Chi phí sở hữu xe điện ở châu Âu rẻ hơn xe chạy xăng
Giá nhiên liệu tăng vọt trong năm nay và chi phí sạc pin rẻ hơn đã giúp chi phí sở hữu và vận hành xe điện hiện giảm về thấp hơn so với xe chạy xăng hoặc dầu diesel ở hầu hết các quốc gia châu Âu, theo dữ liệu từ nhà cung cấp dịch vụ cho thuê ô tô LeasePlan (Hà Lan).
Chi phí sở hữu xe điện đang thấp hơn so với xe chạy xăng và dầu diesel ở hầu hết các nước châu Âu khi giá nhiên liệu tăng vọt trong khi chi phí sạc pin đang ngày càng rẻ hơn. Ảnh: 91mobiles.com
Giá bán xe điện ở châu Âu vẫn đắt hơn so với các mẫu xe động cơ truyền thống nhưng có chi phí vận hành thấp hơn nhờ ít phải bảo trì hơn và sử dụng năng lượng rẻ hơn.
Ngành công nghiệp ô tô xem thời điểm xe điện trở nên rẻ như các mẫu xe chạy xăng khi tính đến sở hữu, vận hành và bảo dưỡng, hay còn gọi là “tổng chi phí sở hữu”, là cột mốc quan trọng có thể kích hoạt sự chuyển đổi rộng rãi sang các phương tiện chạy bằng pin.
LeasePlan, công ty có 1,9 triệu xe đang cho các doanh nghiệp thuê đã so sánh chi phí vận hành và giá cho thuê các xe của mình theo phân khúc ở 22 nước châu Âu. Báo cáo của LeasePlan cho biết, xe điện ở hầu hết mọi phân khúc và các nước châu Âu giờ đây có tổng chi phí sở hữu ngang bằng hoặc rẻ hơn so với xe chạy bằng xăng hoặc dầu diesel.
Theo đó, chi phí của một chiếc xe gia đình tiêu chuẩn, chẳng hạn như Ford Kuga hoặc koda Enyaq chạy điện đang ở mức ngang bằng hoặc thấp hơn so với xe chạy xăng cùng phân khúc ở 19 trong số 22 nước châu Âu, bao gồm Anh, Pháp, Đức và Hà Lan. Riêng ở Ba Lan, Ý và Cộng hòa Czech, xe điện vẫn còn đắt hơn đáng kể.
Video đang HOT
Trong số những mẫu xe nhỏ hơn, chẳng hạn như Renault Megane hoặc Kia Nero, chi phí mua và vận hành ở Anh là 919 euro/tháng đối với xe điện, 941 euro /tháng đối với xe động cơ diesel và 954 euro / tháng đối với xe chạy xăng.
Những chiếc xe tương tự ở Pháp có chi phí mua và vận hành là 735 euro/tháng đối với xe điện, so với 904 euro/tháng và 868 euro/tháng đối với xe chạy diesel và xăng tương ứng.
Trong khi chi phí tiếp nhiên liệu xăng và dầu diesel vẫn tương tự nhau ở hầu hết các nước châu Âu, chi phí sạc lại pin xe điện lại rất khác nhau. Thông thường, sạc tại nhà qua đêm trong vài giờ là một giải pháp thay thế rẻ hơn so với việc sử dụng trạm sạc nhanh công cộng, vốn tính phí cao hơn.
Đối với các tính toán chi phí sạc xe điện, LeasePlan căn cứ vào thói quen sạc hiện tại của khách hàng sử dụng xe điện của công ty này, với 65% sạc tại nhà, 20% tại nơi làm việc và 15% tại trạm sạc công cộng.
LeasePlan phát hiện, chi phí sạc chiếm tới 15% chi phí sở hữu và vận hành một chiếc xe điện trong khi chi phí tiếp nhiên liệu cho xe động cơ diesel là chiếm 28% tổng chi phí sở hữu. “Bất chấp lạm phát giá năng lượng, chi phí nhiên liệu đối với xe điện vẫn thấp hơn đáng kể so với xe chạy xăng và dầu diesel”, theo báo cáo của LeasePlan.
Tuy nhiên, giá pin lithium-ion, loại pin sử dụng phổ biến ở xe điện đang tăng trở lại sau một thời gian dài giảm liên tục. Điều này có thể là rào cản cho nỗ lực phổ cập các mẫu xe điện với giá cả phải chăng.
Giá cả các kim loại pin bao gồm lithium, cobalt và nickel tăng vọt và chi phí cao hơn của các linh kiện khác đã đẩy giá pin lithium-ion lên tới 151 đô la Mỹ/kWh trong năm nay, tăng 7% so với một năm trước. Đây là mức tăng đầu tiên kể từ khi Công ty tài chính năng lượng mới Bloomberg (BloombergNEF) bắt đầu thực hiện cuộc khảo sát giá pin lithium-ion hàng năm vào năm 2010.
Trong một diễn biến khác, các nhà sản xuất ô tô vừa cảnh báo giá của nhiều loại xe điện được sản xuất hoặc bán ở Anh và châu Âu có thể tăng 10% hoặc hơn từ năm 2024 sau khi Brussels cho biết là sẽ không gia hạn miễn thuế, điều đã nhất trí trong thỏa thuận thương mại Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu – EU).
Hiệp định hợp tác và thương mại Anh-EU (TCA) tạm thời miễn trừ xe điện khỏi các quy tắc quy định rằng xe phải được sản xuất chủ yếu ở Anh hoặc ở EU để đủ điều kiện hưởng chế độ hạn ngạch, thuế quan bằng 0 của EU, vì hiện tại, một tỷ lệ lớn pin xe điện ở châu Âu được nhập khẩu từ châu Á. Thời hạn cuối được miễn trừ là ngày 31-12-2023.
Các tổ chức thương mại đại diện cho các hãng xe ở Anh và EU đang yêu cầu gia hạn miễn trừ quy tắc xuất xứ này vì không có đủ pin và các nguyên liệu cho pin được sản xuất ở châu Âu. Nếu London và Brussels không đồng ý thay đổi, nhiều mẫu xe điện xuất khẩu qua lại giữa Anh và các nước châu Âu sẽ chịu mức thuế 10%, làm tăng giá bán xe điện đến người tiêu dùng.
BMW đầu tư thêm 1 tỷ USD để sản xuất pin cho xe điện
Khoản đầu tư này sẽ được sử dụng để xây dựng một cơ sở lắp ráp pin điện áp cao cho những mẫu xe với nền tảng Neue Klasse hoàn toàn mới.
BMW vừa thông báo hãng sẽ đầu tư thêm 1,04 tỷ USD vào khu phức hợp iFactory ở Hungary để xây dựng một cơ sở lắp ráp pin điện áp cao cho những mẫu xe sử dụng nền tảng Neue Klasse hoàn toàn mới.
Cơ sở này sẽ được đặt tại TP Debrecen, Hungary, trong khuôn viên của khu phức hợp iFactory, vốn đã được khởi công vào tháng 6 năm nay và dự kiến hoàn thành vào năm 2025. BMW cho biết với động thái mới này, hãng sẽ đầu tư tổng cộng 2,08 tỷ USD vào khu phức hợp nói trên.
"Tại Debrecen, chúng tôi đang xây dựng nhà máy tiên tiến nhất thế giới. Với iFactory, BMW đang thiết lập các tiêu chuẩn công nghiệp mới cho việc sản xuất xe. Các khoản đầu tư của chúng tôi cũng nhấn mạnh cách tiếp cận có hệ thống của BMW đến ngành công nghiệp ôtô", Milan Nedeljkovi, Giám đốc Sản xuất của BMW cho biết.
BMW sẽ cần thêm 500 nhân công để vận hành cơ sở lắp ráp pin mới. Các chiếc xe rời khu phức hợp ở Hungary sẽ được trang bị bộ pin thế hệ tiếp theo của BMW.
BMW tuyên bố rằng loại pin này sẽ cho phép xe của hãng đi xa hơn 30% trong một lần sạc và tăng tốc độ sạc lên 30%. Các chi tiết trong bộ pin này sẽ được lắp ráp gọn gàng trong một khung kim loại và được tích hợp ở dưới gầm của những mẫu xe sử dụng nền tảng Neue Klasse hoàn toàn mới.
Nhờ cơ sở này, các bộ pin cho tất cả những chiếc rời khỏi khu phức hợp nói trên sẽ được lắp ráp tại chỗ. Theo Markus Fallbhmer, Phó Chủ tịch Cấp cao Phụ trách Sản xuất pin của BMW, đây là một yếu tố quan trọng giúp iFactory hoạt động hiệu quả.
"BMW iFactory đảm bảo thời gian ngắn trong việc sản xuất xe. Mối liên kết chặt chẽ giữa lắp ráp pin và sản xuất xe là một phần trong chiến lược của chúng tôi", ông cho biết.
Ngoài ra, BMW cho biết họ sẽ sử dụng càng nhiều vật liệu tái chế càng tốt để tạo nên loại pin mới. Cuối cùng, hãng xe xứ Bavaria hy vọng sẽ giảm 60% lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất pin. Ngoài ra, BMW cũng đã tiết lộ hai xe đầu tiên sử dụng nền tảng Neue Klasse hoàn toàn mới sẽ là một mẫu sedan nhỏ gọn và một mẫu SUV thể thao.
Công nghệ pin xe điện sạc đầy 80% trong 72 giây Một công nghệ pin mới do công ty Thụy Sĩ Morand phát triển có thể sạc cho xe điện trong thời gian ngắn hơn cả thời gian đổ xăng cho dòng xe động cơ đốt trong. Công nghệ mới tên eTechnology là hệ thống hybrid - dùng cả pin truyền thống lẫn pin siêu tụ điện. Trong quá trình thử nghiệm, nguyên mẫu...