Chỉ số rủi ro nhiễm Covid-19 ở doanh nghiệp là gì?
Hôm nay (14.4), Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (TP.HCM) cho công nhân được nghỉ đến hết ngày 15.4 để phòng chống dịch Covid-19. Điều này cho thấy, việc đánh giá chỉ số rủi ro Covid-19 là rất cấp thiết.
Giờ tan ca trước cổng Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam . Ảnh: Khả Hòa
Trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ Huỳnh Ngọc Thành, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết tuần qua HCDC đã lập 6 tổ công tác phối hợp với các Trung tâm y tế quận huyện, các đơn vị liên quan đã rà soát 960 xí nghiệp, nhà máy đánh giá rủi ro lây nhiễm Covid-19. HCDC tập trung vào các doanh nghiệp có quy mô từ 1.000 công nhân trở lên. Những công ty có lượng công nhân ít hơn sẽ do quận, huyện, phường, xã đánh giá.
Công nhân càng đông, rủi ro lây nhiễm càng cao
Kết quả đánh giá sơ bộ cho thấy có 3% doanh nghiệp rất ít rủi ro; 33% thấp; 60,8% trung bình; 3% cao và 0,2% rất cao. Theo HCDC, qua đánh giá cho thấy đa số công ty đều có triển khai các hoạt động phòng chống lây nhiễm Covid-19, như: có máy đo thân nhiệt, tuyên truyền về dịch bệnh… Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy doanh nghiệp có số lượng lao động càng cao sẽ làm mức độ rủi ro lây nhiễm càng cao.
Đặc biệt Công ty Pouyen Q.Bình Tân có khoảng 70.000 lao động có mức độ rủi ro lây nhiễm rất cao. Mặc dù đoàn giám sát đã đưa ra khuyến cáo nhiều lần, công ty cũng có những khắc phục, nhưng độ rủi ro vẫn không thể giảm được.
Công nhân Công ty Pouyuen Việt Nam đổ ra đường giờ tan ca . Ảnh: Khả Hòa
HCDC còn cho biết, những doanh nghiệp có số lao động trên 6.000 người có mức độ rủi ro lây nhiễm trung bình. Theo hướng dẫn, các doanh nghiệp này vẫn có thể hoạt động với điều kiện các chỉ số thành phần phải đạt từ điểm 7/10 trở lên. Tuy nhiên, nếu số lượng từ 6.000 trở lên, doanh nghiệp sẽ bị đánh giá là 10 điểm – rủi ro cao nhất. Vì vậy, những doanh nghiệp có 5.000 người trở lên rất khó hoạt động theo bộ tiêu chí đánh giá rủi ro. Mặt khác, vì số lượng lao động nhiều, nên các chỉ tiêu, như: kiểm tra nhiệt độ, khoảng cách công nhân ở nhà ăn, rất khó được khắc phục.
Video đang HOT
Muốn hoạt động, phải điều chỉnh
“Bộ chỉ số mang tính chất hướng dẫn, tham chiếu. Nếu đạt được chỉ số này mà không đạt chỉ số kia thì phải điều chỉnh; nếu không đạt thì không thì phải đóng cửa. Mục tiêu cuối cùng là không để dịch bệnh xảy ra bệnh”, bác sĩ Thành nói.
Vậy giải pháp cho các doanh nghiệp có rủi ro cao là gì? Theo bác sĩ Thành, doanh nghiệp phải sắp xếp lại nhà ăn cho công nhân; không được xếp bàn ngồi ăn đối diện mà phải xếp bàn để ngồi ăn cùng hướng, mỗi người một phần riêng biệt, thậm chí có vách ngăn càng tốt nhằm giảm rủi ro. Phải có bồn rửa tay cho công nhân chứ không phải chỉ có nước sát khuẩn và bố trí bồn rửa tay từ phân xưởng trong nhà máy đến nhà ăn nhằm tránh tập trung đông.
Với việc dùng máy đo nhiệt độ cầm tay để đo cho hàng ngàn người, theo bác sĩ Thành là “không xuể”. Doanh nghiệp phải trang bị máy đo thân nhiệt; tổ chức phân luồng công nhân theo đợt. Trong phân xưởng 1 dây chuyền có 7 người thì phải giảm một nửa, thay ca, làm lệch ca giảm mật độ công nhân trên 1 m2. Không làm ca đêm vì ban đêm khó kiểm soát… “Những doanh nghiệp có số lao động dưới 5.000 người nếu có các giải pháp khắc phục sẽ đảm bảo được mức độ rủi ro thấp, hoặc ít rủi ro”, đại diện HCDC nói.
Theo đại diện HCDC thì nơi này sẽ tiếp tục tập trung giám sát lại 61 doanh nghiệp có nhiều lao động, nhiều yếu tố nguy cơ lây nhiễm trong thời gian tới. Bên cạnh việc đánh giá theo bộ tiêu chí, HCDC sẽ xây dựng thêm các nội dung đánh giá chi tiết hơn để việc phòng chống lây nhiễm đạt hiệu quả cao. HCDC cũng tăng cường đôn đốc các quận huyện giám sát các doanh nghiệp có quy mô lao động dưới 200 người.
Quận, huyện cũng ráo riết hướng dẫn doanh nghiệp phòng chống Covid-19
Đại diện Trung tâm y tế H.Bình Chánh TP.HCM, cho biết trung tâm đã đi kiểm tra, đánh giá chỉ số rủi ro một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn có lực lượng công nhân đông; những nơi có số lượng công nhân ít thì do xã đánh giá. Hầu hết là đạt, với chỉ số dưới 30 điểm (tốt).
“Hiện trên địa bàn có doanh nghiệp được đánh giá trên 30 điểm, tuy nhiên, doanh nghiệp này yêu cầu công nhân tự trang bị khẩu trang. Như vậy là không được và bị đánh giá chỉ số rủi ro là 10 điểm. Quận yêu cầu doanh nghiệp phải trang bị khẩu trang đúng chuẩn cho công nhân thì mới đạt”, đại diện Trung tâm y tế H.Bình Chánh nói và cho biết thêm, với nơi có mặt bằng nhỏ hẹp thì yêu cầu sắp xếp cho công nhân phải chia ca ra làm; nhà ăn cũng phải chia ca ăn để tránh tập trung đông.
Còn theo đại diện Trung tâm y tế Q.Thủ Đức, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn quận quản lý mức độ rủi ro thấp; không có trường hợp nào bị vướng việc đưa đón vì công nhân không đông… “Chúng tôi hướng dẫn cho các công ty có công nhân đông, nếu có xe đưa đón, thì phải chia nhỏ ra thay vì đi 1 xe 50 người thì đi 25 người, đi 2 lần; ăn một nhóm 100 người thì chia ca ra ăn, mỗi lần 50 người. Không được làm ca đêm vì ban đêm không kiểm soát được hết các nguy cơ. Ngoài ra, quận cũng đã triển khai truyền thông, hướng dẫn phòng chống Covid-19 cho các doanh nghiệp trên địa bàn để họ làm đúng. Quận chưa phạt công ty nào không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19″, đại diện Trung tâm y tế Q.Thủ Đức nói.
Bộ tiêu chí đánh giá rủi ro lây nhiễm Covid-19 gồm những chỉ số nào?
Theo bác sĩ Huỳnh Ngọc Thành, Phó giám đốc HCDC, bộ tiêu chí đánh giá tính rủi ro lây nhiễm Covid-19 tại doanh nghiệp gồm 10 chỉ số thành phần: (1) số lượng công nhân làm việc tập trung của doanh nghiệp; (2) mật độ người lao động làm việc tại các phân xưởng bình quân trên 1 m2 mặt bằng phân xưởng có; (3) người lao động rửa tay, có xịt nước sát khuẩn trước khi vào và ra khỏi phân xưởng; (4) tỷ lệ công nhân đeo khẩu trang trong lúc làm việc; (5) tỷ lệ công nhân được đo nhiệt độ trước khi vào phân xưởng; (6) số người ăn cùng 1 lúc ở nhà ăn; (7) số công nhân đi làm bằng xe đưa rước; (8) số khu vực (địa điểm đón, trả) công nhân trước khi đi làm (mỗi khu vực cách nhau từ 3 km trở lên); (9) công ty phát khẩu trang cho công nhân mỗi ngày; (10) công ty có làm ca đêm (trừ các doanh nghiệp thiết yếu phục vụ phòng chống dịch Covid-19). Mỗi chỉ số thành phần là 10 điểm. Điểm càng cao thì yếu tố rủi ro càng cao.
Duy Tính
Công ty PouYuen cho công nhân ở xa tạm nghỉ tới ngày 3/5
Công nhân Công ty PouYuen Việt Nam được thông báo tạm nghỉ trong 2 ngày, với người ở gần. Còn người ở xa, công ty cho nghỉ đến ngày 3/5 để phòng, chống dịch.
Lãnh đạo TP.HCM đã ra quyết định tạm dừng hoạt động của Công ty PouYuen Việt Nam từ 0h ngày 14/4 đến hết ngày 15/4. Theo lãnh đạo thành phố, việc tạm dừng hoạt động của công ty là cần thiết để đảm bảo sức khỏe người lao động, giúp ích cho hoạt động sản xuất của công ty về sau trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Trước đó, theo kết quả thẩm định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, công ty chưa đảm bảo tốt các điều kiện về an toàn phòng dịch, thuộc nhóm dừng hoạt động.
Ghi nhận của Zing chiều 13/4, thực hiện chỉ đạo của thành phố, công ty đã thông báo đến người lao động thời gian nghỉ việc để thực hiện công tác phòng trách dịch theo quy định. Theo đó, người lao động ở xa đến công ty làm việc bằng xe khách được nghỉ đến ngày 3/5. Công nhân ở các khu trọ lân cận (dùng xe máy đi làm) tạm nghỉ việc trong 2 ngày (14 và 15/4) theo như chỉ đạo của thành phố. Riêng người lao động làm việc khối hành chính và văn phòng, chiều 13/4 vẫn chưa có thông báo.
Chị Yến, ngụ TP Tân An (Long An) được thông báo tạm nghỉ việc trong 2 ngày 14 và 15/4. Chị cho biết không quá bất ngờ, vì trước đó đã nghe một số cán bộ quản lý cho biết công ty sắp có thông báo tạm nghỉ việc ngắn hạn để thực hiện công tác đảm bảo phòng dịch. "Thời gian qua, công ty vẫn đảm bảo cho tôi và anh chị em công nhân thực hiện vệ sinh phòng dịch tại nơi làm việc, chúng tôi cũng không quá boăn khoăn khi đi làm. Giờ có thông báo nghỉ, chúng tôi ủng hộ. Dù sao an toàn vẫn là trên hết", chị Yến cho hay.
Công ty PouYuen Việt Nam được xem là công ty lớn nhất TP.HCM, số lượng công nhân lên đến hơn 62.000 lao động. Công ty bố trí 3 ca làm việc cho công nhân cả ngày lẫn đêm.
Tất cả công nhân ở xa (đến công ty làm việc bằng xe khách) đều được thông báo tạm nghỉ. Thời gian làm việc lại dự kiến từ ngày 3-5 tùy theo tình hình dịch bệnh và chuyển biến trong công tác phòng tránh dịch của cơ quan chức năng thành phố.
Anh Nguyễn Trung Kiên, công nhân gia công giày của công ty lên xe khách về Đức Hòa (Long An) chiều ngày 13/4. Kiên cho biết vì thời gian nghỉ việc khá dài (đến 3/5), nên bản thân sẽ tìm thêm một việc làm khác ở quê nhà để có thu nhập trang trải cuộc sống, mong muốn công ty sớm hoạt động trở lại.
Công ty có khoảng 800 xe khách 45 chỗ ngồi phục vụ đưa, đón người lao động ở xa đến làm việc. Cũng từ 0h ngày 14/4, các xe này tạm ngưng hoạt động.
Theo nhiều người, việc công ty thông báo tạm nghỉ việc nhiều bộ phận không khiến họ quá bất ngờ. Tuy nhiên, mọi người mong muốn sớm được trở lại làm việc để đảm bảo thu nhập.
Phạm Ngôn
Gần 63.000 công nhân Công ty Pouyuen Việt Nam vẫn đi làm bình thường Sáng 13/4, gần 63.000 công nhân của Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP.HCM) vẫn đi làm bình thường. Phía công ty cho biết, chưa nhận bất kỳ văn bản nào của UBND TP.HCM hay các cấp ngành về việc tạm dừng hoạt động. Đo thân nhiệt công nhân trước khi vào xưởng. Ảnh do công nhân cung cấp. Công...