Chiến dịch lôi kéo đảng viên Cộng hòa đảo ngũ của bà Clinton
Đội ngũ tranh cử của bà Hillary Clinton đã nỗ lực lôi kéo các đảng viên Cộng hòa cấp cao quay ra chỉ trích tỷ phú Donald Trump và ủng hộ ứng viên đảng Dân chủ.
Ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton. Ảnh: Reuters
Hồi đầu tuần, 50 cựu quan chức an ninh quốc gia thuộc đảng Cộng hòa bất ngờ ký một lá thư ngỏ chỉ trích ứng viên tổng thống Donald Trump của đảng, cho rằng ông này không đủ phẩm chất để trở thành tổng tư lệnh của nước Mỹ.
Sự kiện này phản ánh xu thế ngày càng nhiều thành viên đảng Cộng hòa, từ các quan chức bầu cử, tới những người có máu mặt trong chính quyền của cựu tổng thóng George W. Bush, hay CEO của các tập đoàn lớn, lên tiếng chống lại Trump và bày tỏ sự ủng hộ đối với ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton, theo Politico.
Theo giới phân tích, làn sóng đảo ngũ chưa từng có của các thành viên chủ chốt đảng Cộng hòa này một phần là tự phát, nhưng chủ yếu là do sức hấp dẫn từ chiến dịch tranh cử của bà Clinton, và là thành quả của nỗ lực lôi kéo âm thầm suốt nhiều tháng trời.
Ý tưởng xây dựng nhóm “người Cộng hòa ủng hộ Hillary” bắt đầu được khởi động từ đầu năm nay, khi tỷ phú Trump ngày càng có cơ hội rõ ràng trong việc nhận được đề cử của đảng, những nguồn tin bên trong chiến dịch tranh cử của bà Clinton tiết lộ.
Các chiến lược gia của bà Clinton xác định hai nhóm mục tiêu mà họ phải nhắm đến. Thứ nhất là các cựu quan chức chính quyền của đảng Cộng hòa, có hiểu biết về lĩnh vực an ninh quốc gia, những người có thể lên tiếng cảnh báo rằng ông Trump là một mối đe dọa toàn cầu. Nhóm thứ hai là các đảng viên Cộng hòa trong lĩnh vực kinh doanh, những người có thể chỉ ra tình trạng hỗn loạn về kinh tế nếu ông Trump đắc cử.
Người phụ trách chiến dịch tranh cử đảng Dân chủ John Podesta và các cộng sự cấp cao sau đó vạch ra chiến lược “cùng đẳng cấp”. Trên lĩnh vực kinh doanh, các chủ ngân hàng, lãnh đạo doanh nghiệp lớn được chỉ định để trở thành những người trung gian kết nối với những doanh nhân có ảnh hưởng lớn thuộc đảng Cộng hòa. Với danh sách những mục tiêu tiềm năng trong tay, họ tung ra những đòn thăm dò để tìm hiểu xem ai sẽ là người có thể ủng hộ chính sách của ứng viên đảng Dân chủ.
Bản thân bà Clinton và ông Podesta cũng đến tham dự những buổi trò chuyện cấp cao với các lãnh đạo doanh nghiệp đó, các nguồn tin nội bộ cho hay. Thông điệp mà bà gửi tới các doanh nhân đảng Cộng hòa rất đơn giản: mối quan hệ giữa họ không chỉ diễn ra từ nay đến ngày bầu cử, mà là sự hợp tác lâu dài sau đó.
Dù bà Clinton không đưa ra bất cứ đề xuất lôi kéo nào, các trợ lý ở Phố Wall của bà bắt đầu lật bài ngửa, đề cao những cam kết của bà đối với hoạt động đầu tư dài hạn, cũng như mục tiêu chung trong việc đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Trên mặt trận an ninh quốc gia, cố vấn chính sách cấp cao Jake Sullivan cùng cựu thứ trưởng ngoại giao Wendy Sherman và cựu quan chức Bộ Ngoại giao Laura Rosenberger đã được chỉ định để tiếp xúc với những đảng viên Cộng hòa không hài lòng với thiện cảm thái quá mà ông Trump dành cho Tổng thống Nga Vladimir Putin hay những lời nói xúc phạm gia đình một binh sĩ hy sinh của tỷ phú.
Video đang HOT
Tại những bang có sự ganh đua quyết liệt như Ohio, các chiến lược gia đảng Dân chủ cũng tìm mọi cách lôi kéo những doanh nhân nổi tiếng của đảng Cộng hòa thể hiện sự ủng hộ đối với bà Clinton.
Tuy nhiên, các thành viên trong chiến dịch tranh cử của bà Clinton cũng hiểu rất rõ sự nhạy cảm của vấn đề lôi kéo này. Ngay từ đầu, họ đã quyết định sẽ không bao giờ đưa ra các yêu cầu về quyên góp tài chính, và chiến dịch lôi kéo đảng viên Cộng hòa sẽ hoàn toàn tách biệt với chiến dịch gây quỹ. Mục đích của họ là đảm bảo các đảng viên “đảo ngũ” của đảng Cộng hòa không cảm thấy mình bị lợi dụng, hay bị gây sức ép phải làm những điều mà họ cho là vượt quá giới hạn.
Quyết định khó khăn
Nhiều phát ngôn của ông Trump đã khiến cả những người trong đảng Cộng hòa bất mãn. Ảnh: CNN
Qúa trình “đảo ngũ” ở các thành viên đảng Cộng hòa diễn ra khác nhau. Với một số người, quyết định này vô cùng trọng đại, bởi đây là lần đầu tiên trong đời họ thể hiện sự ủng hộ đối với đảng Dân chủ.
Chiến lược gia đảng Cộng hòa Kori Schake, cựu cố vấn chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống George W. Bush, từng tuyên bố sẽ bỏ phiếu cho bà Clinton, và là một trong những người ký vào lá thư ngỏ phản đối ông Trump. Tuy nhiên, khi các quan chức đảng Dân chủ liên hệ với Schake để gợi ý việc tham gia nhóm đảng viên Cộng hòa chính thức ủng hộ bà Clinton, bà đã từ chối.
“Tôi cảm thấy không thoải mái”, Schake nói. “Tôi vẫn đang loay hoay giữa những lựa chọn đó. Dường như vẫn có sự khác biệt giữa bỏ phiếu cho bà ấy với làm việc cho chiến dịch tranh cử của bà”. Chiến lược gia đảng Cộng hòa Sally Bradshaw cũng có quan điểm tương tự, khi không hề muốn công khai ý định chuyển đảng của mình, và chưa muốn nói rõ hơn về ý định phản đối Trump vào thời điểm này.
Tuy nhiên với nhiều người khác, quá trình “đảo ngũ” diễn ra nhanh chóng hơn. Matt Higgins, đảng viên Cộng hòa lâu năm từng làm trợ lý báo chí cho cựu thị trưởng New York Rudy Giuliani, cho biết ông đã “giác ngộ” khi cậu con trai 9 tuổi hỏi ông: “Là người đảng Cộng hòa, bố có bị buộc phải bỏ phiếu cho ứng viên đảng Cộng hòa không?”
Cảm thấy bất mãn sâu sắc với những tuyên bố của ông Trump với vấn đề người nhập cư, Higgins sau đó đã tới gặp các quan chức tranh cử của đảng Dân chủ, được chỉ định làm người đại diện của họ ở CNN, và đang lên kế hoạch bắt đầu chiến dịch gây quỹ cho bà Clinton.
Các nguồn tin nội bộ trong bộ máy tranh cử của bà Clinton nói rằng chiến dịch này sẽ được tiếp diễn đến tháng 11, và sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đảng viên Cộng hòa “đổi phe”. Tuy nhiên, họ vẫn luôn ý thức rằng đây luôn là vấn đề cá nhân của từng người.
“Đổi phe là một quyết định đầy khó khăn”, Higgins nói. “Rất nhiều bản sắc của bạn được gói gọn trong phe đó, không chỉ là về tôn giáo, về đội bóng ưa thích, mà còn nhiều yếu tố khác. Bạn luôn muốn thò chân xuống vũng nước để thăm dò trước”.
Trí Dũng
Theo VNE
Những đồng 10 USD làm nên sức mạnh tranh cử Donald Trump
Bị các nhà tài trợ lớn xa lánh nhưng ứng viên tổng thống Donald Trump vẫn có nguồn tài chính dồi dào để duy trì chiến dịch tranh cử nhờ các khoản đóng góp nhỏ tăng mạnh.
Những người ủng hộ Donald Trump tại cuộc vận động tranh cử của ông ở Ashburn, bang Virginia, ngày 2/8. Ảnh: New York Times
Chỉ trong khoảng hai tháng, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump đã gần như xóa bỏ bất lợi về khoảng cách gây quỹ tranh cử so với đối thủ, ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton, theo số liệu do ban vận động tranh cử của nhà tài phiệt New York công bố hôm 3/8.
Theo New York Times, ông Trump đã thành công trong việc chuyển hóa tình cảm cuồng nhiệt của những người ủng hộ thành một làn sóng đóng góp nhỏ với quy mô hiếm thấy trong nền chính trị Mỹ.
Đến tháng 7/2016, Trump và Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa (RNC) đã huy động được 64 triệu USD thông qua nỗ lực kêu gọi đóng góp bằng thư từ trực tiếp hoặc qua mạng. Phần lớn số tiền này đều đến từ những khoản đóng góp nhỏ. Tính tổng cộng các kênh, Trump và đảng Cộng hòa thu về 82 triệu USD cho quỹ vận động tranh cử vào tháng trước, chỉ thấp hơn một chút so với con số 90 triệu USD trong quỹ tranh cử của bà Clinton. Sau khi trừ các chi phí, ông vẫn còn 74 triệu USD tiền mặt để vận động tranh cử cho giai đoạn nước rút sắp tới.
"Bà Clinton đã làm việc này suốt 20 năm còn chúng tôi chỉ mới vận động quyên góp trong hai tháng", Steven Mnuchin, giám đốc phụ trách tài chính của Trump, bình luận. Ông Mnuchin tiết lộ 2/3 trong 64 triệu USD kể trên được huy động thông qua mạng Internet.
Những khoản đóng góp 10 USD
Các con số mới về vận động tài chính cho thấy bước chuyển biến lớn trong cuộc vận động tranh cử của Trump mà mãi cho đến những tháng gần đây vẫn phụ thuộc nhiều vào doanh thu bán mũ và áo thun cũng như tiền túi của ông.
Trump có khả năng sẽ trở thành ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa đầu tiên thu về tiền ủng hộ chủ yếu từ những cử tri bình dân. Mỗi khoản đóng góp dao động từ 10 - 25 USD/người.
Số liệu mà ban vận động tranh cử của ông Trump công bố ngày 3/8 chỉ mới dựa trên tính toán sơ bộ. Con số chính thức sẽ được hé lộ khi ông Trump và bà Clinton nộp báo cáo cho Ủy ban Bầu cử Liên bang trong tháng này.
Theo giới chuyên gia, việc số tiền vận động của Trump tăng vọt vào giai đoạn cuối của cuộc chạy đua có ý nghĩa lớn khi mà chi phí quảng bá tranh cử không ngừng tăng cao.
Chiến dịch quyên góp của bà Clinton cũng đang diễn ra mạnh mẽ. Người phát ngôn cho cựu ngoại trưởng Mỹ hôm 3/8 thông báo trên Twitter rằng ban vận động tranh cử và chiến dịch quyên góp tiền chung với Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) đang nắm trong tay 102 triệu USD, chưa kể tiền mặt mà đảng Dân chủ hiện trực tiếp nắm giữ.
Song, thông tin mà ban vận động tranh cử của Trump truyền đi lại mang một ý nghĩa khác. Nó thể hiện rằng sau nhiều tháng khởi động ì ạch, ông đã bắt đầu nắm lấy cơ hội, tận dụng được tình cảm mà các cử tri bình dân dành cho mình để làm đầy thêm quỹ tranh cử nhờ những khoản đóng góp nhỏ có chọn lọc, đặc biệt là thông qua mạng Internet.
Trang web vận động của ông Trump hiện có các nút mời gọi đóng góp ở mức 50 USD, 25 USD, thậm chí 10 USD.
Mời gọi qua email
Giới quan sát nhận định Donald Trump có thể đẩy nhanh tốc độ thu hút tiền quyên góp một phần còn nhờ vào hệ thống mời đóng góp kỹ thuật số mà RNC thiết lập ngay từ lúc cuộc vận động tranh cử bắt đầu. Thậm chí trước khi ông Trump trở thành ứng viên đại diện đảng Cộng hòa, đảng này đã chuẩn bị xong danh sách thư điện tử để mời gọi ủng hộ cũng như thử nghiệm các phương thức quyên góp khác nhau nhắm đến những nhà tài trợ nhỏ.
Với một hệ thống như vậy, các quan chức đảng Cộng hòa đã khai thác được mong muốn đóng góp dồn nén lâu ngày của những cử tri bình dân dành cho một ứng viên bị các nhà vận động hành lang cũng như nhà tài trợ lớn công kích không thương tiếc.
Ban vận động tranh cử cho tỷ phú Trump cũng gây quỹ bằng cách cam kết góp tiền túi của ông cho quỹ tranh cử, tương ứng với số tiền huy động từ các khoản đóng góp nhỏ. Đây là một chiến thuật chỉ thích hợp với những ứng viên giàu có.
"Tôi chưa thấy ứng viên tổng thống nào gây quỹ theo kiểu độc nhất vô nhị như Trump", Patrick Ruffini, chiến lược gia đảng Cộng hòa từng điều hành gây quỹ bằng công cụ kỹ thuật số dưới thời Tổng thống George W. Bush, nhận xét.
Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Trump cũng làm lộ rõ tâm lý hoang mang trong nội bộ phe Cộng hòa khi đề cử ông vào vị trí ứng viên tổng thống. Trump phụ thuộc quá nhiều vào những nhà tài trợ nhỏ một phần vì ông đang đối mặt với sự phản đối từ các nhà bảo trợ lớn của đảng. Ví dụ Meg Whitman, giám đốc điều hành tập đoàn Hewlett Packard ở California, hôm 1/8 tuyên bố sẽ bỏ phiếu cho Clinton vì bà quá ghê sợ Trump.
Để củng cố tài chính cho chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump và ban vận động cũng đang nghiên cứu tìm cách thu hút thêm các nhà tài trợ giàu có. Những tuần gần đây, Trump đã thôi chỉ trích những nhà tài trợ lớn của đảng Cộng hòa và dự định tổ chức một loạt sự kiện gây quỹ chính thức ở những trung tâm tài chính như Florida hay New York.
Hồng Vân
Theo VNE
Cựu điệp viên CIA tranh cử tổng thống Mỹ Cựu điệp viên Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Evan Mc Mullin sẽ ra tranh cử Tổng thống Mỹ với tư cách là một ứng cử viên độc lập như một sự lựa chọn thay thế cho ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump. Ông Evan McMullin, Giám đốc chính sách của Hội nghị Đảng Cộng hòa, đã được hỗ trợ bởi...