Chỉ nghĩ đến đó, tôi đã ớn lạnh xương sống…
“ Xấu chàng hỗ ai”, có lẽ tôi quán triệt lời dạy ấy của tiền nhân quá sâu sắc nên bao nhiêu năm qua đã âm thầm chấp nhận. Thế nhưng tiền nhân cũng có câu “ con giun xéo lắm cũng oằn”, huống hồ gì tôi là người chứ không phải giun, dế.
Và giọt nước đã tràn ly khi mới đây, giữa đám bạn bè thân sơ của tôi, Thu Giao đã nói: “Cái bản mặt của mấy ông, mặt nào mà không úp vô chỗ đó? Đừng có nói mình đàng hoàng chính trực, như cái lão Quân nhà tôi đó, lù khù như vậy mà cuối cùng cũng đổ bể chuyện bồ bịch, con rơi”. Tôi ngượng chín người.
Cứ mỗi lần có khách khứa, bạn bè, người thân đến chơi, nói chuyện một hồi là nàng khơi lại chuyện cũ và nói về tôi như một thứ rác rưởi. Mà cái chuyện bồ bịch xảy ra cũng đã lâu rồi, tôi biết mình có lỗi nên không bao giờ dám hó hé.
Lần đó không phải tôi chủ tâm phản bội mà vì Ngọc Mai rắp tâm “hại đời trai” của tôi để kiếm một đứa con hủ hỉ khi về già. Trong khi tôi có chút hơi men, cô ta xông vào phòng lột hết quần áo của tôi ra thì thử hỏi có là thánh thần mới chịu ngồi yên không làm gì. Chỉ một lần duy nhất thôi mà Ngọc Mai có bầu, sinh con. Cô ấy giấu biệt, không khai tác giả của cái bào thai dù cơ quan kiểm điểm, kỷ luật lên bờ, xuống ruộng. Tôi thấy vậy, bất nhẫn quá nên đứng ra tự nhận. Vì chuyện ấy mà tôi bị kỷ luật từ anh phó phòng bị chuyển xuống làm nhân viên, còn Ngọc Mai xin nghỉ việc và đi biệt tăm, biệt tích.
Khỏi phải nói cũng biết vợ tôi phản ứng như thế nào. Nàng vốn tuổi dần mà. Thu Giao chửi ra rả suốt ngày đêm. Ăn chửi, uống chửi, nửa đêm đang ngủ cũng chửi, đang vui chơi với bạn bè sực nhớ tới cũng chửi, về nhà cha mẹ tôi lễ tết cũng không tha.
Mẹ tôi bực lắm nhưng không dám ra mặt bênh con trai. Bà bảo tôi: “Thôi, dù sao thì con cũng có lỗi, nhịn nó đi cho yên cửa, yên nhà”. Tôi nghe lời mẹ, tránh voi chẳng xấu mặt nào. Nhưng khổ thân tôi, thứ mà tôi gặp lại là cọp, mà là cọp đang say mồi. “Tôi không có tha thứ cho anh đâu, đừng hòng. Tới chết tôi cũng không quên”- Thu Giao gầm gừ mỗi khi nhắc tới chuyện cũ.
Không biết có phải vì quá hung dữ mà nàng bị báo ứng, ở với tôi 13 năm rồi mà chẳng một lần chửa đẻ. Nàng đổ thừa tại tôi làm nàng ức chế nên không đậu thai. Tôi nói: “Anh đã biết lỗi rồi, từ đó tới giờ anh có dám hó hé gì đâu? Em phải biết, con người ta không ai toàn mỹ cả…”. Tôi chưa dứt lời, vợ tôi đã gầm lên: “Đừng có ngụy biện. Đàn ông các anh, thấy gái là tươm tướp như mèo thấy mỡ. Đó, mấy ông bạn của anh đó, cả sếp của anh nữa đó, có thằng cha nào không gái gú?”. Tôi vẫn cố đùa cho nàng nguôi giận: “Vậy thì hà cớ gì em ghen cho mệt? Bản tính của giống đực nó vậy mà…”. Lần này tôi không ăn chửi mà lãnh nguyên một cái tát tai: “Anh dám có lần nữa không? Tôi thách đó!”.
Tôi giận tái mặt định ăn miếng trả miếng nhưng rồi chợt nhớ lời mẹ tôi dặn. Thôi thì tránh hổ chẳng xấu mặt nào. Vợ mình mình nhịn chớ nhịn vợ ai mà xấu hổ? Với lại mình có lỗi, đã gây cho vợ một vết thương lòng quá lớn, trách chi nàng chẳng thay đổi tính nết, ngày xưa nàng đâu có vậy? Nếu vậy, tôi đã không dám cưới…
Video đang HOT
Tuy đã an ủi như vậy nhưng thật sự trong lòng tôi đã trào dâng một niềm ngán ngẫm. Tôi rất sợ mỗi khi nghĩ tới vợ dù mình chẳng làm thêm lầm lỗi gì. Đôi khi tôi ước ao, giá mình có một đứa con thì có lẽ cuộc sống vợ chồng đã khá hơn. Vợ tôi sẽ tập trung lo cho con cái mà quên nỗi bực dọc với chồng; còn tôi cũng có đứa con để bầu bạn, chia sẻ…
Thế nhưng mong ước chỉ là mong ước. Tôi bảo nàng đi khám, điều trị nhưng nàng nhất quyết không đi vì “trời cho sao để vậy”. Ác một nỗi, lần nào tôi nhắc chuyện đi điều trị vô sinh, nàng cũng gầm gừ: “Muốn kiếm chuyện với tôi để đem thằng nhỏ đó về hả? Còn lâu. Trừ khi tôi chết thì anh mới đạt được ước nguyện”.
Trời ạ, dù vợ tôi có hung dữ nhưng tôi đâu xấu đến nỗi mong cho nàng chết? Tôi chỉ không muốn thấy mặt nàng, không muốn nghe nàng chửi mắng rầy la, không muốn làm chuyện vợ chồng với nàng chớ cơm nàng nấu thì vẫn ngon hơn cơm bụi gấp nhiều lần. Tôi vẫn gọi đùa nàng là “thạc sĩ nấu ăn ngon”, nhất là khi có bạn bè đến nhà lai rai, nàng làm mồi thì ai cũng phải nể phục.
Phải công nhận là nàng có nhiều ưu điểm. Ở công ty, nàng được sếp tin tưởng, nhân viên thương mến; trong nhà (của nàng) thì nàng là một đứa con hiếu thảo; đối với bạn bè, nàng cũng quan tâm hết lòng. Chỉ có với tôi và gia đình tôi thì nàng xếp vào diện “kẻ thù nhưng phải đội trời chung”. Nàng tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để miệt thị…
Cho đến lần gần đây nhất thì cái ly tức giận của tôi đã bị nàng rót tràn. Đám bạn tôi quen nghe nàng “chửi hay như hát” nên cười hề hề. Còn tôi, tự dưng bỗng thấy mình mất giá thê thảm. Khi mọi người về hết, dọn dẹp xong, tôi bảo nàng: “Chừng nào thì em mới thôi chửi mắng, miệt thị anh trước mặt bạn bè như vậy?”. Nàng trừng mắt nhìn tôi: “Chừng nào tôi chết!”. Tôi bảo nàng: “Anh không muốn em chết nhưng anh không bao giờ muốn nghe nữa”. “Vậy thì anh cút đi”.
Vừa nói, Thu Giao vừa xông vào vừa cấu xé, chửi mắng bằng rất nhiều ngôn từ mà tôi không thể nào nghĩ là lại có trong vốn từ của một người có ăn học như nàng. Cho tới khi cái áo tôi mặc trên người bị rách toạc một đường trên lưng thì tôi hết chịu đựng nổi. Tôi xô mạnh Thu Giao ra: “Cô đúng là con chó điên. Sống với cô có ngày tôi cũng bị tâm thần”.
Tôi thu dọn quần áo trong tiếng gào rít của vợ. Nhưng lần này nàng không dám xông vào cắn xé vì biết đã chạm đến tận cùng sự chịu đựng của tôi. “Đi đi, đi luôn theo nó đi”- nàng chỉ gào lên khi tôi dắt xe ra cổng.
Tôi không theo ai cả. Tôi về nhà cha mẹ của mình để suy nghĩ về cuộc hôn nhân tai quái của mình. 13 năm qua, tôi giam cuộc đời trong lao tù của cái gọi là duyên nợ. Và bây giờ, có lẽ tôi nên dứt ra để tìm sự thanh thản cho những ngày còn lại của cuộc đời mình. Lần này, mẹ tôi bảo: “Thôi thì tùy con”. Tuy nói vậy nhưng tôi biết các đấng sinh thành của tôi rất buồn.
Còn vợ tôi, hẳn nàng cũng buồn vì không có ai để trút giận nên chiều chiều lại tới trước cổng cơ quan của tôi chờ đợi. Trông thấy tôi từ xa, nàng đã lao tới chận ngay đầu xe và… cười. Chỉ khi tôi cho xe vọt đi thì nàng mới chửi với theo.
Cứ như vậy, đến nỗi sếp tôi nói: “Cái số cậu thiệt khổ. Đi cũng dở mà ở thì chắn chắc không xong rồi”. Tôi cũng nghĩ như vậy. Và tôi liên tưởng đến việc con cọp của tôi sẽ lồng lên khi tôi đòi ly dị, khi ra tòa…
Chỉ nghĩ đến đó, tôi đã ớn lạnh xương sống. Tôi không biết mình có đủ lý lẽ và dũng khí để ly hôn hay không?
Theo VNE
Tình yêu trần trụi
Tối thứ bảy chúng nó đi cà phê hết, đứa nào ở nhà thì đóng cửa rủ rỉ tâm tình với người yêu. Tiếng gõ cửa nhè nhẹ, tiếng thằng Duy thì thào: "Cho tao điếu thuốc! Muỗi quá". Mồi điếu thuốc đưa cho nó tôi khẽ lắc đầu ngán ngẩm. Ôi! Tình yêu!
Chiều nay Dũng, người yêu con Huệ lên thăm nên nó bị cho ra rìa, đóng vai người bạn tốt. Con Huệ đi chợ mua sắm thức ăn tươi về cho cả hai đứa nhậu, tôi cũng được mời. Nhìn bữa cơm thịnh soạn nhưng không khí có gì đó gượng gạo, ngột ngạt, tôi chủ động phá vỡ sự im lặng bằng mấy mẩu chuyện vui nhưng cũng chẳng ăn thua, mỗi lúc một nhạt thếch như nước lã, tất cả cùng bỏ đũa trong im lặng...
Ngày đầu gặp Huệ tôi đã thấy có cái gì không ổn. Phải công nhận nó đẹp, đôi mắt to, ươn ướt, hàng mi cong vút tự nhiên, đôi má lúc nào cũng ưng ửng, bộ ngực thả rông trong chiếc áo lót mỏng cổ xệ hết cỡ. Nghe Duy thông báo yêu Huệ tôi giật mình nhưng chỉ khuyên nó suy nghĩ thật kỹ, nhìn nó biết loại con gái thực dụng vướng vào sẽ khổ nhưng nó nhất quyết lao vào như con thiêu thân.
Quả nhiên mấy bữa sau thì gặp Dũng lên thăm, thằng Duy ức lắm định gọi mấy thằng bạn tẩn cho một trận. Tôi không nhịn nổi chửi thẳng vào mặt: "Mày ngu vừa thôi. Mày lấy tư cách gì đánh nó? Tốt nhất mày nên rút lui đi, cả mày cả Dũng chỉ là con rối trong trò chơi tình ái của nó thôi, cả hai đều khổ". Nhưng nó lần lữa, thành thử mỗi lần Dũng lên thăm nó trở thành "anh bạn" bất đắc dĩ, rình mò ngoài mấy đám cỏ dại dõi theo từng cử chỉ, từng động tác của hai người mặc cho lũ muỗi đói liên hoan. Ngày mai Dũng về hai đứa lại anh anh em em ngọt như đường phèn.
Nhiều lần tôi muốn nói thẳng với Dũng về mối quan hệ ba người, nhưng khi nhìn anh tôi không dám. Anh có gương mặt sạm nắng khắc khổ, thân hình vạm vỡ. Nhìn tướng người rất "gấu" nhưng khi anh cười thì hiền như trẻ con. Tôi thương anh không muốn anh bị tổn thương. Anh kể mỗi lần đánh bắt xa bờ, trong những đêm biển lặng, nỗi nhớ Huệ lại dâng trào da diết. Những lần tàu chạy bão nghĩ về cô ấy lại cho anh thêm can đảm. Tàu cập bờ chưa kịp ăn uống gì đã chạy sấp chạy ngửa đến chỗ chủ tàu ứng tiền, lên thị xã gửi cho Huệ kịp đóng tiền học.
Ai đó đã bảo "không có định nghĩa chung cho tình yêu", với Dũng nó thiết thực, giản dị, mộc mạc như chính con người anh. Anh ước sao khi Huệ ra trường mình sẽ kiếm đủ tiền lo lót để cô ấy có chỗ làm ổn định, mua được một con tàu để có thể đảm đương được cuộc sống sau này. Còn Duy, tôi thấy nó khờ khạo đáng thương, không hiểu sao nó lại lao vào cái mối tình tam giác ấy.
Còn Huệ, tình yêu với nó nhuốm màu thế tục đến mức tàn nhẫn, nó cần một người đảm bảo tài chính lại cần người ôm ấp. Ai bảo tình yêu là lãng mạn, siêu thực nào? Nó trần trụi đến mức nhiều khi thấy lợm họng.
Bẵng đi mấy năm, sau nhiều lần chuyển nhà trọ lại bận cho kỳ thi, hôm nay tôi mới có dịp gặp lại Huệ. Nó vẫn vồn vã như xưa, gương mặt vẫn ưng ửng. "Em cưới trước khi tốt nghiệp, em về sở anh ạ!Hôm nay lên lấy bằng".
Tôi chúc mừng nó: "Thế em lấy ai? Dũng hay Duy?"
"Hứ! Phăng teo cả hai rồi".
Nhìn bộ mặt nghệt của tôi nó cười như nắc nẻ, sống lưng tôi lạnh toát. Không biết giờ này trên những chuyến tàu xa bờ Dũng nhớ về ai? Và Duy nữa, thằng bạn khốn khổ của tôi đã đóng vai "anh bạn" tốt bụng, đêm đến lại thập thò cho lũ muỗi ăn thịt đến bao giờ?
Trên đường nắng gắt mà tôi rét, xây xẩm mặt mày như người say nắng.
Theo Dantri
Giấc mộng vàng dễ gì từ bỏ Vậy là càng ngày em càng lún sâu, mắc nhùng mắc nhằng vào cái lưới do chính mình giăng nên. Để từ bỏ quyền lực, tiền bạc và cả danh lợi như hiện nay, với em chị tin là khó. Em xinh xắn, ưa nhìn lại có cái miệng dẻo ngọt ít ai bì kịp, nhưng thế không phải là tất cả, nên...