Chi tiêu quốc phòng châu Á-Thái Bình Dương sẽ “qua mặt” Bắc Mỹ
Ngân sách quốc phòng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ vượt Mỹ và Canada vào năm 2021, theo một nghiên cứu của tổ chức an ninh IHS Jane’s được công bố hôm qua.
Các loại súng được trưng bày tại một bảo tàng ở Berlin, Đức.
Chi tiêu cho vũ khí tại Trung Quốc và các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương được dự đoán sẽ tăng 35% so với mức của năm 2013 lên 501 tỷ USD vào năm 2021, vượt xa Bắc Mỹ, IHS Jane’s cho biết trong nghiên cứu mang tựa đề “Cán cân thương mại”.
Về tổng quan, bất chấp suy thoái kinh tế, thương mại vũ khí toàn cầu – cả xuất khẩu và nhập khẩu vũ khí – đã tăng 30% trong giai đoạn 2008-2012, từ 56,5 tỷ USD lên 73,5 tỷ USD.
Video đang HOT
“Với tốc độ này, thương mại quốc phòng giữa các nước sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2020″, nghiên cứu viết.
Theo IHS Jane’s, Mỹ vẫn là nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong năm 2012 với 28,5 tỷ USD, tăng so với mức 20,1 tỷ USD của 4 năm trước.
Trong khi đó, Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất trong năm 2012, với ngân sách để mua vũ khí tăng 70% kể từ năm 2008, từ 3,1 tỷ USD lên 5,3 tỷ USD.
Nhưng trong khi chi tiêu quốc phòng tại châu Á tăng thì ngân sách dành cho quốc phòng tại Đông Âu giảm đi. Xuất khẩu vũ khí tại châu Âu đã giảm đáng kể, từ mức 34,5% năm 2008 xuống 27,5% trong năm 2012.
“Hai khuynh hướng đang xảy ra: ngân sách đang dịch chuyển về phía đông và thương mại vũ khí toàn cầu ngày càng trở nên cạnh tranh”, Paul Burton, một quản lý cấp cao của IHS Jane’s cho biết.
Trong khi đó, Trung Quốc đã giảm tổng số vũ khí mà nước này nhập khẩu do Bắc Kinh tăng cường các khả năng tự cung tự cấp.
Mặc dù xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng gấp đôi kể từ năm 2008, nhưng nước này vẫn thua xa Hàn Quốc khi Seoul có mức tăng 688%, đưa Hàn Quốc vào top 20 xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới với doanh thu 753 triệu USD.
Trong khi các hợp đồng bán vũ khí của Trung Quốc chủ yếu là với các nước láng giềng, thì Hàn Quốc ngày càng thành công ở các thị trường mở và cạnh tranh.
“Về chất lượng sản xuất, đó là một bức tranh lẫn lộn”, Ben Moores, nhà phân tích của HIS Jane’s, nói.
“Trung Quốc làm tốt trong việc xuất khẩu sang các quốc gia láng giềng trong khu vực, nhưng tại các thị trường mở như Trung Đông, họ không có mặt”.
“Tuy nhiên, Hàn Quốc có một câu chuyện hoàn toàn khác. Hàn Quốc đang xuất khẩu hàng loạt thiết bị và bán cho các quốc gia như Indonesia và Philippines”, ông Moores nói.
Nghiên cứu cũng dự đoán rằng Israel sẽ bán gấp đôi số máy bay do thám so với Mỹ vào năm 2014 và sẽ trở thành nước xuất khẩu máy bay do thám lớn nhất thế giới vào cuối năm nay.
Israel xếp thứ 6 về xuất khẩu vũ khí trong năm ngoái, với doanh thu 2,41 tỷ USD, tăng 74% so với mức 1,38 tỷ USD vào năm 2008.
Theo Dantri