Chia rẽ và đấu đá, phe nổi dậy bất lực trước Tổng thống Assad?
Phe nổi dậy Syria là tập hợp của rất nhiều phe nhóm chia rẽ và mâu thuẫn sâu sắc với nhau. Điều đó đã khiến lực lượng này không có đủ sức mạnh để hạ gục chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
Đứng lên chống chính quyền từ cách đây hơn 18 tháng nhưng đến nay, phe nổi dậy Syria vẫn chưa tạo thành được một tập thể đoàn kết, thống nhất có lãnh đạo chung, có đường hướng chung và tiếng nói chung. Thay vào đó, phe nổi dậy Syria vẫn là một khối ô hợp với rất nhiều phe nhóm khác nhau. Mỗi nhóm có một lãnh đạo riêng, có quan điểm riêng và có những mục tiêu riêng. Có lẽ điều duy nhất khiến họ được gọi chung cái tên “phe nổi dậy” là họ muốn lật đổ chính quyền.
Ai cũng dễ dàng nhận thấy sự mâu thuẫn, chia rẽ trong phe nổi dậy Syria. Hôm qua (1/10), ông Mokhtar Lamani – đại diện của đặc phái viên Liên Hợp Quốc về vấn đề Syria, đã phải lên tiếng thừa nhận, một trong những cản trở chính đối với nỗ lực của Liên Hợp Quốc trong việc chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Syria chính là sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ phe nổi dậy. “Mức độ thiếu tin tưởng lẫn nhau trong các phe nhóm thuộc phe nổi dậy là rất cao”, ông Lamani cho biết.
Video đang HOT
Phe nổi dậy Syria bao gồm rất nhiều các phe nhóm lẻ tẻ khác nhau ở trong và ngoài nước. Vốn đã quá nhiều phe nhóm, mối quan hệ của họ lại bị bao phủ bởi sự chia rẽ, bất đồng. Các phe nhóm này luôn nghi kỵ, đấu đá lẫn nhau, cáo buộc nhau phản bội.
Sau bao nhiêu tháng trời, mọi nỗ lực nhằm đoàn kết, thống nhất phe nổi dậy thành một mặt trận chung đều không thành. Điều đó lý giải tại sao mà hơn một năm rưỡi trôi qua, phe nổi dậy đến giờ vẫn chưa thể tìm ra được một người lãnh đạo chung có đủ năng lực và uy tín. Lực lượng này cũng không thể vạch ra một chiến lược, một đường hướng chung trong cuộc chiến chống lại Tổng thống Assad. Ở phe nổi dậy Syria vẫn đang có tình trạng “mạnh ai nấy làm”.
Cũng chính vì bị phân hoá và bị chia rẽ, phe nổi dậy Syria không thể tạo ra được bước đột phá nào trên chiến trường. Người ta đã từng nói, đoàn kết là sức mạnh. Phe nổi dậy Syria rõ ràng thiếu đoàn kết, vì thế, họ chẳng có đủ sức mạnh để đối đầu với quân đội Syria. Kết quả là trong những tháng qua, lực lượng này liên tục phải gánh chịu những thất bại trước quân chính phủ.
Trên thực tế, phe nổi dậy cũng đã giáng những đòn đau vào chính quyền của ông Assad nhưng đó hoàn toàn không phải là những đòn tổng lực từ sức mạnh đoàn kết của phe nổi dậy Syria. Những đòn đánh mạnh nhưng rời rạc, thiếu sức mạnh từ sự tổng lực của cả một lực lượng lớn sẽ chỉ gây khó khăn cho chính quyền chứ không thể làm cho nó gục ngã. Vì vậy, chính quyền của ông Assad cho đến thời điểm này vẫn trụ vững trước cơn sóng gió gây ra từ phe nổi dậy Syria.
Tình trạng mâu thuẫn, đấu đá trong nội bộ của phe nổi dậy Syria còn là lý do khiến họ mất dần sự ủng hộ của các cường quốc phương Tây. Có lẽ, khi thời gian trôi đi, các cường quốc phương Tây do Mỹ dẫn đầu giờ đây đã bắt đầu nản dần khi chứng kiến phe nổi dậy Syria vẫn là một tập thể thiếu tổ chức, thiếu đoàn kết. Họ đã không còn mấy tin tưởng vào lực lượng này. Thậm chí phương Tây còn mất niềm tin vào phe nổi dậy đến mức, họ nghi ngờ có nhiều phần tử khủng bố đang trà trộn vào trong lực lượng này.
Không phải vô cớ mà phương Tây đến giờ vẫn tỏ ra thờ ơ, thiếu mặn mà với việc hậu thuẫn cho phe nổi dậy Syria. Đã rất nhiều lần phe nổi dậy tuyệt vọng cầu cứu phương Tây nhưng kết quả là họ luôn phải thất vọng. Cách đây không lâu, khi phe nổi dậy Syria không thể cầm cự được trước hoả lực mạnh mẽ từ những cuộc không kích dồn dập của Không quân Syria, họ đã từng đề nghị phương Tây cung cấp vũ khí phòng không hiện đại cho họ. Tuy nhiên, phương Tây đã phớt lờ lời cầu cứu này.
Các cường quốc phương Tây lo sợ, nếu họ cung cấp vũ khí hiện đại cho phe nổi dậy Syria, rất có thể nó sẽ rơi vào tay các phần tử khủng bố.
Quá thất vọng trước phương Tây, phe nổi dậy từng buông ra lời cảnh báo sắc lạnh rằng, phương Tây hoặc giúp họ lật đổ Tổng thống Assad hoặc là họ sẽ bắt tay liên minh với tổ chức khủng bố khét tiếng thế giới Al Qaeda. Lời cảnh báo này khiến phương Tây càng có thêm lý do để phớt lờ phe nổi dậy Syria.
Rõ ràng, phe nổi dậy Syria hiện tại không phải là lực lượng có thể đương đầu với quân đội của ông Assad. Nếu không đoàn kết được thành một lực lượng thống nhất chung, phe nổi dậy sẽ không thể đánh bại được chính quyền của ông Assad. Còn chia rẽ, phe nổi dậy sẽ vẫn mãi là một tập hợp những phe nhóm nhỏ lẻ, mâu thuẫn, thiếu sức mạnh. Họ sẽ bị rơi rụng dần trong các cuộc đối đầu với quân chính phủ và kết quả là lực lượng này có thể sẽ biến mất.
Theo Vietbao
Phương Tây làm ngơ, phe nổi dậy Syria tuyệt vọng
Phe nổi dậy Syria có thể sẽ phải thất vọng với phương Tây - lực lượng mà họ từng kỳ vọng rất nhiều.
Tuyệt vọng trước tình thế ngày một bi đát trên chiến trường, phe nổi dậy hồi tuần trước đã lên tiếng cầu cứu phương Tây. Đã có tiếng đáp trả từ một số cường quốc nhưng liệu phương Tây có ra tay cứu giúp phe nổi dậy như họ từng hy vọng hay không?
Tuyệt vọng cầu cứu
Hai tuần trở lại đây, người ta chứng kiến quân đội trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad liên tục giành chiến thắng trước phe nổi dậy trong các cuộc giao tranh ở thủ đô Damascus và thành phố Aleppo.
Với quyết tâm đè bẹp cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Assad, quân đội Syria đã tung ra những vũ khí hạng nặng thiện chiến như xe tăng, trực thăng tấn công và súng máy vào chiến trường. Các cuộc tấn công của quân chính phủ dưới sự hậu thuẫn của xe tăng và trực thăng tấn công đã liên tiếp giáng những đòn nặng nề xuống phe nổi dậy.
Theo nhiều nguồn tin khác nhau, quân chính phủ trong thời gian qua đã giành lại quyền kiểm soát rất nhiều khu vực từng rơi vào tay phe nổi dậy trước đó. Mới đây nhất, ngày hôm qua (24/8, có tin quân của ông Assad đã chiếm lại được các vùng ngoại ô thủ đô Damascus. Trước đó, hôm 23/8, quân đội Syria đã giành lại quyền kiểm soát 3 khu vực giữa trung tâm thành phố Aleppo.
Mặc dù các cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và phe nổi dậy Syria vẫn tiếp tục nổ ra ở thủ đô Damascus và thành phố Aleppo nhưng sức kháng cự của phe nổi dậy ở đây được cho là đã yếu đi rất nhiều. Quân nổi dậy liên tục phải tháo lui, rút chạy khỏi các căn cứ của mình trong khi quân đội Syria được đà tiến lên, lùng sục từng nhà và truy đuổi gắt gao các chiến binh nổi dậy.
Thua trận liên tiếp, quân nổi dậy Syria đã lên tiếng cầu cứu phương Tây. Hồi tuần trước, ông Abu Ammar - người hiện đang chỉ huy một đơn vị quân đội chiến đấu ở chiến trường nóng bỏng nhất Aleppo đã gửi thông điệp cầu cứu đến các cường quốc phương Tây: "Xin Thánh Alah hãy giúp chúng con bởi chúng con không thể đánh bại được chính quyền này. Họ có vũ khí hóa học và có thể sử dụng chúng. Họ có xe tăng, máy bay, súng cối, tên lửa và chúng con chẳng có gì. Chúng tôi muốn phương Tây cung cấp vũ khí để bảo vệ mình hoặc họ có thể can thiệp quân sự vào đây. Chúng tôi rất giận dữ. Người dân Syria vẫn yêu quý các nước Châu Âu nhưng nếu tiếp tục như thế này, chúng tôi sẽ ghét họ".
Có vẻ như phe nổi dậy đang rất tuyệt vọng về tình thế của mình và họ cũng thất vọng với phương Tây. Sự tuyệt vọng của phe nổi dậy thể hiện qua lời cảnh báo sắc lạnh của họ gửi đến giới lãnh đạo phương Tây. Đó là, phương Tây hoặc giúp họ lật đổ Tổng thống Assad hoặc là họ sẽ bắt tay liên minh với tổ chức khủng bố khét tiếng thế giới Al Qaeda. Việc phe nổi dậy Syria bắt tay với Al-Qaeda là viễn cảnh đáng sợ nhất đối với phương Tây. Viễn cảnh này rất có thể xảy ra sau lời cảnh báo trên của phe nổi dậy Syria.
Rõ ràng, phe nổi dậy Syria đang chịu thất bại liên tiếp trên chiến trường. Nếu không được giúp sức từ các cường quốc phương Tây, lực lượng này không thể đánh bại được đội quân hùng hậu và thiện chiến của ông Assad.
Phương Tây có ra tay cứu giúp phe nổi dậy?
Trước lời kêu cứu tuyệt vọng của phe nổi dậy Syria, phương Tây buộc phải đưa ra phản ứng nhằm xoa dịu sự tức giận của phe nổi dậy đồng thời tránh viễn cảnh lực lượng này bắt tay với Al-Qaeda.
Mỹ đã nước đầu tiên lên tiếng "trả lời" tiếng kêu cầu cứu của phe nổi dậy Syria. Ngoại trưởng Hillary Clinton hồi tuần trước đã có phát biểu ám chỉ đến việc họ sẽ can thiệp sâu hơn vào tình hình đất nước Syria. Theo bà này, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang cân nhắc một loạt biện pháp, trong đó có việc áp dụng lệnh cấm bay ở Syria giống ở Libya trước đây. Đây có lẽ là phát biểu đầu tiên của một quan chức cấp cao Mỹ ám chỉ đến sự can thiệp trực tiếp của nước này vào Syria.
Sau bà Hillary đến lượt vị quan chức quyền lực cấp cao nhất nước Mỹ lên tiếng. Sau một thời gian im hơi lặng tiếng, Tổng thống Barack Obama hôm 20/8 đã đưa ra lời cảnh báo đáng sợ rằng, các lực lượng Mỹ có thể sẽ hành động chống lại Tổng thống Assad trong trường hợp ông này dùng vũ khí hóa học đối với phe nổi dậy.
Trong phát biểu của mình, Nhà lãnh đạo Obama tuyên bố, Tổng thống Assad sẽ phải đối mặt với "những hậu quả to lớn" nếu bước qua "lằn ranh đỏ" của việc đưa vũ khí không thông thường vào cuộc khủng hoảng ở Syria theo một cách thức mang tính đe dọa. Đây là lời cảnh báo mạnh mẽ nhất mà Tổng thống Obama từng đưa ra kể từ khi cuộc nổi dậy ở đất nước Syria nổ ra từ hồi tháng 3 năm ngoái.
Những phát biểu đầy tính ám chỉ trên của hai quan chức cấp cao hàng đầu Mỹ khiến nhiều người đặt câu hỏi, liệu có phải Mỹ đang nhăm nhe ý định can thiệp quân sự vào đất nước Trung Đông giống như ở Libya trước đây hay không.
Không chỉ Anh, một loạt các cường quốc khác như Anh, Pháp, Đức... cũng có những phát biểu về khả năng họ can thiệp sâu hơn vào tình hình Syria.
Góp lời với Tổng thống Obama, Thủ tướng Anh David Cameron cũng tuyên bố sẽ hành động nếu Syria đe dọa sử dụng vũ khí hóa học với phe nổi dậy. Trong khi đó, Tổng thống Pháp François Hollande cho biết, chính phủ của ông đang cân nhắc khả năng áp đặt lệnh cấm bay một phần ở Syria. Pháp và Đức cùng lên tiếng kêu gọi các nước phối hợp hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.
Với những diễn biến ở trên, người ta có cảm giác, khả năng phương Tây hành động chống lại Tổng thống Assad đang đến gần hơn lúc nào hết. Tuy nhiên, sự thực không hẳn như vậy. Các nhà phân tích nhận định, phương Tây còn phải cân nhắc lợi hại rất nhiều trước khi quyết định có phát động một chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria như ở Libya trước đây.
Mỹ - nước thường đóng vai trò dẫn dắt trong các chiến dịch kiểu trên, hiện tại không mấy mặn mà với viễn cảnh can thiệp vào Syria bởi hơn ai hết Mỹ hiểu rằng, họ sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ. Phương Tây cũng thừa biết, Syria hoàn toàn khác Libya và họ sẽ không dễ dàng có thể đánh bại được Syria như đã làm được ở Libya.
Các nước, đặc biệt là các cường quốc, luôn hành động vì lợi ích cao nhất của họ, vì vậy, nếu họ nhận thấy chiến trường Syria có nhiều nguy cơ, họ sẽ không dại gì can thiệp vào đây. Đó là bài học mà phe nổi dậy luôn cần phải ghi nhớ.
Theo Vietbao
Iran không để các cường quốc áp đặt tại Trung Đông Ngày 21/9, truyền hình Press TV dẫn lời Ngoại trưởng Iran Ali-Akbar Salehi nhấn mạnh nhà nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ không để các quốc gia có sức mạnh kinh tế hay quân sự áp đặt ý chí của họ lên khu vực Trung Đông. Ngoại trưởng Iran Ali-Akbar Salehi. (Nguồn: Reuters) Theo ông Salehi, "Iran đang cố gắng để các...