“Chiếm lấy phố Wall”: 150 thành phố… nổi giận
Phong trào “ Chiếm lấy phố Wall” đã bước sang tuần thứ tư liên tiếp và lan sang nhiều thành phố ở Mỹ, gia tăng về cả số lượng, quy mô lẫn tầm ảnh hưởng, thậm chí manh nha mở rộng phong trào “Chiếm lấy Washington”.
Biểu tình lan rộng
Với việc nhiều tổ chức công đoàn và nhiều sinh viên ở những khu vực khác nhau của Mỹ xuống đường tham gia biểu tình, phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” của những người biểu tình ở New York đã có thêm động lực và mở rộng quy mô ra khắp cả nước Mỹ.
Các nhà phân tích cho rằng, phong trào rộng lớn này đã bộc lộ nhiều vấn đề cơ bản đang tồn tại trong xã hội Mỹ, và có khả năng phong trào này sẽ gây ảnh hưởng tới các quyết định chính sách của Chính phủ Mỹ.
Người biểu tình “nhuộm đỏ” khu phố Wall ngày 7.10.
Video đang HOT
Ở trung tâm thủ đô nước Mỹ, những người biểu tình mang các tấm biển và băngrôn với dòng chữ “Hãy chiếm Washington ngay bây giờ”, “Những kẻ ăn không ngồi rồi đang tiêu tiền của người khác, những trẻ em đang chết dần, hãy chấm dứt chiến tranh” và yêu cầu NATO lập tức rút khỏi Afghanistan. Nhiều người biểu tình còn cắm trại tại Trung tâm Thương mại Tự do ở đại lộ Pennsylvania nằm giữa Nhà Trắng và đồi Capitol.
Trong khi đó, hàng trăm người tập trung trước Phòng Thương mại Washington mang theo biểu ngữ đòi việc làm. Một số người biểu tình hòa vào các du khách nước ngoài vẫn tích cực hoạt động tại Quảng trường Tự Do và bãi cỏ bên ngoài Nhà Trắng, đưa ra những đòi hỏi về cải cách kinh tế và chấm dứt sự can dự của Mỹ vào các cuộc xung đột trên thế giới.
Hưởng ứng làn sóng “Chiếm Phố Wall”, tại Los Angeles, thủ phủ bang California, hàng trăm người biểu tình tuần hành bên ngoài tòa thị chính thành phố, các trụ sở ngân hàng Bank of America, Chase và Wells Fargo.
Tính đến thời điểm hiện nay, khoảng 70 sinh viên của các trường đại học đã tham gia phong trào này. Giới phân tích dự đoán các cuộc biểu tình sẽ lớn mạnh hơn chỉ trong một thời gian ngắn nữa. Lu Xiaobo – Giáo sư về khoa học chính trị của Trường Đại học Columbia cho rằng, những người dân – vốn đang bất mãn – ở tại 150 thành phố sẽ tổ chức biểu tình vào tuần này, khiến phong trào này lan rộng khắp cả nước. Michele Wucker – Giám đốc điều hành của Viện Chính sách Thế giới ở New York, nhận định các cuộc biểu tình sẽ trở nên lớn mạnh hơn, với sự tham gia của nhiều người trẻ tuổi.
Lộ rõ bất công xã hội
Các cuộc biểu tình nhằm vào các ngân hàng và tập đoàn lớn “tham lam” để bắt họ phải chịu trách nhiệm về những khó khăn mà họ đã gây ra cho người dân Mỹ. Theo những người biểu tình, những người giàu – vốn chỉ chiếm 1% dân số Mỹ nhưng sở hữu tới 40% của cải của nước Mỹ – đang không chịu chung vai gánh vác những trách nhiệm mà lẽ ra họ phải làm.
Những người biểu tình cũng cho rằng kế hoạch cứu trợ của Chính phủ đã cứu giúp những nhà tư bản tài chính giàu có – những kẻ đã gây ra khủng hoảng – và bắt những gia đình có thu nhập trung bình phải gánh vác các chi phí của kế hoạch cứu trợ đó.
Jean Cohen – giảng viên về khoa học chính trị tại Đại học Columbia nói rằng, những người biểu tình này không phải là một đảng phái chính trị đang tìm kiếm quyền lực mà là một phong trào xã hội đang tìm cách gây ảnh hưởng, do đó không cần phải lo ngại rằng họ không có người lãnh đạo, không có yêu cầu chính trị thống nhất hay không có một mục đích rõ ràng.
Joseph Stiglitz – một nhà kinh tế từng đoạt Giải thưởng Nobel ủng hộ phong trào này cho rằng, Phố Wall đã không thể hoàn thành vai trò của nó với tư cách là đơn vị phân phối vốn và quản lý rủi ro.
Ông cũng cho rằng toàn bộ xã hội Mỹ đang phải gánh chịu những thua lỗ do những việc làm sai lầm của Phố Wall gây ra, trong khi lợi nhuận lại rơi vào túi của một vài cá nhân. Stiglitz cảnh báo rằng nếu thực tế này còn tiếp diễn, Mỹ sẽ không thể thành công trong việc thúc đẩy tăng trưởng và xây dựng một xã hội công bằng.
Ông khẳng định Mỹ sẽ không thể phục hồi mạnh mẽ nếu ngành tài chính của nước này vẫn thực hiện việc đầu cơ và cho vay thiếu thận trọng. Giới phân tích nói rằng các cuộc biểu tình nảy sinh do những vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội không được giải quyết, gây ảnh hưởng tới toàn nước Mỹ.
Theo Dân Việt
Đòi được lắng nghe
Từ khởi đầu chỉ với một nhóm những người trẻ tuổi dựng trại bên ngoài trụ sở của Công ty chứng khoán New York ngày 17-9, một phong trào phản kháng sự lạm dụng và quyền lực vô hình của các tập đoàn tài phiệt Phố Wall đã hình thành và có quy mô rộng khắp nước Mỹ.
Dễ nhận thấy tình trạng đình trệ và suy thoái kinh tế đã châm ngòi cho làn sóng biểu tình lan rộng hiện nay. Thực tế là 3 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính ngân hàng tồi tệ, kinh tế Mỹ đang bị đình trệ với tỉ lệ thất nghiệp cao trên 9% trong thời gian dài, thâm thủng ngân sách ở mức kỷ lục. Nhìn vào những người tham gia biểu tình tại Mỹ, đại đa số là những người dưới 30 tuổi. Rất nhiều người trong số họ là những người thất nghiệp và bán thất nghiệp. Một số là sinh viên với những núi nợ khổng lồ, số khác là những người lao động chăm chỉ đang sắp mất nhà cửa cho dù họ đã trả một khoản tiền thế chấp lớn.
Tất cả những người này đều đang phàn nàn rằng, tầng lớp trung lưu lao động chăm chỉ đang ngày càng nghèo đi, trong khi Phố Wall vẫn giàu có. Người ta không thể không bất bình khi thấy chính quyền đã bỏ một đống tiền ra để mua lại nợ xấu của các ngân hàng kinh doanh thua lỗ, dẫn tới mức nợ công khủng khiếp hiện nay, và chính những nhà tài phiệt lớn của phố Wall đã biến tiền cứu trợ của những người đóng thuế thành tiền bỏ túi của riêng họ. Và từ bất bình này, người ta dễ nhìn thấy thêm các lý do khác để xuống đường. Đó là các cuộc chiến hao tiền tốn của, vô tiền khoáng hậu mà chính quyền đang tiến hành ở Iraq và Afghanistan, trong khi cuộc sống của người dân ngày càng đi xuống.
Rõ ràng các cuộc biểu tình đang lan rộng trên nhiều thành phố lớn ở Mỹ, kể cả thủ đô Washington đang thể hiện sự thất vọng ghê gớm của nhiều người mà chính quyền khó có thể làm ngơ. Về một chừng mực nào đó, các cuộc biểu tình này không thể so sánh với những gì đang diễn ra tại Trung Đông- Bắc Phi về cả quy mô cũng như mục đích bởi những người biểu tình tại Mỹ hoàn toàn không có ý định đòi thay đổi chế độ, nhưng ít nhất đây cũng là tiếng chuông cảnh báo đối với chính quyền về về sứ mệnh lắng nghe và giải quyết những vấn đề bức bách đối với phần đông dân chúng hiện nay.
Theo Tiền Phong