Chỉ số giá lương thực toàn cầu giảm tháng thứ 12 liên tiếp
Chỉ số giá lương thực toàn cầu của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) đã giảm từ 129,7 điểm trong tháng 2 xuống 126,9 điểm trong tháng 3, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021, đồng thời ghi dấu tháng giảm thứ 12 liên tiếp.
Một quầy hàng bán lương thực tại chợ ở Sanaa, Yemen. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo FAO, tình trạng dư cung, nhu cầu nhập khẩu yếu và việc gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen là những yếu tố góp phần vào sự sụt giảm của chỉ số trên.
Bên cạnh đó, FAO nhận định đà giảm của chỉ số giá lương thực phản ánh mức giá thấp hơn đối với ngũ cốc, dầu thực vật và sản phẩm sữa, trong khi giá đường và thịt vẫn tăng.
Maximo Torero, nhà kinh tế trưởng của FAO, cho biết dù giá giảm ở cấp độ toàn cầu, song vẫn ở mức cao và tiếp tục tăng tại thị trường trong nước, qua đó đặt ra những thách thức bổ sung đối với an ninh lương thực. Tình hình đặc biệt trở nên nghiêm trọng hơn tại các nước đang phát triển phải nhập khẩu lương thực ròng, trong khi đồng nội tệ mất giá và gánh nặng nợ nần ngày càng chồng chất.
Trong tháng 3, chỉ số giá ngũ cốc của FAO giảm 5,6% so với tháng trước đó, với giá lúa mì giảm 7,1%, giá ngô giảm 4,6% và giá gạo giảm 3,2%. Trong khi đó, giá đường tăng 1,5% lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2016, do những lo ngại về sản lượng giảm tại Ấn Độ, Thái Lan và Trung Quốc. Cùng tháng, chỉ số giá thịt tăng 0,8%.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, FAO đã nâng ước tính sản lượng ngũ cốc thế giới trong năm 2022 lên 2,777 tỷ tấn, chỉ giảm 1,2% so với năm trước đó. Sản lượng gạo thế giới niên vụ 2022 – 2023 ước đạt 516 triệu tấn, giảm 1,6% so với vụ thu hoạch kỷ lục 2021 – 2022.
Nhu cầu tiêu thụ ngũ cốc thế giới trong giai đoạn 2022 – 2023 được ước tính ở mức 2,779 tỷ tấn, giảm 0,7% so với niên vụ 2021 – 2022, trong khi dự trữ ngũ cốc vào cuối niên vụ 2022 – 2023 dự kiến giảm 0,3% xuống 850 triệu tấn.
An ninh lương thực - vấn đề 'nóng' khi dân số thế giới chạm mốc 8 tỷ
Trong bối cảnh dân số thế giới đạt mốc 8 tỷ người trong năm 2022, nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu càng trở nên cấp thiết hơn.
Ngày 15/11/2022 trở thành cột mốc mới trong hành trình phát triển của xã hội loài người khi dân số thế giới chính thức đạt 8 tỷ người. Trong ảnh: Người dân chờ nhận thực phẩm cứu trợ tại trại tị nạn ở Chachro, tỉnh Sindh, Pakistan, ngày 19/9/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, các cuộc khủng hoảng địa chính trị và suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường lương thực thế giới dự kiến sẽ vẫn bất ổn trong năm 2023 và một số quốc gia có thu nhập thấp có thể vẫn bị mắc kẹt trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan vì thiếu lương thực.
Năm 2022 đã chứng kiến giá lương thực tăng nhanh và tình trạng thiếu nguồn cung lương thực trên toàn thế giới. Trong báo cáo của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) viết thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực với quy mô chưa từng có, lớn nhất trong lịch sử hiện đại.
Trong nghiên cứu chung với Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), WFP đã phát hiện có tới 828 triệu người phải đi ngủ trong tình trạng "rỗng bụng" mỗi đêm.
Cuộc khủng hoảng an ninh lương thực trầm trọng ở nhiều nơi trên thế giới là do sự kết hợp của các cuộc khủng hoảng địa chính trị và kinh tế, cũng như sự nóng lên toàn cầu. Bên cạnh đó, những yếu tố góp phần gây ra cuộc khủng hoảng năm 2022 vẫn còn nguyên.
Cả Nga và Ukraine đều là những nhà xuất khẩu ngũ cốc quan trọng và Nga cũng là nhà xuất khẩu phân bón lớn. Theo số liệu của WFP, Nga và Ukraine cùng nhau chiếm 30% xuất khẩu lúa mỳ toàn cầu.
Trong tháng 2/2022, giá lương thực quốc tế tăng vọt do cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực. Hồi tháng 3/2022, Chỉ số giá lương thực của FAO đạt mức cao nhất được ghi nhận kể từ năm 1990, ở mức 159,7 điểm.
Ông Eduard Zernin, người đứng đầu Liên minh các nhà xuất khẩu ngũ cốc của Nga, nói với hãng tin Interfax rằng phương Tây đã dựng lên "những rào cản vô hình" đối với xuất khẩu nông sản của Nga do liên quan tới tình hình tại Ukraine.
Nhiều đợt nắng nóng và hạn hán ở Bắc bán cầu trong năm 2022 cũng cản trở sản xuất lúa mỳ vụ Đông ở một số khu vực sản xuất chính và sản lượng ngô toàn cầu dự kiến cũng sẽ thấp hơn mức của năm trước. Do nguồn cung quốc tế hạn chế, giá lúa mỳ và ngô sẽ không ổn định vào năm 2023 và rất nhạy cảm với những thay đổi của điều kiện thời tiết và các chính sách liên quan.
Trong khi đó, một số nền kinh tế lớn hiện đang suy thoái hoặc tăng trưởng chậm lại đáng kể, và suy thoái kinh tế toàn cầu đặt ra những rủi ro đối với an ninh lương thực.
Mặc dù giá lương thực toàn cầu đã giảm gần đây, vấn đề cung ứng và an ninh lương thực vẫn chưa được giải quyết. Làm thế nào để loại bỏ mối đe dọa an ninh lương thực vẫn là thách thức chung của cộng đồng quốc tế trong năm 2023.
Trước mối đe dọa chung này, an ninh lương thực nổi lên như một mối quan tâm chính tại các hội nghị đa phương quốc tế lớn trong những năm gần đây.
Về cách làm thế nào thương mại quốc tế có thể giúp đạt được các hệ thống lương thực hiệu quả, toàn diện, linh hoạt và bền vững hơn, Dominique Fernand Burgeon, Giám đốc văn phòng liên lạc của FAO với Liên hợp quốc tại Geneva, cho biết để giảm thiểu sự gián đoạn đối với thương mại nông nghiệp toàn cầu, bước đầu tiên là cần cải thiện tính minh bạch của thị trường và thúc đẩy đối thoại chính sách.
Ông cho biết tại một hội nghị quốc tế về chính sách thương mại nông nghiệp vào tháng 11/2022, các nước nên xem xét những thiệt hại tiềm tàng đối với thị trường quốc tế do các biện pháp hạn chế thương mại gây ra, đồng thời thực hiện mạnh mẽ các biện pháp tạo thuận lợi thương mại và thực hiện hợp tác quốc tế.
Các chuyên gia cho biết để nuôi sống 8 tỷ người trên thế giới, cộng đồng quốc tế nên thúc đẩy thương mại tự do và giữ cho thương mại lương thực diễn ra suôn sẻ, đặc biệt tập trung vào việc giải quyết tình trạng gián đoạn trong chuỗi cung ứng lương thực do cuộc khủng hoảng tại Ukraine gây ra càng sớm càng tốt.
Các nước lớn cũng nên hợp tác về cách cung cấp hàng hóa chung toàn cầu, với sự dẫn đầu của Liên hợp quốc. Các chuyên gia cho biết thêm rằng nên được thiết lập một hệ thống cảnh báo sớm cho thị trường lương thực để dự đoán khu vực nào có thể đối mặt với khủng hoảng lương thực và đưa ra biện pháp phòng ngừa cho phù hợp.
Giá thực phẩm toàn cầu ở mức cao kỷ lục trong năm 2022 Mặc dù giá thực phẩm trên toàn thế giới đã giảm tháng thứ 9 liên tiếp vào tháng 12/2022, song tính chung cả năm, chỉ số gia lương thực toàn cầu vẫn ở mức cao kỷ lục. Giá thực phẩm tại một cửa hàng ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. THX/TTXVN Theo báo cáo của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) công...