Chiếc mỏ neo giá bạc tỷ trên sông Hồng
Câu chuyện tưởng như sẽ khép lại khi một ông chủ quán chuyên quan tâm đến bia bọt bỗng dưng lạc bước đến bờ sông Hồng, nơi có “khúc củi” của lão thuyền chài Nguyễn Văn Mười để ở đó, nhưng…
Cuộc tầm nã và đánh vật của ông chủ quán bia
Ông Quách Văn Địch – chủ một quán bia ở Hà Nội, là người nhanh nhẹn, quyết đoán. Có thể vì thế nên việc ông gặp và rất nhanh sau đó đã quyết định “khênh” khúc củi mục đó về, để trong quán bia, sau này quán bia dẹp, ông khuân nó về theo những lần chuyển nhà. Bẵng đi, hơn chục năm trời ông là người chung sống với cổ vật sông Hồng.
Ông chủ quán bia Quách Văn Địch bên chiếc mỏ neo mà ông đã “tầm nã” được. – Ảnh: Kiên Trung
Đó là một buổi sáng mùa hè năm 1999, sau khi lão thuyền chài Nguyễn Văn Mười vớt được chiếc mỏ neo khổng lồ được ngót một tháng. Ông Địch có bà con họ hàng ở mạn Hàm Tử Quan nên nhấp nhổm đến thăm. Đến bãi sông, ông nhìn thấy chiếc mỏ neo và dựng tóc gáy vì sửng sốt.
Chiếc mỏ neo gỗ có hình dáng kỳ lạ chưa từng được nhắc đến: thân chính của mỏ neo dài gần chục thước hai ngạnh hai bên được ghì với thân chính bằng một cái đai sắt, và lại được “khóa” thêm bằng một lần dây chão quấn ghì nhiều vòng, kiểu buộc chỉ có thít chặt vào chứ không bao giờ mở ra. Độ mở của hai chiếc ngạnh hai bên từ vị trí thân trụ của mỏ neo, mỗi bên cũng gần ba thước.
Ban đầu, ông Địch nghĩ đó là một mô hình người ta dựng lên để làm trang trí không gian cổng vào của bến tàu du lịch sông Hồng. Thế nhưng, xem kỹ, ông mới thấy kỳ lạ bởi nước gỗ đã xám xịt màu thời gian những dăm gỗ trên bề mặt trục chính và hai ngạnh bị nước và nóng làm nở ra, đều tăm tắp hệt như một bức tranh sắp đặt mà ai đó cố tình tạo ra.
Sẵn có quán hàng ăn mà hai vợ chồng ông mở lấy kế sinh nhai, ý định mua chiếc mỏ neo to đuềnh đoàng này về để làm… vật trang trí ở quán ăn, như là một chiêu PR hoàn hảo để khách một lần vào sẽ không thể quên được… nhà hàng mỏ neo. Thế là ông Địch “rước” khúc củi mục kềnh càng ấy về, đặt ở giữa quán bia mà vợ chồng, con cái ông đang mưu sinh, bất chấp bà vợ nghiến răng nghiến lợi vì kiểu… đầu tư không giống ai của ông chồng… trái khoáy.
Những chuyên gia Tây đã sang tận nhà ông Địch để giám định niên đại hai chiếc mỏ neo này
Tưởng như vậy đã xong, thì cuối năm 1999, một thanh niên lạ mặt tìm đến quán bia của ông Địch. Anh này “biết tiếng” ông Địch đã bỏ hẳn một cục tiền để rước “khúc củi” hai ngạnh kia về. Và, anh này cũng vừa vớt được một cái mỏ neo bằng gỗ, hình dáng còn kỳ lạ hơn, đấy là chỉ có một ngạnh.
Mọi chuyện lúc đó, chỉ khổ mỗi… vợ ông Địch. Đợi vợ ra khỏi nhà, ông Địch “mở trộm” két, lấy tiền trao cho anh thanh niên kia để “khênh” nốt chiếc mỏ neo một ngạnh. Gần chục năm trôi qua, hai chiếc mỏ neo kềnh càng này đã trở thành thành viên trong gia đình ông Địch.
Chuyên gia Tây vào cuộc
Năm 2002, một ông khách du lịch người Trung Quốc đến quá bia của ông Địch. Sau một hồi nhìn ngắm, ông khách này nhờ cô hướng dẫn viên phiên dịch giúp, ngỏ ý muốn mua lại một chiếc mỏ neo hai ngạnh với giá… 30.000 USD. Ông Địch chỉ cười, vì ngỡ rằng ông khách Trung Hoa nói đùa.
Video đang HOT
Vì nhà chật chội, và hai chiếc mỏ neo quá lớn, ông Địch phải “ghé” nó sát mé tường – Ảnh: Kiên Trung
Nhìn vẻ mặt của ông Địch, ông khách du lịch lại nghĩ mức tiền mà ông này ngỏ ra chưa hợp lý. Sau mấy ngày vào Sài Gòn theo tour, ông này quay trở lại, và quyết định nâng giá lên gấp… năm lần: 150.000USD. Bây giờ thì đến lượt ông Địch giật mình. Ông giật mình không phải vì khoản tiền khổng lồ mà ông khách lạ bỏ ra để mua lại “khúc gỗ”, mà trước đấy, ông nghĩ trên thế gian này chỉ có mình ông là người “rồ dại”. Sau đấy nghĩ lại, ông mới lờ mờ suy đoán, hẳn chắc chắn đấy là một cổ vật có giá trị lịch sử rất lớn, chứ không chỉ đơn thuần là một vật vô tri bấy lâu nay trầm tích dưới sông Hồng, được người ta tình cờ phát hiện.
Về nhà, ông Địch bắt đầu nhìn hai “hiện vật” của mình bằng một “con mắt” khác. Ông chụp ảnh và lần “mò” lên Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tìm gạp ông Dương Trung Quốc, vì “nghe nói ông Quốc là người rành lịch sử”. Ông Quốc đi vắng, ông Địch viết một bức thư tay, đại ý muốn mời ông Quốc đến tận nhà xem hai cái mỏ neo của mình, và lý giải giúp ông vì sao mà hai “khúc củi” ấy lại được người ta bỏ cả bạc tỷ ra mua lại.
Ông Mười – người trục vớt chiếc mỏ neo hai ngạnh – Ảnh: Kiên Trung
Hai hôm sau, nhà sử học Dương Trung Quốc đến nhà ông Địch theo địa chỉ trong bức thư, nhưng không phải đến một mình. Ông Quốc rủ thêm một chuyên gia khảo cổ học, tiến sỹ Vũ Thế Long. Cả ông Quốc và ông Long sửng sốt trước hai chiếc mỏ neo kỳ lạ này. Lời hứa của ông Quốc và ông Long đã dẫn tới câu chuyện các chuyên gia, giáo sư đầu ngành… của những nước có ngành hàng hải phát triển đến tận nơi tìm hiểu nghiên cứu về chiếc mỏ neo cổ của ông Địch.
Đoàn chuyên gia gồm có hai người Nhật, Randall Sasaki và Jun Kimura hai chuyên gia người Úc, hai chuyên gia – giáo sư người Mỹ và Pháp. Đây là những chuyên gia hiện đang làm việc ở các Viện nghiên cứu về sự phát triển của ngành hàng hải dựa trên các xác tàu đắm được trục vớt.
Tiến sỹ Vũ Thế Long là người “móc nối” với những chuyên gia nghiên cứu lịch sử hàng hải đến Việt Nam để làm “chuyên án mỏ neo cổ” – Ảnh nhân vật cung cấp.
Theo kết quả giám định của Viện giám định Vật lý, chiếc mỏ neo một ngạnh có tuổi đời từ khoảng thế kỷ 13. Còn chiếc mỏ neo thứ hai, hai ngạnh có niên đại khoảng thế kỷ 15. Hai chiếc mỏ neo này đều có nguồn gốc từ những loại gỗ tốt, họ cây bồ kết, và là một phần của những chiếc tàu lớn, chưa xác định cụ thể là tàu buôn hay tàu chiến, và thuộc các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Ông Mười bên chiếc thuyền tham gia trục vớt chiếc mỏ neo. – Ảnh: K.Trung
Nghe được những thông tin chính xác từ các chuyên gia hàng đầu này, ông Địch là người hạnh phúc nhất. Ông ngỡ ngàng hiểu ra, bấy lâu nay ông đang sở hữu những cổ vật độc nhất vô nhị, nó là minh chứng cho cả một giai đoạn lịch sử quan trọng cho thấy sự phát triển của ngành hàng hải Việt Nam, hay chí ít cũng là nhân chứng của một thời kỳ kinh tế giao thương phát triển của thời kỳ phong kiến.
Randall Sasaki cho hay: “Tôi đã xem rất kỹ hai chiếc mỏ neo được chụp ảnh và gửi qua đường email, nhưng chưa chắc chắn đó là mỏ neo thuộc triều đại Nguyên Mông. Tôi đã nghiên cứu rất kỹ về triều đại Nguyên Mông, và trận Bạch Đằng thực sự là một trận đánh lịch sử. Tôi cho rằng đây là cơ hội tốt để đến Việt Nam tìm hiểu kỹ hơn về trận Bạch Đằng”. Sang Việt Nam, Randall Sasaki đã lấy các mẫu dăm gỗ cạy ra từ hai chiếc mỏ neo này để về Nhật giám định, nghiên cứu niên đại xem có trùng với niên đại của chiếc mỏ neo phát hiện ở Nhật không. Nhưng khác biệt lớn nhất về nguyên liệu là đầu chiếc mỏ neo phát hiện ở Takashima (Nhật Bản) được bao bằng đá buộc vào, còn đầu hai chiếc mỏ neo ở đây được bọc sắt. “Nhóm chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ phía Việt Nam về phương pháp nghiên cứu và thậm chí cả việc kêu gọi tài trợ để lập quỹ hỗ trợ nghiên cứu”, Randall Sasaki, nghiên cứu sinh tiến sĩ của INA khẳng định. Còn Jun Kimura, nghiên cứu sinh tiến sĩ của Flinder University nhận xét: “Qua so sánh với những mỏ neo gỗ trục vớt được ở Nhật năm 1994 (đã được xác định có từ thời Nguyên Mông, thế kỷ thứ 13), cảm giác của tôi là có vẻ như hai chiếc này ra đời muộn hơn”.
Theo Vietnamnet
Chuyện li kỳ về chiếc mỏ neo 300 tuổi
"Khi ấy, tôi cứ chắc mẩm phen này được mớ gỗ to, hẻo nhất cũng phải cả tấn củi chứ ít ỏi gì. Nhưng, hóa ra còn vượt cả khả năng tôi dự đoán..." - lão Mười hể hả về lần vớt gỗ "lịch sử" năm 1999.
62 tuổi, dáng người chắc nịch như một khúc gỗ lim, lão thuyền chài Nguyễn Văn Mười là người "cai quản" cả một khúc sông dài gần chục cây số từ cầu Thăng Long kéo dài tới mạn cầu Thanh Trì.
Tuổi đời, tuổi nghề, kinh nghiệm sông nước... đã mặc định lão là một con rái cá ở khu vực Bến Gỗ mấy chục năm nay. Thế nhưng, lão sẽ còn được nhắc đến nhiều hơn khi chính lão là người "đánh thức" một cổ vật vùi lấp hàng trăm năm dưới lòng sông mẹ...
Buổi sáng định mệnh
Đấy là một buổi sáng định mệnh của mùa hè tháng 6/1999, lão thuyền chài Nguyễn Văn Mười vẫn lụi cụi và âm thầm làm công việc mưu sinh đã nuôi sống ông và gia đình mấy chục năm nay: đi xăm củi dưới lòng sông. Sông Hồng khu vực bãi giữa, xưa kia là bến Gỗ - nơi tập kết gỗ từ mạn ngược đổ về Hà Nội bằng đường thủy.
Lão Mười kể, thuở ấy, dễ đến ngót thế kỷ, phương tiện vận chuyển duy nhất để người miền xuôi "ăn hàng gỗ" từ mạn ngược, đấy là hình thức đóng gỗ thành bè, thả trôi sông Hồng. Vì thời gian dài như thế nên rất nhiều củi gỗ bị chìm dưới đáy sông, bị lớp phù sa sông Hồng vùi lấp, nên không biết cơ man nào là củi...
Dụng cụ hành nghề của lão Mười khá đơn giản: một cây sào dài ngót hai chục mét, bằng thân cây tre đực, khá nặng, vót nhọn một đầu. Lão Mười cùng con trai giong thuyền ra giữa dòng sông Cái. Trong lúc con trai điều khiển con thuyền ra đúng lạch nước và dừng lại, để tự trôi thì lão xăm xắn cầm sào xăm từng nhát xuống dưới đáy sông.
Khi chạm vật cứng, cái âm thanh và cảm giác truyền qua cây sào, bằng kinh nghiệm lão sẽ nhanh chóng mà biết được, hôm đó có "ăn hàng" hay không...
Lão thuyền chài Nguyễn Văn Mười
Khoảng 9h sáng, cây sào của lão Mười truyền tín hiệu lên bàn tay ông lão: một tiếng "pực" rất chắc, gọn - âm thanh của đầu sào tiếp xúc với vật cứng. Để chắc chắn, lão Mười đâm thêm chục nhát nữa, di chuyển trong bán kính khoảng chục mét, vẫn thấy một âm thanh đanh, gọn truyền lên như vậy.
"Khi ấy, tôi cứ chắc mẩm phen này được mớ gỗ to, "hẻo" nhất cũng phải cả tấn củi chứ ít ỏi gì. Nhưng, hóa ra còn vượt cả khả năng tôi dự đoán..." - lão Mười hể hả.
Hai chiếc mỏ neo cổ có niên đại vài trăm năm tuổi
Đợi con trai thả neo chiếc thuyền ở khu vực sông vừa "khoanh vùng", lão Mười hít một bụng hơi đầy rồi nhao xuống sông lặn dò tìm đống củi mà lão vừa xăm được. Ở khúc sông bến Gỗ này, lão Mười là con rái cá và có kinh nghiệm sông nước lâu năm nhất.
Sáu đứa con cả dâu cả rể, cùng với hai ông bà lão già kết lại thành một xóm thuyền chài gần khu vực bãi giữa. Và đương nhiên, lão là người "chỉ huy" và điều hành sáu hộ gia đình này, rất ra dáng của một người thủ lĩnh.
Vẫn câu chuyện của buổi sáng may mắn. Lão Mười lặn một hơi xuống đáy sông thì thấy một đống củi gỗ tròn, dạng như gỗ chống hầm lò khai thác than, ước vài chục cây, đường kính chừng 60cm. Lão làm hiệu cho con trai đứng trên thuyền thả một đầu dây xuống. Kéo hết đống củi thì cũng non trưa, hai cha con định bụng chiều sẽ nghỉ ngơi, vì dẫu sao mớ củi gỗ thu được buổi sáng hôm ấy bán đi cũng đủ cho gia đình chi tiêu cả tuần lễ.
Nhưng, kéo hết đám củi lên thì có chuyện...
"Vớt hết đám củi gỗ tròn lên thì tôi lại thấy một vật cứng, dài, và có vẻ khá kềnh càng. Gạt lớp bùn ra và sờ, rồi bơi lần theo cái thớ gỗ ấy tôi không tài nào đoán được nó là cái gì. Trước tới giờ, số lần vớt củi nhiều đến mức không đếm xuể, nhưng chưa bao giờ thấy đống củi nào có hình thù lạ thế!".
Trục vớt cổ vật
Lúc ấy khoảng gần 11h trưa. Mặt trời đã chính ngọ. Vừa mừng vừa vui, lại hồi hộp, tò mò vì ngày làm việc may mắn, lão Mười quay thuyền về nhà huy động thêm đám dâu rể con cái, thảy được 8 người. Anh con trai út của lão Mười khuyên bố, cứ thong thả, về nhà ăn uống nghỉ ngơi, vật vẫn nằm đó, mà khúc sông này, từ cầu Nhật Tân chạy xuôi tít mạn Thanh Trì là "địa bàn" của gia đình lão, không ai có quyền khai thác, đánh bắt hay có bất cứ hoạt động liên quan tới việc... mưu sinh.
Luật sông nước phân chia khúc sông, địa bàn là như vậy, hàng trăm năm rồi vẫn thế, và được giới vạn chài chấp nhận như là một mặc định.
Nhưng lão Mười không nghe lời con. Bốn chiếc thuyền được huy động, tín chuyện kết lại với nhau thành một khối vững chãi, hệt như kiểu Chu Du bày kế để Tào Tháo ken chiến thuyền lại thành một chuỗi. Dây chão được đem ra. Hai gã trai trẻ lực điền được cử xuống cùng với lão Mười, lựa vị trí chắc chắn để chốt một đầu chão vào.
Năm người còn lại đứng trên thuyền có nhiệm vụ... tời dây chão. Vì gia đình lão là những con rái cá thực thụ, lại dựa vào sông nước mưu sinh nên mấy chục năm trời, mấy bố con cũng bóp mồm bóp miệng đầu tư một cái thuyền có đầu máy nổ, trên đó có thiết bị ròng rọc tời bằng tay.
Chiếc dây chão căng theo những vòng tời. Càng lên đến gần mặt nước, sức nặng của tải trọng càng lớn. Những cánh tay lực điền phải gồng sức, cong lên những múi bắp như thớ cầu vồng...
"Lâu ngày, lại bị ngâm nước nên cái "vật thổ tả" ấy nặng như chì, cảm giác phải nặng vài tấn chứ chẳng phải ít. Non một tiếng thì cái đầu nó bắt đầu nhô lên mặt nước. Đầu gỗ nhọn, có bịt sắt" - lão Mười hay chuyện - "Rồi qua một đoạn gỗ, nó thò thêm được một cái đầu cũng có hình dáng tương tự, một lúc nữa thì nhô lên cái thân. Dài lắm, ngót hai chục mét lận... Hóa ra nó là cái mỏ neo chú ạ. Nhưng, từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ, chưa bao giờ tôi nhìn thấy cái mỏ neo nào nó to đến thế, lại bằng gỗ liền thân, không chắp vá. Phen này thì được mớ củi to rồi".
Gương mặt lão Mười giãn nở theo câu chuyện. Đang mùa lũ, nước sông Hồng chảy xiết. "Khúc củi" thân chính dài hơn 4 mét, hai cái ngạnh hai bên, mỗi cái dài thước rưỡi, đường kính chừng 30cm. Chiếc thuyền trọng tải 5 tấn của cha con ông chòng chành theo những lần khúc củi lắc lư. Gần hai tiếng đồng hồ thì cha con lão Mười đưa được "khúc củi" lên mặt nước, nằm yên vị trên thuyền.
Dụng cụ xăm gỗ của lão thuyền chài Nguyễn Văn Mười
Lão Mười không biết chữ. Nhưng, những gì đã chảy qua cuộc đời lão, lão nhớ rành mạch, không sót một chi tiết nào. Vẫn câu chuyện của lão Mười: "Tháng 10 ta năm ngoái, cũng trong một lần đi xăm gỗ, tôi còn vớt được một loạt súng, kiếm..., nhưng đã han rỉ hết cả. Gọi đồng nát đến bán được mấy triệu bạc. Tôi thấy mình cũng may mắn. Cái khúc sông này nó cũng cho mình nhiều thứ, nuôi sống cả gia đình mình, kể cả bây giờ khi con cháu đã đàn đàn lũ lũ, và đám thuyền nhà tôi neo ở bãi Giữa cũng thành một cái xóm vạn chài sầm uất rồi...".
Chuyên gia Tây đã vào cuộc "chuyên án mỏ neo cổ"
Trở về chuyện chiếc mỏ neo cổ mà lão vớt được vào mùa hè năm 1999. Chừng ngót một tháng sau, ông Quách Văn Địch - chủ một quán bia hơi ở Hà Nội tình cờ lạc bước, rồi chẳng biết trời đất xui khiến thế nào, ông Địch cứ nhất khoát mua chiếc mỏ neo về để bày ở quán bia... cho vui, như là một hình ảnh độc đáo để khách bia bọt nhớ đến cái quán của ông mà tìm cho dễ.
Và, cái quyết định "kỳ quái" của ông Địch ngày ấy, chẳng biết may cho lão Mười hay may cho chiếc mỏ neo, mà bây giờ, chiếc mỏ neo ấy được các chuyên gia Tây vào cuộc nghiên cứu, khẳng định nó là cổ vật từ thế kỷ... 15.
Theo Vietnamnet
'Hầm thần của' cũng thua công ty xi măng Trong hình vòng cung của quả đồi dài chừng 100m có dấu tích xuất lộ khoảng 13 ngôi mộ gạch cổ có cửa vòm. Tuy nhiên, nhiều người đang lo di tích này sẽ biến mất khi toàn bộ diện tích đồi Trọc (ở xã Thanh Tâm, Thanh Liêm) đã được giao cho Công ty Xi măng Tràng An. Giao di tích cho...