Chi tiêu của Hoàng gia Anh đã lên tới 32,3 triệu bảng
Số liệu do Điện Buckingham vừa công bố cho thấy chi tiêu chính thức do người dân đóng thuế của Nữ hoàng Anh, Elizabeth, đã tăng thêm 200.000 bảng trong năm tài khóa 2011-2012 lên 32,3 triệu bảng so với 32,1 triệu bảng của năm tài khóa trước đó.
(Nguồn: Internet)
Theo số liệu được công bố thì đã có sự cắt giảm trong ngân quỹ của Chính phủ Anh dành cho Nữ hoàng, chủ yếu là các khoản tiền dùng để thanh toán lương cho các thành viên trong Hoàng gia và chi phí hoạt động của văn phòng báo chí Điện Buckingham.
Điện Buckingham cho biết chi tiêu của Hoàng gia đã giảm 26% so với mức 36,5 triệu bảng cách đây 3 năm. Ông Alan Reid, người quản lý ngân quỹ do Chính phủ Anh cấp cho Nữ hoàng, cho biết khi Bộ trưởng tài chính thông báo kế hoạch cắt giảm chi tiêu công 25% trong vòng 4 năm thì Nữ hoàng cũng rất nhiệt tình ủng hộ kế hoạch này và cho rằng Hoàng gia cần phải tham gia bằng cách cắt giảm chi tiêu của chính mình.
Tuy nhiên, chi phí cho việc đi lại của các thành viên Hoàng gia cũng như các khoản chi cho việc bảo dưỡng các dinh thự của Hoàng gia đều tăng lên.
Video đang HOT
Chi phí đi lại của Hoàng tử Andrew, Công tước xứ York, với vai trò là đặc phái viên thương mại của Anh, lên đến 358.000 bảng. Trong đó, 81.000 bảng được chi cho chuyến công du tới Arập Xêút và 72.000 bảng cho các chuyến viếng thăm tới Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc.
Số liệu không cho biết chi phí dành cho việc đảm bảo an ninh của Hoàng gia là bao nhiêu.
Từ năm 2013, Hoàng gia sẽ được cấp một khoản kinh phí cố định, tương đương với 15% lợi nhuận hai năm trước của Công ty bất động sản Crown Estate. Khoản kinh phí này vào khoảng 34 triệu bảng, tương đương mức chi tiêu hiện nay của Hoàng gia.
Hình thức này sẽ thay thế kiểu cung cấp kinh phí cũ mà theo đó Nữ hoàng nhận tiền từ ba bộ khác nhau của Chính phủ Anh./.
Theo TTXVN
Anh tưng bừng "kỷ niệm kim cương" của Nữ hoàng
Nước Anh đã bắt đầu kỷ niệm 60 năm ngày Nữ hoàng Elizabeth II đăng cơ, với các sự kiện kéo dài trong 4 ngày bắt đầu từ hôm nay, gồm cuộc diễu hành của một đoàn 1.000 chiếc thuyền và một buổi hòa nhạc có nhiều ngôi sao tham dự.
Nữ hoàng Anh Elizabeth II (Nguồn: Getty Images)
Nữ hoàng đã bắt đầu các buổi lễ bằng việc tham dự một buổi đua ngựa ở Epsom Derby vào ngày thứ Bảy, trước khi bà lên một chiếc thuyền lớn để đi trên sông Thames trong đoàn diễu hành bằng thuyền kể trên.Khoảng 1 triệu người sẽ xếp hàng dọc hai bên sông để chứng kiến các đội thuyền buồm, tàu hơi nước, tàu kéo, xuồng cao tốc lướt qua trước mặt.
Một buổi hòa nhạc tại điện Buckingham với sự tham gia của Paul McCartney và các tên tuổi hàng đầu khác sẽ là sự kiện đáng chú ý trong ngày thứ Hai, trước khi người ta tổ chức một lễ diễu hành hoành tráng vào ngày thứ Ba.
Bên cạnh các sự kiện diễn ra ở London, hàng triệu người trên khắp nước Anh cũng sẽ ăn mừng lễ cầm quyền bằng cách mở tiệc tại gia.
Họ sẽ vui vẻ tới bến trong 2 ngày nghỉ chính thức nhân sự kiện mang tính lịch sử: Nữ hoàng Anh là vị quân vương thứ hai ở Anh, chỉ sau Nữ hoàng Victoria, kỷ niệm 60 năm cầm quyền.
Quốc kỳ Anh đã cắm ngập trên phố và trên cửa kính các cửa hàng. Các nhà bán lẻ nói rằng cờ trang trí có ba màu trắng, xanh và đỏ đang bán rất chạy và thậm chí các chú lùn giữ cửa được làm ra mừng lễ cầm quyền 60 năm cũng bán rất chạy.
"Đây là lễ ăn mừng những gì Nữ hoàng đã đạt được trong 60 năm, đồng thời cũng là lễ mừng hoàng gia" - tác giả chuyên viết về hoàng gia Anh, Robert Jobson nói - "Theo một cách thức không chính thống thì đây còn là cơ hội để ăn mừng đặc điểm dân tộc, niềm tự hào quốc gia".
Các lễ mừng sẽ diễn ra trong bối cảnh hoàng gia đang nhận được sự ủng hộ cao nhất trong nhiều thập kỷ. Có tới 80% người Anh vẫn muốn giữ thể chế quân chủ tại đất nước này.
Tỉ lệ ủng hộ trên cao ngang với năm 1953, thời điểm Nữ hoàng đăng quang.
Diễn ra theo sau lễ cưới gây nhiều chú ý của Hoàng tử William với Kate Middleton hồi năm ngoái, lễ mừng 60 năm sẽ tiếp tục làm tăng tỉ lệ ủng hộ của hoàng gia.
Trong những lời hò reo ca ngợi nữ hoàng, thật khó tin mới cách đây một thập kỷ, bức tranh đã rất khác.
Cuộc diễu hành của 1.000 chiếc thuyền trên sông Thames (Nguồn: Getty Images)
Theo sau cái chết của Diana, Công nương xứ Wales, trong một vụ đụng xe ở Paris hồi năm 1997, hoàng gia bị chỉ trích thậm tệ vì đã không tỏ thái độ đau buồn giống công chúng.
Tuy nhiên Nữ hoàng đã cúi đầu khi quan tài của Diana chạy ngang qua, một khoảnh khắc được sử gia Kate Williams nói là sự kiện bước ngoặt.
Theo Williams, giờ đây đã có một sự tăng lên khổng lồ của sự cảm mến dành cho Nữ hoàng ở cả Anh và trong Khối thịnh vượng chung. "Thời điểm này, tỉ lệ ủng hộ của Nữ hoàng đã cao như khi bà mới đăng cơ vậy" - bà Williams nói - "Đây là chuyện hết sức khó tin, nếu bạn biết rằng bà đã bị nhiều người ghét sau cái chết của Diana. Có vẻ như toàn thể nước Anh sẽ ra đường trong ngày nghỉ cuối tuần đầu tiên của tháng Sáu".
Tâm điểm của các lễ ăn mừng là Nữ hoàng nay đã 86 tuổi. Bà đang ở thăm Kenya vào tháng 2/1952, khi được chồng là Quận công Philip đánh thức và nói rằng cha bà, vua George VI, đã qua đời ở tuổi 56. Cái chết của cha khiến bà trở thành Nữ hoàng.
Khi bà lên ngai vàng vào năm 1953, ở tuổi 25, Winston Churchill là Thủ tướng Anh, Jawaharlal Nehru đang lãnh đạo Ấn Độ mới độc lập và nhiều vùng đất ở châu Á, châu Phi vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của Anh.
Đoàn xe ngựa đi ở trung tâm London (Nguồn: Getty Images)
Bà đã viếng thăm 116 nước trong 6 thập kỷ qua, nhưng vì vấn đề tuổi tác nên các con cháu sẽ có nhiệm vụ thay bà viếng thăm khối Thịnh vượng chung trong dịp 60 năm cầm quyền.
Công tước Philip mới phục hồi sau một cuộc phẫu thuật tim hồi tháng 12 và sẽ xuất hiện đầy đủ trong các lễ mừng, diễn ra chỉ 1 tuần trước sinh nhật thứ 91 của ông./.
Theo TTXVN
Những khoảng khắc "hiếm" của Obama ở Anh Trước khi người đàn ông quyền lực nhất thế giới cất lời ở Westminster trong tuần này thì Mỹ và Anh đã luôn có một mối quan hệ đặc biệt. Và các mối quan hệ ràng buộc Anh và Mỹ càng thắt chặt hơn bởi chuyến công du của Tổng thống Barack Obama - với mọi diễn biến của nó đều được báo...