Chị phạt em đội gạch lên đầu vì lười học
Bức ảnh một cậu bé lười học bị phạt đội 10 viên gạch lên đầu đang gây tranh cãi trên mạng xã hội. Nhiều người cảm thấy hài hước vì hình phạt… không giống ai, xong không ít người cho rằng cách làm như vậy là phản giáo dục.
Mới đây, trên các diễn đàn làm cha mẹ có đăng tải hình ảnh một cậu bé khoảng 13 – 14 tuổi bị phạt qùy gối, trên đầu đội một chiếc mâm có xếp 10 viên gạch.
Người đăng tải bức ảnh tự xưng là chị gái của cậu bé chia sẻ: “Ăn với học cũng không ra hồn. Về nhìn bảng điểm tức điên máu, lâu nay không đánh lờn mặt, bữa ni cho đội 10 viên gạch 3 tiếng cho biết mùi. Thi cử tới nơi không lo học mà lo chơi, mấy cũng ỉ lại có chị rồi cần chi lo, có hắn lo hết rồi chứ chi,…”
Bức ảnh hình phạt của người chị dành cho em trai đang gây tranh cãi (nguồn IT)
Video đang HOT
Bức ảnh ngay sau đó được chia sẻ lại chóng mặt trên các diễn đàn và nhận được nhiều lượt bình luận trái chiều. Bạn đọc Trần Phương (Hà Nội) chia sẻ, anh đã phải nín cười khi nhìn hình ảnh cậu bé đội gạch vì lười học. “Chưa từng thấy hình phạt kiểu này bao giờ, quá sáng tạo. Bà chị này cũng “rắn” ra trò” – anh Phương viết.
Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng, cách phạt như vậy là phản khoa học. Bạn đọc Nguyễn Hòa (Hải Phòng) viết: “10 viên gạch phải có sức nặng chừng 5 – 6 kg là ít, đối với lứa tuổi cậu bé này đội trên đầu 3 tiếng là quá sức. Điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe đặc biệt là phần cổ và đầu của em này”.
Trong khi đó, bạn đọc Phạm Thị Nguyệt (Tp Hồ Chí Minh) gay gắt chỉ trích: “Có nhiều cách để giáo dục em, cũng có rất nhiều hình phạt sao lại dùng cách làm này. Nhất là việc chụp ảnh rồi đăng tảt lên facebook cho cả làng biết. Rồi sau đó em này sẽ đến trường, đối diện với bạn bè, thầy cô ra sao. Chị em có thể chỉ bảo nhau ở nhà là được rồi”.
Được biết, người đăng tải bức ảnh (chị gái cậu bé) tên H.T.N.T – trú tại quận Ngũ Hành Sơn (Tp Đà Nẵng). Sau khi nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, chị này đã xóa bức ảnh trên trang cá nhân của mình.
Chia sẻ với báo chí, chị T cho biết, em trai đã là học sinh lớp 9, năm sau đã phải thi chuyển cấp nhưng học hành rất chểnh mảng, lại nghiện gameonline, bố mẹ nói không được. Ngày thường, tức giận em quá nhưng chỉ quát chứ chưa đánh em bao giờ. Tuy nhiên, hôm đó vì tức giận quá, nói mà em lì lợm nên đã phạt em.
Cũng theo chị T, nói là phạt 3 tiếng nhưng thực ra cũng chỉ để em đội gạch lên đầu chừng nửa tiếng. Hình phạt chỉ là một cách để giáo dục mong em hiểu ra chứ không có chủ định hành hạ hay ngược đãi gì em.
Theo Danviet
Tôi bế tắc khi em trai quá nghiện game online
Em chơi game, dùng tiền ăn để chơi, nói dối xin tiền học để chơi game, tôi không biết em đã dùng bao nhiêu thời gian và bao nhiêu tiền để nướng vào game.
Ảnh minh họa
Tôi 30 tuổi, có em trai 17 tuổi, chúng tôi bị cha bỏ rơi khi cha mẹ ly hôn (hồi đó em mới hai tuổi, tôi nuôi em từ đó). Tôi rất thương em, lo cho nó với tình thương của một người mẹ dành cho con. Trải qua tuổi thơ khó khăn và cơ cực, trong lòng lại luôn bị tổn thương bởi thiếu tình yêu của cha mẹ, tôi luôn cố gắng vươn lên vì hiểu nếu mình sa ngã thì cuộc đời sẽ vào ngõ cụt, không ai thương xót mình. Tôi làm đủ công việc cực nhọc và đã tự mình hoàn thành được chương trình cấp ba, rồi tốt nghiệp đại học. Quãng thời gian đó tôi vẫn nuôi em ăn học, tâm sự, khuyên răn và dạy dỗ em. Nay tôi đã có chồng và một con trai , em sống cùng và tôi lo lắng cho em như đối với con mình vậy.
Em trai tôi nghiện game online, nó bắt đầu trốn học đi chơi theo lời rủ rê của bạn từ năm lớp 3. Ngày đó tôi cũng còn nhỏ, vất vả mưu sinh, kiếm cơm ba bữa đã khó lại phải nuôi em rồi còn đi học, mẹ không quan tâm đến con. Tôi vừa cố gắng nhẹ nhàng, quan tâm đến em hơn, vừa dùng biện pháp mạnh có cả đòn roi. Em thu mình lại, không giao tiếp với ai cả, bắt đầu nói dối, học hành sa sút, ăn trộm tiền, lúc đầu là tiền lẻ, rồi tiền chục, tiền trăm. Năm em lên cấp hai, số tiền ăn cắp đã lên đến tiền triệu và thành tích học tập tệ hại, bỏ học đi chơi game. Chúng tôi đã dùng mọi biện pháp có thể và năm lớp 9 em hứa không chơi nữa.
Tôi mang em lên Sài Gòn học tiếp khi em tốt nghiệp cấp hai, tôi cho em học trường nghề, vì với năng lực của em như thế là phù hợp. Tôi cũng muốn đưa em xa môi trường sống cũ, giúp em thoát khỏi game online. Tôi cố gắng gần gũi để em tâm sự và cũng nghiêm khắc như một người cha. Năm đầu tiên em khá ngoan ngoãn, học tập cũng tốt, em bảo sẽ cố gắng học để sau này có một tương lai tốt giống như chị. Thế nhưng tôi nhận thấy em rất ít nói, sợ đám đông, không bạn bè, luôn thu mình lại. Em đi học về là lên phòng nằm, không trò chuyện, tôi đã dùng mọi cách để kéo em thay đổi nhưng không được. Em bắt đầu nói dối vào năm thứ 2 một cách tài tình hơn khiến tôi không nghi ngờ. Em chơi game, dùng tiền ăn chơi game, nói dối xin tiền học để chơi game, tôi không biết em đã dùng bao nhiêu thời gian và bao nhiêu tiền để nướng vào game. Đến hôm nay tôi thật sự thất vọng, tổn thương và mất hết lòng tin vào em.
Em nói dối tôi đi học, xin tiền đóng học đầu năm và cày game từ sáng đến tối, về còn xin tôi đi đá bóng với bạn nhưng thực chất lại tiếp tục cày game. Em diễn kịch trước mặt tôi giống như một đứa học sinh chăm chỉ, tôi biết được hỏi em, em vẫn nói dối tới cùng. Tôi đưa ra bằng chứng thì em mới nhận. Gần một tháng như thế, em chìm đắm vào game, trả lời tôi mà mắt vô hồn, không chút sợ sệt và áy náy. Em đã lớn, không phải lớn về suy nghĩ và lớn về sự gian xảo, lừa lọc, không có bản lĩnh để thoát ra game online và thấy chơi game không có hại. Tôi giận và đuổi em đi, em đã đi được ba ngày, không gọi điện cho mẹ và cũng không liên lạc với ai, có lẽ bây giờ em đang sung sướng trong các tiệm game online mà không sợ bị ai phát hiện nữa.
Tôi đã hy vọng nhiều vào em, rằng khi lớn em sẽ biết suy nghĩ, biết thương sự vất vả của chị để bỏ được game, biết lo cho tương lai và chú tâm học hành. Tôi tha thứ cho em nhiều lần, yêu thương em nhiều như chính đứa con của mình nhưng đến hôm nay tôi thật sự bất lực, không thể thay thế một người cha, vì nếu có cha nó sẽ sợ, có thể nó sẽ nghe theo. Tôi không thể thay thế một người mẹ, vì không sinh ra nó, nhưng mẹ lại không quan tâm gì. Tương lai, cuộc đời của em còn chưa bắt đầu, nhưng em nghiện game như thế làm sao để thoát ra? Tôi cũng không biết phải làm gì bây giờ, tìm em về thì em sẽ lại như vậy, mất hết đạo đức, lừa lọc, gian xảo. Để mặc em như thế thì tương lai đen tối và trở thành gánh nặng cho xã hội.
Quý độc giả ai có kinh nghiệm xin hãy cho tôi lời khuyên, hướng giải quyết, tôi xin cảm ơn chân thành.
Theo VNE