Chia tay rồi có nên làm bạn?
Khi yêu nhau thì cái gì cũng đẹp, cái gì cũng tốt. Nhưng khi hết yêu, nhiều teen bỗng quay ngoắt 180 độ và trở thành kẻ thù truyền kiếp của nhau. Chẳng lẽ, chia tay rồi không thể trở thành bạn tốt?
Chia tay là đủ thứ rắc rối
Quen nhau càng lâu, yêu nhau càng nhiều thì khi phải chia tay teen càng mắc phải nhiều vấn đề. Nguyên nhân là do lúc yêu, teen có quá nhiều thứ liên quan đến nhau. Thế mà khi chia tay, nhiều teen sẵn sàng quay ngoắt, mặc kệ tất cả khiến cho đối phương bị sốc. Một số trở nên hận nhau, coi nhau là kẻ thù không đội trời chung, rất ít cặp chia tay xong có thể trở thành bạn.
Như trường hợp của Lê Thái và Huỳnh My (cựu học sinh trường L.T.V). Cả hai quen và yêu nhau từ ngày còn đi học chung. Đến khi ra trường, do quá nhiều thay đổi nên tình cảm hai người dần trở nên xa cách và tan vỡ. Chia tay chưa đầy 1 tháng thì L.Thái có bạn gái mới (có lẽ do con trai thường ham vui và vô tâm). Nhưng đó chỉ là với Lê Thái, còn Huỳnh My thì không. Cô nàng vẫn không thể tin sau gần 3 năm yêu nhau, người yêu có thể tuyệt tình với mình đến vậy. Chia tay, nhưng H.My luôn muốn ở bên L.Thái dù chỉ với tư cách một người bạn. Về phía L.Thái, biết người yêu cũ còn tình cảm với mình, thế nên anh chàng quyết định tỏ ra lạnh lùng, tuyệt tình. Bất chấp H.My có đau đớn khóc lóc ra sao đi nữa cũng vẫn vậy. Thậm chí, để chứng minh cho người bạn gái mới thấy mình đã dứt khoát với tình cũ, Lê Thái chẳng ngại quay sang nói xấu và chửi H.My.
Hoàn cảnh của H.My thật đáng thương, nhưng tình cảm thì không ai ép buộc được. Có người khuyên Lê Thái cứ tỏ ra bình thường, cứ coi cô nàng như bạn, không nên đối xử tàn nhẫn đến vậy. Nhưng cũng có những ý kiến trái chiều cho rằng nên dứt khoát, làm bạn chỉ khiến H.My hi vọng.
Video đang HOT
Rất ít cặp cùng lúc cả hai đều muốn chia tay, thường thì khi chia tay, vẫn sẽ có một người dành tình cảm cho bên kia nhiều hơn. Và chia tay rồi, nếu một bên còn tình cảm, và một bên hết tình cảm hoàn toàn thì rất khó để có thể trở thành bạn. Nguyên nhân là do teen không biết cách tháo gỡ những khúc mắc tình cảm và những mối liên quan như thế nào.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Bạn cũng khổ, không bạn cũng khổ
Nguyên nhân chia tay thường không rõ ràng. Đôi khi chỉ có một lí do chung là… không hợp. Làm bạn, đôi khi khiến đối phương cứ hi vọng khôn nguôi. Nhiều teen rơi vào tình trạng đêm ngày nhắn tin, gọi điện thoại và vẫn làm mọi thứ như ngày còn quen nhau.
Minh Quân, 17 tuổi chia sẻ: “Mình và bạn gái chia tay nhau vì mình cảm thấy tính hai đứa khác quá. Quen nhau mà cứ cãi vã thì kết thúc sẽ tốt hơn. Khi chia tay, mình cũng buồn nhưng mình rất dứt khoát. Mình không muốn làm người ấy nuôi hi vọng. Thế nhưng bạn ấy vẫn cứ giữ những thói quen gọi điện thoại, nhắn tin nhắc mình ăn ngủ. Nhiều khi mình không muốn nghe máy và không trả lời tin nhắn mà… vẫn cứ thế. Mình không biết có nên nói thẳng không. Càng ngày mình càng cảm thấy khó chịu”.
Tỏ ra bình thường thì người hết tình cảm lại thấy không thích, người còn tình cảm thì cứ nuôi hi vọng. Nhưng ngược lại, nếu tỏ ra quá dứt khoát tuyệt tình thì rất dễ khiến đối phương bị sốc nặng. Thậm chí, nhiều teen không chịu nổi còn làm những chuyện khờ dại khó kiểm soát. Lúc ấy, hậu quả càng khôn lường.
Như Lan Trinh, 16 tuổi, sau khi chia tay Thanh Vũ, tình yêu đầu đời, cô nàng gần như bị mất cân bằng không thiết ăn thiết sống. Cô nàng đêm ngày gọi điện thoại, nhắn tin khóc lóc khiến Thanh Vũ phát hoảng. Thậm chí, cô nàng đến tận nhà kể tội. Cũng muốn làm bạn, nhưng hành động của Lan Trinh khiến Thanh Vũ sợ hãi và chỉ còn biết trốn chạy. Anh chàng quyết giữ quan điểm tuyệt tình của mình.
Cũng khó có thể trách teen, thường tâm lí khi đã hết tình cảm thì thấy người ta càng thích mình thì mình càng cảm thấy… ngán. Còn người nào càng bị đối xử lạnh lùng thì càng… khó dứt.
Giải quyết như thế nào đây?
Ông bà ta thường nói: “Ép dầu, ép mỡ, ai nỡ ép duyên”. Tình cảm không thể níu kéo hay ép buộc được. Khi chia tay, dù rất đau lòng, nhưng nếu teen quá khích sẽ làm đằng ấy thêm khiếp sợ mà xa lánh. Thậm chí, mối quan hệ khi đó càng khó hàn gắn. Nó chỉ càng làm cả hai bên xa cách hơn. Một số teen còn cảm thấy áp lực, ám ảnh khi đằng ấy sau khi chia tay dùng “quái chiêu” với mình. Thế nhưng, không phải vì thế mà teen có thể tỏ ra tuyệt tình, không màn đến tâm trạng người khác.
Teen cần có những buổi thẳng thắn ngồi lại trò chuyện với nhau. Đừng cảm thấy ngại hay cảm thấy rắc rối. Cái gì cũng vậy, đã có bắt đầu thì cần có kết thúc. Những buổi nói chuyện như vậy cũng khiến người kia phần nào cảm thấy thỏa mãn được những thắc mắc và những rối bời trong lòng mình. Còn nếu sau những buổi nói chuyện đó mà đằng ấy vẫn chỉ nghĩ đến chuyện “phá đám hay đòi tự hại bản thân”, thì nên nhờ đến sự giúp đỡ của người lớn. Tất nhiên, đó là phương pháp cấp cứu cuối cùng.
Khi vừa chia tay nhau, khó có thể chấp nhận và coi nhau như là bạn ngay được. Nhưng đừng quá khép lòng và cho rằng tình bạn sau tình yêu là không thể. Đã từng có thời gian yêu thương nhau hết lòng, đã từng là một nửa rất quan trọng của nhau thì tại sao teen không thể trở thành những người bạn tốt? Đừng quá khăng khăng ôm những giấc mơ ở quá khứ hay tỏ ra tuyệt tình với người xưa. Hãy nhìn nhận hiện tại và trở thành những người bạn tốt của nhau, teen nhé!
Theo PLXH