Chỉ ngân hàng mạnh mới được thành lập công ty tài chính
Kể từ ngày 8.2.2016, chỉ những ngân hàng có tổng tài sản tối thiểu 100.000 tỉ đồng và trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định mới được thành lập công ty tài chính.
Chỉ ngân hàng mạnh mới được thành lập công ty tài chính (Ảnh minh họa)
Ngày 25.12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 30/2015/TT-NHNN quy định về việc cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD) phi ngân hàng (bao gồm công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính).
Phải có tổng tài sản trên 100.000 tỉ đồng
Theo thông tư này, để tham gia là cổ đông sáng lập của TCTD phi ngân hàng cổ phần, nếu là doanh nghiệp Việt Nam thì phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 500 tỉ đồng và tổng tài sản tối thiểu phải có là 1.000 tỉ đồng trong 3 năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ và phải tuân thủ việc góp vốn theo quy định của pháp luật liên quan.
Trong khi đó, nếu cổ đông sáng lập là ngân hàng thương mại Việt Nam thì phải đáp ứng các điều kiện là có tổng tài sản tối thiểu 100.000 tỉ đồng và trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định.
Đồng thời, ngân hàng này không vi phạm các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của NHNN trong năm liền kề trước năm nộp hồ xin cấp giấy phép. Bên cạnh đó, phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu sau khi góp vốn thành lập TCTD phi ngân hàng và không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong 2 năm trước liền kề.
Để tham gia làm thành viên sáng lập TCTD phi ngân hàng trách nhiệm hữu hạn, nếu là doanh nghiệp Việt Nam phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 1.000 tỉ đồng và tổng tài sản tối thiểu 2.000 tỉ đồng trong 3 năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ.
Video đang HOT
Đối với các TCTD nước ngoài, để tham gia làm thành viên sáng lập công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, các ngân hàng này phải kinh doanh có lãi trong 3 năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp giấy phép. Đồng thời, có tổng tài sản trên 10 tỉ USD vào cuối năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép…
Đáng chú ý, thông tư cũng quy định rõ các TCTD nào không phải là cổ đông chiến lược, chủ sở hữu, thành viên sáng lập của TCTD khác được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.
Được biết, thời gian hoạt động của các công ty tài chính, cho thuê tài chính theo quy định này có thời hạn hoạt động tối đa là 50 năm. Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 8.2.2016.
Cuộc chơi của các “ông lớn”
Theo quy định trên, sẽ có khoảng 20 ngân hàng không đủ điều kiện thành lập công ty tài chính do tổng tài sản không đủ 100.000 tỉ đồng.
Cụ thể, các ngân hàng như TPBank, Bắc Á, VietBank, SeABank, Đông Á, Saigonbank, BaoVietBank, Kienlongbank, VIB, VietCapitalBank, Nam Á, Việt Á, NCB, OCB, An Bình, PVcom Bank, HD Bank và 3 ngân hàng 0 đồng CB Bank, Ocean Bank, GP Bank.
Trong khi đó, thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã và đang có ý định mua lại công ty tài chính để đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng.
Đơn cử, gần đây nhất, ngày 4.12.2015, NHNN đã có văn bản chấp thuận Công ty Tài chính cổ phần Sông Đà (SDFC) sáp nhập vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB), thành lập công ty con trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) cũng mua lại Công ty Tài chính cổ phần Dệt may Việt Nam (TFC) và chuyển đổi hình thức pháp lý của công ty này thành Công ty TNHH một thành viên do Maritime Bank sở hữu 100% vốn điều lệ.
Trong khi đó, vào mùa đại hội cổ đông năm 2015, hàng loạt ngân hàng xin ý kiến cổ đông thành lập công ty tài chính, như BIDV xin kế hoạch lập công ty tài chính tiêu dùng với 3 phương án là mua lại một công ty tài chính đang hoạt động, hoặc chuyển đổi công ty cho thuê tài chính hiện có của BIDV thành công ty tài chính tiêu dùng. Trường hợp không thực hiện được 2 phương án trên, BIDV sẽ thành lập mới công ty tài chính.
Vietin Bank với kế hoạch sáp nhập PG Bank, Vietin Bank sẽ chuyển một phần PG Bank thành Công ty Tài chính PG Finance. Ngân hàng Á Châu (ACB) dự kiến thành lập công ty tài chính với mô hình hoạt động gồm tín dụng tiêu dùng, cho thuê tài chính và bao thanh toán…
Như vậy, việc thông tư này quy định các ngân hàng thương mại Việt Nam nếu muốn thành lập công ty tài chính phải có tổng tài sản tối thiểu 100.000 tỉ đồng sẽ loại không ít ngân hàng nhỏ ra khỏi “sân chơi” này.
Theo Một thế giới
TS. Vũ Tuấn Anh: Kinh tế thị trường buộc phải có tiêu dùng
'Kinh tế tiêu dùng chính là nguồn nuôi dưỡng của kinh tế thị trường, và một nền kinh tế thị trường cũng chính là nền kinh tế tiêu dùng'.
Đây là khẳng định của chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc Viện Kinh tế Việt Nam, TS. Vũ Tuấn Anh, khi nói về kênh tín dụng tiêu dùng.
Theo TS. Vũ Tuấn Anh, để đẩy mạnh kinh tế tiêu dùng, cần phải đẩy mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hiện đại, phải làm cho năng lực nội sinh của nền kinh tế Việt Nam phát triển. Có như vậy thì kinh tế tiêu dùng mới phát triển.
Đánh giá về việc các công ty tài chính ngày càng thể hiện rõ vai trò của mình đối với kinh tế tiêu dùng, TS. Vũ Tuấn Anh nói: "Trong giai đoạn hiện nay, việc các công ty tài chính tích cực tham gia vào nền kinh tế tiêu dùng là rất đáng hoan nghênh, nhất là trong thời điểm nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái càng cần phải kích thích tiêu dùng để đẩy mạnh sản xuất. Chỉ khi có tiêu dùng thì doanh nghiệp mới có thị trường, có đầu ra và có hỗ trợ tài chính từ các công ty tài chính cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, về dài hạn, trước hết chúng ta phải đẩy mạnh sản xuất, đó mới là khâu trọng tâm của nền kinh tế. Để đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ của các công ty tài chính, bản thân các công ty tài chính phải tự đẩy mạnh tìm hiểu thị trường, từ đó đưa ra những sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng".
Trên thị trường hiện nay, các công ty tài chính đã có những sản phẩm dịch vụ cho vay theo hướng có lợi cho người tiêu dùng như: vay mua hàng trả góp lãi suất 0% hoặc tặng quà khi khách hàng thanh toán một số kỳ trả góp.
Được biết, sản phẩm lãi suất 0% được các công ty tài chính liên kết với các nhà sản xuất hoặc nhà phân phối các sản phẩm tiêu dùng. Hay sản phẩm quà tặng thanh toán đã khuyến khích người tiêu dùng thực hiện tốt các nghĩa vụ thanh toán của mình để được hưởng quà tặng của công ty tài chính là một hoặc một số kỳ trả góp.
Các sản phẩm trên không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng mà còn giúp các công ty tài chính thu hút những khách hàng tốt, hạn chế rủi ro nợ xấu, nợ khó đòi, góp phần tạo ra môi trường tài chính tiêu dùng lành mạnh.
Đối với các nhà sản xuất, các sản phẩm dịch vụ đa dạng từ công ty tài chính cũng góp phần không nhỏ trong việc tiêu thụ hàng hóa sản xuất trên thị trường, giảm hàng tồn kho cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong một thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, bản thân các công ty tài chính, bên cạnh việc nỗ lực không ngừng để đưa những sản phẩm mới có lợi cho các bên, cũng cần phảisáng tạo nhằm tạo ra những sản phẩm khác biệt, tránh rập khuôn.
Các công ty tài chính vốn luôn được đánh giá là năng động và linh hoạt hơn so với các ngân hàng thương mại trong việc tiếp cận thị trường cho vay cá nhân. Thực tế trên thị trường hiện nay đã có những sản phẩm dịch vụ của các công ty tài chính được khách hàng, đặc biệt là giới trẻ đón nhận.
Hiện nay, các công ty tài chính đang cho vay tiêu dùng ở 3 dòng sản phẩm - dịch vụ chính, bao gồm: dịch vụ cho vay mua xe máy trả góp, dịch vụ cho vay mua sắm đồ điện tử gia dụng và dịch vụ cho vay tiền mặt như: cho vay theo lương, theo hóa đơn tiền điện, giấy phép đăng ký kinh doanh, theo hợp đồng tín dụng của các tổ chức tín dụng khác hay cho vay tiền mặt tại quầy, tại bưu cục, cho vay du lịch trả góp, cho vay đám cưới tự lập...
Theo đánh giá của nhiều bạn trẻ, dịch vụ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính rất tiện lợi, nhanh chóng, đáp ứng được nhu cầu về vốn trong thời gian ngắn mà không cần có tài sản thế chấp.
"Khuyến mại, kích thích tiêu dùng hay những sản phẩm tài chính khác đều nhằm mục đích đa dạng hóa sản phẩm của các công ty tài chính. Tuy nhiên, để đa dạng hóa các sản phẩm cho vay tài chính không chỉ phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước và bản thân các công ty tài chính, mà còn phụ thuộc vào nhu cầu của người dân. Liệu họ có đủ năng lực hấp thụ chính sách hay không?Về điểm này, các công ty tài chính là những người hiểu rõ hơn ai hết", TS. Vũ Tuấn Anh nói.
Theo Một thế giới
Tỉ phú ve chai bật khóc ngày nhận được tiền từ ngân hàng Chị Hồng đã bật khóc và không nghĩ rằng mình có thể nhận lại được toàn bộ số tiền yen rách nát. Tin tức mới nhất , Đúng 10h sáng ngày 23/10, chị Huỳnh Thị Ánh Hồng đã có mặt tại trụ sở ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Mairitime Bank, trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, TP.HCM) để nhận...