Chỉ số PISA: Càng giỏi càng ít hạnh phúc?
Học sinh những nước đứng đầu trong bảng xếp hạng năng lực giáo dục PISA của OECD lại là những người ít có cảm giác hạnh phúc nhất.
Ngày 3/12, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã công bố chỉ số đánh giá giáo dục toàn cầu thuộc chương trình PISA nhằm tìm kiếm các chỉ số đánh giá hiệu quả và chất lượng của hệ thống giáo dục của mỗi nước tham gia, qua đó rút ra các bài học về chính sách đối với giáo dục phổ thông.
Kết quả khảo sát của OECD cho thấy các học sinh ở độ tuổi 15 tại Thượng Hải (Trung Quốc), Singapore và Hong Kong được xếp hạng cao nhất trong các môn toán, khả năng đọc và nghiên cứu khoa học. Việt Nam được xếp thứ 17, cao hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Anh.
Tuy nhiên, có một thực tế được các chuyên gia giáo dục trên thế giới chỉ ra là học sinh ở những nơi được đánh giá cao về chỉ số PISA lại thiếu đi một yếu tố vô cùng quan trọng, đó chính là chỉ số hạnh phúc.
Ở Thượng Hải, nơi được OECD đánh giá cao nhất, chỉ có 2/3 số học sinh có cảm giác mình thuộc về trường học, so với 81% ở Mỹ và mức trung bình 80% trên toàn cầu. Ngoài ra, chỉ có 77% học sinh Thượng Hải tin rằng các học sinh khác quý mến mình, trong khi chỉ số trung bình của OECD là 90%.
Ở Mỹ, có đến 88% số học sinh cho biết các em có thể kết bạn dễ dàng, và 86% học sinh nói rằng các em không cảm thấy xa lạ giữa các bạn học, mặc dù học sinh Mỹ chỉ được xếp thứ 36 về khả năng toán học trong số 65 quốc gia tham gia đánh giá, và các khả năng khác cũng chỉ tương đương mức trung bình của OECD.
Học sinh Hàn Quốc được xếp thứ 5 trong bảng đánh giá của OECD về toán học, thứ 7 về khoa học, thế nhưng lại xếp chót bảng về mức độ hạnh phúc ở trường học. Hệ thống giáo dục khắc nghiệt ở Hàn Quốc đòi hỏi học sinh phải học gần 20 giờ một ngày, khiến các em phải chịu áp lực triền miên.
Video đang HOT
Góc học tập của một học sinh ở Hàn Quốc
Theo các chuyên gia giáo dục, “nỗi ám ảnh giáo dục” của quốc gia này buộc cha mẹ phải chi tới 70% thu nhập của gia đình để đầu tư vào việc học cho con cái. Hậu quả của chính sách đầu tư quá nhiều vào việc học của con là những khoản nợ ngày càng chất chồng, và đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới tỉ lệ sinh đẻ thấp và tỉ lệ tự tử cao ở Hàn Quốc.
Những học sinh hạnh phúc nhất thế giới là ở Indonesia và Peru, hai nước nằm ở vị trí chót bảng trong bảng xếp hạng giáo dục PISA của OECD. Các chuyên gia giáo dục cho rằng việc OECD chỉ đánh giá năng lực của học sinh mà bỏ qua chỉ số hạnh phúc là một sai lầm.
Trong một bài viết trên tờ The Nation hồi năm ngoái, chuyên gia Susan Engel đặt ra câu hỏi: “Thay vì tính toán xem một học sinh có thể giải được bao nhiêu bài toán trong vòng 30 mút, tại sao chúng ta không đo đếm những thứ giá trị hơn, chẳng hạn như chỉ số hạnh phúc?”
Theo bà Engel, các trường học đang ép buộc học sinh “dành rất nhiều thời gian để tiếp thu thông tin và luyện tập kỹ năng thay vì tạo ra công việc”, và các nhà giáo dục cũng đang kéo dài thời gian học ở trường để “học sinh có thể giành nhiều thời gian vào việc học hơn.” Bà Engel cho rằng cách làm này có thể đem lại kết quả khả quan trong các bài kiểm tra nhưng lại không hề tốt chút nào cho học sinh.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những học sinh hạnh phúc và thỏa mãn hơn với cuộc sống là những người có khả năng ứng phó tốt hơn với các tình huống xã hội, một yếu tố cực kỳ quan trọng đảm bảo thành công trong cuộc sống và sự nghiệp sau này. Những học sinh hạnh phúc sẽ có thể học tốt hơn, đạt điểm cao hơn, có mối quan hệ tốt đẹp hơn với thầy cô, và thích tham gia vào các hoạt động trong lớp và ngoại khóa hơn.
Giáo sư David Hough, chuyên gia giáo dục tại Đại học Missouri, Mỹ đã gọi hạnh phúc là “yếu tố dễ bị bỏ qua nhất” trong tất cả các cuộc đánh giá. Bởi vậy ông cho rằng các nhà giáo dục thay vì quá chú trọng vào các chỉ số về năng lực của học sinh, hãy nên quan tâm nhiều hơn đến những yếu tố vô cùng quan trọng khác như mức độ hạnh phúc và hài lòng của các em.
Theo Quartz
Học sinh TQ giỏi nhất thế giới: Có gian lận?
Trung Quốc đã đánh đồng giữa kết quả khảo sát học sinh Thượng Hải với năng lực chung của học sinh trên toàn quốc.
Sau khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố chỉ số đánh giá giáo dục toàn cầu thuộc chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) về khả năng toán học, đọc và khoa học, nhiều người Mỹ đã lắc đầu ngán ngẩm khi thấy học sinh của mình ngày càng tụt hậu trên bảng xếp hạng và thua xa các học sinh các nước châu Á, đặc biệt là học sinh Thượng Hải đứng ở vị trí đầu tiên.
Người ta cũng đặt ra câu hỏi tại sao học sinh các nước Đông Á nói chung và Trung Quốc nói riêng lại có thể thống trị bảng xếp hạng như vậy, tuy nhiên có một sự thật đằng sau bảng xếp hạng này đã giúp cho học sinh Trung Quốc có thể đứng ở vị trí cao nhất.
Một học sinh Trung Quốc trong giờ chào cờ
Nếu để ý, ta sẽ thấy rằng 3 "quốc gia" được đánh giá cao nhất trong bảng xếp hạng của OECD là Thượng Hải, Singapore và Hong Kong. Đây là những thành phố lớn sầm uất trên thế giới với những trường học tốt nhất xếp theo bất cứ tiêu chí nào, nhưng liệu có công bằng không khi so sánh chúng với các quốc gia rộng lớn có trình độ phát triển kinh tế, xã hội không đồng đều giữa các vùng như Nga, Đức, Úc và Mỹ?
Nhiều người nhất trí rằng Singapore là một quốc gia độc lập, và Hong Kong là một khu đặc quyền kinh tế, thế nên việc hai cái tên này xuất hiện trong bảng xếp hạng của OECD là có thể chấp nhận được. Tuy nhiên vị trí số một của học sinh Thượng Hải lại là một dấu hỏi lớn, bởi Thượng Hải không thể đại diện cho toàn bộ đất nước Trung Quốc.
Hồi đầu năm, chuyên gia Tom Loveless thuộc Viện Brookings cho hay: "Trung Quốc đã có một thỏa thuận bất thường với OECD, tổ chức chịu trách nhiệm tiến hành PISA. Năm 2009, tất cả các tỉnh ở Trung Quốc đều tham gia kỳ đánh giá này, tuy nhiên chính phủ Trung Quốc chỉ cho phép công bố kết quả của Thượng Hải."
Thượng Hải là một trong những trung tâm tài chính toàn cầu, nơi có điều kiện kinh tế và xã hội rất phát triển, hoàn toàn khác hẳn với nhiều khu vực nông thôn Trung Quốc, nơi có tới 66% số học sinh của nước này.
Ông Loveless chỉ ra: "Khoảng 84% học sinh trung học ở Thượng Hải đỗ đại học, so với tỉ lệ 24% trên cả nước." Ngoài ra, ông Loveless cũng cho biết các bậc phụ huynh ở Thượng Hải đều sẵn sàng bỏ ra khoản tiền lớn để cho con đi học thêm, và số tiền này vượt quá mức lương của một công nhân bình thường kiếm được trong suốt một năm.
Chuyên gia giáo dục này nhận định: "Kết quả đánh giá học sinh ở Thượng Hải sẽ được dư luận Trung Quốc mặc nhiên coi như là kết quả của cả nước Trung Quốc. Tuy nhiên quan niệm này là rất sai lầm."
Bằng cách chỉ cho phép công bố kết quả khảo sát ở một trong những thành phố phát triển nhất, phải chăng Trung Quốc đã gian lận để giành được thứ hạng cao trong bảng xếp hạng năng lực học sinh của OECD?
Theo Slate
3 bé mầm non ăn phải chất thông cống trong lớp học Ngày 27/11, các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Phổ Yên - Thái Nguyên cho biết đang cấp cứu 3 cháu bé bị ngộ độc trong tình trạng lưỡi cay rát, miệng sưng vù vì ăn phải chất lạ trong lớp học. Danh tính của 3 cháu bé này là Nguyễn Đức Nghĩa, Trần Công Vinh, Hoàng Văn Huy hiện đang học...