Chiến Dịch Overlord – Chiến tranh, đại dịch zombie và câu chuyện về nhân tính
Trong những năm gần đây các bộ phim lấy đề tài chiến tranh hay kinh dị được làm khá nhiều nhưng một bộ phim gồm cả Thế Chiến II lẫn zombie kinh dị thì có vẻ là một điều “mới lạ” với khán giả. Nhà sản xuất lừng danh của Hollywood J.J. Abrams hợp tác cùng đạo diễn Julius Avery thực hiện bộ phim Chiến Dịch Overlord. Có thể nói đây là tác phẩm được khá nhiều khán giả mong đợi, không chỉ bởi danh tiếng của J.J. Abrams mà còn từ những chia sẻ về ý tưởng thú vị của dự án đầy tham vọng này.
Cảnh trong phần mở đầu
Trước khi đi ra rạp xem bộ phim này tôi cũng tiện tay tìm kiếm chút thông tin về Chiến dịch Overlord để xem nó được đánh giá ra sao. Lướt sơ thấy nhiều nhận xét đây là bộ phim “có kịch bản lạ, độc đáo, nhiều yếu tố vui vẻ, cảm động, chủ nghĩa anh hùng, kinh dị, siêu nhiên…” nên tôi khá kỳ vọng sẽ có 109 phút thỏa mãn. Nhưng bộ phim dường như chỉ là một đống hổ lốn pha trộn quá nhiều thể loại. Mặc cho nhiều “chuyên gia” đánh giá cao, tôi có thể nói thẳng là kịch bản phim này không có gì mới lạ. Một nhóm binh sĩ Mỹ lao vào một nhiệm vụ bí mật, lạ không? Một phòng thí nghiệm làm ra thứ huyết thanh tạo siêu chiến binh, lạ không? Thế Chiến II, quân Đức Quốc xã tàn ác, quân Mỹ thì anh hùng tuyệt vời, lạ không? Quả thật các nhà biên kịch Hollywood dường như góp nhặt tất cả ý tưởng về các chủ đề thịnh hành rồi dồn vào bộ phim này với hy vọng rằng nó sẽ ăn khách.
Để chuẩn bị cho D-Day – ngày đổ bộ của liên quân mở mặt trận phía Tây chống phát-xít Đức – các binh sĩ Mỹ được lệnh nhảy dù xuống một ngôi làng ở Pháp để phá hủy tháp vô tuyến chỉ cho Không quân Đức nhằm giảm thiệt hại cho cuộc chiến. Chỉ có 5 người may mắn sống sót và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Trong lần đi do thám, một binh sĩ đã khám phá được bí mật kinh hoàng từ những thí nghiệm vô nhân tính của quân Đức. Cả nhóm lên kế hoạch tiêu hủy cả tháp vô tuyến và những thí nghiệm tàn ác kia. Có vẻ các nhà làm phim Mỹ vẫn sử dụng một công thức an toàn thường dùng ở Hollywood: một nhóm nhỏ quân Mỹ thực hiện một nhiệm vụ gần như bất-khả-thi để cứu giúp một đất nước hay cho nhân loại. Ta có cảm tưởng Saving Private Ryan được hòa trộn cùng Captain America: The First Avengers. Chỉ khác là lần này, Ryan được thế bằng đứa bé người Pháp, còn kẻ ác thì được tiêm huyết thanh tăng cường sinh lực.
Ford đối mặt với Wafner, liệu trong chiến tranh người ta còn nhân tính?
Phần mở đầu phim thật sự làm rất tốt. Những người lính trẻ khác nhau về xuất thân, chủng tộc, tính cách, nghề nghiệp lao vào trận chiến với đủ mọi cung bậc cảm xúc. Những đoạn đối thoại đơn giản nhưng giới thiệu được những nét cơ bản nhất về những nhân vật trong bộ phim. Rồi đột ngột cuộc chiến lao vào họ như một con thú dữ vô hình ngấu nghiến sinh mạng của họ. Mạch phim dồn dập dần và trong màn đêm tối tăm đẫm máu, họ nhảy dù xuống dưới làn súng phòng không đỏ lửa đang xé nát bầu trời. Cảnh phim này thật sự đầy sức mạnh lay động nội tâm khán giả và rất giàu tính điện ảnh. Đó như lời mời chào tuyệt vời mà bất cứ nhà làm phim cũng mong muốn có được. Những tưởng bộ phim sẽ tiếp tục lấy đà đó để đẩy không khí rùng rợn của cuộc chiến tranh hơn nữa nhưng thật bất ngờ, đoạn mở đầu đó dường như dồn hết tinh hoa nên những đoạn còn lại hụt hơi một cách khó hiểu.
Phim đột ngột chuyển sang những trò hài hước và kinh dị, có vẻ các nhà làm phim muốn thêm nhiều gia vị cảm xúc nhưng đặt bên cạnh bối cảnh chiến tranh ác liệt thì lại quá lệch pha và khiến nó mất đi không khí đang được xây dựng tốt từ ban đầu. Một loạt hành động ngốc nghếch không thể nào có thể chấp nhận được với nhóm binh sĩ đang lẩn trốn và thực thi nhiệm vụ tuyệt mật trong vùng địch làm tôi cảm thấy rất khó chịu và tự hỏi dụng ý của đạo diễn là gì. Nếu chọn cách thể hiện kiểu dark-humor thì cũng khá hợp vì 5 binh lính được xây dựng từ đầu phim cũng khá thú vị và tính hài hước của một số nhân vật có thể được khai thác. Việc không xác định tông màu chủ đạo cho bộ phim làm người xem kỹ tính thấy vô cùng ức chế. Đoạn ở ngôi làng Pháp nên được dụng công tốt hơn thì có rất nhiều phân đoạn có thể đẩy cao trào và phơi bày bộ mặt trần trụi của chiến tranh nhưng hết lần này đến lần khác bị bỏ phí và cảm xúc cứ bị chặt nhỏ ra do sự đan xen của các phân cảnh hài hước, bi kịch lẫn kinh dị. Việc cho một nhân vật được mô tả là người lính tệ hại trong lúc huấn luyện lại hiền lành (không dám lấy mạng một con chuột) khám phá được bí mật khủng khiếp cũng là một ý kiến không tồi. Qua đó, tâm lý của nhân vật biến đổi và con người khi bị đẩy vào các tình huống ngặt nghèo phải thích nghi để sinh tồn, chiến tranh là nơi biến đổi con người tàn khốc nhất. Dù vậy, việc cho các tình huống diễn biến quá thuận lợi đến mức ngớ ngẩn cũng làm giảm rất nhiều cảm xúc và tính hợp lý cho câu chuyện.
Boyce khám phá ra phòng thí nghiệm kinh dị
Dễ dàng nhận ra nhân vật chính của bộ phim là Boyce (Jovan Adepo) nhưng 2 nhân vật ấn tượng nhất lại là Binh sĩ Ford (Wyatt Russell) và tên sĩ quan Đức Quốc xã Wafner (Pilou Asbk). Một người lính gai góc thô bạo nhưng cá tính rất quyết đoán và mạnh mẽ, vào những thời khắc quyết định trong chiến tranh ta cần những con người như Ford. Mọi điều tàn ác, bệnh hoạn, đê hèn được dồn vào nhân vật Wafner. Đó không còn là một nhân vật đơn thuần mà trở thành hiện thân của tà ác, nơi con người để cho cái ác chiểm hữu và tha hóa đến cùng cực, phần thú tính còn lại khi lớp vỏ bộc của văn minh bị gỡ bỏ ra khỏi con người.
Phim có chất liệu từ các nhân vật được xây dựng tốt cùng tình tiết khám phá ra phòng thí nghiệm rất hấp dẫn nhưng lại được xử lý khá vụng về trong phần giải quyết. Nếu để phim theo hướng hoặc thuần “hài hước đen”, hoặc đẩy mạnh phần kinh dị kết hợp với sự hy sinh mang đậm chất anh hùng ca thì có thể phim sẽ hay hơn rất nhiều. Đoạn kết quá đơn giản, thiếu chất bi tráng hay tô đậm sự đối lập của nhân tính và sự tàn ác làm thông điệp của bộ phim không rõ ràng, thiếu thuyết phục. Kỹ xảo hình ảnh, quay phim và âm thanh của phim cũng ổn nhưng chưa thật sự ấn tượng. Nếu đoạn đầu phim làm rất tốt khắc họa sống động sự chết chóc của chiến tranh thì đoạn giữa khám phá phòng thí nghiệm lại quá sơ xài chưa đủ đẩy độ kinh dị gây ấn tượng sâu đậm cho khán giả. Màn chiến đấu cuối phim có thể xem là tạm ổn, chúng ta vẫn chứng kiến được cái kết tròn trịa theo kiểu happy ending.
Cảnh trong đoạn kết của phim
Tổng kết lại, ta có một bộ phim khá ổn để xem giải trí. Phim sẽ đem đến đủ các sắc thái cảm xúc cho người xem từ căng thẳng, vui vẻ, sợ hãi, căm giận, thỏa mãn. Dẫu còn nhiều hạt sạn trong kịch bản nhưng khó có thể phủ nhận bộ phim vẫn có những khoảnh khắc đáng nhớ và ý tưởng về một đoàn quân Nazist zombies không phải quá tệ.
Theo moveek.com
Ba điểm sáng 'độc nhất vô nhị' khiến 'Chiến dịch Overlord' trở thành phim kinh dị không thể bỏ qua trong tháng 11
Từ nhà sản xuất J.J. Abrams, Chiến dịch Overlord (Tựa gốc: Overlord) là bộ phim kinh dị vô cùng kịch tính với những màn hành động mãn nhãn và các tình huống đầy bất ngờ.
Poster Chiến dịch Overlord
Xoay quanh bối cảnh Chiến tranh thế giới thứ II khốc liệt, bộ phim kể lại câu chuyện về một nhóm lính Mỹ vô tình hạ cánh xuống một ngôi làng bí ẩn, vốn là trại thử nghiệm của phát xít Đức. Tại đây, họ đã phải đương đầu với một đội quân quái vật - những kẻ đã bị thí nghiệm bằng cách tiêm một loại huyết thanh khiến họ bị biến đổi, trở thành những thực thể sống vô cùng đáng sợ.
Mang trong mình sự tàn khốc của chiến tranh, cái ghê sợ của những kẻ không còn là con người cùng vô số tình tiết kinh dị gây ám ảnh người xem, Chiến dịch Overlord đã khẳng định được sức hút của mình khi nhận được nhiều lời khen ngợi từ các nhà phê bình cũng như phản ứng tích cực từ công chúng sau khi ra mắt tại quê nhà Bắc Mỹ, trở thành phim kinh dị đáng xem nhất thời điểm hiện tại. Không khí của chiến tranh bao trùm toàn tác phẩm từ kịch bản phim, lối diễn xuất và cả trong chính những gam màu của nước phim. Cùng điểm lại những điểm sáng "độc nhất vô nhị" mà chỉ Chiến dịch Overlord mới có, khiến các "mọt điện ảnh", đặc biệt là các fan của dòng phim kinh dị - ly kỳ không thể làm ngơ.
Kịch bản độc đáo, khai thác nỗi sợ trong bối cảnh Thế chiến II khốc liệt
Được bắt đầu với một kịch bản cực kỳ ấn tượng của tác giả Billy Ray, Chiến dịch Overlord được đánh giá là một tác phẩm "hồi hộp, kịch tính nhưng cũng không kém phần thú vị" khi lấy bối cảnh Thế chiến II để làm phông nền cho một bộ phim kinh dị. Trong bối cảnh đạn lạc bom rơi, điều mà con người ta lo sợ nhất vốn là cái chết. Thế nhưng với các nhà làm phim đến từ xưởng Bad Robot, nỗi sợ như vậy dường như vẫn là chưa đủ.
Tham vọng về một tác phẩm là tập hợp của tất cả những gì "sợ hãi", "hỗn loạn", "cuồng dại", "kinh hoàng", "quỷ quyệt" và "điên rồ" nhất trên màn ảnh rộng 2018, ekip sản xuất đã mời thêm nhà biên kịch trứ danh Mark L. Smith cùng hỗ trợ để tăng thêm phần gai góc cho bản dự thảo sản xuất cuối cùng. Ngay lập tức, Smith đã bị cuốn hút bởi những khái niệm mới độc đáo của bộ phim và nhanh chóng đồng ý tham gia dự án.
"Tôi yêu thích ý tưởng về cuộc phiêu lưu trong thời điểm Chiến tranh thế giới thứ hai vô cùng khó khăn như thế này, nơi bạn nghĩ rằng đó là một hành động đơn giản cho đến khi nó trở thành cái gì đó hoàn toàn khác", biên kịch của The Revenant chia sẻ.
Vậy là trong Chiến dịch Overlord nỗi lo nay sống mai chết giờ trở thành điều hiển nhiên, bởi trên đó một bậc là sự sợ hãi của chính những người lính khi lần đầu ra chiến trường đã gặp phải những thứ quái dị vượt ngoài sự hiểu biết và trí tưởng tượng của họ. Với sự pha trộn của nhiều ý tưởng độc đáo, Chiến dịch Overlord là một dự án hoàn toàn phù hợp với các tiêu chí mà Bad Robot đặt ra.
Đó là một câu chuyện đem lại cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau mà bí quyết nằm ở việc cân bằng các sắc thái khác biệt cũng như đa dạng hóa thể loại điện ảnh. Tác phẩm đi sâu khai thác câu chuyện của các nhân vật, thậm chí còn dành cả phần đầu của bộ phim để khán giả hiểu được suy nghĩ cùng tâm tư tình cảm của những người lính trẻ và sau đó dần dần dẫn dắt họ bước vào một thế giới với đầy ắp những nguy hiểm, khiến người xem mỗi lúc một quan tâm và yêu mến các nhân vật hơn.
Nhà sản xuất huyền thoại Abrams tin rằng cách thức này đặc biệt quan trọng khi xây dựng bộ phim có sự góp mặt của những sinh vật đặc biệt. "Không phải tất cả các bộ phim mà chúng tôi thực hiện đều có sự xuất hiện của ma quỷ. Nhưng những bộ phim giống như Chiến dịch Overlord sẽ tạo được hiệu ứng tốt nhất khi bạn khiến khán giả tin vào tình huống trong phim, tin vào các nhân vật và hoàn toàn tin vào thế giới của họ. Điều đó sẽ khiến cho câu chuyện trở nên đáng sợ hơn nhiều", ông cho biết.
Những pha giao tranh ác liệt của người lính được đầu tư bài bản và kỹ lưỡng, thể hiện chân thực qua cách diễn
Dù Chiến dịch Overlord là một bộ phim thuộc thể loại kinh dị nhưng điều mà các khán giả dễ dàng nhận thấy chính là những phân cảnh hành động được đầu tư "có tâm và có tầm". Với bối cảnh xoay quanh Chiến tranh thế giới thứ II, thử thách đặt ra với cả nhóm là làm thế nào để các diễn viên trẻ tuổi có thể trở nên giống hệt với những binh lính thực thụ không chỉ trong tạo hình, phục trang mà còn trong lối diễn xuất. Và các thành viên của xưởng Bad Robot đã nhờ tới cựu trung sĩ của lực lượng Hải quân Hoa Kỳ Freddie Joe Farnsworth trong vai trò cố vấn quân sự.
Từng góp sức thực hiện rất nhiều dự án có quy mô lớn như series truyền hình Band of Brothers và The Pacific, cựu trung sĩ Farnsworth đã sử dụng kinh nghiệm của mình để giúp bộ phim trở nên giống hoàn toàn với quân ngũ mà vẫn dễ hiểu với khán giả. Để giúp dàn diễn viên chủ chốt có thể hòa mình vào vai diễn, bên cạnh những giáo trình rèn luyện thể lực, Farnsworth cũng đã giúp đỡ họ hiểu thêm về những chuyển biến tâm lý của một người lính hay những quy tắc trong quân đội.
"Khi dàn dựng một bộ phim giống như Chiến dịch Overlord, bạn sẽ vừa phải tìm cách mang lại những phút giây thư giãn cho đông đảo khán giả đại chúng, vừa phải tìm cách để không khiến những người lính cảm thấy hoài nghi về tính chân thực của bộ phim khi thưởng thức". Farnsworth cho biết. "Điều phối viên các cảnh quay mạo hiểm Jo McLaren đã hỏi liệu tôi có muốn làm cố vấn cho một bộ phim lấy bối cảnh là Thế chiến II hay không. Các diễn viên cần phải luyện tập như thể họ đang ở trong quân ngũ vậy, vì thế ngay lập lức tôi đã nghĩ tới một chương trình huấn luyện đặc biệt dành cho họ".
Lính nhảy dù vốn là một lực lượng tác chiến đặc biệt được sử dụng trong rất nhiều chiến trường của Thế chiến II. Bởi vậy, không mấy ngạc nhiên khi cảnh phim mở màn của Chiến dịch Overlord cũng đã khai thác chính những hình ảnh này. Câu chuyện của nhóm lính trước khi chuẩn bị nhảy dù đã diễn ra trên khoang máy bay vận tải quân sự C-47.
Nam diễn viên John Magaro hồi tưởng: "Chúng tôi đã có được những sự chuẩn bị tốt nhất để thực hiện cảnh quay đó nhờ vào các bài huấn luyện của Farnsworth. Nhóm thiết kế đã dựng lên phần thân máy bay và để các diễn viên sẽ nhảy ra khỏi đó. Đó là những góc khá hẹp và thật khó để ghi hình, nhưng nhờ những kiến thức và kỹ năng có được, chúng tôi đã nghiến răng và cùng nhau hoàn thành phần việc của mình".
Thậm chí, để gia tăng thêm tính chân thực cho cảnh quay độc đáo này, đạo diễn Avery đã đưa ra yêu cầu dàn dựng bối cảnh này trên hệ thống bệ di động. "Chúng tôi đã thiết kế cả phần bên trong lẫn một số chi tiết ở bề mặt của chiếc C-47 rồi đặt nó lên một hệ thống khớp đa năng để có thể dễ dàng di chuyển lên xuống hay sang trái, sang phải theo yêu cầu của cảnh quay", đạo diễn của phim cho biết.
Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa những gam màu tươi sáng trong bối cảnh lạnh lẽo và tăm tối của chiến tranh
Không lựa chọn sử dụng những tông màu trung tính thường xuất hiện phổ biến trong các bộ phim về đề tài chiến tranh hiện đại, Avery và Wagner đã lựa chọn những sắc màu bắt mắt cho Chiến dịch Overlord. "Chúng tôi không muốn lặp lại một bảng màu với sự pha trộn của nhiều màu xám, màu lạnh như khán giả vẫn thường thấy". Đạo diễn của phim cho biết. "Thay vào đó, chúng tôi có xu hướng sử dụng những màu sắc tươi sáng và giàu sức sống cho các cảnh quay trong bộ phim này".
Bởi vậy, thay vì sử dụng những ống kính máy quay hiện đại, các nhà làm phim cũng đã lựa chọn để ghi hình cho Chiến dịch Overlord bằng loại ống anamorphic cổ điển. Đạo diễn Avery lý giải: "Chúng tôi không thích sự sắc nét và sinh động của các loại ống kính tối tân ngày nay. Mong muốn của chúng tôi là sẽ có được những hình ảnh mềm mại hơn, hoài cổ hơn để người xem có cảm giác như thể đang được xem những thước phim của quá khứ".
Quay trở lại với cảnh nhảy dù đặc trưng của tác phẩm, theo như chia sẻ của Adepo thì sự kết hợp của những cảnh quay mạo hiểm, hiệu ứng hình ảnh và nghệ thuật lia máy quay đã giúp phân cảnh này trở thành một trải nghiệm mà anh sẽ chẳng bao giờ có thể quên được.
"Bối cảnh C-47 thực sự khiến chúng tôi cảm thấy kinh ngạc. Được đứng trên mô hình của một chiếc máy bay với tất cả những thiết bị nhảy dù có trọng lượng lớn chính là những phút giây đáng nhớ nhất trong suốt quá trình sản xuất bộ phim này. Nó khiến tôi cảm nhận được một cách rõ rệt những điều mà các người lính trong cuộc chiến đã phải trải qua. Tôi biết mình phải thật bình tĩnh khi thực hiện cảnh quay và những gì xuất hiện trên màn ảnh rộng quả là không thể tin được!".
Chiến dịch Overlord được khởi chiếu rộng rãi kể từ ngày 23/11/2018.
Trailer Chiến dịch Overlord:
Theo thegioidienanh.vn
Các nhà phê bình nói gì về Overlord? Overlord - Bộ phim kinh dị, giả tưởng của nhà sản xuất J.J. Abrams có vẻ như đã có ngày ra rạp chính thức ở Việt Nam. Kể từ sau khi Halloween bị cấm chiếu, thì Chiến Dịch Overlord là bộ phim kinh dị tiếp theo gây được nhiều sự chú ý. Ảnh: TheWrap Chưa biết phim có bị cắt quá nhiều như...