Chi trăm tỷ, lấy cả quỹ nâng lương để chống dịch tả lợn châu Phi
Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và ngày càng kéo dài, nguy cơ tiếp tục phát sinh, lây lan tại các địa phương là rất cao, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu, các bộ, địa phương tiếp tục quán triệt tinh thần “dập dịch như chống giặc” của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh: TN
Chiều ngày 7/6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp về phương án hỗ trợ tài chính từ ngân sách Trung ương trong xử lý bệnh dịch tả lợn châu Phi với các bộ, ngành và tất cả các địa phương đồng bằng sông Hồng và tỉnh Quảng Ninh.
“Xóa sổ” 30% tổng đàn lợn
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và các địa phương cho thấy, bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và ngày càng kéo dài, nguy cơ tiếp tục phát sinh và lây lan tại các địa phương là rất cao.
Dù các địa phương đã chủ động, quyết liệt dập dịch, ngăn chặn lây lan, nhưng đến nay, các tỉnh, TP vùng đồng bằng sông Hồng đã phải tiêu huỷ trung bình 30% tổng đàn lợn của địa phương vì mắc dịch tả lợn châu Phi.
“Tỉnh Hưng Yên đã phải tiêu huỷ 160.000 con, chiếm gần 40% tổng đàn lợn, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã bị xoá sổ hoàn toàn”, Phó Chủ tịch tỉnh Hưng Yên Nguyễn Minh Quang thông tin.
Theo ông Quang, hiện tỉnh đang ưu bảo vệ 60% đàn lợn không bị dịch còn lại của các hộ, doanh nghiệp chăn nuôi lớn (có từ 300 con trở lên).
Cùng với ngăn chặn dịch, các địa phương cũng đang gặp khó khăn trong chi trả hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại và chi phí tiêu huỷ dịch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Ngô Gia Tự cho biết, thực hiện Nghị định số 02/2017/NĐ-CP và Nghị quyết số 16 phiên họp thường kỳ tháng 2/2019 của Chính phủ, tổng mức kinh phí hỗ trợ cho 12.000 tấn lợn chết là 442 tỷ đồng. Trong khi, ngân sách địa phương “eo hẹp”, ngân sách Trung ương thì chưa hỗ trợ kịp.
“Giờ mà gặp bão lũ là tỉnh Hải Dương hết tiền”
“Hỗ trợ kịp thời cho các hộ dân có lợn bị tiêu huỷ và chi phí cho tiêu huỷ lợn cũng là 1 giải pháp để ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh”, ông Tự nói.
Video đang HOT
Ở Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang thông tin, tỉnh này đã chi trả, hỗ trợ 150 tỷ đồng cho 70.000 tấn thịt lợn tiêu huỷ nhưng vẫn còn rất thiếu.
Còn tỉnh Hà Nam đã sử dụng 54 tỷ đồng (50% nguồn dự phòng địa phương) để hỗ trợ cho 23% tổng đàn bị chết vì dịch.
Ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, tỉnh này đã bỏ ra gần 300 tỷ đồng, trong đó đã phải sử dụng cả quỹ để nâng lương chưa dùng đến, nhưng vẫn thiếu vì phải hỗ trợ chi phí lên đến 900 tỷ đồng. “Giờ mà gặp bão lũ là tỉnh Hải Dương hết tiền”, ông Cương lo lắng.
Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, khi chưa chi trả hỗ trợ theo quy định của pháp luật thì “sức ép của dân lên chính quyền là rất lớn”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng ý, để Bộ Tài chính làm thủ tục tạm ứng ngay khoảng 1.200 tỷ đồng cho các địa phương trong vùng để hỗ trợ dân có lợn bị dịch tả lợn châu Phi.
Không chỉ thế, các địa phương còn nêu khó khăn trong chi phí hỗ trợ cho công tác tiêu huỷ, chôn lấp lợn dịch còn thấp.
“Kiểm đếm số lượng lợn chết đã vất vả rồi, nhiều người còn ói mửa, nhưng khi chôn lấp phải tiếp tục xử lý để tránh trường hợp như xảy ra mới đây là xác lợn trương lên, làm mặt đất “dềnh” lên, bốc mùi khó chịu, ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân”, Phó Chủ tịch tỉnh Nam Định nói.
“Không nghĩ dịch lại kéo dài lâu thế”!
Ông Tự bày tỏ, “không nghĩ được rằng dịch lại kéo dài lâu thế nên việc hỗ trợ ngày công lao động cho đội ngũ kiểm đếm, chôn lấp phải thoả đáng hơn”.
Trước diễn biến thực tiễn của các địa phương, để triển khai Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư, Bộ NN&PTNT đề xuất thay thế các nội dung tại Nghị quyết số 16 về một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Theo đó, đề nghị Chính phủ thống nhất mức hỗ trợ cho chủ vật nuôi 25.000 đồng/kg lợn hơi đối với lợn con, lợn thịt các loại (tương đương 66% giá thành), 30.000 đồng/kg lợn hơi đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác (tương đương 79% giá thành).
Việc hỗ trợ dựa trên giá thành sản xuất sẽ ổn định hơn là hỗ trợ theo giá thị trường và sát với chi phí thực tế chăn nuôi lợn của người dân, tạo sự công bằng hơn giữa các địa phương…
Cùng với đó, chủ doanh nghiệp chăn nuôi lợn được hỗ trợ 30% mức hỗ trợ cho chủ vật nuôi để duy trì sản xuất, tái đàn khi hết dịch, góp phần quan trọng trong sản xuất, cung cấp sản phẩm thịt lợn cho xã hội…
Chủ cơ sở nuôi giữ lợn giống được hỗ trợ mức 500.000 đồng/con, điều chỉnh mức tăng hỗ trợ cho người tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật…
Sau khi nghe các ý kiến, cơ bản đồng tính với dự thảo của Bộ NN&PTNT, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ kiến nghị tăng hỗ trợ cho người tham gia tiêu huỷ phòng chống với mức sàn là 200.000 đồng/người/ngày thường và mức sàn 400.000 đồng/người/ngày nghỉ lễ và thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh quyết định mức chi cụ thể, phù hợp với đặc thù tài chính, ngân sách địa phương.
Ông Vương Đình Huệ lưu ý, dự thảo Nghị quyết cần giao các nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ để xử lý công việc, trong đó đề nghị Bộ Tài chính làm thủ tục tạm ứng ngay khoảng 1.200 tỷ đồng cho các địa phương trong vùng để hỗ trợ dân có lợn bị dịch.
“Các bộ, địa phương tiếp tục quán triệt tinh thần dập dịch như chống giặc của Thủ tướng Chính phủ”, lãnh đạo Chính phủ nêu rõ.
Hương Giang
Theo CAND
Hà Nội xác minh nguyên nhân chính đàn lợn ở Long Biên mắc dịch tả lợn châu Phi
Chiều 5/3, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu chủ trì hội nghị của UBND TP triển khai việc ứng phó cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.
Ảnh minh họa
Theo báo cáo tại Hội nghị, đến thời điểm này, trên địa bàn TP Hà Nội có 1 ổ dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại hộ nuôi của ông Nguyễn Thái Sơn ở tổ 17, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên. Qua kiểm tra xác minh, nguyên nhân chính đàn lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi có thể do việc sử dụng thức ăn dư thừa từ các nhà hàng, bếp ăn tập thể, khi sử dụng không được nấu chín.
Ngành nông nghiệp TP đã phối hợp với địa phương tiêu hủy ngay toàn bộ số lợn chết theo quy định đồng thời triển khai nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh như rà soát, thống kê, ký cam kết, lập chốt kiểm dịch kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn ra vào vùng dịch; tuyên truyền hướng dẫn, lấy mẫu giám sát tại các hộ chăn nuôi lợn xung quanh, tổ chức khử trùng tiêu độc tại hộ...
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp TP cũng đã tập trung tuyên truyền người dân thực hiện 5 không, bao gồm không giấu dịch, bán chạy, không vận chuyển lợn ốm chết, không giết mổ lợn ốm chết, không cho ăn thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, hiện nay, TP tiềm ẩn nguy cơ rất cao về xảy ra dịch bệnh, nhất là khi giáp ranh với 8 tỉnh, thành phố. Lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm dịch động vật từ nơi chăn nuôi đến nơi giết mổ, kiểm tra những trang trại đủ điều kiện hoạt động, số lượng lợn xuất chuồng.
Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch Hà Nội, lực lượng công an cần tích cực vào cuộc phối hợp với các đơn vị tăng cường kiểm tra; các quận, huyện và các sở ngành thực hiện chế độ báo cáo 24/24,để TP kịp thời có hướng xử lý khi có sự cố xảy ra.
Để công tác phòng chống dịch được hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị cần tích cực công tác vệ sinh tiêu độc, thực hiện bố trí đủ nguồn ngoài ngân sách quận, huyện.
Tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 5/3, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Bùi Xuân Quang cho biết, trên địa bàn huyện hiện có khoảng 70.000 con lợn.
Thời gian qua, UBND huyện đã đưa ra các kế hoạch, giải pháp phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.
Trong bối cảnh đang có dịch tả lợn châu Phi, lãnh đạo huyện Mê Linh cho hay, ngay từ khi Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như TP có chỉ thị, huyện đã thực hiện ngay.
Việc chỉ đạo điều hành chống dịch đã được huyện triển khai theo đúng quy định.
"Sau khi ban hành các văn bản chỉ đạo, chúng tôi thành lập 2 đoàn kiểm tra cấp huyện đi kiểm tra tất cả các xã. Trong các cuộc giao ban của huyện, chúng tôi cũng truyền đạt tới lãnh đạo cấp xã về việc phòng chống dịch tả lợn, truyền đạt các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp cũng như TP về tình hình dịch tả lợn châu Phi. Toàn huyện lấy tinh thần phòng bệnh là chính, trong đó đảm bảo vệ sinh môi trường được ưu tiên hàng đầu", Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Bùi Xuân Quang nhấn mạnh.
Vẫn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn địa phương chưa có bất cứ sự cố gì về dịch bệnh xảy ra. Tuy nhiên, huyện vẫn đã đặt phương án dự phòng về việc xử lý trong trường hợp trên địa bàn huyện có ổ dịch. UBND huyện cũng yêu cầu các xã chuẩn bị sẵn các phương án, xử lý tiêu độc khử trùng, chuẩn bị hố chôn lấp hợp vệ sinh môi trường.
"Chính quyền địa phương cũng rất quan tâm tới việc này", Phó chủ tịch UBND huyện Mê Linh khẳng định.
Hà Dung
Theo PLVN
Bình Thuận đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi Ngày 7/6, Ủy ban nhân dân hai huyện Tánh Linh và Đức Linh, tỉnh Bình Thuận công bố xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. Như vậy, tính tới thời điểm này, Bình Thuận là tỉnh thứ 54 trong cả nước đã có dịch này xuất hiện. Ổ dịch thứ nhất được ghi nhận tại hộ ông Nguyễn Trường...