Chiếm 3 điểm yết hầu ở Biển Đông là âm mưu lâu dài của Trung Quốc
“Toàn bộ cửa ngõ ra vào Biển Đông là đảo Hải Nam, quần đảo Hoàng Sa và các đá trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm đóng là 3 điểm “yết hầu” có vị trí địa – chính trị quân sự, kinh tế, thương mại, hàng hải, hàng không của khu vực và thế giới nằm trong kế hoạch đầy tham vọng mà Bắc Kinh đã âm mưu tính toán, bài bản dài lâu hòng độc chiếm”
Đây là phát biểu thẳng thắn của Tiến sỹ Ngô Hữu Phước tại Hội thảo “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật quốc tế và thực tiễn Biển Đông” diễn ra sáng nay (17.8) ở Nha Trang (Khánh Hòa) với sự tham gia của 30 học giả quốc tế đến từ nhiều nước trên thế giới.
T.S Ngô Hữu Phước – Trưởng Bộ môn Công pháp quốc tế, Khoa luật quốc tế, ĐH Luật TP.HCM cho biết, về tốc độ, từ năm 2013 đến nay, Trung Quốc đã tăng diện tích cải tạo đất từ 20 đến 810 ha trên Biển Đông. Trung bình cứ mỗi ngày họ xây dựng thêm 96,5m2.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 8.5.2015, Trung Quốc đã mở rộng diện tích các đảo họ chiếm đóng trái phép trên Biển Đông lên khoảng 400 lần. Ảnh chụp từ vệ tinh mới nhất cho thấy, Trung Quốc đã xây dựng các cấu trúc địa lý rộng hơn gấp 20 lần diện tích ban đầu chỉ trong vòng 3 năm.
Hội thảo “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật quốc tế và thực tiễn Biển Đông” diễn ra sáng nay ở Nha Trang (Khánh Hòa)
Về quy mô, tại Hoàng Sa, Trung Quốc xây mới đường băng dài 2.920m thay thế cho đường băng cũ, mở rộng khu vực hậu cần cho máy bay, xây dựng doanh trại quân đội, đê chắn biển… Tại Trường Sa, Trung Quốc cải tạo toàn bộ bảy cấu trúc địa lý mà nước này hiện đang chiếm đóng trái phép của Việt Nam. Đến nay họ đã hoàn thành việc nạo vét, tôn tạo, kè bao, hải đăng, sân bay và đang xây dựng các công trình tại đảo Gạc Ma, Huy Gơ, Châu Viên, Ga Ven, Chữ Thập, Xu Bi, Vành Khăn…
TS Phước cho rằng, những hành vi của Trung Quốc đã vi phạm nghiên trọng Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cản trở tiến trình xây dựng Bộ quy tắc của các bên ở Biển Đông (COC) đang được Trung Quốc và ASEAN bàn thảo. TS Phước cho biết: “Hành động đó vi phạm các quy định của luật quốc tế về môi trường, làm phá hủy các rặng san hô để lấy nguyên liệu bồi đắp các đá, dẫn đến tài nguyên hải sản cạn kiệt làm ảnh hưởng đến hàng trăm triệu ngư dân kiếm sống bằng nghề đánh cá, khai thác hải sản của các quốc gia ven biển”.
Không những thế, những hành động của Trung Quốc còn ảnh hưởng đến an ninh hàng hải, hàng không và thương mại quốc tế, đồng thời đe dọa hòa bình và an ninh làm gia tăng chạy đua vũ trang trong khu vực và thế giới. Nhằm bảo vệ các đảo nhân tạo phi pháp, Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố thiết lập một vùng biển 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo và cấm tàu thuyền, máy bay của các quốc gia khác hoạt động trong vùng biển và vùng trời bên trên. Đồng thời liên tục đe dọa sử dụng vũ lực với tàu thuyền và máy bay hoạt động trong khu vực mà Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố chủ quyền phi lý.
Trước những phân tích nêu trên, TS Phước nhận định: “Hoạt động xây dựng đảo nhân tạo và các hành vi gần đây trên Biển Đông cho thấy Trung Quốc đang hướng tới mục đích cơ bản đó là củng cố và mở rộng tham vọng, yêu sách phi pháp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của họ trên Biển Đông. Theo TS Phước, để đạt được tham vọng phi pháp này, Trung Quốc đã vạch ra lộ trình gồm 5 bước: Thứ nhất, tấn công chiếm đóng trái phép ở vùng quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Thứ hai, tiếp tục bồi đắp xây dựng đảo nhân tạo và cơ sở hạ tầng. Thứ ba, yêu sách vùng biển 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo. Thứ tư, tiến tới là quân sự hóa các đảo nhân tạo. Thứ năm, liên kết chiến lược tiền tiêu án ngữ toàn bộ cửa ngõ ra vào Biển Đông là đảo Hải Nam, quần đảo Hoàng Sa và các đá trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm đóng”.
Hội thảo quốc tế “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật quốc tế và thực tiễn Biển Đông” với 30 tham luận của các học giả đã kết thúc và đưa ra một kết luận chung về quy chế đảo, đá trong luật quốc tế, nội dung – ý nghĩa – tác dụng phán quyết của Tòa trọng tài (PCA) ngày 12.7 đối với tranh chấp ở biển Đông, vai trò của Asean trong việc thúc đẩy tiển trình ngoại giao pháp lý thúc đẩy việc giải quyết tranh cấp ở biển Đông… Tại hội thảo, một số học giả đã trực tiếp bày tỏ quan ngại và phản đối trước các hành động đơn phương của Trung Quốc như xây dựng, cải tạo đảo trái phép và đẩy nhanh tiến trình quân sự hóa ở Biển Đông; nhấn mạnh đây là hành động không phù hợp với nguyên tắc và quy định của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, nhất trí việc làm trên của Trung Quốc không thể làm thay đổi quy chế pháp lý của các cấu trúc ở Biển Đông. Đồng thời, các đại biểu đã khẳng định tầm quan trọng của quyền tự do hàng hải và hàng không trên cơ sở pháp luật quốc tế ở khu vực biển Đông đối với không chỉ các quốc gia trong khu vực mà cả cộng đồng quốc tế. Nhiều đại biểu đã tỏ rõ sự lo ngại về khả năng nước này thiết lập tại Biển Đông “vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ). Về phán quyết vụ kiện Biển Đông ngày 12.7 vừa qua, các học giả nhất trí phán quyết có ý nghĩa to lớn đối với việc làm rõ các cơ sở yêu sách biển cũng như đã giúp thu hẹp phạm vi các khu vực biển có tranh chấp giữa các bên liên quan và mở ra cơ hội mới cho việc giải quyết hòa bình, thúc đẩy đối thoại và hợp tác Biển Đông. Do đó, các đại biểu hoan ngênh phán quyết của Tòa trọng tài, coi đây là bước phát triển mới trong lĩnh vực luật pháp quốc tế. Đồng thời, cũng có ý kiến cho rằng các nước cần có sự điều chỉnh chính sách và pháp luật nhằm phù hợp với những diễn biến mới của tình hình.
Theo Danviet