủ chính trị lớn nhất: Đảng Phong trào dân chủ Brazil (PMDB), do ông Michel Temer lãnh đạo.
Cuộc hôn nhân này đã là thảm họa ngay từ đầu. PMDB là đảng chính trị lớn nhất Brazil, nhưng chưa từng nắm vai trò lãnh đạo. Thay vì thế, đảng này thích thông qua các thỏa thuận để thành lập chính quyền và đã liên quan tới mọi bê bối tham nhũng trong lịch sử hiện đại của Brazil. Nhưng Lula đang tuyệt vọng nên ông vẫn thành lập liên minh. Để đổi lấy sự ủng hộ trong Quốc hội, Đảng Lao động cho PMDB quyền kiểm soát đơn vị quốc tế của Petrobras và các nguồn vốn chảy từ đó ra. Về sau ông Temer bị nêu tên vài lần trong cuộc điều tra Rửa xe, nhưng luôn bác bỏ các cáo buộc nhằm vào bản thân.
Năm 2011, ông Lula kết thúc nhiệm kỳ tổng thống thứ hai và bà Dilma Rousseff lên thay. Đầu năm 2016, kinh tế Brazil rơi vào suy thoái. Nguyên nhân chính là do giá hàng hóa toàn cầu suy giảm và nguyên nhân thứ hai là cuộc điều tra Rửa xe khiến tình hình tồi tệ hơn. Các công tố viên yêu cầu Petrobras phải ngừng làm ăn với nhiều nhà thầu, gồm Odebrecht, công ty xây dựng lớn nhất Mỹ Latin. Nhiều dự án bị đình trệ, công nhân bị sa thải và tỉ lệ thất nghiệp tăng gần gấp đôi chỉ sau có 2 năm. Hoạt động chính trị cũng bị tê liệt. Vụ bắt giữ Amaral khiến nhiều nghị sĩ lo sợ rằng quyền miễn trừ truy tố nay đã không thể bảo vệ họ được nữa. Quan hệ giữa các đảng phái trở nên căng thẳng.
Đại đa số công chúng tin rằng tình cảnh đáng buồn của đất nước là do lỗi của đảng Lao động, vốn đã cầm quyền suốt 13 năm qua. Tỷ lệ ủng hộ bà Rousseff tụt giảm mạnh và bà cũng mất sự ủng hộ ở Quốc hội. Nhiều nghị sĩ tức giận vì bà Rousseff không chịu dừng cuộc điều tra Rửa xe hay bảo vệ các thành viên cao cấp trong đảng của bà. Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Guardian, Amaral nói rằng ông ta luôn cảnh báo Tổng thống Rousseff về tác động của cuộc điều tra Rửa xe, nhưng bà không nghe. “Bà ấy luôn cho rằng cuộc điều tra này sẽ chạm tới mọi người, nhưng không phải bản thân bà”, Amaral tuyên bố. “Bà ấy nghĩ rằng cuộc điều tra sẽ giúp mình mạnh hơn”.
Tình hình này dẫn tới kết quả là bà Rousseff bị phế truất. Trong tháng 4.2015, ông Michel Temer trở thành tổng thống tạm quyền của Brazil, dù đã bị nêu tên vài lần trong cuộc điều tra Rửa xe. Tháng 1.2017, thẩm phán Tòa án tối cao Teori Zavascki, người đã bảo vệ uy tín của cuộc điều tra Rửa xe trước áp lực chính trị, thiệt mạng trong một vụ rơi máy bay. Temer đã chọn Alexandre de Moraes, nhân vật là đồng minh chính trị của ông, lên thay thế Zavascki, dù hành động này đã vi phạm quy tắc phân chia quyền lực. Những diễn biến bất lợi này hiện vẫn chưa gây ảnh hưởng tới chiến dịch Rửa xe. Các điều tra viên của chiến dịch vẫn chống lại áp lực chính trị và không ngừng mở rộng danh sách mục tiêu.
Sau khi chuyển sự chú ý từ Petrobras sang Odebrecht, các công tố viên phát hiện doanh nghiệp này đã thực hiện nhiều hoạt động tham nhũng với số tiền hơn 3 tỉ USD. Tháng 4.2017, họ mở cuộc điều tra mới vào hàng chục chính trị gia thuộc nhiều đảng phái ở Brazil, gồm 8 thành viên nội các của ông Termer. Sau đó họ sờ tới JBS, một trong những công ty đóng gói thịt lớn nhất thế giới và kết quả cuộc điều tra là ông Termer bị phát hiện có liên quan tới các hoạt động mờ ám. Tổng chưởng lý Brazil đã chính thức cáo buộc ông Temer âm mưu cản trở chiến dịch Rửa xe, qua đó khiến cho một số người trong Quốc hội kêu gọi việc phế truất vị tổng thống thứ hai chỉ trong vòng có 1 năm.
Và mạng lưới tham nhũng đã bị phát hiện chạy xa khỏi biên giới Brazil. Odebrecht có hẳn một đơn vị chuyên phụ trách hoạt động hối lộ, đã chi trả số tiền bất hợp pháp trị giá 800 triệu USD cho hơn 100 hợp đồng tại hơn một chục quốc gia trong vòng 15 năm qua. Nhiều công ty cung cấp thiết bị nước ngoài cũng đang bị điều tra về các khoản tiền họ đã phải hối lộ để được Petrobras trao hợp đồng. Trong số này có cả các công ty lớn như Rolls-Royce của Anh. Ngay cả các sự kiện như World Cup và Olympics cũng bị dính vào bê bối, khi cơ quan điều tra tham nhũng đang tập trung sự quan tâm vào 6.12 sân vận động được xây dựng để phục vụ các sự kiện thể thao nêu trên.
Cuộc điều tra rõ ràng đã làm lung lay tới tận gốc đời sống chính trị và kinh tế Brazil, làm dấy lên hy vọng rằng công lý rồi sẽ được thực thi với những người giàu và quyền lực. Nhiều nhân vật được xem như bất khả xâm phạm trước kia, nay đều đang ngồi tù. Các doanh nhân quyền lực cũng chịu chung số phận, gồm Marcelo Odebrecht, lãnh đạo tập đoàn xây dựng lừng danh. Ngay cả những nhân vật nổi tiếng trong chiến dịch Rửa xe như Ishii cũng bị đình chỉ công tác do liên quan tới một cáo buộc nhận hối lộ trước kia.
Và như thế, lần đầu tiên trong lịch sử Brazil hiện đại, người ta tin rằng không gì có thể đứng trên luật pháp và các bê bối sẽ không thể kết thúc êm đẹp sau những bữa ăn pizza như trước kia.
Theo Hương Giang (Người Lao động)
Trung Quốc với mối lo tham nhũng ăn mòn học thuật
Kết quả cuộc kiểm tra 14 trường đại học trên toàn Trung Quốc, trong đó có 2 trường đại học nổi tiếng là Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa, cho thấy nạn tham nhũng đang hoành hành ở nhiều cơ quan giáo dục lớn của nước này.
Đại học Bắc Kinh đang bị điều tra vì để xảy ra tham nhũng
Báo cáo của Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) khẳng định nguy cơ tham nhũng tại phần lớn trong số 14 trường đại học này là rất lớn. Các nguy cơ này có thể xảy ra trong những lĩnh vực như các doanh nghiệp trực thuộc sự quản lý của trường, xây dựng cơ sở hạ tầng, quản lý tài sản, quản lý kinh phí nghiên cứu khoa học và hoạt động tuyển sinh.
Đặc biệt, một số nguồn lực của trường đại học đã bị sử dụng để phục vụ những lợi ích không chính đáng và một số cán bộ lãnh đạo hoặc nhân viên đã lợi dụng chức quyền để mưu cầu lợi ích cá nhân. Phần lớn trong số 14 nhà trường chưa tuân thủ nghiêm túc 8 quy định của Đảng Cộng sản Trung Quốc về thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, gây nhiều thiệt hại cho công quỹ thông qua hoạt động du lịch, đi nước ngoài, tiếp khách, sử dụng xe công vì mục đích cá nhân.
Không lĩnh vực nào ở Trung Quốc là ngoại lệ đối với gian lận và tham nhũng, kể cả khi đó là các lĩnh vực có ảnh hưởng trực tiếp đến phúc lợi xã hội như sức khoẻ, giáo dục, thể thao, chính trị hay tôn giáo. Giáo dục đại học cũng vậy. Một bài báo đăng trên tạp chí điện tử Giáo dục đại học quốc tế vào năm 2015 mô tả tình trạng tham nhũng tại nền giáo dục đại học Trung Quốc như là một "khối u" ác tính và đề cập đến việc từ những năm 1990, tham nhũng đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động học thuật tại các trường đại học Trung Quốc.
Bài báo đưa ra ví dụ về tình trạng đạo văn, biển thủ ngân sách nghiên cứu và thiên vị trong bổ nhiệm cán bộ nghiên cứu. Trước đây, tại Trung Quốc, giáo sư thường có địa vị xã hội cao với lương và đãi ngộ thoả đáng. Điều này dẫn đến việc số lượng giáo sư tăng nhanh chóng và qua đó dẫn đến không chỉ chức danh giáo sư bị mất giá mà việc thăng tiến khoa học bị chi phối bởi các quan hệ cá nhân hơn là dựa trên thành tích học thuật.
Đây là hệ quả từ chính sách của nguyên Ủy viên Hội đồng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Giáo dục Trung Quốc trước đây Chen Zhili. Chạy theo những lợi ích tài chính, các trường đại học bắt đầu thu nhiều loại lệ phí, biến giáo dục trở thành một trong 10 ngành kinh doanh béo bở và cũng mục nát nhất quốc gia. Theo thống kê, quỹ dành cho nghiên cứu khoa học và công nghệ trong năm 2013 là 500 tỷ NDT (tương đương 82,2 tỷ USD). Tổng số quỹ trong 8 năm qua lên tới gần 3 ngàn tỷ NDT (tương đương 493 tỷ USD). Tuy nhiên, chỉ 40% số tiền trên được phân bổ thực sự vào các dự án nghiên cứu.
Trước vấn nạn tham nhũng, ngay từ năm 2014, Cơ quan chống tham nhũng Trung Quốc và Bộ Giáo dục nước này đã tiến hành nhiều cuộc kiểm tra. Hàng loạt các quan chức công tác tại các trường đại học cao đẳng đã "ngã ngựa". Chẳng hạn, Phó Hiệu trưởng Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh Dương Phóng Xuân bị cáo buộc chi phí khống lên đến 2,8 triệu NDT; Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Đối ngoại Bắc Kinh Lưu Á vi phạm quy định khi cùng lúc giữ chức Tổng giám đốc "tạm thời" của 6 công ty, nhận 1,266 triệu NDT; nguyên Hiệu trưởng Học viện Thương mại Quốc tế Thang Cốc Lương nhận 1,529 triệu NDT khi cùng giữ chức Tổng giám đốc "tạm thời" của 4 công ty...
Liên quan đến cuộc kiểm tra mới nhất với 14 trường đại học trên toàn Trung Quốc, hiện chưa có thông báo kỷ luật. Tuy nhiên, văn bản của Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương nước này đã yêu cầu tổ chức Đảng của 14 trường đại học nâng cao nhận thức chính trị, tăng cường công tác xây dựng Đảng, và đẩy mạnh hoạt động giám sát trong những lĩnh vực dễ xảy ra tình trạng tham nhũng.
Theo P.V
An ninh thủ đô
Quan chức thị trấn Trung Quốc thụt két gần triệu tệ Một quan chức ở thị trấn thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc bòn rút hơn 700.000 tệ công quỹ bằng cách mỗi lần lấy một ít. Hơn một triệu quan chức Trung Quốc bị xử lý vì tham nhũng. Ảnh minh họa: Xinhua Chen Gang, quan chức phụ trách tài chính ở một thị trấn thuộc tỉnh Hồ Nam, là một trong 8.000...