Chi tiêu quân sự toàn cầu tăng trở lại trong năm ngoái
Căng thẳng leo thang ở nhiều điểm nóng đã khiến mức chi tiêu cho quân sự trên toàn thế giới lần đầu tiên tăng sau 4 năm giảm liên tiếp.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Nước này tăng chi tiêu quân sự 132% trong giai đoạn 10 năm từ 2006. Ảnh minh họa: Xinhua
Tổng mức chi tiêu của các nước trong cả năm ngoái là 1,67 nghìn tỷ USD, tăng 1% so với năm 2014, AFP hôm nay dẫn lại tin từ Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho hay.
Khu vực tăng chủ yếu là Đông Âu, châu Á và Trung Đông, trong khi phương Tây duy trì mức giảm.
Mỹ vẫn giữ vai trò số một, là nước chi nhiều nhất cho các lực lượng vũ trang đến nay, dù con số này đã giảm 2,4% so với 2014, ở mức 595 tỷ USD. Đây là mức giảm ít hơn trong những năm gần đây.
Sam Perlo-Freeman, nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI cho biết Mỹ hiện còn “có chi tiêu thêm cho các hoạt động bên ngoài ngẫu nhiên trong chiến dịch tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo tự xưng”.
Nước chịu chi cho quân sự đứng thứ hai thế giới là Trung Quốc, với 215 tỷ USD, tiếp theo là Arab Saudi với hơn 87 tỷ USD, “giành” vị trí thứ ba từ Nga. Moscow chi 66,4 tỷ USD.
Trong giai đoạn 10 năm 2006 -2015, ngân sách quân sự của Mỹ giảm 4%, trong khi Trung Quốc tăng 132%. Mức tăng của Arab Saudi và Nga cũng đáng kể, lần lượt là 97% và 91%.
Pháp, nước có mức chi tiêu quân sự lớn thứ 5 trong 2014, rơi xuống vị trí thứ 7, sau Anh và Ấn Độ.
Video đang HOT
Ở khắp châu Âu, ngân sách chi tiêu quân sự tiếp tục giảm, dù mức giảm thấp hơn trong những năm gần đây.
“Nguyên nhân của sự thay đổi xu hướng là do các hoạt động chính trị của Nga, IS và NATO”, Perlo-Freeman nói, cho biết các thành viên của NATO nhất trí duy trì chi cho quân sự ở mức 2% GDP của họ đến năm 2024.
Tại châu Á, các nước cũng tăng đầu tư cho quân sự là Indonesia, Philippines, trong bối cảnh căng thẳng liên quan đến Trung Quốc và Triều Tiên gia tăng.
Khánh Lynh
Theo VNE
4 lý do khiến Trung Quốc kìm hãm tăng chi tiêu quân sự
Kinh tế suy giảm, những khó khăn trong quá trình hiện đại hóa và cải tổ quân đội có thể là lý do khiến Trung Quốc giảm bớt đầu tư cho lực lượng vũ trang.
Binh sĩ Trung Quốc trong một khóa huấn luyện. Ảnh: BusinessInsider
Mới đây, Trung Quốc bất ngờ tuyên bố ngân sách quốc phòng của nước này chỉ tăng ở mức 7,6%, mức tăng thấp nhất kể từ 2010 đến nay, trái với dự đoán 20% của nhiều chuyên gia và quan sát viên quốc tế trước đó, theo National Interest.
Theo chuyên gia Harry Kazianis tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia Mỹ, cựu tổng biên tập tờ Diplomat, trong suốt một thập kỷ qua, dư luận quốc tế rất quan tâm đến ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh, trong bối cảnh nước này đang mạnh tay chi tiêu để tăng cường năng lực quân sự nhằm cạnh tranh ảnh hưởng toàn cầu với Mỹ, nền kinh tế duy nhất trên thế giới đang đứng trên Trung Quốc.
Giữa lúc Trung Quốc đang rất muốn cán cân quyền lực và ảnh hưởng ở khu vực Đông Á nghiêng hẳn về phía mình, việc nước này giảm tốc độ tăng ngân sách quốc phòng khiến không ít người cảm thấy khó hiểu. Tuy nhiên, chuyên gia Kazianis chỉ ra rằng Bắc Kinh hiện nay có 4 lý do quan trọng buộc phải kìm hãm tốc độ tăng chi tiêu quân sự.
Lý do thứ nhất khiến Trung Quốc phải đặt mức tăng ngân sách cho quốc phòng ở mức khiêm tốn sau nhiều năm liên tiếp giữ ở mức hai con số là do kinh tế nước này đang giảm dần tốc độ tăng trưởng. Trong năm 2015, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã phải trải qua những thời điểm vật lộn tưởng chừng như đổ vỡ, buộc Bắc Kinh phải chi ra hàng tỷ USD để giữ ổn định đồng tiền.
Cùng lúc đó, Trung Quốc cũng đang nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung vào tiêu thụ nội địa và ngành dịch vụ, phát triển các thương hiệu toàn cầu để xóa bỏ định kiến "công xưởng của thế giới" trong lúc lực lượng nhân công giá rẻ của nước này đang ngày càng già đi và đòi hỏi mức lương cao hơn. Những bài học lịch sử đã chỉ ra rằng một cuộc tái cấu trúc nền kinh tế quy mô lớn không thể đi kèm với việc vung tiền mua sắm các trang bị, vũ khí quân sự đắt tiền, bởi điều đó có thể dẫn tới kết cục không mấy tốt đẹp, theo ông Kazianis.
Lý do thứ hai, Trung Quốc về cơ bản đã đạt được một trong những mục tiêu quan trọng nhất của chiến lược hiện đại hóa quân đội, đó là có thể thách thức khả năng can thiệp của Mỹ và đồng minh vào bất cứ nơi nào mà nước này coi là "lợi ích cốt lõi", chẳng hạn như vấn đề Đài Loan, Biển Đông hay biển Hoa Đông.
Các chiến lược gia quân sự Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có vẻ rất hài lòng khi tuyên bố rằng họ có thể gây ra thiệt hại nặng nề cho bất cứ lực lượng quân sự nào trên thế giới trên không hoặc trên biển nếu các cuộc xung đột xảy ra ở những khu vực được coi là rất quan trọng đối với Bắc Kinh.
Từ lâu, Trung Quốc đã kiên trì theo đuổi chiến lược quân sự chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) và xây dựng một thế trận phòng thủ ngày càng lớn hơn, vươn xa hơn bằng các loại chiến đấu cơ, tên lửa, tàu ngầm hiện đại. Nhờ sự đầu tư lớn vào công nghệ tên lửa, đặc biệt là tên lửa diệt hạm tầm xa, giờ đây các chỉ huy quân sự Mỹ sẽ phải cân nhắc rất kỹ về nguy cơ thiệt hại nặng khi điều tàu sân bay, tàu chiến và máy bay tới những vùng biển xung quanh Trung Quốc.
Theo các chuyên gia phân tích, đây chính là đòn "thắng mà không cần đánh" bằng cách gây áp lực tâm lý lớn lên đối phương ngay từ đầu của Bắc Kinh. Với một số lượng lớn thủy lôi, tên lửa, tàu ngầm và các khẩu đội phòng không được bố trí dày đặc xung quanh các vùng biển gần, việc Trung Quốc có thể lấn ép "chuỗi đảo thứ nhất" và vươn tới "chuỗi đảo thứ hai", đẩy lực lượng của Mỹ và đồng minh ngày càng xa bờ biển của mình chỉ còn là vấn đề thời gian, theo Kazianis.
Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm một đơn vị quân đội Trung Quốc năm 2014. Ảnh:News.cn
Tuy nhiên, sản xuất ra các loại vũ khí, khí tài hiện đại không đồng nghĩa với việc chiến thắng ngay lập tức trong các cuộc chiến. Các binh sĩ Trung Quốc cần thời gian để được hướng dẫn, huấn luyện, làm quen với các loại vũ khí này, và họ sẽ không liều lĩnh bắn đi quả tên lửa diệt hạm nhiều triệu USD nếu chưa nắm vững quy trình tiêu diệt mục tiêu. Bởi vậy, Kazianis cho rằng đây là lúc Trung Quốc dừng lại một chút để "lấy hơi", để quân đội có thể bắt kịp và nâng cao hiệu năng sử dụng các loại vũ khí.
Trong hơn 30 năm qua, quân đội nước này chưa từng tham gia bất cứ trận chiến lớn nào, trong khi quân đội Mỹ liên tục được tôi rèn qua một loạt cuộc chiến trên khắp thế giới. Trong chiến tranh, khí tài rất quan trọng, nhưng vai trò của những con người sử dụng khí tài đó còn quan trọng hơn gấp bội, các chuyên gia nhận định.
Thứ ba, mục tiêu tiếp theo của quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc mới là bước khó khăn nhất và cần phải được chuẩn bị thật kỹ lưỡng về tiềm lực, đó là phát triển một lực lượng tác chiến toàn cầu thực sự. Chi phí cho việc triển khai lực lượng trên toàn cầu không hề rẻ, và phải mất nhiều thập kỷ mới có thể hiện thực hóa được.
Các tướng lĩnh Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng rằng vào năm 2049, dịp kỷ niệm 100 năm quốc khánh nước này, PLA sẽ trở thành một đội quân chiến đấu đáng tin cậy có thể triển khai lực lượng trên toàn thế giới. Thế nhưng tham vọng này gắn liền với những đòi hỏi rất lớn về nhân lực và vật lực, và tất cả đều cần đến tiền.
Chẳng hạn như để có thể đáp ứng được tiêu chuẩn tối thiểu của một lực lượng toàn cầu, Trung Quốc sẽ phải chế tạo nhiều cụm tàu sân bay chiến đấu có thể bảo vệ lợi ích ngày càng lớn của nước này trên khắp thế giới. Ngoài tàu Liêu Ninh bị các tướng lĩnh Mỹ coi là "phế phẩm" và một con tàu đang đóng có thiết kế tương tự, Trung Quốc sẽ phải sở hữu thêm nhiều tàu sân bay nữa, những con tàu phải có hệ thống phóng máy bay tương đương như hàng không mẫu hạm của Mỹ.
Trung Quốc sẽ phải thử nghiệm những con tàu đó trong nhiều năm, đào tạo một đội ngũ phi công nòng cốt đáng tin cậy để điều khiển chiến đấu cơ trên các tàu sân bay, và đó mới chỉ là bước khởi đầu. Họ còn phải phát triển các tàu hộ tống, tàu khu trục, tàu tuần dương và hậu cần để đi theo bảo vệ tàu sâu bay, cùng các hệ thống phòng thủ tên lửa, tác chiến chống ngầm đáng tin cậy và nhiều thứ khác. Đó là chưa tính đến hệ thống các cảng biển cần thiết để tiếp tế cho các hạm đội này. Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang suy giảm, việc vung tiền đầu tư cho những khí tài quá lớn này có lẽ là quá sức với Bắc Kinh, và mục tiêu đó phải được đẩy lùi thêm một chút, theo Kazianis.
Trung Quốc sẽ phải tốn nhiều thời gian và tiền của mới có thể xây dựng được các cụm tàu sân bay chiến đấu toàn cầu. Ảnh: Xinhua
Lý do cuối cùng khiến Trung Quốc giảm bớt tốc độ tăng chi tiêu quốc phòng là do Chủ tịch Tập Cận Bình vừa phát động chiến dịch cải tổ quy mô lớn đối với lực lượng vũ trang nước này. Ngoài việc cắt giảm 300.000 nhân sự không trực tiếp phục vụ tác chiến, Bắc Kinh còn muốn xây dựng một lực lượng quân đội thống nhất hơn, tinh gọn hơn, với động thái đầu tiên là xóa bỏ 7 quân khu để biến chúng thành 5 chiến lược khu. PLA cũng được sắp xếp thành 5 quân binh chủng dưới một cấu trúc chỉ huy liên quân kiểu Mỹ.
Felix Chang, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, cho rằng ông Tập và các chiến lược gia sẽ phải tốn rất nhiều thời gian để nghiên cứu, sắp xếp các vị trí mới trong quân đội để xác định ai chỉ huy ai, ai yểm trợ ai, và quan trọng nhất là ai sẽ kiểm soát ngân sách quốc phòng.
Trong bối cảnh cấu trúc của PLA sau cuộc đại cải tổ vẫn chưa được hoạch định rõ ràng, một số sĩ quan vẫn còn bức xúc với việc 300.000 quân nhân bị sa thải đồng loạt, việc rót thêm nhiều ngân sách cho lực lượng này không phải là động thái khôn ngoan, ông Chang nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo VNE
Đằng sau ngân sách quốc phòng 2016 của Trung Quốc Một số tướng lĩnh Trung Quốc đã công khai bày tỏ sự thất vọng với mức tăng "khiêm tốn" của ngân sách quốc phòng 2016 vừa được công bố. Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc - Ảnh: USNI Chính phủ Trung Quốc vừa báo cáo quốc hội nước này về ngân sách quốc phòng năm nay với mức tăng 7,6%, thấp...