Chiêm ngưỡng hòn đá chồng ở Chư Don
Thời gian qua, thắng cảnh hòn đá chồng ở làng Plei Thơ Ga B (xã Chư Don, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) thu hút khá đông khách đến tham quan, trải nghiệm.
Đứng ngắm đá tảng xếp chồng lên nhau với vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí và lắng nghe câu chuyện tình yêu của vợ chồng người Jrai là một trải nghiệm thú vị với du khách.
Thắng cảnh hòn đá chồng thu hút du khách thập phương về tham quan. Ảnh: Thiên Di
Theo chân Bí thư Đoàn xã Chư Don Lữ Quốc Việt, chúng tôi chinh phục thắng cảnh hòn đá chồng ở một ngọn đồi nằm cách trụ sở UBND xã Chư Don chừng 1,5 km. Hơn 1 km đầu, đường dễ đi vì đã đổ nhựa phẳng phiu nhưng đoạn sau thì chi chít đá và ngược dốc. Sau chừng 30 phút, chúng tôi đến chân ngọn đồi cao, tiếp tục đi bộ chừng 100 m theo con đường lởm chởm đá và vô vàn cây rừng tầm thấp thì lên đỉnh đồi.
Đó là một bãi đất tương đối bằng phẳng với khá nhiều đá tảng. Đặc biệt, ở trung tâm khoảng đất có 1 quần thể đá với nhiều tảng xếp chồng lên nhau tạo thành 2 hòn đá có chiều cao khoảng 5 m, tạo cảm giác chênh vênh. Điểm đặc biệt là phần chân của 2 tảng đá chồng lên nhau có đường kính nhỏ nhưng tảng đá ở trên có đường kính lớn, tạo hình như cây nấm hoặc cái ô. Dùng thiết bị flycam chụp hình từ trên xuống, 2 tảng đá tựa 2 chiếc bàn, hướng mặt về dãy núi Chư Don và cánh đồng làng Plei Thơ Ga B.
Video đang HOT
Ông Rmah Rôi (làng Plei Thơ Ga A) kể cho chúng tôi nghe câu chuyện truyền miệng về sự hình thành 2 tảng đá chồng này. Tương truyền, thời xa xưa, ở làng Plei Thơ Ga (sau này chia tách thành A, B), có vợ chồng người Jrai cùng tên Dong thương yêu nhau hết mực. Họ bỏ qua mọi lời dèm pha của dân làng, gia đình về sự chênh lệch giàu nghèo giữa nhà trai và nhà gái để nên duyên vợ chồng. Sau khi kết hôn, vợ chồng chăm chỉ làm ăn, có cuộc sống ngày một khấm khá. Tuy nhiên, vì một hiểu nhầm nhỏ trong cuộc sống gia đình, ông Dong bỏ nhà ra đi về phía rừng già. Khi đã kiệt sức, ông tựa người vào một cái cây nghỉ ngơi rồi khóc thương cho mình vì bị vợ nghi ngờ. Sau khi ông Dong chết, hóa thân thành 1 tảng đá hướng mặt về làng Plei Thơ Ga. Khi biết được lỗi lầm mình gây ra khiến người chồng bỏ đi, bà Dong vội đi tìm chồng. Khi đến tảng đá người chồng hóa thân, bà mệt quá nên thiếp đi. Trong giấc mơ thấy có người báo mộng tảng đá là do chồng hóa thân, bà Dong ân hận, gào khóc mấy ngày đêm rồi chết bên cạnh người chồng và hóa đá.
“Lúc còn nhỏ, tôi vẫn thường nghe người già nói là ở đó rất linh thiêng, mọi người không được xâm hại. Ngày xưa, trai gái trong làng cưới nhau đều được gia đình dẫn ra núi làm lễ để mong chứng dám, giúp xóa bỏ những mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng. Cuộc sống sau hôn nhân, nếu có uất ức vì bị hiềm nghi, nhiều người cũng lên trên núi này cầu khẩn ông bà Dong ban phép, hòa giải giúp. Các đôi trai gái yêu nhau cũng thường đưa nhau lên đó hẹn thề. Ngoài chuyện tình yêu của vợ chồng ông Dong, bà con dân làng cũng truyền nhau rằng, đây còn là nơi người anh hùng Gduong Meng nghỉ ngơi sau một lần đánh giặc xâm chiếm đất của người dân tộc Jrai. Vì thế, với người dân bản địa, nơi đây là vùng đất linh thiêng, không được xâm hại đến cành cây ngọn cỏ. Cho nên đến bây giờ cũng vậy, bà con không ai canh tác, trồng trọt trên đồi”-già Rôi nói.
Từ trên cao nhìn xuống, 2 tảng đá tựa như 2 chiếc bàn. Ảnh: Thiên Di
Cuối tháng 2, đứng ở ngọn đồi hòn đá chồng sẽ cảm nhận được không khí của mùa khô Tây Nguyên. Đây đang là một địa điểm được nhiều bạn trẻ lựa chọn để chụp hình lưu niệm. Anh Lữ Quốc Việt chia sẻ: “Mấy năm gần đây, du khách đến tham quan hòn đá chồng khá đông. Họ đến để tận hưởng không khí hoang sơ, ngắm nhìn những phiến đá xếp chồng lên nhau độc đáo. Chúng tôi cũng thường quảng bá trên các kênh thông tin, tuyên truyền của Đoàn để mọi người biết đến nơi này và các cảnh đẹp khác của Chư Don nhiều hơn”.
Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Chư Don Đặng Lê Minh cho biết: Khu vực đồi hòn đá chồng là một trong những thắng cảnh đẹp ở xã. Những năm gần đây, lượng khách du lịch đến tham quan hòn đá chồng, thác Ia Nhí, suối Ia Ngăn và hồ thủy lợi Plei Thơ Ga rất đông. Tính riêng dịp Tết Nhâm Dần 2022, có hơn 1.000 lượt khách tham quan, chủ yếu là khách đến ngắm cảnh, chụp ảnh lưu niệm; địa phương chưa có nhiều hoạt động phụ trợ để giúp người dân hưởng lợi từ du lịch. Chúng tôi đang kêu gọi các doanh nghiệp đến đầu tư phát triển du lịch ở địa phương và cũng đã có một số đơn vị về khảo sát thực tế để xây dựng hồ sơ cấp phép đầu tư.
Trên đỉnh thác Gia Long
Được ngắm hoàng hôn, đón bình minh và chiêm ngưỡng cảnh đẹp trên đỉnh thác Dray Sáp Thượng (hay còn gọi là thác Gia Long) là một trải nghiệm khiến cho nhiều du khách cảm thấy vô cùng thích thú.
Thác Gia Long hay còn gọi là thác Dray Sáp Thượng nằm trên dòng sông Sêrêpốk thuộc huyện Krông Ana (Đắk Lắk) và Krông Knô (Đắk Nông), cách thành phố Buôn Ma Thuột 18 km về phía Bắc.
Thắng cảnh thác Gia Long nằm trên vùng đồi thấp (thuộc phạm vi Cao nguyên Buôn Ma Thuột), địa hình tương đối bằng phẳng, xen kẽ là các dãy núi bao quanh khu vực thác, tạo nên quang cảnh thiên nhiên tươi đẹp với núi non hùng vĩ. Các dãy núi bao quanh khu vực có địa hình chia cắt trung bình từ 16o - 20o, càng đi sâu vào địa hình càng bằng phẳng hơn.
Chính vì vậy, việc đi bộ, tham quan và cắm trại trên đỉnh núi cũng trở nên dễ dàng và phù hợp với nhiều đối tượng du khách hơn. Đến với cụm thác Dray Nur và Gia Long, du khách sẽ có cơ hội được trải nghiệm cắm trại qua đêm trên đỉnh Gia Long, đón ánh bình minh, ngắm nhìn cảnh vật xung quanh vào sáng sớm để cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên.
Vẻ đẹp của thác Gia Long nhìn từ trên cao.
Ngay từ buổi chiều, du khách có thể chọn di chuyển bằng xe đạp, rong ruổi trên quãng đường gần 4 km từ địa điểm thác Dray Nur đến thác Gia Long và ngắm khung cảnh bình yên của buôn làng, tươi đẹp của cảnh quan tự nhiên. Khi đến chân thác Gia Long, du khách sẽ tiếp tục đi bộ, leo lên điểm cao nhất của cụm thác với độ cao 460 m, tương đối bằng phẳng và sẽ cắm trại tại đây.
Sau quãng đường không dài nhưng leo dốc khá mệt, du khách sẽ được bù đắp bằng việc tận hưởng không khí trong lành, đón hoàng hôn đang tắt dần và chuẩn bị cho việc dựng lều cắm trại. Buổi đêm, khi màn sương buông xuống, du khách sẽ có cảm giác lạnh tê tái. Thế nhưng, với việc đốt lửa trại, thưởng thức rượu cần, ăn cơm lam và gà nướng nóng hổi sẽ làm tan đi cái lạnh giá, nhất là đối với nhóm bạn thân hoặc gia đình. Đây sẽ là cơ hội để tất cả cùng nhau quây quần, trò chuyện, hát với nhau, chia sẻ tâm tư tình cảm... Trời càng lạnh, mọi người càng ngồi gần nhau hơn, trái tim cũng trở nên ấm áp hơn. Đêm khuya, khi tất cả chìm trong tĩnh lặng thì mọi người sẽ cảm nhận rõ tiếng thác đổ ầm ầm bên tai, thỉnh thoảng một vài tiếng lá cây rơi xào xạc, đưa vào những suy nghĩ miên man và chìm trong giấc ngủ.
Con đường từ thác Dray Nur sang thác Gia Long.
Trời sáng dần thì không khí cũng ấm lên. Đứng giữa đất rộng trời cao, mỗi người đều cố thu vào mắt sự rực rỡ nguyên sơ của cảnh vật. Dưới nắng mai rạng rỡ và từ độ cao gần 500 m, du khách phóng tầm mắt sẽ được ngắm toàn bộ cảnh thác Gia Long từ trên cao xuống và sông Sêrêpốk. Những dòng thác lớn, bé nghiêng mình đổ xuống sông sâu, tạo nên một bức tranh thiên nhiên huyền diệu. Giữa đại ngàn kỳ vĩ, trùng điệp núi non, thác Gia Long mang trong mình vẻ đẹp tươi tắn, nguyên sơ cùng với những huyền thoại được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Hồ nước dưới chân thác xanh biếc, như một viên ngọc quý nằm yên dưới sự bảo vệ của đại ngàn xung quanh. Lác đác những mỏm đá nằm rải rác giữa những sóng nước với nhiều hình dạng độc đáo.
Thác Gia Long được hình thành bởi dòng chảy bazan của núi lửa Nâm Blang bao phủ lên đá trầm tích, các dòng chảy bazan mang lại nhiều giá trị địa chất có ý nghĩa cho khoa học và giáo dục. Cũng tại nơi đây, du khách có thể quan sát những tảng đá bazan bị vỡ vụn, kèm theo các dãy núi với hoạt động kiến tạo không liền mạch và chắp nối cùng với hiệu ứng của dòng nước, tạo thành nhiều hình dạng thú vị khác nhau.
Ông Ngô Xuân Nam, quản lý cụm thác Dray Nur - Dray Sáp Thượng (Gia Long) thuộc Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Trung Nguyên Healing cho hay, đây là một trong những sản phẩm du lịch mới của đơn vị, đón đầu xu hướng của khách hàng, yêu thích trải nghiệm, trở về thiên nhiên. Tour du lịch này cũng được khá nhiều khách hàng lựa chọn vì giá trị nó mang lại.
Vẻ đẹp hoang sơ của thác Xao Va Với vẻ đẹp hoang sơ, thác Xao Va (Nghệ An) đã luôn là một địa chỉ quen thuộc của nhiều du khách gần xa khi mỗi mùa hè đến. Thác Xao Va. Ảnh sưu tầm Thác Xao Va thuộc địa bàn huyện Quế Phong, cách thành phố Vinh khoảng 170km về phía tây bắc. Thác Xao Va cao, rộng, mỗi chiều chừng 30...