Chích vaccine cúm có phòng ngừa được virus Corona?
Thưa bác sĩ, tôi muốn hỏi chích ngừa vaccine cúm có phòng ngừa được virus Corona (nCoV) không ạ? (Lê Huy, TP.HCM)
Ảnh minh họa
Gần đây, khi nghe thông tin về dịch bệnh do virus Corona (nCoV), người dân quan tâm đến việc chích ngừa cúm nhiều hơn, đặc biệt là người có bệnh mạn tính.
Đây là thói quen rất tốt vì chích ngừa cúm sẽ ngừa được virus cúm. Tuy nhiên, người dân vẫn phải rửa tay, mang khẩu trang và tuân thủ các biện pháp cách ly để phòng ngừa dịch bệnh.
Khi chích ngừa cúm, nguy cơ bị sốt vì cúm sẽ ít hơn và phòng ngừa được nguy cơ bị bội nhiễm, điều trị khó khăn hơn. Do đó có hay không có dịch bệnh do virus Corona thì bạn cũng nên chích ngừa cúm hằng năm để đảm bảo sức khỏe.
Video đang HOT
Bác sĩ TRƯƠNG HỮU KHANH, Trưởng khoa nhiễm – Nội thần kinh, bệnh viên Nhi đồng 1 TP.HCM
Theo PLO
Tiêm phòng vaccine cúm rồi có bị mắc cúm nữa không?
Virus cúm thường biến đổi kháng nguyên, do đó vaccine chỉ có tác dụng phòng bệnh ngắn hơn một năm.
Ảnh minh họa
Hỏi: Do sức khỏe yếu nên tôi thường hay mắc bệnh vặt, trong đó có bệnh cúm, rất khó chịu. Xin cho hỏi nếu tôi đi tiêm phòng cúm một lần rồi thì tôi có bị cúm nữa không?
Trả lời:
Theo Viện Pasteur TP.HCM, cúm là bệnh nhiễm virus cấp tính đường hô hấp với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Ho thường nặng và kéo dài. Có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đặc biệt ở trẻ em.
Thường người bị cúm sẽ khỏi bệnh trong vòng 2-7 ngày. Hầu hết bệnh nhân cúm chỉ cần điều trị triệu chứng. Kháng sinh như penicillin không có tác dụng diệt virus.
Trẻ em, người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc người có suy giảm miễn dịch nếu mắc cúm, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não có thể dẫn đến tử vong.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc tiêm phòng vaccine cúm làm giảm 60% bệnh tật liên quan đến cúm, giảm tỉ lệ tử vong do cúm đến 70%-80% và có hiệu lực bảo vệ lên tới 80%-90%.
Vaccine phòng cúm mùa có thể tiêm cho trẻ từ sáu tháng tuổi và người lớn. Lịch tiêm như sau:
Trẻ từ sáu tháng - chín tuổi chưa từng tiêm vaccine cúm: Tiêm hai mũi cách nhau tối thiểu một tháng. Sau đó tiêm nhắc lại một mũi hằng năm.
Trẻ trên chín tuổi và người lớn: Tiêm một mũi 0.5 ml. Sau đó tiêm nhắc lại hằng năm.
Ở trường hợp của bạn, không rõ mũi vaccine cúm bạn tiêm khi nào. Nhưng theo nguyên tắc là cần phải tiêm phòng cho cộng đồng hằng năm trước mùa cúm. Ở các vùng ôn đới, dịch cúm thường xảy ra vào mùa lạnh. Ở các vùng nhiệt đới, bệnh thường xảy ra vào mùa mưa hoặc các trường hợp tản phát xảy ra bất kỳ tháng nào trong năm.
Sau khi tiêm vaccine, bạn vẫn có thể mắc cúm vì không có loại vaccine nào có hiệu quả bảo vệ tuyệt đối nhưng nếu mắc bệnh thì chỉ ở thể nhẹ.
Virus cúm thường biến đổi kháng nguyên, do đó vaccine chỉ có tác dụng phòng bệnh ngắn hơn một năm. Để đảm bảo an toàn, bạn nên tiêm ngừa cúm định kỳ mỗi năm một lần với thành phần kháng nguyên thay đổi hằng năm.
Có hai loại vaccine cúm là vaccine sống giảm độc lực và vaccine bất hoạt. Cả hai loại này đều chứa các chủng virus được khuyến cáo hằng năm: virus cúm A (H3N2), virus cúm A (H1N1) và virus cúm B. Các thành phần của vaccine hằng năm cần phải thay đổi dựa trên cơ sở chủng virus hiện tại đang lưu hành được phát hiện thông qua chương trình giám sát cúm toàn cầu.
G.THANH (tổng hợp)
Theo PLO
Bệnh tay chân miệng vào mùa cao điểm, phòng bệnh như thế nào? Tháng 9 là thời điểm bệnh tay chân miệng vào mùa cao điểm. Đặc biệt, đã vào năm học mới, môi trường tiếp xúc ở trường học dễ khiến trẻ, nhất là dưới 5 tuổi, mắc bệnh. Phụ huynh cần chú ý phòng ngừa và phát hiện sớm các dấu hiệu trẻ bệnh tay chân miệng để khám và điều trị kịp thời...