Chiếc cặp lồng màu đỏ
Năm tôi lên cấp 2 đã làm bố mẹ “mát mặt” khi đỗ vào trường điểm ở thị xã. Niềm vui ít mà nỗi buồn nhiều khi trường học ở xa và nhiều hôm còn phải học cả ngày. Nhà trường có bếp ăn cho học sinh với giá 2.500 đồng nhưng đó với gia đình tôi là một số tiền không nhỏ. Giải pháp tốt nhất là tôi mang cơm đi học.
Mỗi sáng, bố tôi dậy sớm nấu cơm rồi cho vào cặp lồng để ngay ngắn trước giỏ xe của tôi. Các món thức ăn trong cặp lồng cơm của tôi không được ngon như các bạn nhưng hôm nào bố tôi cũng cố gắng gắp thêm phần thức ăn cho con. Dù vậy, tôi vẫn rất thèm những bữa cơm nóng sốt trong bếp ăn của trường nhưng không dám nói với bố mẹ.
Mỗi trưa, mở cặp lồng với cơm nguội ngắt tôi chán nản vô cùng. Có hôm, bố tôi nấu xôi lạc, để ủ ấm còn hái lá chuối ngoài vườn để bọc xôi. Tôi thấy quê quê nên giấu luôn rồi bảo với chúng nó: “Hôm nay tao không đưa cơm”. Sự sĩ diện trẻ thơ ấy đã khiến tôi nhịn bữa trưa hôm ấy và phải ngồi học buổi chiều với cái bụng đói meo. Đường xa, nhịn bữa trưa tôi về nhà mệt lả người. Bố mở chiếc cặp lồng nhìn nắm xôi còn nguyên trong những lớp lá chuối đã hiểu ra tất cả.
Những ngày sau đó, bố đầu tư nhiều hơn cho bữa trưa của tôi. Tôi vẫn đều đặn đi học cùng cái cặp lồng đỏ, cũ kỹ nhiều vết xây xước. Thỉnh thoảng bố cũng cho tôi tiền để mua những thứ ăn trưa mà tôi tích. Những bữa đó tôi vui vô cùng vì không phải ăn những thìa cơm nguội ngắt lại bị bạn bè nhìn bằng ánh mắt xem thường, thương hại.
Một chiều thu bố bảo, tuần sau bố chuẩn bị đi bãi đào gốc. Đó là những cây phi lao, bạch đàn đã được đốn thân cây chỉ còn phần rễ nằm sâu trong đất. Nhiều người dân quê tôi thường đào rễ cây về làm củi đốt cho mùa đông. Vì bãi khá xa nên buổi trưa hai người đều mang cơm đi ăn. Ngay chiều hôm đó, bố cũng ra chợ mua một chiếc cặp lồng. Và sáng hôm sau, cả hai bố con đi ra khỏi nhà với hai chiếc cặp lồng đỏ.
Tôi vẫn thế, vẫn nhận những bữa trưa ngon lành, đầy đủ do bố chuẩn bị mà không mảy may suy nghĩ. Cho đến sáng thứ ba đó. Dậy muộn, tôi cuống cuồng thay quần áo nhà không quên làu bàu bố vì “tội” không gọi tôi dạy đúng giờ. Bố vội vã đẩy xe đạp ra cửa cho tôi. Tôi lật đật xách cặp lồng cơm, đạp xe phóng vù đi.
Video đang HOT
Đến trưa, tôi mới ngỡ ngàng khi biết mình đã cầm nhầm phần cơm của bố. Tôi mở cặp lồng ra. Bên trong có khoảng một bát cơm được xới sơ sài. Ngăn trên đựng lèo tèo vài hạt lạc rang với muối. Tôi đưa lên miệng hạt lạc đã ỉu xìu, mặn chát. Vài hạt muối mặn hay nước mắt tôi, tôi không nhớ nữa. Vậy mà tôi ăn ngon lành, nước mắt giàn giụa. Lúc ấy, thấy thằng bạn cùng lớp bảo: “T ơi, bố bạn tìm đấy!”.
Bố đứng ở cổng trường trên tay là phần cơm của tôi. Bố lo lắng: “Sáng con cầm nhầm này. Bố lo con ăn không no chiều không học được nên mang ra đây cho con”.
“Con ăn rồi, bố ăn đi”
Bố mở cặp lồng ra ngồi dưới gốc cây ăn cơm ngon lành. Thỉnh thoảng, bố quay sang bảo tôi con ăn thế no sao được, ăn thêm miếng nữa đi con…
Tôi vẫn đến trường với hộp cơm của bố. Dù nhiều hôm bố nấu cơm có hơi nhiều nước hay món rau quá mặn tôi vẫn ăn ngon lành vì biết trên đời không ai nấu cho tôi bữa cơm có nhiều tình thương hơn thế.
Nhiều năm sau tôi tốt nghiệp đại học đi làm một công việc như mong muốn của bố. Những lần về thăm nhà tôi vẫn có ý định tìm lại cái cặp lồng cơm đỏ ấy như tìm lại một kỷ niệm khó quên hay nói đúng hơn là một bài học nhưng thật khó vì nhiều năm qua giờ nó đã thất lạc ở đâu đó.
Theo người lao động
Anh chồng sĩ gái!
Nam luôn cố gắng ghi điểm với các người đẹp, thậm chí giở "nước mắm hâm" với vợ rồi lại tìm cách xoa dịu cơn thịnh nộ của Yên.
Thời Nam còn cưa cẩm, Yên "chết đứ đừ" chỉ vì sự ga lăng của anh chàng với các bạn gái. Lúc lấy nhau về rồi, Yên mới nhận ra rằng sự ga lăng đó chỉ là sĩ hão. Thậm chí nhiều phen Yên phải dở khóc dở cười trước kiểu "nước mắm hâm" của chồng.
Ở chung cư, Nam nổi tiếng là đấng mày râu luôn biết giúp đỡ phụ nữ, đặc biệt là những cô nàng trẻ đẹp. Hôm hai vợ chồng đi siêu thị về, cô hàng xóm đang đứng dưới tầng trông chiếc TV vừa sửa về. Nam giúi ngay mấy túi đồ cho Yên, nhanh nhảu ra bảo: "Thang máy hỏng à. Để đấy anh bưng lên cho, chờ sửa được thang máy có mà đến mùa quýt". Nói là làm, Nam hăm hở bê chiếc TV nặng trịch đi cầu thang bộ lên tầng 7.
Cô hàng xóm vừa cười vừa cuống quýt leo lên theo, bỏ lại Yên đứng chưng hửng với mấy chiếc túi. Chờ mãi không thấy chồng xuống xách đồ, Yên gọi điện thoại cho chồng. Nam vừa thở hổn hển vừa nói: "Anh bê TV vào cửa nhà cô ấy thì bị vấp trẹo chân rồi. Giờ lại còn đang lắp hộ cô ấy nữa". Yên đành gắng sức xách hết mấy túi đồ lên tầng 5. Lát sau về nhà, chưa để Yên kịp lên tiếng, Nam đã giả lả: "Nhà ấy có hai chị em ở với nhau. Phụ nữ chân yếu tay mềm. Em ở hoàn cảnh ấy chắc cũng mong có người giúp như thế. Thôi cũng coi như làm phúc cho họ".
Ở đâu nam cũng tỏ ra là một người hào hiệp (ảnh minh họa)
Hai vợ chồng đi ăn nhà hàng, có mấy cô gái ăn mặc khá mát mẻ đại diện cho hãng bia đến chào mời. Biết tính của Nam sẽ không bao giờ từ chối những người đẹp, Yên chủ động hỏi giá để mua cho chồng 2 chai. Nhưng Nam thản nhiên bảo: "Không cần báo giá. Cho anh chục chai" rồi rút ví giả tiền. Yên vì muốn giữ sĩ diện cho chồng nên không tỏ thái độ hay đôi co. Đến lúc các cô gái đi khuất, Nam quay sang dỗ dành: "Hôm nay anh thấy háo nước nên muốn uống nhiều. Có hai chai thôi thì không bõ. Ra nhà hàng xông xênh tí, cuối tháng anh lại đưa vợ thêm tiền". Yên lặng lẽ ngồi ăn, không buồn chấp cách cư xử của chồng. Đến chai thứ 5, Nam đã ngắc ngoải không thể uống nổi.
Yên nhắc: "Không uống được thì thôi, anh đừng cố". Nam gắt lên: "Em đừng coi thường anh. Chục chai với anh chả là gì". Đến lúc ra lấy xe để về, Nam đi lảo đảo khiến Yên phát khiếp. Vì đang mang bầu nên Yên đành bắt chồng gửi xe lại để đón taxi về. Đến nhà, gần chục chai bia và những sơn hào hải vị đều bị Nam đào thải hết ra đường miệng. Nhìn chồng nằm rũ trên giường, Yên lẩm bẩm: "Ăn với chả uống. Tốn đủ thứ tiền mà rước bực vào người".
Yên theo chồng đến dự buổi tiệc công ty, Nam chỉ cho vợ thấy cô thư ký của sếp. "Cô nàng Thi đấy lẳng lơ lắm, vừa bỏ chồng có vài ngày mà đã xoắn lấy sếp. Nói chung những kiểu phụ nữ như thế anh cực kỳ coi thường", Nam bảo. Vậy mà khi Thi đến gần, Nam lăng xăng đi lấy nước với hoa quả cho cô ta. Yên đành quay sang nói chuyện với mấy chị em cùng phòng của chồng. "Ôi, anh chàng Nam nhà em tốt lắm, tháng trước con Thi nó mua xe máy cũng cho nó vay tiền. Hôm chủ nhật vừa rồi còn đến nhà nó giúp chuyển nhà đến tận khuya...".
Nghe mấy chị buôn chuyện thì Yên mới ngã ngửa ra. Thảo nào cuối tháng trước Nam bảo phải gửi tiền về quê cho bố mẹ nên không có tiền đưa cho Yên. Hôm chủ nhật vừa rồi Nam đi cả ngày với lý do bận làm dự án cho công ty. Yên càng nghĩ càng giận tím mặt nhưng cố tỏ ra bình thường.
Trong lúc mọi người đang buôn chuyện về Thi thì cô nàng và Nam xuất hiện lúc nào không hay. Thi hỏi to: "Mấy chị đang nói xấu gì em đấy?" khiến ai cũng giật mình ngượng ngùng. Nam bực bội quát Yên: "Sao em xấu tính thế. Buôn chuyện đằng sau lưng người ta chẳng hay ho gì đâu. Em làm anh xấu hổ quá" rồi quay sang cười với Thi: "Anh thay mặt vợ xin lỗi em". Cô nàng lẳng lơ cười tít mắt vì được hả dạ.
Đến nước này, Yên không thể chịu đựng thêm, đùng đùng bỏ về. Yên biết chỉ lát nữa thôi Nam sẽ lại chạy theo xoa dịu vợ. Nhưng quả thật Yên đã quá chán ngán với kiểu sĩ hão của chồng.
Theo afamily
Vì sĩ diện anh muốn em phá thai? Chỉ vì giữ sĩ diện, anh bắt em bỏ thai mà không màng tới sức khỏe và danh dự của em. Hiện giờ em đang vô cùng băn khoăn, không biết phải hiểu mọi chuyện như thế nào khi anh muốn em phá thai để giữ sĩ diện. Mong chị hãy cho em một lời khuyên. Em là một cô gái 24 tuổi,...