Chiến đấu cơ Nga “khoe” vũ khí trước máy bay Mỹ
Một chiến đấu cơ của Nga đã chặn một chiếc máy bay do thám của Mỹ ở không phận quốc tế trên Thái Bình Dương, khiến các quan chức hàng đầu của Mỹ phải lên tiếng phàn nàn với giới chức quân sự cấp cao của Nga, một phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết. Vụ việc này xảy ra vào cuối tháng 4.
Máy bay RC-135U
Đại tá Lục quân Steve Warren – phát ngôn viên của Lầu Năm Góc cho hay, chiếc máy bay chiến đấu Su-27 của Nga đã bay ngay trước mũi của chiếc máy bay do thám RC-135U của Không quân Mỹ ở khoảng cách rất gần, chỉ khoảng 30 mét ở không phận quốc tế trên Biển Okhotsk.
Theo ông Warren , máy bay của Mỹ không tìm cách trốn tránh chiến đấu cơ Nga. Phi công lái phi cơ chiến đấu của Nga đã bay theo cách để lộ phần bụng của chiếc máy bay trước các thành viên phi hành đoàn của Mỹ. Đây rõ ràng là cách để chiến đấu cơ Nga thể hiện với máy bay Mỹ rằng họ có vũ trang. Đại tá Warren cho biết, các thành viên phi hành đoàn ở trên hai chiếc máy bay của Nga và Mỹ đã không liên lạc điện đàm với nhau.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho hay, cả Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ – Tướng Martin Dempsey đều đã bày tỏ sự quan ngại về vụ việc trên với những người đồng cấp Nga.
RC-135U là một máy bay do thám có độ chuyên dụng rất cao. Hiện chỉ có duy nhất 2 chiếc máy bay loại này trong Lực lượng Không quân Nga. Cả hai chiếc đều được giao cho Đội bay thứ 55 thuộc Căn cứ Không quân Offutt ở Nebraska . Các thành viên phi hành đoàn của máy bay đến từ Đội Trinh sát số 45 và Đội Tình báo số 97 của Cơ quan Trinh sát, Do thám và Tình báo Không quân Mỹ.
Máy bay RC-135U được trang bị một bộ thông tin liên lạc được thiết kế để xác định các ín hiệu radar quân sự của nước ngoài trên mặt đất, trên biển và trên không. Đội bay của RC-135U bao gồm 2 phi công, một người định vị, hai kỹ sư, ít nhất 10 sĩ quan chiến tranh điện tử và hơn 6 chuyên gia kỹ thuật hoặc các chuyên gia khác.
Ông Warren cho biết, ông không thể giải thích tại sao vụ đối đầu giữa chiến đấu cơ Nga và máy bay Mỹ xảy ra từ hôm 23/4 lại không được công bố công khai trước đó. Vụ việc này là nguồn cơn gây ra lo ngại mới nhất cho giới chức Mỹ kể từ quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới rơi vào căng thẳng cao độ vì cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine . Hồi giữa tháng 4, một chiếc máy bay chiến đấu Su-24 của Nga cũng từng lượn lờ rất thấp gần một tàu của Hải quân Mỹ ở Biển Đen. Khi đó, chiến đấu cơ của Nga đã liên tục lượn lờ, áp sát một tàu chiến của Mỹ ở Biển Đen trong suốt 90 phút. Hành động này được giới chức Mỹ miêu tả là “mang tính khiêu khích”.
Video đang HOT
Quan hệ giữa Moscow và Washington đang xấu đi nghiêm trọng. Trong khi Mỹ cùng phương Tây ra sức ủng hộ chính quyền lâm thời mới ở Kiev thì Nga phản đối chính quyền này đồng thời tuyên bố sẽ bảo vệ người gốc Nga ở Ukraine nếu họ bị xâm phạm vì những chính sách phân biệt đối xử của Kiev.
Phương Tây liên tục đổ lỗi cho Moscow đã gây ra tình trạng bất ổn ở phía đông Ukraine bất chấp mọi lời bác bỏ từ phía Nga. Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đang tính chuyện áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Nga vì cuộc khủng hoảng Ukraine .
Theo Tri Thức
Nga trong chuyến thăm châu Á của Obama?
Tổng thống Mỹ đã bắt đầu chuyến công du châu Á kéo dài tới 29/4. Những yếu tố nào sẽ định hình mọi phát biểu và thảo luận của ông cũng như định hình cho mối quan hệ giữa Mỹ và châu lục?
Tổng thống Mỹ bắt đầu chuyến công du châu Á.Ảnh: AP
Trục xoay châu Á
Năm 2011, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton viết một bài luận cho tạp chí Chính sách Đối ngoại với tiêu đề "Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ". Câu đầu tiên là: "Khi cuộc chiến ở Iraq lùi xa và Mỹ bắt đầu rút lực lượng khỏi Afghanistan, Mỹ đang đứng ở điểm xoay trục". Câu cuối bài luận cũng đề cập tới trục xoay. Chuyến công du đầu tiên của bà ở cương vị Ngoại trưởng là châu Á. Cùng năm đó, Tổng thống Mỹ đã tham dự một số cuộc họp ở châu Á và cũng nói những điều tương tự.
Hầu hết phương tiện truyền thông kể từ đó đã nói tới chuyện trục xoay như: Trục xoay Mỹ tới châu Á; Trục xoay châu Á của Obama khiến Mỹ có cách tiếp cận mới với Trung Quốc...
Kế hoạch gia tăng hiện diện của Mỹ tại châu Á không được lớn lao như hình dung ban đầu trong năm 2011. Nhưng 3 năm tiếp theo cũng đã đủ cung cấp cho mọi bên liên quan sự nhìn nhận về kế hoạch trục xoay dài hạn như thế nào. Chuyến đi lần này dường như sẽ không tạo ra thay đổi nào tức thì, nhưng Obama có thể sẽ đào sâu mối quan hệ hợp tác với Nhật và Philippines trong thế kỷ 21, nhất là về kinh tế và an ninh.
Trong chuyến đi này, nỗ lực củng cố trục xoay sẽ tập trung vào hai chính sách cụ thể: Đối tác Xuyên Thái Bình Dương - một thỏa thuận tự do thương mại có sự tham gia của 12 quốc gia và một thỏa thuận với Philippines nhằm tạo sự tiếp cận lớn hơn cho tàu chiến, máy bay Mỹ với các căn cứ ở quốc đảo này.
Obama cũng sẽ trao đổi với Nhật về những kế hoạch nâng cấp hợp tác quân sự. Washington có thể coi sự thay đổi vai trò của Nhật trong khu vực và mối quan hệ ngày một căng thẳng giữa Nhật và Trung Quốc - là khía cạnh quan trọng cho bất kỳ thay đổi nào trong vai trò của họ tại đây.
Chuyến đi sẽ đưa ông Obama tới Nhật, Malaysia, Hàn Quốc và Philippines.
Trung Quốc
Ẩn sâu trong toàn bộ chuyến công du của Tổng thống Mỹ là mối lo ngại Trung Quốc. Như Andrew Kennedy, giáo sư chính sách công tại Đại học Quốc gia Australia cho biết: "Trong khi 10 năm trước Mỹ thường được coi là cường quốc vượt trội, thì ngày nay Trung Quốc lại khiến nhiều người lo lắng. Điều đó cũng tạo ra cơ hội để Mỹ củng cố quan hệ với nhiều quốc gia châu Á".
Mỹ và Trung Quốc đang cố xích lại gần nhau nhưng các cuộc tấn công mạng và những bất đồng thương mại đang là lực cản. Tuy nhiên, Bắc Kinh và Washington không thể hoàn toàn cắt đứt quan hệ khi thương mại hai nước đạt giá trị hàng trăm tỉ USD. Tái cân bằng ở châu Á có thể là ý định của Obama nhưng cân bằng mối quan hệ hiện có dù rất mỏng manh, cũng sẽ quan trọng.
Cả 4 nước mà Obama sẽ tới tuần này đều muốn biết mối quan hệ của họ với Mỹ sẽ giúp họ đối diện với Trung Quốc thế nào. Về phần mình, Mỹ cũng muốn quan hệ của họ với 4 nước sẽ tác động tới đâu trong mối quan hệ với cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nhật Bản còn muốn biết cuộc chơi quân sự xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc sẽ chấm dứt thế nào. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã chỉ trích việc Trung Quốc cố kiểm soát quần đảo tranh chấp với Nhật và cam kết triển khai 2 tàu khu trục mang tên lửa đạn đạo ở Nhật vào năm 2017.
Dĩ nhiên, Mỹ cũng không muốn làm Trung Quốc nổi đóa. Tạp chí Chính sách Đối ngoại bình luận: "Nếu Trung Quốc và Mỹ hy vọng tránh gia tăng đối đầu thì nên thường xuyên tương tác trong vai trò một cường quốc quyền lực và một cường quốc trỗi dậy".
Khi kết thúc các cuộc hội đàm ngoại giao, chính quyền Obama có thể vui mừng về Đối tác Xuyên Thái Bình Dương - thỏa thuận đem lại cho Mỹ lợi thế kinh tế trong khu vực mà Trung Quốc đang chiếm ưu thế.
Triều Tiên
Hàn Quốc gần đây cho rằng, láng giềng của họ có thể đang lên kế hoạch cho cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần thứ tư. Quân đội Hàn Quốc trong tình trạng báo động, các lực lượng Mỹ gần đây tiến hành nhiều cuộc tập trận với quân đội Hàn Quốc.
Mỹ đang tập trung vào nỗ lực cải thiện quan hệ với Hàn Quốc như là cách đối phó với Bình Nhưỡng. Một quan chức Triều Tiên nói rằng, nước này khó chịu vì chuyến công du của Obama, gọi đó là "nguy hiểm". Một quan chức khác thì coi động thái này sẽ làm "leo thang đối đầu và mang lại những đám mây đen tối của một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân".
Nga
Nga và Trung Quốc - cả hai đều có ghế trong Hội đồng Bảo An - là hai người chơi quốc tế mà Mỹ lo lắng nhất. Với Nga là quân sự và sự xa cách, với Trung Quốc là kinh tế.
"Nếu quan hệ Mỹ - Nga xuống dốc, thì người Trung Quốc được hưởng lợi", Bành Dân Tân, một học giả trường Claremont McKenna nói. "Mỹ không thể đủ khả năng đối phó với cả Nga và Trung Quốc cùng một lúc".
Bất luận chuyến công du của Obama diễn ra thế nào, Trung Quốc dường như đang "thở phào" khi chứng kiến chính sách đối ngoại Mỹ trở nên suy yếu với phương Tây. Tổng thống Nga Putin sẽ thăm Trung Quốc vào tháng 5. Hai nước cũng đang tới hồi kết thúc cuộc đàm phán kéo dài về vấn đề cung cấp dầu khí từ Nga. Trung Quốc cũng hy vọng có thể phát triển các dự án năng lượng thay thế tại Crưm.
Theo Thái An
Vietnamnet/Washingtonpost
Gặp những người Nga góp phần làm nên chiến thắng 30/4 Một sáng đẹp trời cuối tháng 4, chúng tôi lên đường tới Bảo tàng Phòng không Nga ở thành phố Zaria, ngoại ô Moskva, để dự khán cuộc gặp thú vị với các cựu chuyên gia quân sự Liên Xô trước đây, từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam. Những chuyên gia Nga nổi tiếng...