“Chi tiền thẩm mỹ chỉ là một trong nhiều cách chiều vợ!”
Chia sẻ của “chồng nhà người ta” chi tiền và hộ tống vợ từ Bắc vào Nam để ‘đập mặt’ thẩm mỹ lại toàn bộ.
Câu chuyện về chị Nguyễn Thái Hương- nữ Thạc sĩ được chồng chi tiền và đích thân đưa đi phẫu thuật thẩm mỹ toàn khuôn mặt đã sốt rần rần trong những ngày qua. Những biệt danh như ‘ông chồng của năm’, ‘chồng nhà người ta’,… ngay lập tức được đặt cho anh Trịnh Văn Cương- chồng chị Thái Hương.
Anh Cương (sinh năm 1984) bằng tuổi vợ, đã từng học tại Nga và hiện đang sở hữu hai công ty về Xuất nhập khẩu và Marketing online.
Cùng trò chuyện với ‘ông chồng của năm’ Trịnh Văn Cương!
- Chào anh Cương! Được biết khi chị Hương muốn đi thẩm mỹ và hỏi ý kiến anh thì anh đã đồng ý ngay tắp lự. Trong khi nhiều người đàn ông khác thì không. Điều gì thôi thúc anh ủng hộ chị đến vậy?
Tôi thì không cho rằng đó là điều gì to tát. Tôi chỉ đơn giản coi đó là một trong những việc tôi có thể làm để giúp vợ đạt được nguyện vọng của cô ấy. Tôi từng nói với vợ rằng cứ làm điều gì em thấy vui, miễn là việc đó không làm hại đến ai và trong khả năng của anh.
Trước đây tôi cũng có nhiều nguyện vọng mà không thực hiện được nên tôi rất hiểu cảm giác khi nguyện vọng không được đáp ứng. Vậy nên tôi chỉ nghĩ đơn giản đó gần như là điều hiển nhiên mà tôi nên làm.
- Tuy vậy thì không phải ai cũng có tư tưởng đó. Một là người ta nghĩ phẫu thuật thẩm mỹ không an toàn, không phải vẻ đẹp tự nhiên, sợ biến chứng, hoặc có nhiều ông chồng còn sợ… hàng giả. Anh nghĩ gì về điều này?
Đúng là như vậy. Mỗi người có một quan điểm và sở thích khác nhau. Nhiều phụ nữ muốn đi thẩm mỹ nhưng chồng lại không cho. Bởi vì hai cá thể có hai tư duy khác nhau thì sẽ dẫn đến hành động khác nhau.
Mọi người trên thế giới đều có quyền làm đẹp theo cách mà họ chọn. Có người thích quần áo, giày dép, người thì thích mỹ phẩm,… vợ tôi thì thích phẫu thuật thẩm mỹ. Tôi nghĩ rằng nhiều người đàn ông khác có thể mua cho vợ nhiều quần áo, giày dép, mỹ phẩm mà cô ấy thích cũng là chiều vợ. Chi tiền phẫu thuật chỉ là một trong nhiều cách chiều vợ mà thôi. Điều quan trọng không phải là mình bỏ ra bao nhiêu tiền cho vợ mà là mình dám dùng tiền mình kiếm được để thực hiện những nguyện vọng của cô ấy.
Video đang HOT
- Chứng kiến quá trình thay đổi diện mạo của vợ, anh có cảm giác gì?
Sau khi phẫu thuật, nhiều lần vợ hỏi tôi rằng “anh ơi em có xinh không”. Quả thật là tôi không nhìn vào diện mạo của cô ấy. Tôi vẫn thấy thế, bởi vì tính cách cô ấy vẫn thế con người và cuộc sống vẫn thế, không có gì thay đổi cả.
Cũng muốn khen vợ, phụ nữ mà, thích khen lắm, nhưng mà tính tôi hay thẳng và thật, chỉ trả lời là ‘cũng được’. Đối với tôi mà nói thì thấy vợ vui vẻ gần như là sở thích của tôi. Ngoài việc phẫu thuật này thì trong 7 năm hôn nhân qua, tôi đều cố gắng thực hiện những điều mà cô ấy muốn, trừ những thứ viển vông quá.
- Nhiều người cho rằng vợ đẹp là khá mạo hiểm, anh có sợ rủi ro sau khi vợ phẫu thuật thẩm mỹ, về phương diện tình cảm giữa hai người không?
Điều đó thì nói chung cũng khó nói. Vì không ai biết trước được điều gì. Tôi chỉ có thể cố gắng hết sức để làm cô ấy vui và hài lòng. Tôi tin là khi mình cố gắng thì những người tinh ý sẽ biết mà ghi nhận công sức của mình.
- Được biết anh chị yêu nhau 3 tháng là đi đến hôn nhân và 24 tuổi mới có mối tình đầu. Điều này hơi khó tin thì phải?
Vợ tôi nói rằng cô ấy trước đây là người khá là mô phạm, truyền thống, học trường Nhân Văn (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) mà. Còn tôi thì đi Nga, mà ở Nga thì lạnh lẽo và cô đơn, để mà tồn tại cũng khó, không có thời gian đi chơi và tiếp xúc với nhiều người Việt. Thời đó tôi chỉ biết kiếm tiền nên đến khi về nước mới gặp và yêu mối tình đầu.
Chúng tôi quen nhau từ tháng 4, sau đó đến tháng 5/2008 mới gặp lại nhau và chat bằng Yahoo. Thời đó thì còn cổ và không có các thứ như bây giờ. Sau đó thì mới đi chơi, rồi đến tháng 9 mới tỏ tình. Sau 3 tháng thì cưới, vào ngày 1/1/2009.
- Vậy cuộc sống của anh chị sau hôn nhân như thế nào?
Vợ tôi là dân Ngôn ngữ, viết văn nên tâm hồn khá là bay bổng, lãng mạn. Còn tôi trước có viết nhạc nhưng khá là… dở (cười), thành ra cả hai cùng có tố chất nghệ thuật một chút, tư tưởng cũng khá là hoài cổ chứ không hiện đại như các bạn 9X bây giờ. Thêm nữa là tôi khá hiền và dễ sai vặt, vì chiều vợ mà, nên chắc vợ mới thích và nhận lời lấy.
Chúng tôi sống theo đúng nghĩa là bạn đời, như đôi bạn ấy, có thể chia sẻ được mọi thứ. Ví dụ như hai vợ chồng nếu có thời gian có thể đi xem phim 2 lần/ tuần. Ở nhà thì cùng đọc báo, cùng xem hài, gì cũng có thể chia sẻ được.
Tôi không lý tưởng hoá hôn nhân. Hôn nhân là khó khăn, căng thẳng và vợ chồng tôi cũng tranh luận rất nhiều. Nhưng tôi nghĩ là cuộc sống thì cứ lấy vui trừ đi buồn, nếu không âm là chúng ta có lãi rồi đúng không.
- Nhiều người trẻ hiện nay có tư tưởng không thích lấy chồng, không sinh con,… anh nghĩ gì về điều này?
Tôi không hiểu là tại sao nhiều bạn nữ ngày nay lại không thích hôn nhân. Nhưng nhiều khi thì một người không thể làm được nhiều việc, có hai người sẽ đỡ được nhau.
Nếu hoàn cảnh bắt buộc phải một mình thì tôi không nói, nhưng nếu có cơ hội thì tôi nghĩ là phụ nữ nên tiến tới hôn nhân. Điều quan trọng là cũng phải chọn đúng người. Chồng mang lại cảm giác an toàn cho vợ, và vợ giúp chồng yên tâm làm việc. Bạn cứ suy nghĩ tích cực về nó thì nó sẽ là tốt đẹp.
Trong 7 năm kết hôn, công việc của vợ chồng tôi cũng không phải là tốt và thuận lợi hoàn toàn. Thời gian khởi nghiệp rất là khó khăn, cũng giống như nhiều người trẻ khác. Nhưng điều quan trọng là mình biết luôn có một người sát cánh cùng mình trong những lúc khó khăn như vậy, đó là động lực rất lớn trong cuộc sống.
- Từng sống ở nước ngoài, anh thấy đàn ông Việt và đàn ông nước ngoài khác nhau như thế nào?
Theo góc nhìn của tôi thì đàn ông nước ngoài khá ích kỷ. Điều này hình thành từ văn hoá cá thể của họ. Nước ngoài thì họ cá nhân hoá, đề cao bản thân hơn. Ví dụ như con sinh ra thì cho con ở phòng riêng, còn cuộc sống của tôi và vợ chồng tôi mới là quan trọng.
Đàn ông nước ngoài cũng rất chiều vợ và sẵn sàng làm nhiều điều cho vợ. Nhưng khi đến một giới hạn chịu đựng của họ thì họ sẵn sàng đi tìm một cuộc sống mới. Khi cái Tôi của họ cao hơn thì họ sẵn sàng ly hôn khi cảm thấy cuộc sống hôn nhân không còn thú vị hay đơn giản là không thể ở cùng nhau nữa.
Còn Việt Nam thì nhiều khi vẫn cố gắng chịu đựng thêm một chút để giữ được hôn nhân. Nói chung người Việt Nam đề cao tính dung hoà hơn.
- Anh chị dạy con theo phong cách Tây hay Việt?
Con tôi rất độc lập, từ bé đã ngủ riêng ở cũi. Cháu thì không bện hơi, không bám bố mẹ, tự trưởng thành, thậm chí ngày xưa còn dậy sớm và gọi mẹ dậy để bú sữa. Hiện tại cháu vẫn chơi, ăn, ngủ cùng bố mẹ. Tôi nghĩ quan trọng là sự độc lập hình thành trong tính cách.
Trong cách học thì vợ chồng mình may mắn là có cùng quan điểm, muốn cháu học ít nhất có thể. Tôi muốn cháu học thêm những thứ mà cháu thích như vẽ, học đàn,…
Việc học rất cần thiết. Có thể những kiến thức mình học không đem lại lợi ích trực tiếp nhưng nó giúp phát huy tư duy, trí tưởng tượng trong cuộc sống. Nhưng tôi muốn con tiếp xúc với việc học một cách thoải mái nhất có thể. Bố mẹ mà cứ bắt con học những thứ mà con không thích thì rất không hiệu quả.
Ở bên Nga, người nào có thể học và thích đi học thì đi học, còn không thì họ đi làm. Chứ không ai bắt ép họ phải làm những thứ mình không thích. Bởi vì đơn giản là nếu không có đam mê và hứng thú thì chúng ta khó có thể làm được việc gì thành công mỹ mãn.
- Xin cảm ơn anh! Chúc anh và gia đình nhiều sức khoẻ!
Văn Cương và Thái Hương đều có sở thích về văn chương, nghệ thuật, thường làm thơ và viết nhạc tặng nhau.
Thái Hương trước và sau khi phẫu thuật thẩm mỹ.
Con gái học lớp 1- Trịnh Vũ Phi của anh chị có nhiều nét đẹp của bố mẹ.
Theo Eva