Chiêm ngưỡng quần thể di tích Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc đang được lập hồ sơ đề cử Di sản thế giới.
Đây là một di sản thống nhất và sống động kể câu chuyện đặc biệt về triều đại nhà Trần, thiền phái Trúc Lâm trong lịch sử xây dựng đất nước Đại Việt độc lập, tự chủ và hùng mạnh.
Yên Tử là dãy núi vùng Đông Bắc gắn liền với sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm đậm đà bản sắc Việt, vốn đã quen thuộc trong câu ca dao “Trăm năm tích đức tu hành/Chưa về Yên Tử chưa thành quả tu”. Tuy vậy, không gian địa lý và chiều sâu văn hoá, lịch sử bao trùm dãy núi thiêng này còn rộng lớn hơn thế. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã giao tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp cùng Hải Dương và Bắc Giang xây dựng hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO ghi danh là Di sản thế giới.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc (gọi tắt là Yên Tử) nằm trên địa bàn 3 tỉnh (Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương). Đó là hệ thống hàng trăm di tích và danh thắng hiện thuộc 8 Khu di tích quốc gia và Di tích quốc gia đặc biệt, trải dài từ vùng núi Yên Tử đến vùng đồng bằng và vươn đến vùng cửa sông Bạch Đằng, tựa như “một con rồng vươn ra biển”. Trong đó Khu di sản đề cử gồm 20 di tích thành phần trải rộng trên diện tích gần 630 ha, cùng thể hiện một câu chuyện di sản trọn vẹn.
Câu chuyện bắt đầu từ các di tích liên quan đến nơi sinh thành, quê hương của họ Trần và nơi yên nghỉ của nhiều vị vua và hoàng tộc triều Trần – triều đại quân chủ ở thế kỷ XIII-XIV rực rỡ bậc nhất trong lịch sử quân chủ Việt Nam, nổi bật với chiến công 3 lần chiến thắng quân xâm lược (Ảnh: Đền An Sinh – hành cung của các vua Trần và là nơi thờ cúng các vị vua trị vì giai đoạn sau triều Trần tại TX Đông Triều, Quảng Ninh)
Các di tích thể hiện rõ nét câu chuyện này là Thái Miếu (nơi thờ cúng tổ tiên họ Trần, sau trở thành nơi thờ cúng các vị vua đầu triều Trần), đền An Sinh (Phủ đệ của An Sinh Vương Trần Liễu – anh trai vua Trần Thái Tông, sau trở thành hành cung của các vua Trần và là nơi thờ cúng các vị vua nửa sau triều Trần), Thái Lăng (nơi an nghỉ của vua Trần Anh Tông và hoàng hậu) cùng nằm trên địa bàn TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Lễ hội Thái Miếu nhà Trần được tỉnh Quảng Ninh khôi phục từ năm 2019)
Cùng với đó là 1 di tích đặc biệt quen thuộc nằm trên địa bàn TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương – Đền Kiếp Bạc: phủ đệ, nơi mất, sau trở thành nơi thờ cúng Trần Hưng Đạo – con trai An Sinh Vương Trần Liễu, cũng là người thống lĩnh quân đội Đại Việt trong 3 cuộc kháng chiến chống đế chế Mông Cổ, sau được nhân dân tôn làm Thánh. Đền có vị trí và cảnh quan độc đáo giữa thung lũng trù phú, tựa lưng vào núi, kề bên Lục Đầu – nơi tụ hội của 6 con sông. Cổng đền có câu đối tựa như hào khí Đông A vang vọng: Kiếp Bạc hữu sơn giai kiếm khí/Lục Đầu vô thủy bất thu thanh (Vạn Kiếp có ngọn núi nào thì đều vương hơi gươm kiếm/Lục Đầu không con nước nào không vang tiếng đao binh).
Theo dòng thời gian, câu chuyện tiếp nối đến các di tích liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp tu hành của Phật Hoàng Trần Nhân Tông và sự ra đời của Phật giáo Trúc Lâm trên dãy núi Yên Tử. Trần Nhân Tông (1258-1308) là vị vua thứ 3 của triều Trần, người đã “cởi hoàng bào khoác áo cà sa”, sáng lập và phát triển thiền phái Trúc Lâm từ nền tảng kế thừa, thống nhất các dòng thiền, các tông phái Phật giáo, kết hợp với Nho giáo, Đạo giáo và phong tục, tập quán, tín ngưỡng dân gian.
Nhiều di tích thuộc Khu di tích và danh thắng Yên Tử tại TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh ngày nay đều lưu dấu chân của Phật hoàng. Đó là 1 con đường hành hương với điểm dừng chân đầu tiên ở chùa Bí Thượng, chùa Suối Tắm (nơi gột sạch bụi trần trước khi lên Yên Tử tu hành), chùa Cầm Thực, chùa Lân, chùa Giải Oan (nơi các cung nữ trầm mình xuống suối vì không can ngăn được Đức vua đi tu)…
Lên cao dần trên núi Yên Tử, hệ thống chùa tháp cổ kính xen lẫn với núi non, thác nước, rừng trúc, đường tùng, cây đại có tuổi đời 700 năm… khiến khách bộ hành như trở về không gian xưa. Tại đây, Phật hoàng Trần Nhân Tông cùng các đệ tử đã phát triển thiền phái Trúc Lâm trở thành tôn giáo chủ đạo của Đại Việt thời bấy giờ, mục đích cuối cùng là hướng tới độc lập, tự chủ, đại đoàn kết dân tộc, nâng cao cảnh giác trước mọi hiểm họa ngoại xâm (Ảnh: vườn tháp Huệ Quang tại khu vực chùa Hoa Yên ở độ cao hơn 500m, nơi an nghỉ của các thiền sư Trúc Lâm, trong đó tháp Huệ Quang là nơi đặt xá lị Phật Hoàng)
Video đang HOT
Chùa Đồng toạ lạc ở độ cao 1.068m trên đỉnh núi Yên Tử quanh năm mây mù là điểm cuối trên con đường hành hương. Để lên tới chùa Đồng, du khách có thể đi cáp treo hoặc bộ hành khoảng 6km đường rừng. Khu vực gần đỉnh núi còn có tượng đồng Phật hoàng cao 15m, nặng 138 tấn.
Những năm cuối đời, Phật hoàng về tu hành tại am – chùa Ngoạ Vân (TX Đông Triều, Quảng Ninh) và nhập Niết bàn tại đây. Có một tuyến đường hành hương nối di tích này với quê cha đất tổ tại An Sinh.
Tiếp nối là các di tích liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của 2 vị Tổ Trúc Lâm là Đệ nhị Tổ Pháp Loa, Đệ tam Tổ Huyền Quang và thời kỳ phát triển cực thịnh của Phật giáo Trúc Lâm. Pháp Loa và Huyền Trang là 2 đệ tử kiệt xuất của Phật hoàng, tiếp bước đưa Trúc Lâm Phật giáo tiếp tục đóng vai trò then chốt trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển đất nước.
Các di tích này trải rộng trên cả 3 tỉnh, với chùa Hồ Thiên (nơi các vị cao tăng tu học) ở TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; chùa Vĩnh Nghiêm (trụ sở giáo hội Phật giáo Trúc Lâm dưới thời Pháp Loa) ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Chùa Vĩnh Nghiêm đã có từ thời Lý, là trường đào tạo tăng ni đầu tiên ở Việt Nam. Đặc biệt, chùa có 6.021 mặt của 3.050 tấm mộc bản khắc kinh Phật và kinh Trúc Lâm bằng chữ Hán và chữ Nôm. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương từ năm 2012.
Trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 2 di tích tiêu biểu cho thời kỳ này là chùa Thanh Mai (nơi trụ trì, an táng của Pháp Loa) và chùa Côn Sơn ở TP. Chí Linh. Chùa Côn Sơn (ảnh) có từ thời Đinh, thời Lý, tiếp tục được Đệ nhị Tổ Pháp Loa mở rộng và là nơi trụ trì sau cùng của Đệ tam Tổ Huyền Quang. Quanh chùa có “suối chảy rì rầm”, “thông mọc như nêm” và cũng là nơi thờ các vị danh nhân thời kỳ sau là Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Đán…
Các di tích liên quan đến thời kỳ chấn hưng và hội nhập của Phật giáo Trúc Lâm bao gồm chùa Đá Chồng (TX Đông Triều, Quảng Ninh), chùa Bổ Đà (huyện Việt Yên, Bắc Giang), chùa Nhẫm Dương (TX Kinh Môn, Hải Dương). Ngoài chùa Đá Chồng chỉ còn lưu lại phế tích, Bổ Đà và Nhẫm Dương đều đang lưu giữ nhiều di vật độc đáo, điển hình cho sự hội nhập của Phật giáo Trúc Lâm.
Điểm cuối của câu chuyện di sản là các di tích liên quan đến vai trò, ảnh hưởng của Phật giáo Trúc Lâm trong cuộc sống Đại Việt và truyền thống sử dụng tài nguyên đất, nước… của người Việt. Trong đó nổi bật nhất là hệ thống các bãi cọc Yên Giang, đồng Vạn Muối, đồng Má Ngựa (TX Quảng Yên, Quảng Ninh) tái hiện phần nào trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288 – trận thuỷ chiến lớn nhất trong lịch sử Việt Nam đã đánh bại hoàn toàn dã tâm xâm lược của quân Nguyên – Mông. Lễ hội truyền thống Bạch Đằng (ngày Giỗ Trận) đã trở thành Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.
Tồn tại hơn 7 thế kỷ, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc vẫn luôn là di sản văn hóa sống động trong đời sống của người Việt ngày nay. Yên Tử không chỉ thể hiện rõ nét nhiều khía cạnh cuộc sống tâm linh, tín ngưỡng, giao lưu văn hóa, giao thương, quân sự của văn hiến Đại Việt xưa mà còn có ý nghĩa cả ở khu vực châu Á rộng lớn hơn. Tháng 8/2024, đoàn chuyên gia Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) tiến hành thẩm định thực địa tại Việt Nam. Dự kiến tháng 6/2025, đại diện quốc gia thành viên sẽ bảo vệ hồ sơ đề cử ghi danh Di sản thế giới cho Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc.
Về thăm Côn Sơn - Kiếp Bạc
Côn Sơn - Kiếp Bạc là quần thể di tích lịch sử và danh thắng quốc gia. Nơi đây gắn liền với tên tuổi của nhiều danh nhân kiệt xuất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Trải qua trên 700 năm tồn tại và phát triển, Côn Sơn - Kiếp Bạc vẫn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị của nền văn minh Đại Việt hào hùng và bất khuất.
Địa thế khá hiểm trở gồm núi cao, rừng rậm, sông sâu đã kiến tạo cho Côn Sơn - Kiếp Bạc một vị trí chiến lược quan trọng (Ảnh: Trần Hưng).
Quần thể di tích nhiều giá trị
Vùng đất Côn Sơn - Kiếp Bạc hiện lưu giữ nhiều di tích gắn liền với tên tuổi của 2 vị danh nhân kiệt xuất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc là Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi. Côn Sơn - Kiếp Bạc cũng gợi nhớ tên tuổi nhiều danh nhân văn hóa của dân tộc như Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, Trần Nguyên Đán,... Nơi đây cũng là chốn tổ của thiền phái phật giáo Trúc Lâm thời Trần.
Về địa thế, mạch núi đông bắc từ Tổ sơn Yên Tử, muôn ngọn đổ về Chí Linh quần tụ, tạo thành các huyệt mạch linh thiêng. Người xưa đã đặt các huyệt mạch này gắn với 4 linh vật (vùng đất Tứ linh): Long (núi Rồng-Vạn Yên), Ly (núi Kỳ Lân-Côn Sơn), Quy (núi Quy-Vạn Yên), Phượng (núi Phượng Hoàng-Kiệt Đặc). Về hình thế sông, có 6 con sông hội tụ ở phía Tây đất Chí Linh. Như thế, đất Chí Linh không chỉ là nơi núi sông hòa hợp, sơn thủy hữu tình, mà còn là nơi tụ đức của trời đất, tụ nhân mang đến thái bình thịnh vượng.
Địa thế khá hiểm trở gồm núi cao, rừng rậm, sông sâu đã kiến tạo cho Côn Sơn - Kiếp Bạc một vị trí chiến lược quan trọng. Nơi đây từng được Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lựa chọn làm nơi đóng đại bản doanh để chặn đánh quân Nguyên Mông, bảo vệ phía đông kinh thành Thăng Long.
Chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc tạo cho khu di tích sự đa dạng, độc đáo về tín ngưỡng của người Việt (Ảnh: Trần Hưng).
Bên cạnh vị trí chiến lược về quân sự, chùa Côn Sơn cũng đánh dấu sự phát triển toàn diện của phật giáo Trúc Lâm và là tổ đình tiếp thu đệ nhất tổ phật hoàng với đệ nhị tổ Pháp Loa và đệ tam tổ Huyền Quang.
Năm 1329, đệ nhị tổ Pháp Loa tập trung phát triển chùa Côn Sơn. Nối tiếp tổ Pháp Loa, đệ tam tổ Huyền Quang trụ trì tại chùa Thanh Mai rồi sau đó ngài tập trung phát triển trung tâm Côn Sơn và xuống đài Cửu Phẩm Liên Hoa. Chùa Côn Sơn, tên chữ là Thiên Tư Phúc Tự, còn gọi là chùa Hun. Tương truyền, chùa được xây dựng từ thế kỷ X, được mở rộng quy mô ở thế kỷ XIII, XIV, thành một trung tâm phật giáo lớn của thiền phái Trúc Lâm nhà Trần.
Cùng với chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc tạo cho khu di tích sự đa dạng, độc đáo về tín ngưỡng của người Việt. Đền thờ người anh hùng dân tộc, có công trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông - đó là Đức Thánh Trần Hưng Đạo, một nhân vật anh hùng vào bậc nhất của Đại Việt được thánh hóa. Sau khi ông mất tại phủ đệ ở Vạn Kiếp, triều đình đã cho lập đền thờ ông tại đây. Cho tới hiện nay, đền Kiếp Bạc được coi là một trong những trung tâm thờ phụng của tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần.
Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc
Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc còn gắn với các lễ hội lớn của khu vực (Ảnh: Trần Hưng).
Bên cạnh các giá trị về lịch sử, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc còn gắn với các lễ hội lớn của khu vực, với hai lễ hội mùa xuân và mùa thu.
Chùa Côn Sơn là một trong 3 chốn tổ của thiền phái phật giáo Trúc Lâm, là nơi vị tổ thứ ba Huyền Quang tu hành, phát triển thiền phái và viên tịch. Ngày giỗ thiền sư đã trở thành lễ hội chùa vào ngày 23 tháng Giêng hàng năm.
Lễ hội bắt đầu từ rằm tháng Giêng và kéo dài đến cuối tháng thu hút nhiều người tới tham dự. Lễ hội gồm lễ rước nước mộc dục, nghi lễ Mông Sơn thí thực, được phục dựng tuân thủ theo tinh thần phật giáo, đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhiều người; góp phần khơi dậy lòng tự hào dân tộc, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp trong kho tàng văn hóa phi vật thể ở khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc.
Lễ hội đền Kiếp Bạc xưa được tổ chức từ ngày 16 đến ngày 20 tháng Tám âm lịch hàng năm, trọng hội là ngày 18. Theo lệ xưa, nhà nước phong kiến thường cử các quan đầu tỉnh về đền tổ chức tế lễ Đức Thánh cầu đảo.
Ngoài ra, các nghi lễ như lễ ban ấn, lễ rước bộ và hội quân trên sông Lục Đầu là nghi lễ quan trọng, đặc trưng trong lễ hội đền Kiếp Bạc. Sự kiện đã tái hiện lại truyền thống giữ nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam, tôn vinh chiến công hiển hách của Hưng Đạo Đại Vương trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông.
Vùng đất Côn Sơn - Kiếp Bạc từng là chốn tổ của thiền phái phật giáo Trúc Lâm thời Trần (Ảnh: Trần Hưng).
Bên cạnh đó, lễ cầu an và hội hoa đăng là một trong những nghi lễ đặc trưng ở lễ hội truyền thống đền Kiếp Bạc, nhằm tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì tổ quốc ở các triều đại. Điều này thể hiện tinh thần đạo lý nhân ái, cầu cho quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Với các giá trị về lịch sử, khoa học, kiến trúc cảnh quan, khu di tích đã được UBND ba tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang thống nhất xây dựng bộ hồ sơ khoa học quần thể di tích danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn - Kiếp Bạc để trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Tháp Chàm Poshanư, biểu tượng của Văn hóa Chămpa Tháp Chàm Poshanư là một trong những công trình kiến trúc tôn giáo nổi tiếng của người Chăm. Với kiến trúc đặc trưng, những tác phẩm điêu khắc tinh xảo và các lễ hội truyền thống, tháp Chàm Poshanư đã thu hút sự quan tâm và tò mò của nhiều du khách trong và ngoài nước. Tháp Chàm Poshanư cách thành phố Phan...