Chỉ nhớ thôi, mỗi khi mùa thi tới
Người đàn ông ấy, nhóm phụ huynh ấy, buổi karaoke, không gian triển lãm tranh năm ấy như thời khắc khác lạ vụt qua cuộc đời chị. Nhưng dù chị hay nhớ, thì cũng chỉ là nhớ thôi, chẳng gì hơn…
Chị hay nhớ. Tự nhiên mà nhớ… Đang chuẩn bị tỉa hạt, chị tính toán gieo chừng này thì ước chừng thu hoạch được ngần này, nếu trời thương, ờ, tính toán cho tương lai luôn kèm thêm điều kiện trời có thương không. Trời thương thì sẽ gom góp được chục triệu đồng cho con Hiền mua cái máy tính.
Nhớ con Hiền và nhớ cú điện thoại xin tiền mua máy tính thì đồng thời hình ảnh người đàn ông đó hiện ra. Tay chị vẫn tiếp tục cuốc xới mà cái đầu thì lãng đãng cho tới khi giọng thằng Dũng vang lên: “Mẹ ơi về chưa?”. Chị giật mình nhìn lên đường cái, bọn học trò đã tan trường, những chiếc xe đạp cắm cúi chói nắng trưa. Thằng Dũng dựng chân chống xe và chạy về phía chị: – Hôm nay kiểm tra toán con được chín rưỡi. Trong lớp chỉ có hai đứa được chín rưỡi thôi đó mẹ. – Ừ, giỏi quá. Cố học nghe con. Cố học nghe con, câu nói quen thuộc này từ khi gặp người đàn ông đó đã có thêm ý nghĩa khác. Và thêm nhiều điều khác nữa, như là chị đâm ra hay vuốt tóc con hoặc sửa sang lại cổ áo cho tụi nó trước khi đi học. Bé Hòa thì khoan khoái đứng yên tận hưởng sự chăm sóc dịu nhẹ, còn thằng Dũng thì mắc cỡ lùi lại. Chồng chị gắt gỏng: “Bà làm như tụi nó còn nhỏ nhít. Con người ta cỡ đó đã biết kiếm tiền đem về cho cha mẹ rồi”. Mỗi câu gắt gỏng kiểu này thì con Hiền độp lại: “Mai mốt con học xong đi làm kiếm tiền trả lại ba đầy đủ”. Tên là Hiền mà tính khí không kém gì ba nó. Hàng xóm nói cha con khắc khẩu mà chị thì buồn con gái cục tính. Người ta mong con gái giống cha giàu ba họ, chị không ưa cái sự giống này. Đi rẫy, đi học thì thôi, tụm lại thì nhà cửa nặng nề vì cha văng một câu là con cũng trả treo một câu. Chị đứng giữa chịu trận câu cuối cùng của chồng: “con hư tại mẹ”. Hàng xóm nói cũng may Hiền là con gái, chứ nếu là con trai thì chắc cha con có ngày đánh nhau. “Chẳng biết bây giờ được ra phố học hành tiếp xúc với người này người kia nó có dễ thương được tí nào chưa”. Chị nghĩ tới con với niềm hy vọng mong manh: chắc là có. Chắc là từ khi gặp được người đàn ông đó, đứa con gái cục tính của chị cũng thay đổi.
Video đang HOT
Chị hay nhớ về mùa thi của con năm ấy. Ảnh minh họa nguồn Internet
Chị nhớ như in lần đầu tiên chạm mặt. Bà chủ nhà trọ nhìn chị với hai con mắt tròn xoe: – Ủa, sao tôi không biết. Đúng là cô đặt cọc rồi hả? Chị móc túi lấy ra tờ giấy biên nhận. Bà chủ trọ lẩm bẩm đọc: “Đã nhận năm trăm ngàn cọc phòng số 5, ba ngày hai đêm”, rồi bà vỗ tay vô trán: – Thôi chết rồi, ông chồng tôi bữa đó tưởng phòng còn trống nên mới nhận cọc của cô. Người đàn ông thò đầu ra cửa căn phòng có gắn tấm bảng nhỏ ghi số 5. Cách bà chủ lia mắt từ người đàn ông qua chị rồi từ chị quay ngược về ông ta cho biết đây là người đang ngự căn phòng lẽ ra của mẹ con chị. Sau vai ông ta, khuôn mặt một đứa con gái trạc tuổi Hiền. Nhìn là biết cha dắt con đi thi. Trong khi bà chủ xọc tay vô tóc lẩm bẩm: “Sao bây giờ hả trời” thì con Hiền rít qua tai chị: – Chắc là ông này trả giá cao hơn nên họ trở mặt. Mẹ đừng để người ta ăn hiếp. Mình đặt cọc thì mình có quyền. Mẹ cứ bắt bà chủ giải quyết cho mình. Đầu óc chị tính toán lùng bùng. Có cự nự thì mệt mình thôi, vì không còn phòng, tốt nhất là lấy lại tiền nhanh nhanh rồi đi tìm nơi khác. Gần thì giờ này không hy vọng còn chỗ, chắc phải đi xa xa rồi sáng mai chịu khó dậy sớm. Nhưng lỡ đụng chỗ mất an ninh… Bà chủ móc điện thoại ra lớn tiếng với ông chồng vô hình: “Mùa thi đại học anh lấy cọc của người ta sao không hỏi em một tiếng? Sáng mai con người ta bước vô phòng thi mà giờ này còn đứng ngoài đường thì anh tính sao hả? Cứ theo lệ thì trả lại tiền gấp đôi cọc cho người ta hả? Ờ, anh ngon quá mà. Con người ta tranh thủ từng phút để ôn thêm được một câu mà mất đứt buổi chiều nay để đi kiếm phòng trọ thì có nghiệt không? Lỡ nó mệt quá sáng mai không làm bài được. Mà giờ này kiếm đâu ra chỗ ở gần điểm thi chớ?”. Cằn nhằn chồng mà như đi guốc trong bụng chị, rõ là giành phần nói trước để khỏi phải nghe chị trách móc. Người đàn ông cất lời: – Hay là như vầy đi. Con tôi cũng con gái. Chị với con gái chị và con gái tôi chung phòng. Coi như hai đứa có dịp làm quen hỏi han bài vở. Tôi đàn ông dễ thôi, ở đâu cũng được mà. Có hai ngày chứ dài lâu gì mà ngại.
Hai ngày. Chỉ hai ngày thôi… Buổi sáng, khi mấy đứa nhỏ đã vào phòng thi, phụ huynh đứng chật kín vỉa hè, lao xao lo lắng sợ đề thi năm nay khó và khác hơn năm ngoái. Phòng thi con chị trên tầng ba nên chị cứ ngóng lên đó, ngang khung cửa sổ có cành phượng vĩ giăng ngang đỏ rực. Một cái đập nhẹ trên vai, chị quay lại. Là bà Mập Và Lùn. Khu trọ năm phòng, có ba phụ huynh là đàn bà và hai phụ huynh là đàn ông. Ba năm rồi. Chị không còn nhớ tên nhưng khuôn mặt và vóc dáng họ thì nhớ. – Đứng đây thì cũng đâu có làm được gì cho tụi nó mà còn vi phạm luật giao thông. Sao không nhân cơ hội này đi chơi tí đỉnh? Đi chơi? Chị ngạc nhiên và bối rối. Mập Và Lùn bụm miệng cười như thể vừa nói ra điều không đúng với tư cách phụ huynh dắt con đi thi đại học. Chị nhìn theo mắt Mập Và Lùn, thấy ba vị nam phụ huynh kia đứng cách không xa, cũng đang cười. Rõ là chỉ còn đợi chị. Chẳng hiểu sao chị nhận ra lời rủ rê vừa rồi là lặp lại ý kiến từ miệng người đàn ông nhường phòng cho mẹ con chị. Tốt Bụng và không chỉ là tốt bụng. Suốt cuộc rủ rê vui chơi ông Tốt Bụng này luôn là người đầu têu một cách có lý và mọi người cứ vậy mà theo. – Làm cha làm mẹ cả đời, tranh thủ cho mình một chút – Tốt Bụng lấy điện thoại ra quẹt quẹt – Đây nè, quán cà phê Đàn Đá. Đọc báo thì cũng biết biết vậy, nhưng mắt thấy tai nghe tay rờ mới đúng là biết. Cách đây chỉ một cây số thôi, tụi mình đi bộ nhìn ngó phố xá hay là taxi? – Taxi – Chị buột miệng. Chẳng là đôi giày mới mua khiến chị đau chân. – Sợ về trễ con gái biết mẹ đi chơi rồi méc ba hả? Yên tâm đi – Tốt Bụng vừa cười vừa nhấn số gọi taxi – tôi có canh chừng giờ giấc mà. Sáng nay thi trắc nghiệm, không đứa nào được ra trước chuông reo. Mình về tới cổng trường trước hai phút thì vẫn là phụ huynh nghiêm túc. Tất cả cười khúc khích. Bỗng như trở lại thời xa cũ muốn đi đâu phải được phép của phụ huynh và vì vậy nên những cuộc lén lút trở thành nỗi tò mò hấp dẫn. Và thật là hấp dẫn khi chạm tay vào những khối đá to nhỏ màu xanh, màu xám đen, màu nâu đỏ… âm thanh vang lên loang dần loang dần như đang tan chảy. Đàn Đá. Chị nhìn ly nước chanh trong veo có những viên đá nho nhỏ cũng đang tan chảy thành hơi sương bàng bạc bám quanh. Ly nước chanh thật đẹp, ngay khi đó. – Trời ơi hay quá chừng – Mập Và Lùn thốt lên. Ngay khi đó, chị cũng thấy Mập Và Lùn thật đẹp. Đợi mọi người thỏa cơn tò mò và trở về chỗ ngồi bên bàn, chủ quán lướt những ngón tay điệu nghệ qua từng khối đá, vang lên điệu nhạc của núi rừng khiến ai cũng thấy lòng mình phập phồng và chân tay bỗng nhiên mà nhịp nhịp. – Chiều nay tụi mình karaoke nghe – Tốt Bụng lấy điện thoại và lại quẹt quẹt – A ha, từ tám giờ tới mười bảy giờ giảm giá sáu mươi phần trăm, quá hợp với quỹ thời gian của chúng ta. Chiều nay lịch thi từ hai tới bốn giờ. – Tôi không biết hát đâu – ông phụ huynh có lông mi dài nói. – Tôi cũng vậy – chị bật ra. Tốt Bụng tỉnh bơ: – Vui là chính! Đúng là vui. Ban đầu chị ngại đến nỗi không dám cầm mic, cứ như chị cùng đến đây chỉ vì mọi người. Nhưng Mập Và Lùn hát hay quá, mọi người vỗ tay rào rào và không khí rộn lên, rồi Tốt Bụng nhét cái mic vào tay chị… Sao Tốt Bụng biết chị hát được bài hát đó mà đưa mic đúng lúc? Xin đường dài được cầm tay nhau mãi mãi/ Xin cuộc đời đừng lạc lối mù khơi/ Hãy giữ cho môi cười… Chị hát và nước mắt cứ tự nhiên mà ứa. Lạ lùng. Máy chấm chị bảy mươi lăm điểm. Tốt Bụng kêu lên: – Máy lỗi. – Không phải – Lông Mi Dài rành rẽ – Karaoke không biết chấm cảm xúc, muốn điểm cao thì phải ré to lên. – Muốn điểm cao hay cảm xúc đây – tay phụ huynh tóc quăn la to. – Điểm cao – Lông Mi Dài nói – tui có chút mê tín. Mấy đứa nhỏ đang thi nên cần điểm cao.
Tốt Bụng cười to: – Vậy thì tụi mình cùng ré. Nhiều lần chị cố nhớ lại lời bài hát sau đó mà đành chịu, quá nhộn, vừa phải nhìn màn hình để đọc được lời vừa ngửa cổ để gào to hết cỡ và nhún nhảy. Khùng không thể tả. Sáng hôm sau, đưa bọn nhỏ tới cổng trường xong, ai nấy nhìn nhau và rờ tay xoa xoa vùng cổ. – Khan tiếng rồi hả? Tôi cũng rát họng. Thôi sáng nay tụi mình đi chỗ nào yên tĩnh lịch sự – Tốt Bụng quẹt quẹt điện thoại – À, đang có triển lãm tranh ở nhà văn hóa nè. Thật tình là chị chẳng hiểu gì về tranh ảnh, nhìn ngó vậy thôi. Nhưng cùng mọi người lang thang qua từng bức tranh trong không gian lạ lẫm và ai nấy đều hạ giọng thì thầm cho chị cảm giác dễ chịu khó tả. Chị thấy mình trở thành một người khác và bỗng ước gì chồng mình cũng đang ở nơi này, nơi mà anh chỉ được phép nói năng nhỏ nhẹ…
*** Mãi vẫn là điều ước… Vậy nên chị hay nhớ. Nhất là khi mùa thi đến. Chỉ nhớ thôi…
Theo Báo Phụ Nữ
Chồng coi việc cặp bồ là chuyện thường và thách tôi ly hôn
Tôi hoàn toàn rơi vào trạng thái mất niềm tin vào anh, một người cha vĩ đại trong mắt con tôi.
Nghỉ hè, tôi rước con từ nhà ngoại về chơi cùng tôi và anh. Cả gia đình sau chuyến du lịch cùng cơ quan tôi, vui với con chưa trọn, tôi tá hỏa, run người và chẳng ngủ được nhiều đêm rồi. Cụ thể sự việc là khi con trai mượn máy ba chơi game, nó bập bẹ đọc được dòng tin nhắn ai đó gửi ba: "Mẹ ơi, hình như ba thích cô này". Lúc đó anh say, tôi cố tình vào để xem kỹ lại, sao danh bạ điện thoại lưu là: "chị Lan bạn anh Lâm" mà dòng tin nhắn thì toàn anh và em rồi còn nhiều câu mùi mẫn hơn nữa? Tôi cố gặng hỏi, chồng chối bay chối biến coi như chuyện chơi giỡn bình thường và chuyện cơm bữa của dân làm việc tìm kiếm thông tin cho sếp. Thế là, tôi chẳng xa lạ gì nữa cái trò qua mặt vợ, nào là hôm nay trực ban, mai trực chiến, mốt trực nọ trực kia như trước đây.
Rõ ràng, cỡ 10 năm chung sống, đây là lần thứ "n" như trong toán học rồi. Các sếp đã quá quen tính anh, gia đình thì "nhà dột từ nóc", ai sẽ dạy đạo lí làm chồng, đạo đức làm cha? Với tôi, hàng tá câu chuyện đau buồn trước đây, tôi cố vượt qua, bỏ qua sau khi kéo anh về được với gia đình, hạn chế tối đa tai tiếng với cơ quan, họ hàng. Vì hoàn cảnh gia đình anh rất đáng thương, tự lập từ nhỏ rất đáng nể. Tôi chia sẻ với anh rất nhiều về lỗi của anh, anh nên tu dưỡng, về với gia đình để cho người ngoài nhìn vào gia đình mình hạnh phúc. Để con đi học sẽ không bị ảnh hưởng tâm lý, tôi gửi hẳn con về ngoại, tỉnh khác, để bé có môi trường tốt nhất để học.
Vào cuối tuần, tôi buộc chúng tôi cùng về để dạy nó học. Con tôi rất thương ba, thương mẹ, đang năm đầu đời đi học, tôi rất sợ con sẽ hụt hẫng và mất cân bằng tâm lý, ảnh hưởng cả tương lai. Tôi nhiều lần không nỡ ly hôn. Giờ khi phát hiện sự việc này, chồng nhất quyết coi như chuyện thường của cánh đàn ông vì khó qua được cám dỗ. Huống hồ người kia đã kêu anh bỏ vợ con đi, họ sẽ chu cấp cho, họ chỉ cần anh lên giường mà thôi. Có lần anh còn bảo: "Hãy coi đi, ngoài kia ông sếp nào mà chẳng có vợ bé".
Hiện tại, tôi đã nói rõ quan điểm của mình với cha anh và anh. Anh thách tôi ly hôn, đã đi không về mấy hôm rồi. Anh bảo tôi có việc làm, độc lập tài chính để nuôi con, anh biết tôi mạnh mẽ nhưng đâu phải mỗi khi anh sai là tôi lại lấy chuyện cũ ra mà phê bình, anh còn lòng tự trọng của anh. Anh nói mỗi tháng sẽ chu cấp cho con theo tòa xử, chắc tầm 700 ngàn để tôi nuôi con, lương của anh hơn 10 triệu, lúc đó sống khỏe ru, khỏi vợ con lằng nhằng. Tôi thực sự rất buồn về suy nghĩ như trên của anh. Trước đây anh say nắng, tôi đã sụp đổ và gượng dậy được. Tuy nhiên giờ tôi hoàn toàn rơi vào trạng thái mất niềm tin vào anh, một người cha vĩ đại trong mắt con tôi. Tôi phải làm gì cho đúng nhất đây?
Theo Vnexpress
Chồng bị tôi đánh nên tỏ thái độ bất cần Anh uống say và nói rất thương mẹ con tôi, nhưng giận và buồn khi tôi đánh anh. Ảnh minh họa Vợ chồng tôi đều 32 tuổi, kết hôn được 5 năm, có một con trai 4 tuổi. Chồng tôi là người hiền lành nhưng cục tính, rất yêu thương vợ con nhưng khi giận lên thì khá kinh khủng. Đặc trưng nghề...