Chỉ vì ma men
Vì “ma men” mà phạm tội nhưng khi đứng trước vành móng ngựa, nhiều bị cáo trả lời với HĐXX những câu nói vô tình, vô trách nhiệm: “Không biết, không nhớ gì cả!”
Sinh ra trong một gia đình lao động nghèo miền Tây, cả nhà lên TP HCM làm thuê, và ở trọ trong xóm ngụ cư cũng toàn người lao động nghèo bên cạnh con kênh đen ngòm khu Thị Nghè quận Bình Thạnh, L.V.T cũng như nhiều đứa trẻ khác nơi đây: không học hành, đen thui và còi cọc, hàng ngày đi lượm lặt những thứ mà người ta vứt bỏ để bán ve chai phụ giúp cha mẹ lo chuyện “miếng cơm manh áo”.
Phạm tội khi còn trẻ
Cuộc sống xô bồ và nhiều cạm bẫy ở đây đã đẩy V.T làm bạn với “ma men” từ lúc nào không biết, để đến khi em “xuống tay” với một người bạn cùng xóm lao động nghèo và trở thành sát nhân khi mới 15 tuổi sau cuộc nhậu tàn thì mọi thứ đều đã quá muộn màng. V. T bị tuyên án 4 năm tù giam (V.T phạm tội khi mới 15 tuổi và gia đình có truyền thống cách mạng, gia đình bị hại có đơn xin bãi nại).
Gây án trong khi say rượu, những thanh niên trẻ này đã đánh mất tương lai của mình.
N.T.T, 26 tuổi, ở TP HCM, con trai độc nhất trong một gia đình có hai chị em, có cuộc sống tốt đẹp hơn vì gia đình có một quán cơm nhỏ nên gia đình em không phải bon chen như những người nhập cư vào thành phố. T. lập gia đình và ở rể trên Bình Phước. Trong một lần về nhà thăm bố mẹ, anh ta rủ mấy người bạn đi nhậu cùng. Khi đã ngà ngà, T. đã xô xát với một người lạ mặt bất ngờ đến quán. Đang hăng máu lại có “ma men” trợ sức, không còn đủ tỉnh táo, T. đã dùng mã tấu cướp đi sinh mạng của người khách đó bằng ba nhát dao oan nghiệt. Tại phiên tòa xét xử, T. luôn cúi gằm trước HĐXX, trả lời với một thái độ vô tình và vô trách nhiệm: “Tôi không biết, không nhớ gì cả!”. Chỉ đến khi chủ tọa phiên tòa tuyên bản án tử hình về tội “Giết người”, T. mới gục xuống vành móng ngựa. Ở phía ghế đằng sau, bật lên những tiếng khóc nấc của người cha già khắc khổ và đôi mắt rũ buồn của người vợ trẻ không còn nước mắt để khóc.
Nỗi đau người ở lại
Khi biết con mình phạm tội, chị Liên, mẹ của V.T, đã phải chạy vạy khắp nơi để vay mượn 10 triệu đồng bồi thường cho gia đình bị hại. Thấy hoàn cảnh chị quá khó khăn, gia đình bị hại đã đưa lại cho chị Liên 1 triệu đồng để lo thuốc thang. “Hai bên gia đình ngày trước lại thường xuyên qua lại thân thiết như anh em ruột thịt, nay xẩy ra chuyện đau lòng như vậy, tôi không còn mặt mũi nào gặp họ và mọi người xung quanh. Bệnh tật giày vò thể xác tôi. Còn con tôi giày vò tinh thần tôi. Đau đớn và tủi hổ quá “- chị Liên nói, trên gương mặt đã đầm đìa nước mắt.
Trở về sau phiên tòa của đứa con trai, hằng ngày ông Anh, cha của N.T.T vẫn phải cặm cụi bên quán cơm kiếm tiền nuôi gia đình và nén nỗi đau không cho vợ biết chuyện con mình phải chịu bản án tử hình, bởi “vợ tôi bị bệnh tim, nếu bà ấy biết chuyện chắc tôi lại mất thêm cả vợ”. Còn người vợ trẻ của T.T phải vò võ một mình ở cái tuổi 23 và có thể sẽ trở thành góa phụ nếu như phiên tòa phúc thẩm không thay đổi bản án hoặc không được Chủ tịch nước ân xá. Nhưng dù sao, với xã hội, chị vẫn phải chịu tiếng là vợ của kẻ giết người, dù lỗi không phải chị gây ra. Thật đau lòng cho một người phụ nữ.
Một vị thẩm phán tại TAND TP HCM cho biết: “Khi phải kết tội những bị cáo là “ma men” khi gây án như thế, chúng tôi thật sự đều thấy thật chua xót. Chua xót vì có thể bản chất họ là lương thiện. Nhưng khi đã ngấm hơi men và trong phút giây nào đó không làm chủ được, họ đã bán mình cho quỷ dữ đến khi tỉnh rượu thì mọi chuyện đã rồi. Chỉ mong sao, sau mỗi phiên tòa, những người khác hãy lấy đó làm bài học cho mình, đừng tự hủy hoại hạnh phúc của mình và những người thân bằng việc bán mình cho “ma men”.
Theo Báo Đất Việt