Chiến dịch luồn sâu tuyệt mật của oanh tạc cơ Mỹ năm 1944
Chiến dịch luồn sâu vào hậu cứ phát xít Đức từ năm 1944 bí mật đến mức phi hành đoàn oanh tạc cơ B-24 Mỹ cũng không biết chi tiết.
B-24 Liberator là mẫu phi cơ được Mỹ sản xuất nhiều nhất trong Thế chiến II, góp phần quan trọng vào chiến thắng của quân Đồng minh khi nhiều lần tiến hành oanh tạc chính xác trên bầu trời châu Âu. Tuy nhiên, ngoài nhiệm vụ ném bom thông thường, một số chiếc còn được sử dụng cho chiến dịch luồn sâu trong lòng địch mang mật danh Carpetbagger.
Trong chiến dịch này, các máy bay thuộc Không đoàn ném bom số 801 và 492 chủ yếu hoạt động đơn độc. Họ thường xuất kích trong đêm để hỗ trợ quân kháng chiến Pháp trước và trong chiến dịch Overlord, cuộc đổ bộ lên bãi biển Normandy tháng 6/1944.
Một chiếc B-24 tham gia chiến dịch Carpetbagger. Ảnh: USAF.
Thành viên tham gia chiến dịch Carpetbagger đều thuộc Cơ quan Tình báo Chiến lược (OSS), tiền thân của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Nhiệm vụ của OSS bí mật đến nỗi các phi hành đoàn B-24 gần như không biết họ đang bay đến đâu, mang theo những gì và sẽ chuyển điệp viên và hàng tiếp viện cho ai.
Phi hành đoàn trong chiến dịch Carpetbagger phải sử dụng các chòm sao và địa tiêu để xác định hướng bay. Họ sử dụng những oanh tạc cơ B-24 được hoán cải để thả điệp viên và hàng tiếp tế thay vì ném bom. Chúng cũng được sơn màu đen để hòa vào bầu trời đêm.
Bắt đầu từ mùa xuân năm 1944, lực lượng Carpetbagger xuất kích làm nhiệm vụ từ căn cứ không quân Harrington ở vùng nông thôn Anh.
Họ thường không có tiêm kích hộ tống và duy trì độ cao nhỏ để tránh bị phòng không đối phương phát hiện. Khi đến điểm hẹn, những oanh tạc cơ B-24 sẽ hạ độ cao xuống chỉ còn vài chục mét để thả điệp viên và hàng tiếp tế.
Video đang HOT
Phi hành đoàn oanh tạc cơ chỉ biết mật danh điệp viên của OSS và Cơ quan Tác chiến Đặc biệt Anh (SOE) lần lượt là Joe và Josephine. Các điệp viên nhảy dù xuống khu vực bị Đức chiếm đóng qua “lỗ Joe” ở bụng chiếc B-24, vốn được tạo ra bằng cách tháo bỏ tháp pháo hình cầu.
Hàng tiếp tế được đưa lên giá treo vũ khí và thân máy bay xung quanh “lỗ Joe”. Mỗi container nặng 136 kg được thiết kế đặc biệt, bên trong là trang thiết bị gồm súng chống tăng, súng trường, lựu đạn, radio, tiền mặt, xe đạp, bồ câu đưa thư và vật tư y tế.
Điệp viên Anh và Mỹ trong một nhiệm vụ Carpetbagger. Ảnh: USAF.
Tại châu Âu, quân kháng chiến chờ đợi thả hàng tiếp tế ở những địa điểm bí mật. OSS gửi hướng dẫn đến họ thông qua chương trình phát thanh kèm mật mã của đài BBC. Khu vực thả hàng được chiếu sáng cho oanh tạc cơ bằng đèn pin công suất lớn và các đống lửa.
Khi thực hiện nhiệm vụ luồn sâu tuyệt mật này, oanh tạc cơ B-24 sẽ bay trên khu vực mục tiêu, trong khi container tiếp tế được thả từ khoang chứa bom bằng cách bấm nút.
Dù ẩn mình trong đêm tối, các phi hành đoàn Carpetbagger vẫn đối mặt với nhiều rủi ro. Họ dễ bị bắn hạ nếu bị tiêm kích địch phát hiện do không có lực lượng hộ tống. Pháo phòng không và thời tiết xấu cũng làm tăng rủi ro cho mỗi chuyến bay.
Các phi hành đoàn ít khi được nắm thông tin về chuyến bay để tránh lộ bí mật trong trường hợp bị đối phương bắt làm tù binh.
Chiến dịch Carpetbagger được giữ bí mật suốt nhiều thập kỷ sau chiến tranh. Những thông tin chi tiết về nó vẫn là điều bí ẩn ngay cả với phi hành đoàn và những nhân viên hỗ trợ, dù họ đã thực hiện trên 3.000 nhiệm vụ, thả khoảng 536 điệp viên và 4.511 tấn hàng tiếp tế vào lòng địch ở châu Âu. Chính phủ Mỹ chỉ bắt đầu giải mật chiến dịch Carpetbagger từ thập niên 1980.
Oanh tạc cơ Trung Quốc nghi xuất hiện gần Ấn Độ
Ba oanh tạc cơ H-6 cùng vận tải cơ của không quân Trung Quốc huấn luyện ở "cao nguyên" được cho là Tây Tạng gần biên giới Ấn Độ.
Tài khoản Weibo của Bộ Tư lệnh Chiến khu Trung tâm quân đội Trung Quốc (PLA) ngày 8/9 công bố các bức ảnh cho thấy ít nhất ba oanh tạc cơ Tây An H-6 và một vận tải cơ Tây An Y-20 đỗ tại một sân bay. Cơ quan này chú thích rằng các máy bay trên đang tham gia huấn luyện trên "cao nguyên" và "khu vực có độ cao lớn".
Bộ Tư lệnh Chiến khu Trung tâm không nêu cụ thể địa điểm triển khai của các oanh tạc cơ, nhưng thuật ngữ "cao nguyên" và "khu vực có độ cao lớn" thường được Trung Quốc sử dụng để chỉ khu tự trị Tây Tạng, gần biên giới với Ấn Độ.
Các oanh tạc cơ trong ảnh có thể là biến thể Tây An H-6H với tầm bay chiến đấu 2.500 km, có thể mang theo tên lửa không đối đất hoặc tên lửa chống hạm hạng nặng.
Oanh tạc cơ Tây An H-6 đỗ tại sân bay trên một cao nguyên của Trung Quốc. Ảnh: PLA.
Bộ tư lệnh Chiến khu phía Tây của PLA ngày 9/9 thông báo tổ chức một cuộc tập trận phòng không bắn đạn thật ở "sa mạc phía tây bắc", cụm từ thường chỉ khu tự trị Tân Cương giáp với vùng Ladakh của Ấn Độ.
Trung Quốc công bố thông tin về các đợt huấn luyện, được cho là gần biên giới với Ấn Độ, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước leo thang. Ấn Độ và Trung Quốc cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận song phương về không nổ súng quanh Đường Kiểm soát Thực tế khi bắn chỉ thiên trong vụ đụng độ hôm 7/9.
Thông tin Bộ tư lệnh Chiến khu Trung tâm của PLA điều quân tới Bộ tư lệnh Chiến khu phía Tây được dư luận Trung Quốc đặc biệt quan tâm. Bộ tư lệnh Chiến khu Trung tâm của PLA là lực lượng phòng thủ chính của Trung Quốc và cung cấp lực lượng dự bị chiến lược cho các bộ tư lệnh khác.
Hồi tháng 6, Bộ tư lệnh Chiến khu Trung tâm của PLA điều nhiều đơn vị tới khu vực biên giới, trong đó có một lữ đoàn lính dù đóng quân ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Truyền thông Trung Quốc khi đó đưa tin lữ đoàn lính dù lên biên giới để diễn tập và có thể hiện diện ở biên giới với Ấn Độ "chỉ trong vài giờ" sau khi có lệnh.
Vị trí cao nguyên Tây Tạng của Trung Quốc sát biên giới Ấn Độ. Đồ họa: BBC.
Căng thẳng biên giới Ấn Độ và Trung Quốc leo thang từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 với đỉnh điểm là vụ ẩu đả ngày 15/6 khiến hàng chục binh sĩ hai bên thương vong. Ấn Độ và Trung Quốc đều điều quân tăng viện lên biên giới, bất chấp trước đó đồng ý rút bớt lực lượng tiền tuyến. Trung Quốc tổ chức nhiều cuộc tập trận bắn đạn thật ở Tây Tạng và Tân Cương những tháng qua, đồng thời công bố thông tin rộng rãi.
Chính phủ Ấn Độ ngày 31/8 cáo buộc Trung Quốc triển khai "các hoạt động quân sự khiêu khích" ba tháng sau khi "quân đội Trung Quốc sáp nhập 60 km2 lãnh thổ Ấn Độ ở Ladakh".
Nguồn tin cảnh sát Ấn Độ cho biết lực lượng nước này ẩu đả ba tiếng với binh sĩ Trung Quốc tại thung lũng hẹp Spanggur, gần làng Chushul ở đông Ladakh hôm 28/8. Một tiểu đoàn đặc nhiệm Ấn Độ nhận lệnh trả đũa và chiếm một doanh trại của Trung Quốc trên ngọn đồi quanh hồ Pangong Tso vào sáng hôm sau.
Tuy nhiên trong cuộc họp báo cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phủ nhận cáo buộc quân đội nước này vượt qua LAC, biên giới thực tế giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới. Trung Quốc tuyên bố lục quân Ấn Độ đang chiếm đóng lãnh thổ của họ.
Vị trí lính Ấn - Trung đụng độ trong những tháng qua. Đồ họa: Telegraph.
Ấn Độ tố lính Trung Quốc định vượt biên Lục quân Ấn Độ cáo buộc lính Trung Quốc định vượt biên để "tìm cách thay đổi hiện trạng" ở đông Ladakh, song Bắc Kinh bác bỏ. "Vào đêm 29, rạng sáng 30/8, binh sĩ Trung Quốc vi phạm thỏa thuận đạt được trước đó ở đông Ladakh và thực hiện các hoạt động quân sự khiêu khích nhằm thay đổi hiện trạng",...