Chi phí tăng cao hàng nghìn ha sản xuất vụ lúa Thu Đông ở Bạc Liêu bị bỏ hoang
Nếu như ở thời điểm này của năm trước, tại các vùng trồng lúa 3 vụ của tỉnh Bạc Liêu lúa đang xanh đồng, nông dân bắt đầu tỉa dặm, thì năm nay trên các cánh đồng chỉ là gốc rạ.
100% xã viên xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi thống nhất không gieo sạ vụ Thu Đông vì lo ngại thua lỗ. Ảnh: TTXVN phát
Lâu nay, sau khi thu hoạch xong vụ lúa Hè Thu, nông dân vùng sản xuất 3 vụ lúa/năm ở tỉnh Bạc Liêu bắt tay ngay vào cải tạo đất, xuống giống vụ lúa Thu Đông. Thế nhưng năm nay lại khác, đến thời điểm này, khi mà lịch gieo sạ kết thúc, nông dân chẳng màng ra đồng, cũng không theo dõi giá lúa lên xuống, bởi họ đã quyết định bỏ vụ. Chi phí sản xuất đang ở mức cao; lợi nhuận thu được thấp; sự bấp bênh do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết là những nguyên nhân khiến nhiều nông dân chấp nhận để ruộng trống, chờ niên vụ sau.
Nếu như ở thời điểm này của năm trước, tại các vùng trồng lúa 3 vụ của tỉnh Bạc Liêu lúa đang xanh đồng, nông dân bắt đầu tỉa dặm, thì năm nay trên các cánh đồng chỉ là gốc rạ.
Quyết định không xuống giống gần 1 ha vụ lúa Thu Đông, anh Trịnh Văn Tiệp, ấp Trung Hưng 3, xã Vĩnh Hưng A , huyện Vĩnh Lợi tính đi tính lại, sản xuất có quá nhiều rủi ro, không đảm bảo lợi nhuận nên quyết định bỏ vụ. Anh Tiệp chia sẻ, do chi phí đầu vào tăng mạnh, nhất là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cùng với đó là giá thuê máy cày, máy gặt cũng tăng cao nên sản xuất không có lãi.
Không chỉ riêng trường hợp của anh Tiệp, ông Trịnh Văn Ngang, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đông Tâm, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi cho biết, hợp tác xã có trên 210 ha, sản xuất 3 vụ lúa/năm. Tuy nhiên, do mới vừa sản xuất vụ lúa hè thu thua lỗ, đồng thời chi phí đầu tư sản xuất lúa đang ở mức cao nên 100% xã viên thống nhất không gieo sạ vụ thu đông này.
Xã Vĩnh Hưng A có gần 2.000 ha, là xã trọng điểm sản xuất lúa 3 vụ của huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Hàng năm ở vụ Thu Đông, nông dân đều xuống giống sản xuất hết diện tích, cuối vụ thu hoạch được lợi nhuận khấm khá, trang trải tiền để ăn tết đầm ấm. Tuy nhiên năm nay, toàn xã chỉ mới có gần 200 ha người nông dân xuống giống cầm chừng, gần 1.700 ha nông dân bỏ vụ hoặc chấp nhận xuống giống chậm 1 hoặc 2 tháng.
Ông Nguyễn Việt Thống, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi cho biết, tại địa phương nhiều loại vật tư nông nghiệp vẫn giữ ở mức rất cao và tiếp tục có xu hướng tăng. Các mặt hàng như phân U rê, NPK tổng hợp, đạm… đều tăng. Đơn cử như phân D.A.P là một trong những loại phân được sử dụng rất phổ biến trong sản xuất lúa. Hiện tại giá bán loại phân này lên đến 1,6 triệu đồng/bao, tăng 25% so với vụ hè thu; các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 30 – 50% so với trước.
Cũng theo ông Thống, các đại lý phân bón ở địa phương đang hết sức lo lắng vì bán nợ cho hơn 80% nông dân trong vụ Hè Thu, nhưng chỉ mới thu được khoảng 20% tiền mặt do nông dân không trả được nợ vì sản xuất thua lỗ. Như vậy, nếu nông dân tiếp tục bỏ vụ Thu Đông càng khiến cho khả năng thu hồi vốn thức ăn càng thấp.
Ông Tô Thanh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Lợi cho biết, qua thống kê chỉ có khoảng 2.500 ha đất sản xuất lúa 3 vụ được nông dân xuống giống vụ lúa Thu Đông. Còn lại 4.500 ha gần như đã bỏ vụ. Đây là lần đầu tiên từ hàng chục năm nay, nông dân vùng ngọt chuyên lúa của huyện Vĩnh Lợi bỏ vụ Thu Đông cao nhất.
Không riêng gì huyện Vĩnh Lợi, nhiều địa phương khác cũng đang diễn ra tình trạng tương tự. Ông Mã Thanh Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình cho biết, dù đã kết thúc lịch gieo sạ nhưng tính đến ngày 10/10, nông dân chỉ xuống giống được 2.500/8.500 ha sản xuất vụ lúa Thu Đông.
Ông Trần Văn Năm, ngụ xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình, một nông dân có hơn 30 năm làm ruộng đã rất tâm tư khi quyết định không xuống giống vụ Thu Đông. Ông Năm tính toán, với tình hình giá phân bón tăng gấp 2-3 lần so với trước thì sản xuất vụ lúa này chỉ thua lỗ, nợ nần thêm. Nhìn mảnh ruộng của mình trơ gốc rạ, ông xót xa: “Với nông dân, không trồng lúa là chuyện khó chịu, đau lòng. Nếu chỉ cần huề vốn, có lúa để ăn thì bà con cũng không bỏ. Đằng này…”, ông Năm buông lửng câu nói, lại thở dài nhìn về những cánh đồng xa xăm. Bỏ cây lúa đã nuôi sống mình bao đời, người nông dân ở tỉnh Bạc Liêu ai cũng có chung tâm trạng buồn, tiếc nuối. Và cái mong mỏi của họ là, Nhà nước làm sao để ổn định giá cả vật tư nông nghiệp, để nông dân có thể bám đồng, bám ruộng.
Nhiều diện tích ruộng ở tỉnh Bạc Liêu bị bỏ vụ vì nông dân càng làm càng lỗ. Ảnh: TTXVN phát
Video đang HOT
Qua thống kê, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu cho biết, diện tích gieo trồng lúa vụ Thu Đông giảm mạnh, kế hoạch xuống giống dự kiến 30.000 ha, nhưng thực hiện chỉ đạt chưa tới 50%. Bên cạnh nguyên nhân giá vật tư nông nghiệp tăng quá cao, còn do thời tiết năm nay bất ổn, sản xuất của nông dân không có lãi.
Trước tình trạng nông dân bỏ sản xuất vụ lúa Thu Đông, tỉnh Bạc Liêu đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp. Trước mắt là cơ cấu lại mùa vụ sản xuất nhằm giảm thiểu ảnh hưởng bất lợi của thời tiết. Đồng thời đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất lúa nhất là hệ thống đê bao khép kín gắn với Trạm bơm nhằm chủ động tưới tiêu trong sản xuất.
Đối với chi phí đầu vào gia tăng, để giúp nông dân giảm chi phí sản xuất trong điều kiện khó khăn, thời gian tới ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu sẽ đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, phối hợp với các địa phương tập huấn, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh hiệu quả.
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo nông dân thực hiện các mô hình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, quy trình sản xuất “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, áp dụng nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; bón phân cân đối, tăng cường sử dụng các loại chế phẩm vi sinh, phân hữu cơ kết hợp để giảm lượng phân bón hóa học trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành và nâng cao hiệu quả trong sản xuất. Ngoài ra cũng khuyến khích nông dân chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang hướng hữu cơ, tăng cường sử dụng phân bón từ các nguồn nguyên liệu sẵn có như phụ phẩm trồng trọt, chất thải chăn nuôi để vừa cải tạo đất, vừa giảm chi phí sản xuất nông nghiệp.
Bệnh viện 200 tỷ "đắp chiếu" ở Bạc Liêu: Xử lý thế nào?
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được xử lý dứt điểm, nên đến nay bệnh viện xây dựng 200 tỷ đồng ở Bạc Liêu chưa thể đưa vào hoạt động.
Chưa thể bàn giao
Liên quan đến việc bệnh viện 200 tỷ đồng ở Bạc Liêu xây xong đã hơn 1 năm qua, nhưng đến nay chưa thể đưa vào hoạt động, ông Trần Hoài Đảo, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu cho biết, đề án xây dựng Bệnh viện Lao và Bệnh phổi được ban hành vào năm 2010. Thế nhưng, từ năm 2010 đến năm 2016 được đầu tư kinh phí rất ít, chủ yếu chỉ xây dựng các công trình phụ.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đề nghị cho thanh tra, kiểm tra kỹ, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển sang Cơ quan CSĐT làm rõ, không bao che sai phạm.
"Sau khi xem xét lại, dự án đã vượt dự toán ban đầu. Do đó, Sở Y tế có đề xuất nâng mức dự toán lên vào năm 2016. Cùng thời điểm này, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi cũng có đề xuất thêm mua nhiều trang thiết bị hiện đại.
Sau đó, Dự án Mua sắm trang thiết bị Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Bạc Liêu cũng đã được phê duyệt và UBND tỉnh giao Sở Y tế làm chủ đầu tư", ông Đảo thông tin.
Cũng theo ông Đảo, dự án được ký hợp đồng vào cuối năm 2020, thời gian thực hiện là 180 ngày. Đến thời điểm này, đã vượt thời gian thực hiện dự án khá lâu, nhưng một số trang thiết bị chưa được giao. Phía bệnh viện cũng chưa chấp nhận và Sở Y tế đã có lập gia hạn hợp đồng.
Ông Đảo cho rằng, muốn bệnh viện hoạt động được phải đáp ứng 4 nguồn lực chính: cơ sở vật chất; nhân lực và bộ máy tổ chức; kinh phí hoạt động; trang thiết bị.
Ông Trần Hoài Đảo, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu thông tin về khó khăn, vướng mắc liên quan đến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Bạc Liêu.
Đến nay, cơ sở vật chất cơ bản đã ổn định, nhân lực tổ chức bộ máy đã đầy đủ, bệnh viện đã được UBND tỉnh cấp kinh phí hoạt động, cũng như kinh phí để trả lương.
Tuy nhiên, còn vướng mắc trong việc bàn giao trang thiết bị cho bệnh viện. Để giải quyết các khó khăn, UBND tỉnh đã có rất nhiều cuộc họp và đã có thành lập hai Tổ công tác để rà soát, đánh giá các điều kiện đưa bệnh viện vào hoạt động (có mời 3 cán bộ kỹ thuật, trang thiết bị của Bệnh viện Chợ Rẫy ở TP.HCM) hỗ trợ làm việc với nhà thầu và đơn vị sử dụng.
"Tuy nhiên, trong quá trình làm việc với bệnh viện vẫn còn nhiều khó khăn, đang xin ý kiến. Sở Y tế đã chủ động mời Bộ Y tế hỗ trợ tỉnh, Bộ Y tế đang xem xét cử một Tổ cán bộ vào hỗ trợ", ông Đảo nói.
Ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu thông tin thêm, vướng mắc lớn nhất chưa thể đưa Bệnh viện Lao và Bệnh phổi vào hoạt động là ở khâu trang thiết bị y tế.
Chuyển cơ quan CSĐT nếu phát hiện vi phạm pháp luật
Ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết thêm, về tổ chức bộ máy của bệnh viện cũng chưa đảm bảo, phải bố trí thêm cán bộ chuyên trách các khoa, vướng nhất là ở khâu trang thiết bị y tế.
"Quá trình vận hành một số trang thiết bị bị lỗi phải dừng lại đề nghị nhà thầu khắc phục, không đảm bảo cấu hình theo hợp đồng dẫn đến không thể bàn giao. Điển hình, xe cứu thương bàn giao không đúng thiết kế ban đầu, buộc nhà thầu phải khắc phục theo ký kết.
Tổ công tác đang xây dựng báo cáo cụ thể những vướng mắc, đề xuất để trình Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xem xét cho ý kiến. Mong muốn của Tổ công tác sớm đưa bệnh viện vào hoạt động để giảm tải cho Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu", ông Duy nói.
Tại buổi họp báo ngày 6/10 vừa qua, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng giao Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phan Thanh Duy phụ trách làm việc với chủ đầu tư, Sở Y tế rà soát.
"Vấn đề nào nghiệm thu được thì đưa vào hoạt động. Vấn đề nào không được phải dừng lại để báo cáo. Đồng thời, đề nghị cho thanh tra, kiểm tra kỹ. Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển sang cơ quan CSĐT làm cho rõ, không bao che sai phạm", ông Thiều chỉ đạo rõ.
Trước đó, lãnh đạo Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Bạc Liêu cho biết, đơn vị đã có báo cáo về tổng thể thực trạng bệnh viện chưa thể tiếp nhận bệnh nhân dù đã hoàn thành hơn 1 năm.
Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Bạc Liêu do Sở Y tế làm chủ đầu tư, có diện tích 13.000m2 (nằm trên địa bàn xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu), với kinh phí trên 200 tỷ đồng. Bệnh viện gồm 3 khu, quy mô 1 trệt, 2 lầu với 100 giường bệnh.
Bệnh viện có tổng cộng 143 cán bộ nhân viên, y, bác sĩ, điều dưỡng, nhưng 1 năm qua chỉ đi tập huấn, đi học, thực tập, thao tác bảo trì thiết bị y tế; có khoảng 50% nhân lực ngồi chơi lĩnh lương.
Dù chưa đưa vào hoạt động, nhưng qua kiểm tra có 3/8 máy giúp thở đã lắp đặt gặp sự cố, hư hỏng; hệ thống máy xét nghiệm trị giá hàng tỷ đồng thì không có hóa chất kín để đưa vào hoạt động.
3 xe cứu thương trị giá hơn 5 tỷ đồng, nhưng trang thiết bị theo xe lại không đúng theo hồ sơ ban đầu; hệ thống xử lý nước thải thì chưa được nghiệm thu, cấp phép hoạt động...
Sai phạm tại dự án KDC Nọc Nạng: Công an Bạc Liêu trưng cầu giám định thiệt hại Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết, khi nào có kết luận về mức thiệt hại, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh sẽ căn cứ theo quy định của pháp luật để khởi tố bị can. Liên quan sai phạm xảy ra tại Dự án Khu dân cư (KDC) Nọc Nạng (tỉnh Bạc Liêu), Đại tá Lê Việt Thắng, Giám đốc...