“Chỉ một người dân không có gạo ăn, tôi xin từ chức ngay”
“Để dân mình đói khát thì làm cán bộ thật xấu hổ và có lỗi. Trong 3 ngày Tết cổ truyền, chỉ có 1 người dân không có gạo ăn, tôi xin từ chức ngay” – ông Phạm Viết Nho, Bí thư Huyện ủy Ba Tơ (Quảng Ngãi), cam đoan.
Trong ngày 14/11 vừa qua, khu vực miền núi Ba Tơ có mưa lớn nhất lịch sử, lượng mưa đo được khoảng 900mm, gây lũ quét nhấn chìm hàng ngàn ngôi nhà. Lũ đi qua, huyện miền núi Ba Tơ (địa phương thuộc diện 30a) bị thiệt hại trầm trọng với hơn 520ha đất ruộng và hoa màu bị sa bồi, trong đó 243ha đồng ruộng khó khắc phục. Tổng thiệt hại của huyện Ba Tơ khoảng 220 tỷ đồng.
Người H’re cặm cụi đào lớp đất sa bồi dày gần cả mét phủ trên đồng ruộng
Thời điểm này, về vùng rốn lũ ở xã Ba Vì, hàng trăm héc-ta đồng ruộng vẫn đang bao phủ bởi một lớp đất đá dày hơn 0,5m. Với cách khôi phục thủ công, chắc chắn đến Tết nguyên đán 2014, người dân H’re cũng chưa thể gieo sạ lúa.
Nhìn cảnh tan hoang như vùng đầm lầy, ông Nguyễn Nhất Duy – Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì – lắc đầu nói: “Nếu không có phương tiện cơ giới hỗ trợ, có lẽ người dân vùng cao này đành bỏ cấy cày thôi. Họ dùng cuốc xẻng thì không biết đến khi nào mới xong, trong khi còn 2 tháng nữa là đến Tết rồi. Sau lũ có 1 hộ đã bỏ ra 20 triệu đồng thuê xe cơ giới cào lớp đất đá lấp đồng ruộng. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện đâu”.
Đá lấp kín ruộng đồng, người dân lo không có gạo ăn
Video đang HOT
Toàn xã Ba Vì có gần 1.200 hộ (gần 4.800 khẩu) là dân tộc H’re, trong đó có 391 hộ nghèo. Lũ vừa qua gây thiệt hại nặng nề, gây ảnh hưởng trực tiếp đến 443 hộ dân về hoa màu. Nhắc đến chuyện đón Tết, hàng trăm hộ dân ở Ba Vì chỉ cầu mong có gạo ăn là tốt rồi.
Phóng viên đưa câu chuyện ở xã Ba Vì tâm sự với lãnh đạo huyện Ba Tơ, ông Lê Hàn Phong – Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ – chia sẻ: “Lũ đã cuốn đi hết tất cả, chờ đến khi người dân tự sản xuất có lương thực phải mất thời gian dài, đó là chưa kể đến chuyện đồng ruộng chưa thể khắc phục. Mặc dù có nhiều khó khăn trước mắt, huyện nỗ lực hết sức không để bất kỳ người dân nào thiếu gạo ăn và thiếu nước uống”.
Tiếp lời vị Chủ tịch, ông Phạm Viết Nho – Bí thư Huyện ủy – bày tỏ: “Nếu để dân mình bị đói khát thì làm cán bộ thật xấu hổ và có lỗi với dân. Với tư cách và danh dự của ông Bí thư của huyện Ba Tơ, trong 3 ngày Tết cổ truyền, chỉ có 1 người dân không có gạo ăn, tôi xin từ chức ngay”. Lời hứa này được ông Nho nhắc lại nhiều lần và mong báo chí nêu thẳng thắn để người dân giám sát.
Ngoài kế hoạch chăm lo đời sống cho người dân, huyện Ba Tơ đang đề xuất tỉnh hỗ trợ lực lượng thanh niên, kinh phí thuê phương tiện cơ giới và lúa giống giúp dân khắc phục đồng ruộng bị sa bồi, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân yên tâm đón Tết cổ truyền.
Hồng Long
Theo Dantri
93% đại biểu tán thành tách huyện Từ Liêm thành hai quận
Dù nhiều đại biểu HĐND Tp Hà Nội cho rằng, trong đề án tách huyện Từ Liêm thành hai quận, việc đánh số phường 1, 2 rất phản cảm, tên quận Bắc - Nam Từ Liêm cũng chưa phải phương án tối ưu, nhưng đề án vẫn được thông qua với sự nhất trí cao.
Khi họp tại tổ, Bí thư huyện Từ Liêm Lê Văn Thư cho biết, có rất nhiều ý kiến trao đổi khác nhau về tên hai quận mới sau khi tách huyện Từ Liêm. "Tôi nghĩ có quan tâm, nhân dân mới trao đổi nhiều như vậy! Thực ra, chúng tôi không có thời gian để nghe hết nhưng những ý kiến đó đều có lý do chính đáng", ông Thư nói.
Bí thư huyện Từ Liêm Lê Văn Thư cho biết, có trên 90% người dân tán thành tên 2 quận mới là Nam - Bắc Từ Liêm
Theo ông Thư, thông tin tách huyện Từ Liêm thành 2 quận nhân dân trong huyện rất phấn khởi và ít có dịp nào người dân lại hào hứng đến thế. Điều đó được phản ánh qua tỷ lệ tham gia góp ý kiến chiếm tới trên 80% tổng số hộ toàn huyện; 99,9% đồng thuận tách huyện thành 2 quận. Từ những dẫn chứng đó, ông Thư mong đại biểu HĐND thành phố Hà Nội ủng hộ nhân dân huyện Từ Liêm trong việc tách huyện lên quận.
Quá trình lấy ý kiến nhân dân Đề án điều chỉnh địa giới hành chính, ông Thư cho biết, có tới 24 cặp tên được nhân dân đề xuất cho 2 quận mới như: Bắc Từ Liêm - Nam Từ Liêm, Lý Nam Đế - Thăng Long, Từ Liêm - Trúc Khê, Mỹ Đình - Thăng Long, Bắc Thăng Long - Mỹ Đình, Từ Liêm - Thăng Long, Từ Liêm - Mỹ Đình...
Trong các cặp tên được đưa ra, ông Thư cho biết, kết quả ý kiến tên Bắc - Nam Từ Liêm được đồng thuận cao nhất với 90,5%, Từ Liêm - Mỹ Đình 7,6%, Từ Liêm - Hoàng Liêm 0,2%...
Sau khi nghe Bí thư huyện Từ Liêm trình bày, đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Anh đề nghị nêu rõ nguồn gốc và những lý do huyện này giữ lại cái tên Từ Liêm đặt cho cả hai quận. Ông Thư cho biết, thực tế Bắc và Nam chỉ là có ý nghĩa phân biệt về mặt địa lý còn bản chất cái tên Từ Liêm được người dân mong muốn giữ lại cho cả hai quận mới.
Tất cả đại biểu HĐND thành phố có mặt tại hội trường thông qua đề án tách huyện Từ Liêm
"Có đến dự trực tiếp các cuộc lấy ý kiến ở xã mới thấy hết ý nghĩa của cái tên này trong lòng nhân dân. Có những cử tri lên phát biểu đề nghị đặt tên khác bị phản ứng ngay. Còn tên đánh số phường theo thứ tự 1 và 2, sau khi nghe ý kiến nhân dân chúng tôi đã đồng ý sửa đổi trong đề án cho hợp lòng dân", Bí thư Từ Liêm cho biết.
Đại biểu Nguyễn Đình Dương cho rằng, nghe phương án đánh số phường 1 và 2 rất phán cảm. Còn đặt tên Bắc - Nam Từ Liêm chưa phải là hay, nhưng thời gian ngắn, gấp rút hoàn thiện đề án tìm cái tên tối ưu nhất rất khó.
"Cái tên Bắc - Nam Từ Liêm sau này có thể thay đổi cho hợp lý hơn. Việc điều chỉnh địa giới hành chính Từ Liêm có lẽ là thắng lợi đáng ghi nhận về cải cách hành chính của Hà Nội trong năm nay", đại biểu Nguyễn Đình Dương nói.
Tổng hợp ý kiến thảo luận tổ ông Lê Văn Hoạt, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố cho biết, tất cả các tổ đều đồng tình với đề án tách huyện Từ Liêm thành 2 quận mới. Tại tổ cũng có 24 ý kiến phát biểu, trong đó có một vài ý kiến băn khoăn với tên gọi Bắc - Nam Từ Liêm.
Kết quả biểu quyết Đề án tách huyện Từ Liêm tất cả 89 đại biểu HĐND thành phố Hà Nội có mặt tại hội trường đều tán thành - đạt tỷ lệ 100%. Tính theo tỷ lệ đại biểu HĐND thành phố thì có 89/95 đại biểu tán thành đạt tỷ lệ 93,7%.
Quang Phong
Theo Dantri
Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ "siết" phương tiện cá nhân thế nào? Ngoài việc kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân theo giờ trong ngày ở các tuyến đường có mật độ cao. Tại 2 thành phố sẽ bố trí các điểm tập kết xe đạp, xe đạp điện cho thuê để người dân sử dụng trong các khu vực nội thành. Nhiều năm nay, vấn đề ùn tắc giao thông nội...