Chiếc xe tăng Mỹ trúng bom, tên lửa nhiều nhất thế giới
Chiếc M1A1 Abrams hứng chịu hàng loạt phát bắn từ đạn chống tăng của quân Iraq cho tới tên lửa, bom của Mỹ nhưng không bị phá hủy hoàn toàn.
Xe tăng Cojone Eh với hàng loạt vết đạn từ tên lửa của Mỹ. Ảnh: Vkontakte.
Trong chiến dịch can thiệp quân sự tấn công vào Iraq do liên quân được Mỹ dẫn đầu tiến hành năm 2003, một chiếc xe tăng M1A1 Abrams của Mỹ trở nên nổi tiếng khắp thế giới với khả năng “chịu đòn” đáng ngạc nhiên.
Mang biệt danh “Cojone Eh”, chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực này của quân đội Mỹ đã phải hứng chịu gần 10 phát đạn chống tăng và bom của cả lính Iraq lẫn quân Mỹ nhưng không bị phá hủy hoàn toàn, theo Defence Talk.
Xe tăng Cojone Eh tham gia chiến dịch “Thunder Run” với mục tiêu tấn công, chiếm đóng thủ đô Baghdad. Trong trận đánh ngày 5/4/2003, một phát đạn SPG-9 của quân đội Iraq bắn trúng đuôi xe. Khoang động cơ bị phá hủy và bốc cháy, kíp lái tìm mọi cách để dập lửa nhưng không thành công, buộc họ phải bỏ xe.
Lính Mỹ ném lựu đạn nhiệt nhôm vào trong khoang lái để phá hủy xe, tránh việc chiếc M1A1 rơi vào tay quân Iraq. Một xe tăng Abrams trong đội hình cũng nã nhiều phát đạn xuyên giáp (APFSDS) vào phía sau tháp pháo của Cojone Eh, tuy nhiên chiếc xe tăng dường như không hề hấn gì.
Bộ chỉ huy Mỹ quyết định dùng mọi cách để phá hủy chiếc Abrams xấu số. Một trực thăng vũ trang AH-64 Apache được cử đi làm nhiệm vụ hủy diệt Cojone Eh. Phi công đã bắn ra hai tên lửa AGM-114 Hellfire, trong đó một quả trúng mặt bên tháp pháo.
Không dừng lại ở đó, quân Mỹ tiếp tục điều thêm cường kích A-10 tới. Một tên lửa AGM-65 Maverick với đầu nổ chống tăng nặng 57 kg đã được chiếc A-10 phóng ra, đánh trúng mặt trước tháp pháo, nhưng không xuyên thủng được lớp giáp của Cojone Eh do góc chạm quá lớn.
Video đang HOT
Cuối cùng, không quân Mỹ phải sử dụng tới bom tấn công chính xác JDAM khối lượng 250 kg để phá hủy Cojone Eh. Quả bom rơi sát bên cạnh xe, tạo ra một hố sâu, phá hủy phần hông và gầm xe.
Dân Iraq trèo lên chiếc xe tăng Cojone Eh sau trận chiến. Ảnh: History
Quân đội Iraq sau đó thu giữ chiếc xe này phục vụ mục đích tuyên truyền. Hầu hết các tư liệu về xe tăng Abrams bị tiêu diệt ở Iraq đều là hình ảnh của Cojone Eh. Người dân Baghdad cũng tham gia vào quá trình phá hoại chiếc xe này.
Tử Quỳnh
Theo VNE
Cuộc đối đấu xe tăng Mỹ - Xô suýt đẩy thế giới vào thảm họa
Cuộc đối đầu giữa lực lượng xe tăng Mỹ Liên Xô tại trạm kiểm soát Charlie cách đây 55 năm đã đẩy thế giới đến sát bờ vực của Thế chiến 3.
Trạm kiểm soát Charlie, Berlin, tháng 10/1961. Ảnh: AP
Trong suốt 16 giờ từ ngày 27 đến 28/10/1961, các xe tăng Mỹ và Liên Xô đã dàn trận tại trạm kiểm soát Charlie của quân đội Mỹ ở thành phố Berlin, Đức khiến hai siêu cường tiến gần tới nguy chiến tranh gần hơn bất kỳ cuộc đối đầu nào thời Chiến tranh Lạnh, ngoại trừ cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba một năm sau đó, theo Guardian.
Sau Thế chiến 2, nước Đức bị chia tách thành Đông Đức và Tây Đức, lấy thành phố Berlin làm khu vực phân định vùng ảnh hưởng giữa Liên Xô và phương Tây. Tuy nhiên, do tồn tại nhiều bất đồng nên tình trạng khủng hoảng và đối đầu giữa hai bên thường xuyên xảy ra.
Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm vào năm 1958, khi Liên Xô quyết định đóng cửa đường phân định giữa hai vùng để ngăn chặn làn sóng di cư ồ ạt từ Đông Đức sang Tây Đức. Động thái này đã gây mâu thuẫn nghiêm trọng giữa hai cường quốc.
Ngay sau khi bức tường Berlin được dựng lên, căng thẳng giữa quân đội Mỹ và Liên Xô tại trạm kiểm soát Charlie đã dẫn đến một tình huống được cho là căng thẳng nhất của cuộc Chiến tranh Lạnh ở châu Âu.
Xe tăng M-48A1 Mỹ ở Berlin. Ảnh: Army.mil
Tháng 10/1961, biên phòng Đông Đức bắt đầu từ chối cho phép các nhà ngoại giao Mỹ đi vào Đông Đức theo thỏa thuận với Nga.
Ngày 22/10, E Allan Lightner Jr, nhà ngoại giao cấp cao Mỹ ở Tây Berlin bị lính canh Đông Đức chặn đường yêu cầu kiểm tra hộ chiếu khi đang đến nhà hát opera ở Đông Đức và bị buộc phải quay trở lại.
Ngày 26/10, không chịu khuất phục dễ dàng và muốn chứng tỏ quyết tâm duy trì quyền tiếp cận Đông Đức của Mỹ và Đồng minh, Washington đã điều 10 xe tăng M-48A1 và ba xe thiết giáp chở quân đến trạm kiểm soát Charlie, nơi thường chỉ có quân cảnh Mỹ canh gác.
Các cỗ chiến xa này dừng cách khu vực biên giới Đông Đức/Tây Đức khoảng 75 m và nổ máy inh ỏi tạo thành cột khói đen trên không trung.
Đối phó với động thái được cho là khiêu khích này, Liên Xô lập tức điều hàng chục xe tăng T-55 đến gần trạm kiểm soát Charlie, đối đấu với xe tăng Mỹ. Xe tăng hai bên chĩa pháo vào nhau và thi gan trong suốt 16 giờ căng thẳng.
Cùng thời gian này, các nhân viên quân sự và ngoại giao Mỹ dưới sự hộ tống của quân cảnh tiếp tục băng qua trạm kiểm soát, thực hiện quyền đi lại vào lãnh thổ Đông Đức. Tình hình lúc đó được đánh giá đặc biệt nghiêm trọng, bởi Chiến tranh Thế giới lần thứ ba sẽ bùng nổ nếu một bên có các động thái tiếp tục leo thang căng thẳng.
Tuy nhiên, Washington đã ra chỉ thị nhắc nhở lãnh đạo quân đội Mỹ rằng Berlin không phải là một "lợi ích sống còn" đến mức liều lĩnh gây chiến với Moscow. Sau đó, Tổng thống Kenedy chấp thuận mở một kênh liên lạc bí mật để thuyết phục lãnh đạo Liên Xô rút xe tăng về và đảm bảo Mỹ cũng tuân thủ rút quân theo quy định.
Sáng 28/10, các xe tăng Liên Xô rút lui trước và ngay sau đó Mỹ cũng rút quân. Cuộc đối đầu tại trạm kiểm soát Charlie kết thúc.
Kể từ đó, các quan chức ngoại giao phương Tây và nhân viên quân sự được quyền tự do đi lại để đến nhà hát opera ở Đông Berlin trong khi các nhà ngoại giao Liên Xô cũng có quyền tương tự ở Tây Berlin.
Duy Sơn
Theo VNE
Thổ Nhĩ Kỳ điều xe tăng đến sát biên giới với Iraq Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay điều xe tăng và các phương tiện bọc thép đến khu vực giáp Iraq tại tỉnh Sirnak. Xe tăng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters. Các nguồn tin quân sự Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Ankara hôm nay điều động xe tăng và các phương tiện bọc thép tới vùng Silopi, tỉnh Sirnak, gần biên giới với...