Chi phí tài chính ăn mòn lợi nhuận doanh nghiệp
Lý do chung của hầu hết các doanh nghiệp làm ăn sa sút quý III là lãi vay và giá vốn cao, tồn kho lớn. Có đơn vị phải trả chi phí tài chính nhiều gấp 5 lần lợi nhuận, hàng tồn chiếm 60-87% tổng tài sản.
Bi đát nhất có lẽ là các doanh nghiệp thủy sản đang rơi vào tình trạng chi phí tài chính và giá vốn cao đẩy lợi nhuận sụt giảm. Cụ thể, trong quý III năm nay, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long (ACL) có lợi nhuận sau thuế đạt 2,1 tỷ đồng, chỉ bằng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 32 tỷ đồng). Lãi bị sụt giảm nhưng chi phí tài chính lại gấp đôi lợi nhuận (lên đến 5,2 tỷ đồng), trong đó, chi phí đi vay mà doanh nghiệp phải trả là 5,1 tỷ đồng.
Tương tự, quý III Công ty cổ phần Nam Việt (ANV) có lợi nhuận sau thuế đạt 5,5 tỷ đồng, chưa bằng 25% quý III năm ngoái (22,3 tỷ đồng). Chi phí tài chính của công ty này lên đến 13 tỷ đồng, không chỉ tăng so với cùng kỳ mà còn cao hơn hai lần lợi nhuận.
Với Công ty cổ phần đường Ninh Hòa (NHS), lợi nhuận sau thuế trong quý III của doanh nghiệp chỉ đạt hơn 3 tỷ đồng, chưa bằng con số lẻ của cùng kỳ năm ngoái (hơn 54 tỷ đồng). Nguyên nhân của sự sa sút lợi nhuận này là do giá vốn quá cao, chiếm 86% doanh thu. Thêm vào đó, chi phí tài chính của đơn vị này cũng tăng so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn gấp 5 lần so với lợi nhuận.
Nhiều doanh nghiệp thủy sản chịu cảnh chi phí tài chính và giá vốn cao đẩy lợi nhuận sụt giảm. Ảnh: VASEP
Video đang HOT
Cũng chìm trong vòng xoáy này, không chỉ bị chi phí tài chính ăn mòn lợi nhuận, các doanh nghiệp bất động sản còn trầy trật với hàng tồn kho. Theo báo cáo tài chính quý III của các doanh nghiệp niêm yết, danh sách doanh nghiệp địa ốc bị lỗ khá dài: Công ty địa ốc Khang An (KAC), Quốc Cường Gia Lai (QCG), Vạn Phát Hưng (VPH), Đầu tư Bất động sản Việt Nam (VNI)…
Khó khăn càng chồng chất khi nhiều đơn vị có lượng hàng tồn kỷ lục chiếm 60-87% tài sản doanh nghiệp. Cụ thể, Quốc Cường Gia Lai tồn kho hơn 3.500 tỷ đồng, Vạn Phát Hưng đọng hơn 1.300 tỷ đồng, còn Phát Đạt lên đến hơn 4.400 tỷ đồng. Theo các chuyên gia, nguồn vốn và chi phí tài chính tích tụ rất lớn trong hàng tồn kho. Nếu không giải phóng được thế bế tắc này, sức khỏe của doanh nghiệp cũng sẽ bị đe dọa.
Tổng giám đốc Công ty bất động sản Phúc Đức, Lâm Văn Chúc than: “Tôi có nhiều dự án bị lỗ vì lãi suất ăn mòn vào vốn gốc trong 4 năm qua. Nếu tình hình này kéo dài thì 10 năm nữa kinh tế cũng không phục hồi nổi”.
Trong thời kỳ lãi suất tăng nóng, ông có hợp đồng vay lên đến 25,4% một năm. Dù đã hạ nhiệt được phần nào nhưng mức lãi vay 15% một năm như hiện nay vẫn còn quá cao, không phù hợp cho đầu tư kinh doanh hay sản xuất.
Chi phí tài chính của doanh nghiệp bất động sản còn kẹt trong các dự án dở dang (hàng tồn) cũng không nhỏ. Ảnh: Đ.C
Trưởng khoa Tài chính ngân hàng Đại học Mở TP HCM, Nguyễn Văn Thuận phân tích: “ Chi phí tài chính đang khiến doanh nghiệp thêm ngột ngạt giữa vô vàn khó khăn, trong đó lãi vay được xem là nặng nhất. Về lý thuyết, lãi vay đang hạ nhưng thực tế lại không thấp chút nào“.
Theo ông Thuận, gần đây lãi vay tuy có giảm đôi chút đối với những khoản nợ mới, nợ cũ cũng được điều chỉnh nhưng không nhiều. Do đó chi phí tài chính, đặc biệt là lãi vay vẫn gây áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp.
Trưởng khoa Tài chính ngân hàng Đại học Mở TP HCM nhận định, Chính phủ đang bàn giảm lãi suất, áp dụng trần lãi suất cho vay là bước đầu hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giảm chi phí vốn. Tuy nhiên, bên cạnh việc áp trần lãi suất cho vay, doanh nghiệp còn phải chịu phí phát sinh nên lãi suất thực tế vẫn cao. “Một vấn đề khác thậm chí còn nan giải hơn là chi phí tài chính đang kẹt trong núi hàng tồn kho là những con số khủng”, ông nói.
Hỗ trợ lãi suất, theo ông Thuận, chỉ có thể gỡ được một phần nhỏ khó khăn. Điều quan trọng trong thời điểm này là phải làm sao tăng sức tiêu thụ trở lại để doanh nghiệp xử lý hàng tồn kho và phục hồi sản xuất. Nếu sức tiêu thụ tốt thì dù bị lỗ doanh nghiệp cũng có được dòng tiền, từ nguồn thu này có thể khấu hao và cân đối lại tài chính, tạo điều kiện cho quá trình phục hồi.
Ông Thuận dự báo, khả năng kéo lãi vay xuống 12% trong lúc này là không tưởng. Mức hợp lý có thể là ngưỡng 14-15% nhưng cộng thêm chi phí sẽ cao hơn mức này một chút. “Nghẽn ở hàng tồn kho lại là tử huyệt khiến cho doanh nghiệp mệt mỏi nhất. Lãi suất chủ yếu bị chôn trong lượng hàng này, nếu doanh nghiệp không thể tìm được đầu ra, hậu quả sẽ rất nặng nề”, ông cho hay.
Theo VNE
Lỗ mà lương cao có công bằng không?
Ảnh: Ngọc Thắng
Về lương lãnh đạo ngành xăng dầu cao, tôi không hài lòng với trả lời của Bộ trưởng Công thương.
Tôi biết có một văn bản của một đồng chí Phó tổng giám đốc Petrolimex lý giải lương cao là do làm trong ngành độc hại, do làm việc với tư cách chuyên gia, vậy thử hỏi sĩ quan quân đội, giáo viên, bác sĩ có phải chuyên gia không mà người ta lên vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo để công tác, để cống hiến thì lương không bằng 20% lương tổng giám đốc ngành xăng dầu, chưa kể năm 2010 lương cao nhất còn hơn 70 triệu đồng, như thế có công bằng không, công bằng ở chỗ nào? Chính anh là người của nhà nước, anh phải gương mẫu, anh được hưởng thành quả anh mang lại, ví dụ tôi định mức anh chừng đó thì anh được hưởng mức lương đó, lãi thì nhà nước quyết định thêm anh được hưởng tỷ lệ tương ứng là bao nhiêu, cái đó là phù hợp, còn đây thì anh cào bằng trong khi kinh doanh thua lỗ. ( Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của QH Ngô Văn Minh)
Theo TNO
Việc cấp bách Ngày 22.10, phát biểu khai mạc kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lo ngại kinh tế trì trệ làm cho đời sống người lao động (NLĐ) khó khăn. Nhiều đại biểu sốt ruột vì chưa thấy Chính phủ đề ra biện pháp hữu hiệu để vực dậy nền kinh tế và không đồng tình việc ngừng tăng lương...