Chi tiết sự thật vụ máy bay Malaysia bị bắn rơi
Toàn bộ 298 người có mặt trên chiếc máy bay số hiệu MH17 của Malaysia Airlines đã thiệt mạng khi máy bay bị rơi ở miền đông Ukraina, giáp biên giới với Nga.
MH17 hành trình từ Amsterdam đến Kuala Lumpur đang di chuyển qua vùng trời xung đột thì biến mất khỏi màn hình radar. Trong số 283 hành khách có 80 trẻ nhỏ. Phi hành đoàn gồm 15 thành viên.
Loại máy bay
Máy bay bị bắn rơi là Boeing 777-200ER, cùng loại với chiếc MH370 cũng của Malaysia Airlines biến mất bí ẩn hôm 8/3 khi đang bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh.
Máy bay được sản xuất năm 1997, có lịch sử bảo dưỡng tốt và lần kiểm tra mới nhất là hôm 11/7.
Hãng tin BBC dẫn lời Thủ tướng Malaysia cho biết, không có cuộc gọi khẩn cấp nào trước khi máy bay bị rơi.
Điều gì đã xảy ra?
Theo Malaysia Airlines, máy bay khởi hành từ sân bay Schiphol ở Amsterdam lúc 10:15 GMT (12:15, giờ địa phương) ngày 17/7 và sẽ tới sân bay quốc tế Kuala Lumpur lúc 22:10 GMT (06:10, giờ địa phương).
MH17 mất liên lạc 4 giờ sau khi cất cánh, vào lúc 14:15 GMT – ở vị trí cách biên giới Nga – Ukraina 50km. Ít phút sau đó xuất hiện thông tin về nơi máy bay rơi, và các nhân chứng mô tả có hàng chục thi thể trên mặt đất.
Nguyên nhân
Hai phía của cuộc xung đột Ukraina cáo buộc lẫn nhau đã bắn rơi máy bay bằng tên lửa.
Các quan chức tình báo Mỹ khẳng định một tên lửa đất đối không đã bắn hạ máy bay, được phóng đi từ vùng lãnh thổ do quân nổi dậy kiểm soát.
Video đang HOT
Theo cố vấn chính phủ Ukraina Anton Herashchenko, máy bay bị trúng một tên lửa được phóng đi từ Buk – hệ thống phóng tên lửa đất đối không tầm trung, do Nga chế tạo.
Sau đó, hình ảnh về hệ thống Buk ở vùng lãnh thổ do quân li khai kiểm soát đã xuất hiện trên truyền thông xã hội.
Kiev cũng tung ra một đoạn băng ghi âm mà họ nói là một cuộc hội thoại giữa các tay súng li khai thân Nga thừa nhận đã bắn rơi máy bay.
Tuy nhiên, thủ lĩnh li khai Alexander Borodai cáo buộc chính phủ Ukraina là thủ phạm.
Giới chuyên gia cho biết, các nhà điều tra tai nạn máy bay sẽ xác định được nguyên nhân nhờ dấu vết từ những mảnh vỡ máy bay.
Những ai trên máy bay?
MH17 chở 193 công dân Hà Lan (trong đó có một người mang 2 quốc tịch Hà Lan/Mỹ), 43 người Malaysia (gồm 15 thành viên phi hành đoàn), 27 người Australia, 12 người Indonesia và 10 người Anh (gồm một người có hai quốc tịch Anh/Nam Phi).
Ngoài ra còn có 4 người Đức, 4 người Bỉ, 3 người Philippines, 1 người Canada và 1 người New Zealand.
Malaysia Airlines đã công bố danh sách hành khách đầy đủ. Ít nhất 6 nạn nhân là đại biểu đang trên đường tới dự một hội nghị quốc tế về Aids ở Melbourne, Australia. Trong số này có Giáo sư Joep Lange – một nhà khoa học danh tiếng và là cựu Chủ tịch Hiệp hội Aids Quốc tế (IAS).
Vô số câu chuyện về hành khách và phi hành đoàn đã được truyền thông đăng tải, trong đó có gia đình 5 người Hà Lan, một cặp đôi đi Bali, một nhà nghiên cứu bệnh học Australia cùng vợ trở về từ một kỳ nghỉ ở châu Âu.
Một câu chuyện cảm động khác là trường hợp một tiếp viên Malaysia, người có vợ cũng làm việc cho Malaysia Airlines và thoát chết trong gang tấc khi cô bị đổi ca làm việc trên MH370.
Hiện trường máy bay rơi.
Có an toàn khi bay qua Ukraina?
Theo Phó Chủ tịch cấp cao của Malaysia Airlines Huib Gorter, lộ trình bay được các nhà chức trách khẳng định là an toàn và đang được nhiều hãng hàng không khác trên thế giới sử dụng.
Khu vực máy bay rơi là vùng cấm bay, áp dụng cho độ cao tối đa 9.754m nhưng MH17 đang bay ở độ cao 10.058m – nằm ngoài giới hạn.
Trong vòng 48 giờ sau khi MH17 bị bắn rơi, nhiều hãng hàng không đã quyết định bay đường vòng để tránh xa khu vực.
Hộp đen của máy bay
Các hộp ghi dữ liệu chuyến bay – thường có màu vàng đậm để trợ giúp việc tìm kiếm trong trường hợp máy bay rơi – lưu lại những thông tin kỹ thuật chủ chốt về chuyến bay cùng các cuộc hội thoại trong buồng lái.
Các lãnh đạo li khai Ukraina phủ nhận thông tin trước đó rằng các hộp đen của MH17 đã được tìm thấy.
Ai sẽ điều tra?
Chính phủ Ukraina đã mở một cuộc điều tra và mời phía Malaysia tham gia, theo Bộ trưởng Vận tải Malaysia.
Các quan sát viên OSCE có mặt tại hiện trường nhưng bị quân li khai giới hạn.
Tổng cộng 62 quan chức Malaysia, gồm cả các nhóm cứu hộ và hỗ trợ thảm họa, nhân viên y tế, đại diện không lực và hàng không dân sự, đã bay tới Kiev.
Ông Liow đã bày tỏ lo ngại rằng hiện trường máy bay rơi không được bảo vệ đúng cách và có thể bị can thiệp.
Giới chức Malaysia cũng kêu gọi thực hiện một cuộc điều tra quốc tế độc lập khác về vụ MH17.
Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã cử một nhóm giám sát viên quốc tế tới hiện trường. Tuy nhiên, sự di chuyển và hoạt động của họ bị quân li khai giới hạn.
Sứ mệnh của phái đoàn OSCE là theo dõi hiện trường chờ các chuyên gia quốc tế đến nơi điều tra nguyên nhân máy bay rơi.
Theo Vietnamnet
Chính phủ Ukraine và quân ly khai đạt thỏa thuận di chuyển nạn nhân
Chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai thân Nga ngày 20-7 đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc đưa thi thể các nạn nhân ra khỏi hiện trường vụ tai nạn máy bay MH17.
Di dời thi thể các nạn nhân MH17
Phó Thủ tướng Ukraine Volodymyr Groisman cho biết, thỏa thuận sơ bộ cho phép các cơ quan cứu trợ khẩn cấp Ukraine và các quan sát viên quốc tế di chuyển thi thể các nạn nhân đến "nơi an toàn".
Trước đó, những thông tin về việc phe ly khai ngăn cản các quan sát viên quốc tế tiếp cận hiện trường để đưa các thi thể "hồi hương" hiện đang phân hủy dưới ánh nắng mặt trời gay gắt đã khiến dư luận thế giới phẫn nộ, đặc biệt là từ Hà Lan, nước có số công dân chiếm hơn một nửa tổng số nạn nhân trong vụ tai nạn.
Bộ Ngoại giao Mỹ mô tả hành động của phe ly khai là "một sự sỉ nhục đối với tất cả người thân, gia đình và chính những nạn nhân thiệt mạng trong vụ rơi máy bay".
Tuy nhiên, lãnh đạo phe ly khai Alexander Borodai hoàn toàn phủ nhận cáo buộc trên và khẳng định họ không có bất kì hành động nào can thiệp vào công việc của các quan sát viên, đồng thời đổ lỗi cho chính quyền Ukraine cố tình trì hoãn việc triển khai điều tra.
Theo thông tin mới nhất, giới chức Ukraine xác nhận, lực lượng cứu hộ và quân nổi dậy đã tìm thấy 196 thi thể trong tổng số 298 hành khách và nhân viên phi hành đoàn thiệt mạng trên chuyến bay.
Theo Tiền Phong
Malaysia Airlines biện hộ việc MH17 bay qua vùng chiến sự Hãng Malaysia Airlines cho biết, các phi công MH17 đã không làm gì sai khi điều khiển chuyến bay khi di chuyển qua không phận phía đông Ukraine. Vào ngày 19/7, Malaysia Airlines đã tự đưa ra lời bảo vệ cho mình trước các cáo buộc rằng, hãng phải chịu một phần trách nhiệm trong vụ tai nạn máy bay MH17 bởi các...