Chiêm ngưỡng bộ sưu tập kỷ vật thời chiến của chàng trai xứ Quảng
10 năm lăn lộn trong giới sưu tầm đồ cổ, chàng trai xứ Quảng đã sở hữu “bảo tàng” kỷ vật thời chiến đồ sộ khiến nhiều người choáng ngợp.
Chàng trai nổi đình nổi đám khắp dải đất miền Trung về sở thích sưu tầm cổ vật ấy là Trần Cảnh Hiền (35 tuổi, trú khối phố 2, phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam).
Nhắc đến cơ duyên đến với nghề “độc” này, anh Hiền kể: “Sau nhiều năm bôn ba ở đất Sài Gòn và làm ăn thất bát, năm 2008, tôi quyết định khăn gói về quê. Cả gia đình lúc ấy sống dựa cả vào quán cà phê vỉa hè được bày bán trước nhà với nguồn thu nhập hết sức bấp bênh. Hình ảnh những người phụ nữ hành nghề ve chai, chuyên thu mua các món đồ sót lại từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đã thôi thúc tôi đi theo con đường sưu tầm cổ vật”.
Từ đó, người ta hiếm thấy Trần Cảnh Hiền bưng bê phục vụ cà phê. Thay vào đó, Cảnh Hiền bắt đầu hành trình “săn lùng” (thu mua) cổ vật.
Đặc biệt, anh dồn cả tâm huyết sưu tầm các dụng cụ, vũ khí quân sự Pháp, Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.
Hiện tại, bộ sưu tập của anh Hiền đã lên đến hàng nghìn món đồ, trong đó nhiều nhất phải kể đến bộ sưu tập đèn măng-xông hay các loại bình bi-đông, quân trang.
Video đang HOT
Anh tìm kiếm và thu mua tất tật các món đồ thời chiến. Từ đạn, bom, mìn cho đến từng chiếc đèn dầu.
Trong “bảo tàng” kỷ vật thời chiến của Trần Cảnh Hiền có cả chục chiếc điện thoại như thế này.
Tất cả các món đồ thời chiến được ông chủ trẻ sắp xếp một cách ngăn nắp.
Từ các thùng đạn, thùng thuốc quân y cồng kềnh cho đến từng cái mũ, túi đựng lựu đạn… được bày biện khiến người xem mê mẩn.
Bộ quân phục hoàn chỉnh được Hiền trưng bày ngay giữa không gian tràn ngập kỷ vật thời chiến.
Và hàng chục bộ quân phục như thế được treo kín 4 bức tường.
Không chỉ sưu tầm hiện vật, Hiền còn thuộc làu từng vật dụng, vũ khí. Từ tên gọi cho đến chức năng và công dụng.
Không ít người tìm gặp anh Hiền ngỏ ý mua toàn bộ bộ sưu tập nhưng anh nhất quyết từ chối, bởi đã dành hàng chục năm với cả tâm huyết để “săn lùng”. Với Hiền, chúng là những đồ vật vô giá, không có gì có thể đánh đổi được niềm đam mê.
“Vì gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền nên thi thoảng tôi phải ngậm ngùi bán đi một vài hiện vật. Tuy nhiên, về cơ bản, tôi vẫn giữ lại hầu như toàn bộ những thứ mà mình tâm đắc để tiếp tục nuôi dưỡng đam mê”, Trần Cảnh Hiền chia sẻ.
Để giờ đây, không gian lưu giữ kỷ vật thời chiến của chàng trai xứ Quảng đang trở thành địa chỉ lui tới thường xuyên của những người mê cổ vật, đặc biệt là kỷ vật thời chiến.
THANH BA
Theo VTC
Đồng chí Đỗ Mười tư duy nhạy bén, sắc sảo, hành động quyết liệt
Cuốn sách "Đồng chí Đỗ Mười - Dấu ấn qua những chặng đường lịch sử" do NXB Chính trị Quốc gia phát hành năm 2012 có bài viết của đồng chí Lê Khả Phiêu - nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam với nhan đề: Đồng chí Đỗ Mười tư duy nhạy bén, sắc sảo, hành động quyết liệt. Ngày Naytrân trọng giới thiệu bài viết này.
Nguyên TBT Đỗ Mười. Ảnh: Vietnamnet
Tôi tham gia cách mạng sau anh Mười khá lâu. Trước đây, tôi tham gia chiến đấu ở các chiến trường nên ít có dịp được gần anh, nhưng danh tiếng và công tích cống hiến cho cách mạng của anh, tôi đã được nghe kể nhiều và rất mến phục anh. Anh Đỗ Mười tham gia phong trào dân chủ năm 1936, vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939. Anh bị thực dân Pháp bắt năm 1941, kết án 10 năm tù, giam ở Hỏa Lò. Tháng 3-1945, anh vượt ngục. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, anh được giao nhiều chức vụ quan trọng: Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch ở nhiều tỉnh, Bí thư Khu ủy, Chính ủy Quân khu Tư lệnh Khu Tả Ngạn sông Hồng. Chủ tịch ủy ban kháng chiến Liên khu III, Phó Chủ nhiệm Hội đồng chi viện tiền tuyến Trung ương thời kỳ chống đế quốc Mỹ, trực tiếp tổ chức chỉ đạo xây dựng đường ống dẫn dầu bí mật từ Lạng Sơn vào chiến trường miền Nam. Từ sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, nhất là sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, anh Đỗ Mười đảm nhận những trọng trách: Bộ trưởng Bộ Nội thương, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ nhiệm ủy ban Vật giá Nhà nước, Chủ nhiệm ủy ban Kiến thiết cơ bản Phó Thủ tướng nhiều khóa, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng năm 1988 - 1991, Thường trực Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Trên 70 năm liên tục công tác, được phân công phụ trách nhiều ngành, nhiều lĩnh vực của Đảng và Nhà nước, cả trong chiến tranh và trong hòa bình xây dựng, anh được tôi luyện thử thách, trong thực tiễn trở thành một cán bộ có bản lĩnh vững vàng, sắc sảo, quyết đoán, gắn bó máu thịt với nhân dân. Ở anh thực tiễn và lý luận quyện chặt với nhau, thể hiện giữa chính trị và kinh tế, giữa Đảng và chính quyền và nhân dân tạo nên chất xám trong anh, góp phần quan trọng khi anh đề xuất các chủ trương đường lối, chính sách của Đảng đúng đắn, phù hợp lòng dân được nhân dân ủng hộ.
Yêu mến và quý trọng anh Mười từ rất lâu nhưng mãi đến năm 1991, khi tôi rời chiến trường Campuchia về công tác ở Bộ Quốc phòng, được tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng rồi tham gia Ban Bí thư, làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, tôi mới được gần anh Đỗ Mười, học anh và hiểu anh nhiều hơn. Anh giữ trọng trách Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đang từ khóa VII đến nửa khóa VIII. Anh là Tổng Bí thư Đảng, Bí thư Quân ủy Trung ương nên chúng tôi được gặp, làm việc với nhau nhiều hơn hiểu nhau hơn. Anh Đỗ Mười là một con người sâu sát thực tế, sâu sát quần chúng nhân dân, nói đi đôi với làm, có tư duy nhạy bén, sắc sảo. Anh là một con người hành động, hành động quyết liệt. Trong công tác xây dựng Đảng, anh luôn giữ vũng nguyên tắc, kiên định lập trường, chịu lắng nghe, chăm lo phát hiện và bồi dưỡng cán bộ cho Đảng. Còn nhớ, khi tôi là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, một lần anh Mười cùng dự sinh hoạt với Quân ủy Trung ương, lắng nghe tôi phát biểu, cùng tranh luận, ít lâu sau anh đề nghị với Quân ủy Trung ương dành thời gian thích đáng để tôi được tham gia trực Đảng cùng với đồng chí Đào Duy Tùng. Khi cả anh và anh Đào Duy Tùng đi công tác vắng, anh gọi tôi đến và giao tôi trực Đảng. Anh nói: "Việc này mới đối với đồng chí nhưng cứ làm rồi quen dần". Tôi hiểu đây là cách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Tổng Bí thư Đỗ Mười, không chỉ riêng tôi mà trong nhiều trường hợp khác, qua cách chọn cán bộ, giao việc của anh Mười tôi thấy anh là người luôn chăm lo đào tạo cán bộ cho Đảng và Nhà nước, nhất là những cán bộ đã kinh qua chiến đấu ở tác chiến trường, con em các đồng chí cách mạng lão thành, con em các đồng chí thương binh, liệt sĩ.
Không chỉ trong xây dựng Đảng mà trong xây dựng và phát triển kinh tế anh Đỗ Mười được phân công phụ trách nhiều lĩnh vực quan trọng. Anh rất quan tâm đến lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp cơ khí chế tạo, tài chính, ngân hàng, xây dựng nông thôn mới, xây dựng quan hệ sản xuất đã hội chủ nghĩa. Anh đi nhiều, nghe nhiều, đọc nhiều và rất thích tranh luận trong các hội nghị các ngành ở Trung ương và cả các cuộc họp ở cơ sở. Anh say sưa tranh luận đến cùng từng sự việc nên không phải không có lúc người ta tưởng anh có tư tưởng áp đặt mất dân chủ. Nhưng càng gần anh, càng hiểu anh tôi càng thấy anh là một người nói to, nói lớn nhưng làm nhiều, là một đồng chí lãnh đạo thực sự cầu thị; có lúc anh nói rất căng nhưng khi được nghe trình bày lại một cách cặn kẽ, hiểu rõ thì anh sẵn sàng thay đổi quan điểm, thay đổi nhận xét cả trong các công việc, cả về những con người cụ thể. Anh là một người vì lẽ phải nghe lẽ phải, chính anh là người đóng góp tích cực cho Nghị quyết của Trung ương về xây dựng cơ chế dân chủ ởcơ sở, ở cương vị cao nhưng anh Đỗ Mười luôn chịu khó đọc sách, tích lũy kiến thức từ những chuyến đi cơ sở. Ngay cả khi đã nghỉ, tuổi đã cao nhưng nhiều lần đến thăm anh tôi vẫn thấy anh còn miệt mài đọc sách. Anh là độc giả số một đọc nhiều sách nhất của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật. Câu chuyện trong những lần tôi gặp anh không có gì ngoài những băn khoăn làm thế nào để công tác xây dựng Đảng ngày càng tốt hơn để ngày càng giảm đi những cán bộ lãnh đạo thoái hóa, biến chất, mất lòng dân, làm thế nào để chọn đúng những cán bộ chủ trì của Đảng, Nhà nước, xứng tầm với sự lớn mạnh của Đảng, sự phát triển của đất nước. Là Tổng Bí thư nối tiếp anh, khi cả hai người đều đã nghỉ, tôi càng nhớ lại khi anh còn làm Tổng Bí thư, trong họp bàn về chủ trương cũng như nhân sự, cụ thể khi còn có ý kiến khác nhau thì anh là người đấu tranh mạnh mẽ, nói rõ quan điểm của mình. Tinh thần đó đã làm cho các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cả Trung ương đều tranh luận sôi nổi, tranh luận để đi đến thống nhất chứ không một chiều, "độc diễn", độc đoán.
Tham gia cách mạng từ khi còn trẻ, đến nay tuổi đã gần 100 nhưng anh Đỗ Mười vẫn giữ nguyên tính cách của một người cộng sản trung kiên, một con người của hành động. Anh vẫn đọc, vẫn nghe và vui mừng trước các thành tựu của đất nước, trăn trở trước những khó khăn của đời sống nhân dân ở một số vùng. Anh buồn vì một số tồn tại, yếu kém trong Đảng, trong một số cán bộ Đảng và chính quyền các cấp chậm được khắc phục. Tôi quý trọng và học tập tinh thần cách mạng, suốt đời vì nước, vì dân, mãi mãi tận tụy với Đảng, tận hiếu với dân của anh Đỗ Mười.
------
(Bài viết của đồng chí Lê Khả Phiêu - nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam in trong cuốn sách "Đồng chí Đỗ Mười - Dấu ấn qua những chặng đường lịch sử" do NXB Chính trị Quốc gia phát hành năm 2012)
Theo ngaynay.vn
"Tuyệt chiêu" trồng sen một tháng đã "bắt" trổ bông của 9X xứ Quảng Hoa sen rất dễ trồng, vì nó dễ sống, ai cũng có thể trồng được. Tuy nhiên, với cách trồng sen thông thường thì phải mất tới 3 tháng sen mới cho ra hoa. Thế nhưng, với tuyệt chiêu của mình, chàng trai xứ Quảng đã bắt hoa sen ra hoa chỉ mất từ 3 - 4 tuần. Một tháng sen nở hoa...