Chiếc ghế Quyền Chủ tịch VFF: Đã chọn đúng người, ngồi đúng ghế
Việc Phó chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn được bầu giữ chức Quyền Chủ tịch VFF được xem là sẽ tạo thêm luồng sinh khí mới, trong bối cảnh bóng đá nước nhà rất cần những đột phá.
100% phiếu tín nhiệm
Tại Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam diễn ra hôm 9/1, Ban Chấp hành đã đồng thuận để Phó chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn làm Quyền Chủ tịch VFF, sau khi đương kim Chủ tịch Lê Khánh Hải từ nhiệm.
Cần phải nói lại, một thời gian dài vừa qua, chiếc ghế Chủ tịch VFF bỏ trống khi ông Lê Khánh Hải xin thôi chức.
Theo kết quả bỏ phiếu, 100% thành viên dự Đại hội nhất trí để ông Trần Quốc Tuấn đảm nhận vai trò quyền Chủ tịch VFF. Ông Trần Quốc Tuấn sẽ đảm nhận vai trò quyền Chủ tịch VFF cho tới khi bầu lại tại Đại hội khóa 9, dự kiến vào cuối năm 2022.
Ông Trần Quốc Tuấn (bên trái) là Quyền Chủ tịch VFF khi ông Lê Khánh Hải từ nhiệm do quá bận nhiều công việc.
“Tôi rất cảm ơn sự có mặt, ủng hộ của các đơn vị tổ chức thành viên VFF trong ngày hôm nay. Sự đồng hành, đoàn kết của các đơn vị thành viên sẽ giúp VFF có thể hiện thực hóa được các nhiệm vụ quan trọng của bóng đá Việt Nam trong thời gian tới”, ông Tuấn chia sẻ.
Ông Trần Quốc Tuấn là Phó chủ tịch VFF các khóa 7 (2014-2018) và khóa 8 (2018-2022), được đánh giá cao về kinh nghiệm và năng lực ở VFF, hiện là Trưởng ban thi đấu Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC). Đây cũng là nhiệm kỳ thứ ba ông được bầu vào thường vụ AFC (nhiệm kỳ 2019-2023).
Trong những năm qua, ông Tuấn là quan chức của VFF nhận được sự tín nhiệm và có tấm ảnh hưởng lớn tại khu vực cũng như châu lục.
Sau khi nhận chức Quyền Chủ tịch VFF, ông Trần Quốc Tuấn khẳng định, VFF sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho bóng đá trẻ với mục tiêu là tấm vé dự World Cup 2026, khi FIFA tăng số đội tuyển tham dự từ 32 lên 48.
“Vai trò quốc tế mang lại nhiều thuận lợi cho việc tiếp cận hệ thống thi đấu cao nhất của bóng đá thế giới, cũng giúp vị thế và tiếng nói của bóng đá Việt Nam tốt hơn. Tôi sẽ tận dụng tối đa cơ hội để có được sự hỗ trợ cho bóng đá Việt Nam phát triển”, ông Tuấn cho biết.
Chiếc ghế đã chọn đúng người
Trước nhiệm kỳ 8 của ông Lê Khánh Hải, nhiệm kỳ của ông Lê Hùng Dũng được xem là thành công về chuyên môn khi U23 giành HCB U23 châu Á 2018, ĐT Việt Nam vô địch AFF Cup 2018, U20 tham dự U20 World Cup tại Hàn Quốc năm 2017…
Tuy nhiên, có những thời điểm, chiếc ghế Chủ tịch của VFF rất “ nóng” khi ông Lê Hùng Dũng không may bị bệnh, không thể tham gia điều hành tổ chức xã hội này. Đặc biệt, càng đến cuối nhiệm kỳ, VFF có nhiều sóng gió khi mà nội bộ có những dấu hiệu lục đục. Đáng chú ý, một vị Phó Chủ tịch phải từ chức khi bị rõ rỉ những bê bối của bản thân.
Lại nói chuyện cũ, trước khi lên ngồi chiếc ghế phó Chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng từng làm Phó Chủ tịch Phụ trách tài chính. Thời điểm đó, ông Dũng đang là Phó Chủ tịch của một ngân hàng lớn và được xem là người kiếm tiền nhiều nhất cho VFF. Cuối năm 2013, khi ông Nguyễn Trọng Hỷ từ chức, ông Lê Hùng Dũng trở thành Quyền Chủ tịch VFF.
Video đang HOT
Vai trò của các lãnh đạo VFF có ảnh hưởng lớn đến thành công của bóng đá Việt Nam
Sau đó, ông Dũng chính thức trở thành Chủ tịch. Ông Trần Quốc Tuấn đảm trách chức vụ Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn. Ông Nguyễn Xuân Gụ phụ trách Truyền thông và đối ngoại. Và đặc biệt, “tứ trụ” của VFF có sự xuất hiện của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) ở cương vị Phó Chủ tịch phụ trách tài chính.
Như đã nói trên, nhiệm kỳ thứ 7 được xem thành công về mặt chuyên môn khi các đội tuyển gặt hái được nhiều thành tích. Nhưng dấu ấn mà những lãnh đạo để lại là không quá nhiều. Ở thời điểm bấy giờ, có ý kiến cho rằng, việc đặt nặng vấn đề kiếm tiền cho đội tuyển đã khiến chuyên môn của ĐTQG bị ảnh hưởng.
Điển hình, ĐT Việt Nam dưới triều đại của HLV Nguyễn Hữu Thắng đã phải nhận thất bại tại AFF Cup 2016. Cay đắng hơn, U23 Việt Nam đã bị Thái Lan loại ngay vòng bảng.
Cũng lứa cầu thủ Công Phượng, Xuân Trường, Bùi Tiến Dũng, Quang Hải, Văn Thanh, Hồng Duy… nhưng dưới bàn tay của HLV Park Hang Sang đã rực sáng tại VCK U23 châu Á 2018. Bóng đá Việt Nam sang một trang mới nhưng ngoại trừ ông Trần Quốc Tuấn, những người còn lại khá mờ nhạt. Hoặc có, ông Đoàn Nguyên Đức chỉ được xứng tên khi tạo ra một lứa cầu thủ tài năng tại Học viện HAGL.
Về kinh nghiệm quản lý, lẫn tầm ảnh hưởng quốc tế, rõ ràng ông Trần Quốc Tuấn là người xứng đáng được chọn ngồi vào chiếc ghế Quyền Chủ tịch VFF và có thể tới đây là Chủ tịch VFF.
Tất nhiên, sẽ có những tranh cãi, liệu rằng, vai trò của một ông Chủ tịch VFF thuần túy về chuyên môn liệu có ảnh hưởng đến việc kiếm tiền hay những vấn đề liên quan?.
Nhìn sang Thái Lan, những câu hỏi này hoàn toàn có lý. Nhưng mỗi nền bóng đá có một đặc thù riêng. Chúng ta không thể chờ vào sự hào nhoáng, chịu chơi như nữ tỷ phú Trưởng đoàn của ĐT Thái Lan Nuanphan Lamsan (Madam Pang) hay sự giàu có của Chủ tịch LĐBĐ Thái Lan Somyot Boompanmoung.
“Hữu xạ tự nhiên hương”, tiền sẽ đến khi bóng đá Việt Nam tiếp tục gặt hái được những thành công và thành công chỉ đến khi những người đứng đầu có chuyên môn sâu, có mối quan hệ và đủ tầm ảnh hưởng khi bước ra sân chơi quốc tế.
Chúc mừng ông Trần Quốc Tuấn!.
"VFF có nhiệm kỳ thành công, nhưng sắp tới có thể là chu kỳ suy thoái, khiến BĐVN hỗn độn"
Ghế lãnh đạo cao nhất của VFF vừa đổi chủ. Người tạm lên thay ông Lê Khánh Hải được đánh giá là xứng đáng, nhưng bóng đá Việt Nam liệu có tiếp tục duy trì được những thành công?
NHIỆM KỲ THÀNH CÔNG CỦA CHỦ TỊCH LÊ KHÁNH HẢI
Sáng qua (9/1), Đại hội thường niên VFF thông qua quyết định đưa phó chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn lên giữ vị trí quyền chủ tịch, sau khi ông Lê Khánh Hải gửi đơn xin thôi chức chủ tịch VFF trước một năm. Được biết, ông Hải rút lui do bận nhiều công việc khác dưới cương vị là Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.
Đánh giá những dấu ấn mà bóng đá Việt Nam đạt được trong nhiệm kỳ của ông Lê Khánh Hải (2018 - 2021), chuyên gia Vũ Mạnh Hải bình luận:
"Tôi nghĩ giai đoạn vừa rồi là một nhiệm kỳ rất thành công của bóng đá Việt Nam, trong đó nhất định phải có vai trò của VFF. Điều then chốt đầu tiên là việc chúng ta đã chọn được một HLV rất phù hợp với bóng đá Việt Nam. Ông Park đến đúng lúc có lứa cầu thủ đang vào độ chín nên đã giành được thắng lợi liên tiếp.
Lúc mới sang, ông ấy từng hứa sẽ đưa đội tuyển Việt Nam lọt vào top 100 thế giới và điều này đã trở thành sự thực. Có thời điểm chúng ta còn xếp hạng 92. Đó là điều thành công nhất về hình ảnh của bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế".
Ông Lê Khánh Hải (phải) rời ghế chủ tịch VFF sau 4 năm đảm nhận. Người tạm thay thế ông Hải giữ chức quyền chủ tịch sẽ là ông Trần Quốc Tuấn (trái). (Ảnh: VFF)
Ông nói thêm: "Tiếp nữa, tôi nghĩ công tác điều hành V.League cũng đã diễn ra tương đối tốt đẹp. Không còn quá nhiều cãi vã, tranh luận, mâu thuẫn với nhau nhiều như giai đoạn trước. Tôi cho rằng đây là cũng là điều tốt. Dường như bóng đá Việt Nam rất êm ái, không có những vấn đề nổi cộm lên để người ta thắc mắc, rồi chuyện nọ chuyện kia.
Với V.League, do dịch bệnh nên ban tổ chức cũng có sự điều chỉnh cách tổ chức sao cho phù hợp, tạo ra được sự ganh đua, hấp dẫn không kém. Đó cũng là một sự đổi mới rất đáng kể. Phải nói rằng 3,4 năm của nhiệm kỳ qua đã rất tốt đẹp và dứt khoát không thể phủ nhận vai trò của VFF. Lãnh đạo đã có được sự nhất trí để có những cách làm rất tốt", cựu danh thủ Thể Công trao đổi với chúng tôi.
Bóng đá Việt Nam vừa có một giai đoạn thành công rực rỡ.
BÓNG ĐÁ VIỆT NAM SẮP BƯỚC VÀO CHU KỲ SUY THOÁI?
Theo điều lệ của VFF, ông Trần Quốc Tuấn giữ chức quyền chủ tịch VFF đến hết nhiệm kỳ 8. Nhiệm kỳ này chỉ 11 tháng nữa sẽ kết thúc nên cuối năm nay, đại hội nhiệm kỳ VFF khóa 9 sẽ bầu tân chủ tịch VFF theo đúng điều lệ.
Đánh giá về những thách thức cho VFF cũng như bóng đá Việt Nam ở nhiệm kỳ sắp tới, chuyên gia Vũ Mạnh Hải bày tỏ quan điểm:
"Bóng đá Việt Nam thời gian qua đã thu về rất nhiều cái được. Sự yêu mến của người hâm mộ tăng lên, kéo theo nguồn thu của VFF thông qua công tác tài trợ cũng rất tốt.
Nhà tài trợ gắn bó lâu dài chứ không bỏ ngang. Hình ảnh của ĐTQG và giải VĐQG của chúng ta rất tốt. Nhưng có một điều cần tích cực làm hơn và cũng là điều tôi cảm thấy rất lo lắng. Đó là công tác đào tạo trẻ.
Trong nhiệm kỳ vừa qua của VFF, có trung tâm đã đổi chủ như PVF, lò đào tạo của HAGL cũng sự thay đổi, rút gọn quy mô tuyển chọn hơn; các CLB khác tuy vẫn đào tạo trẻ nhưng về chất lượng nhìn từ các giải U19, U21 có thể thấy chúng ta cũng chưa phát hiện thêm được nhiều nhân tài. Lứa cầu thủ trẻ hiện tại khó để so được với lứa của Quang Hải và điều đó dự báo một kỳ SEA Games 31 không dễ dàng.
Có cảm giác khi đội tuyển Việt Nam thua liên tục ở vòng loại World Cup và thất bại ở AFF Cup 2020, bắt đầu có ý kiến này kia rồi. Vì thế để tạo nên được sự đoàn kết, nhất trí thì còn nhiều vấn đề phải chú ý".
Bảo vệ huy chương vàng SEA Games sẽ là mục tiêu không đơn giản với U23 Việt Nam.
Ông nói tiếp: "Điểm then chốt nhất vẫn là công tác đào tạo trẻ của các CLB trên khắp cả nước, làm sao để có được những cầu thủ giỏi thì mới đổi mới đội hình, thay đổi để tiến bộ được. Đó là điều mà VFF cũng phải quan tâm. Tất nhiên điều này cũng song song với sự phát triển của đất nước nữa, bởi để làm được thì cần phải có kinh tế.
Nếu không có lực lượng kế thừa tốt khó mà giữ vững được thành tích. Thậm chí tôi nghĩ nếu không cẩn thận, có thể chúng ta sẽ phải bước vào một chu kỳ suy thoái và điều đó lại đưa bóng đá Việt Nam đi vào chỗ hỗn độn, mất đoàn kết. Đó là điều tôi cảm thấy lo lắng. Còn đến thời điểm này tôi thấy mọi thứ như vậy là ổn. Đại hội thường niên vừa rồi thành công và ghi nhận công lao của các đồng chí lãnh đạo liên đoàn".
Bóng đá Việt Nam đang đứng trước mối lo về thế hệ kế cận.
Chuyên gia Vũ Mạnh Hải đồng thời cũng đưa ra một giải pháp để cải thiện công tác đào tạo trẻ. Ông nói:
"Những thành quả bóng đá đem lại có hiệu ứng rất tích cực với xã hội. Vì thế nhiệm kỳ qua của VFF phải nói là đại thành công. Còn nhiệm kỳ này tôi nghĩ chúng ta cần cố gắng xây dựng lại và mọi thứ sẽ rất khó khăn. Ông Park có thể chỉ gắn bó thêm một thời gian, trong khi lo lắng về lực lượng kế cận không phải chuyện đơn giản."
"Tôi cũng đặt thêm một vấn đề trong công tác đào tạo trẻ. Cầu thủ trẻ bây giờ được đào tạo từ sớm, đến khoảng 15 tuổi là đã xong cơ bản rồi. Khi được trang bị đầy đủ hành trang rồi thì cần được bước vào thực chiến, cọ sát, thi đấu nhiều thì mới phát triển được.
Nên chăng VFF cũng nên cân nhắc, xem xét sao cho phù hợp. Đã có U15, U19, U21 thì giải U17 cũng rất quan trọng. Trước đây chúng ta có giải U17 Quốc gia nhưng thời gian qua không còn tổ chức nữa.
Theo tôi biết, ngày xưa CLB Viettel từng có ý định loại Hoàng Đức lúc 15,16 tuổi. Nhưng rồi HLV Nguyễn Thành Công về làm đã nhìn nhận lại và tiếp tục cho Hoàng Đức có cơ hội tập luyện, phát triển. Nhắc đến câu chuyện này để nói rằng công tác đào tạo trẻ cần có sự quan tâm thích đáng để mang lại hiệu quả. Mọi thứ phải lớp lang, có sân chơi hợp lý cho từng lứa tuổi để cầu thủ tiến bộ.
Tôi nghĩ bóng đá Việt Nam nên hướng tới điều đó để phát triển lâu dài. 4 năm vừa qua chúng ta có được một lớp cầu thủ tốt, nhưng lớp sau thì tôi chưa thấy ai được như Quang Hải, Công Phượng...
Đào tạo trẻ luôn luôn phải được quan tâm một cách thích đáng và đó sẽ là nhiệm vụ quan trọng của bóng đá Việt Nam trong những năm tới. Nhiệm kỳ tới sẽ khó khăn và có thể liên đoàn sẽ lại bước vào thời kỳ sóng gió nhưng có lẽ phải chấp nhận chuyện đó thôi".
Chuyên gia Vũ Mạnh Hải.
ÔNG TRẦN QUỐC TUẤN XỨNG ĐÁNG GIỮ GHẾ CHỦ TỊCH VFF
Trao đổi thêm về ứng viên cho vị trí chủ tịch VFF, chuyên gia Vũ Mạnh Hải đánh giá cao ứng viên Trần Quốc Tuấn. Ông nói:
"Tôi nghĩ nếu ông Tuấn lên làm chủ tịch VFF thì cũng hoàn toàn xứng đáng thôi. Bóng đá Việt Nam xưa nay vẫn có những nhà chính trị hay doanh nhân yêu bóng đá làm việc. Nhưng thực ra mà nói họ chỉ đứng sau thôi, còn nhiệm vụ bóng đá chủ yếu vẫn là những người làm chuyên môn.
Thời gian qua ông Lê Khánh Hải cầm trịch, còn ông Trần Quốc Tuấn đảm nhiệm các vấn đề chuyên môn rồi quan hệ quốc tế. Đó cũng là điều thuận lợi để ông Tuấn phát triển. Vì thế tôi nghĩ nếu ông Trần Quốc Tuấn giữ vai trò chủ tịch VFF thì đó cũng là chuyện dễ hiểu và tốt thôi. Ông Trần Quốc Tuấn có kinh nghiệm làm việc lâu năm, lại có mối quan hệ tốt với AFF, AFC".
AFF Cup 2020: Sân Bishan đón 1.000 khán giả trận đội tuyển Việt Nam - Lào Do dịch Covid-19, các trận đấu trong khuôn khổ bảng B tại AFF Cup 2020 diễn ra trên sân vận động Bishan (Singapore) chỉ được đón tối đa 1.000 khán giả, toàn bộ vé trận đấu của đội tuyển Việt Nam đều đã bán hết. Ngày 5-12, đội tuyển Việt Nam đã có chuyến "thị sát" sân vận động Bishan, nơi sẽ diễn...