Chiếm giữ trái phép… tiền bán phần vốn của mình?
Ông Nguyễn Đình Bang bán tài sản của mình, sau khi nhận tiền 5 tháng thì bị CQĐT yêu cầu nộp lại, lý do là có đơn tố cáo bên mua đã lừa đảo người khác để có tiền trả cho ông Bang. Vì chưa thể có tiền nộp lại nên ông Bang bị khởi tố, tạm giam… VKSNDTC đang quan tâm ngăn chặn việc hình sự hóa quan hệ dân sự thông qua vụ việc này.
Hợp đồng hợp pháp
Ông Nguyễn Đình Bang là Giám đốc Công ty TNHH công nghiệp Trường Sinh (Công ty Trường Sinh) có trụ sở tại 30 Voi Phục, phường Ngọc Khánh, Hà Nội, thành lập từ năm 1998, đăng ký kinh doanh mới nhất là ngày 24-4-2008. Ngày 24-4-2010, ông Bang ký hợp đồng chuyển nhượng phần vốn của mình trong Công ty Trường Sinh cho ông Nguyễn Huy Khang (ở Cao Thượng, thị trấn Tân Yên, Bắc Giang). Tài sản chuyển nhượng gồm 25% tổng số vốn góp là trị giá trên 4 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đình Bang
Cùng ngày, ông Bang đã bàn giao cho ông Khang 1 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty Trường Sinh, 1 giấy Đăng ký kinh doanh, 1 con dấu và toàn bộ giấy tờ liên quan đến việc góp vốn của ông Bang vào Công ty Trường Sinh.
Video đang HOT
Ông Khang đã chuyển trả nợ cũ và tiền mua phần vốn Công ty cho ông Bang số tiền 19 tỷ đồng chẵn bằng ủy nhiệm chi, mang tên đơn vị trả tiền là Thái Khắc Toàn, nội dung thanh toán ghi “Mua lại cổ phần Công ty TNHH công nghiệp Trường Sinh”.
Ngày 26-4-2010, Công ty Trường Sinh họp hội đồng thành viên, các bên đã nhất trí thay đổi người đại diện theo pháp luật, chuyển chức danh giám đốc từ ông Nguyễn Đình Bang sang ông Nguyễn Huy Khang.
Như vậy, việc bán vốn góp của ông Bang trong Công ty Trường Sinh cho bên mua là ông Nguyễn Huy Khang đã hoàn tất. Ông Bang rút 19 tỷ ra để kinh doanh. Điều bất ngờ là sau đó, ngày 21-9-2010 ông Bang bị Công an triệu tập, để hỏi về nội dung “cùng ông Nguyễn Huy Khang lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và yêu cầu nộp lại 19 tỷ đồng đã nhận từ ông Khang.
Ông Bang rất bàng hoàng vì đây là số tiền trả nợ và chuyển nhượng tài sản hợp pháp, hơn nữa, ông Bang không thể biết số tiền 19 tỷ ông Khang trả cho mình lại là tài sản do đâu mà có. Vì vậy, ông Bang đề nghị là ông Bang sẽ vay mượn bàn bè, anh em, nộp lại số tiền này thì CQĐT có trách nhiệm thu lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty Trường Sinh, giấy Đăng ký kinh doanh, con dấu Công ty Trường Sinh mà ông Bang đã bàn giao cho ông Khang.
CQĐT không chấp nhận đề nghị này. Vì ông Bang không trả lại 19 tỷ đồng theo yêu cầu nên ông Bang bị khởi tố về tội “Chiếm giữ trái phép tài sản ” theo Điều 141 BLHS và bị tạm giam.
Hình sự hóa quan hệ dân sự?
Căn nguyên xảy ra vụ ông Bang bị khởi tố là do ông Nguyễn Huy Khang bị ông Thái Khắc Toàn, đại diện Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Huy Phát tố cáo với nội dung, ngày 8-4-2010 ông Toàn đã ký hợp đồng góp vốn với ông Nguyễn Huy Khang để đầu tư vào dự án Trung tâm thương mại dịch vụ và nhà ở cao cấp An Khánh, tổng số tiền góp vốn thỏa thuận là 34 tỷ đồng. Sau đó, ông Toàn đã chuyển cho ông Khang 22 tỷ đồng và 17.000 USD. Trong đó 19 tỷ ông Khang yêu cầu chuyển cho ông Bang. Do không thực hiện được hợp đồng, nên ông Toàn đòi lại tiền và gửi đơn tố cáo đến CQĐT Công an Hà Nội.
Việc khởi tố, tạm giam ông Nguyễn Đình Bang về tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” khiến cho những người quan tâm đến vụ việc này không khỏi băn khoăn. Bởi lẽ đây là hợp đồng chuyển nhượng tài sản đúng quy định của pháp luật. Khi giao dịch ông Bang không được biết nguồn vốn mà ông Khang trả cho mình có hợp pháp hay không và luật pháp cũng không buộc khi giao dịch hợp đồng dân sự phải biết rõ nguồn gốc tiền thanh toán.
Khi CQĐT yêu cầu ông Bang nộp lại 19 tỷ đồng thì đã là 5 tháng sau khi ông Bang nhận tiền, số tiền đó đã đầu tư kinh doanh nên yêu cầu của CQĐT có thể nói là bất khả thi đối với ông Bang.
Với thiện chí khắc phục hậu quả, bảo đảm quyền lợi các bên, ông Bang đề nghị là sau khi vay mượn và nộp lại số tiền này thì CQĐT thu lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty Trường Sinh, Giấy đăng ký kinh doanh, con dấu Công ty Trường Sinh mà ông Bang đã bàn giao cho ông Khang, là yêu cầu chính đáng, có lý có tình. Tiếc rằng, yêu cầu đó không được chấp nhận.
Điều 141 BLHS về tội chiếm giữ trái phép tài sản quy định: “Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm… tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng trở lên hoặc cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá có giá trị đặc biệt, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”. Như vậy, đây là tội ít nghiêm trọng.
Điều 120 BLTTHS quy định, nếu tội phạm được điều tra là tội ít nghiêm trọng thì thời hạn tạm giam không quá 2 tháng. Thời hạn này có thể được gia hạn một lần không quá 1 tháng. Trong khi đó, Điều 119 BLTTHS quy định: “Thời hạn điều tra vụ án không quá 2 tháng đối với tội ít nghiêm trọng, kể từ khi khởi tố vụ án hình sự cho đến khi kết thúc điều tra và có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 2 tháng”. Như vậy, tổng thời hạn điều tra một vụ án về tội ít nghiêm trọng là 4 tháng và tổng thời hạn tạm giam để điều tra một vụ án về tội ít nghiêm trọng là 3 tháng.
Vậy mà CQĐT đã tạm giam ông Nguyễn Đình Bang hơn 10 tháng, chưa cho tại ngoại hay có kết luận điều tra là vấn đề cần được xem xét.
Điều đáng chú ý nữa là con của ông Nguyễn Huy Khang đã thay cha khắc phục hậu quả, trả lại cho ông Thái Khắc Toàn 22 tỷ đồng và 17.000 USD nên ngày 26-4-2011 ông Toàn đã có đơn xin bãi nại, đề nghị CQĐT đình chỉ vụ án theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Đình Bang là thương binh 4/4, bị chấn thương sọ não, có con nhỏ dưới 5 tuổi và mẹ già ngoài 90 tuổi, nên thân nhân của ông Bang đã có nhiều đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan có thẩm quyền. Ngày 29-7-2011 VKSNDTC đã có Công văn số 2330/VKSTC-V1 gửi VKSND Tp. Hà Nội yêu cầu:” VKSND Tp. Hà Nội cần kiểm tra chặt chẽ tài liệu, chứng cứ trong quá trình điều tra; thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đối với vụ án, không để xảy ra dấu hiệu hình sự hóa quan hệ dân sự thông qua vụ việc này”.
Theo Báo Công Lý