Chỉ loanh quanh chuyện ăn là hết tết
Đã thành thông lệ nhiều năm nay, từ mùng Một cho tới tận ngày bọn trẻ đi học, người lớn đi làm trở lại, chúng tôi chỉ loanh quanh với chuyện ghé ăn tết ở nhà cậu nào dì nào là hết thời gian
Trước tết, đã thấy mẹ tôi thường xuyên đi chợ, tích cóp kha khá các thứ đồ khô. Rồi tha về lủ khủ gà vịt, thịt cá. Nhà chỉ có ba miệng ăn, nhưng chẳng ai ngạc nhiên trước việc mẹ mua sắm thực phẩm nhiều như vậy. Mà câu hỏi được nêu ra sẽ là: năm nay nhà mình mùng mấy hả mẹ?
Mẹ tôi với các cậu dì ở rải rác vài quận của thành phố. Đã thành thông lệ nhiều năm nay, từ mùng một cho tới tận ngày bọn trẻ đi học, người lớn đi làm trở lại, chúng tôi chỉ loanh quanh với chuyện ghé ăn tết ở nhà cậu nào dì nào, là hết thời gian! Mỗi người phụ trách một ngày, có khi là cơm trưa, lại có người phải “thầu” luôn bữa tối vì nhà xa, mọi người ngại nắng nôi đi về. Người ăn thì ái ngại, còn mẹ tôi lẫn mấy cậu dì cũng vô cùng áp lực.
Năm nay nhà cậu Út dự tính đi chơi xa, nhưng cũng gắng lần lữa tới sớm mùng ba mới xuất phát. Cũng nhờ mợ Út thương lượng được với cậu Hòa tôi, đổi cái ngày “đãi tiệc” ở nhà cậu, đặng còn xong sớm nghỉ sớm. Chứ mấy năm nay hai đứa nhỏ thèm một chuyến du xuân mà chẳng thể thực hiện. Chung quy cũng vì cậu mợ Út lâu nay chuyên trách cơm nước cho đại gia đình ngày mùng ba rồi, nên rất khó mà thu xếp đi đâu được. Chưa kể, bỏ đi không tham dự những buổi họp mặt ấy, cũng khó coi, ngại vô cùng. Ai cũng hỏi. Rồi chẳng trách rõ nhưng chắc chắn sẽ có những lời xa gần. Sao chưa ghé thăm nhà ai đã vội “đánh lẻ”. Thiếu gì dịp mà phải đợi tới tết nhất bỏ nhà bỏ cửa đi chơi như vậy…
Nói nào ngay, duy trì được thói quen như vậy trong các gia đình cậu dì vào dịp tết hàng năm cũng có cái hay. Con cái tụ họp, hỏi han, chia sẻ với nhau sau cả một năm bươn chải. Tiếng là ở gần, nhưng đâu dễ có cơ hội gặp mặt thân tình đến vậy. Nhưng vấn đề là sự chuẩn bị các bữa ăn cho gần ba chục người lớn nhỏ cũng không phải là đơn giản. Tốn kém, mỏi mệt. Rồi cố một tí cho bằng chị bằng em, món này thức nọ. Rồi tại sao năm nào cũng ăn món này hoài, không động não thay đổi gì sao, ngán chết. Mà khách ăn cũng mỏi mệt với cái lịch thăm viếng dày đặc, chẳng còn chỗ trống cho bạn bè, đồng nghiệp hay hội hè gì nữa. Đến khổ.
Chuẩn bị bữa cơm cho cả đại gia đình không phải là chuyện nhỏ
Cậu Tú tôi năm nay làm ăn bết bát, mọi người biết ý mang theo ít chả lụa chả bò, chai rượu vang, thùng bia hộp bánh. Thế nhưng, ai cũng bất ngờ khi thấy mâm cơm thịnh soạn nhà cậu. Mợ và hai đứa em họ của tôi thì tất bật nấu nướng trong bếp, bưng cái này, dọn cái kia. Cậu Tú cười to, rồi nói: Đừng người nào vội chê tôi nghèo mà khinh khi nhé. Khách đến nhà cũng tươm tất như ai, chứ chẳng đùa!
Video đang HOT
Không hiểu sao, tôi thấy bữa cơm hôm ấy cứ lặng lẽ kém vui thế nào không rõ, thức ăn nhạt nhẽo khó nuốt vô cùng. Rồi chợt nhớ tới cảnh mẹ mình loay hoay chuẩn bị bữa cơm ấy từ trước tết mà cám cảnh. Từ ngâm lỗ tai heo, làm dưa kiệu, muối cải, rang đậu phọng, chặt gà ướp sẵn. Sau lại chiên bánh phồng tôm, lặt từng mớ hành ngò, ghi chú xem ngày nào đi chợ mua tôm sống bún tươi các kiểu… Mẹ lo bị chê trách. Mẹ sợ thiếu thốn. Mẹ nơm nớp những điều vu vơ ngay cả với những người thân ruột thịt của mình… Mẹ chỉ mong xong ngày mùng bốn để được thở ra nhẹ nhõm: Vậy là cuối cùng cũng xong năm nay. Tết tới chưa biết đãi gì cho ngon lạ nữa trời!
Tôi nghe mà vừa thương vừa giận. Muốn khuyên mẹ cứ thoải mái và thật tình một câu với mọi người rằng, khả năng có gì ăn nấy, miễn sao vui vẻ với nhau là được. Chi mà phải nặng nề một bữa cơm, để cả cái tết thắc thỏm thế này. Còn nếu như mẹ cảm thấy sức khỏe mình không thể, hoặc ai đó muốn đi đâu chơi, thì cứ mạnh dạn xin “miễn” một năm, có sao đâu mà cứ phải cố gồng lên chu toàn. Tôi đoan chắc, đấy cũng không phải là suy nghĩ của riêng tôi, mà cũng có vài mợ mong muốn thay đổi, mà chẳng dám mở lời. Nếu như mình là người đầu tiên nói ra, biết đâu lại bị hiểu lầm là trốn tránh, là tiếc với anh chị em, là không biết điều, là thế này thế nọ…
Tết sao cho vui, đừng nặng nề chuyện “ăn”
Nên thôi, đành cố một chút cho qua cái tết, được trọn vẹn tiếng thơm với người nhà. Mọi người cũng gắng thu xếp để có mặt ở mỗi nhà một buổi, loay hoay một bữa cơm, rồi hấp tấp ngoảnh lại thở dài, đã hết một cái tết nữa rồi…
Gia Khánh
Theo phunuonline.com.vn
Cây chùm ruột sau nhà
Hôm nay, gọi điện thoại, mẹ bảo cây chùm ruột sau nhà đã bị chết vì nước mặn xâm thực bấy lâu. Giọng mẹ buồn buồn, chứa đựng một điều gì đó bùi ngùi, tiếc nuối...
Nhà tôi có hai cây chùm ruột: cây chùm ruột chua và Cây chùm ruột ngọt. Gọi là chùm ruột ngọt vì nó có vị ngọt nhạt. Cây chùm ruột ra mùa trái đầu tiên lúc tôi tầm mười tuổi. Tuy nhiên, cách đây 3 năm, khi cha tôi quyết định sửa sang lại căn nhà cũ, cây chùm ruột ngọt đã bị chặt bỏ. Biết tin, đứa em họ của tôi khóc quá chừng, vì đó là món khoái khẩu mỗi lần nó ghé chơi nhà tôi.
Ảnh: IT.
Cây chùm ruột sau nhà mọc hoang, dung dị, nhưng lại tạo ra loại quả đáng yêu mà đứa trẻ quê nào cũng ưa thích. Nó cao khoảng 4 mét, da sần sùi, màu mốc xám, trên cành thường mang nhiều vết sẹo ở những chỗ lá rụng. Lá chùm ruột màu xanh, mọc so le, có cuống dài. Còn hoa thì nở từng chùm, ửng sắc hồng. Trái chùm ruột mọc thành chùm, có hình dáng tương tự như trái sơ ri nhưng chùm ruột còn non màu xanh, khi chín có màu vàng nhạt và hơi trong trong, cứng chứ không mềm như trái sơ ri. Khi tiếng cuốc bắt đầu vọng đến từ rặng khoai nước quanh bờ ao và những vạt lúa đang ươm đòng chạy suốt làng, chùm ruột sẽ ra hoa và kết trái mọng nước lúc hè tàn.
Lúc nhỏ, tôi thường rủ đứa em leo lên nhánh cây chùm ruột ngọt, khi thì học bài, khi thì buôn đủ thứ chuyện trên đời, rảnh tay lại hái trái chùm ruột cho vào miệng, cảm thấy khoan khoái bởi cái vị chua chua ngọt ngọt hết sức đặc trưng. Có khi đi chơi với đám bạn trong xóm, chúng tôi hái bỏ đầy hai cái túi áo, vừa chơi vừa móc ra ăn rỉ rả cả ngày không biết chán.
Trái chùm ruột chua có vị chua lè nhưng mà thanh mát, gặp lúc không có cơm mẻ, me hoặc trái giác, mẹ lại bảo tôi ra sau vườn hái trái chùm ruột xuống để mẹ nấu nồi canh chua. Canh chua trái chùm ruột ngon chẳng kém cạnh nồi canh chua cơm mẻ. Song, tôi thích nhất vẫn là món cá rô kho với trái chùm ruột của mẹ. Món này được nấu khá cầu kỳ. Cá rô ngoài đồng, đem làm sạch để ráo, ướp với đường, nước mắm, bột ngọt... Chùm ruột lựa trái chín, rửa sạch. Chờ cho cá thấm gia vị, bắt lên bếp kho nhỏ lửa. Khi cá sôi, hớt sạch bọt rồi cho chùm ruột vào kho tiếp. Chùm ruột chín, nước chua của nó sẽ làm cho nồi cá kho dịu lại, chua chua mà lại ngọt ngào. Đây cũng là món ăn mẹ tôi thường hay nấu cho gia đình nhất, kể cả trong những ngày cận Tết.
Tôi nhớ lắm những ngày Tết quê. Tết năm nào cũng vậy, mẹ tôi thường làm mứt chùm ruột để đãi bà con hàng xóm. Mẹ bảo, trái chùm ruột chua làm mứt mới ngon, cho có vị chua chua ngọt ngọt. "Chùm ruột ngọt thì thiếu vị chua, làm mứt xong ăn cảm giác như đang ăn cục đường vậy, hổng có ngon gì hết" - mẹ tôi giải thích. Không chỉ vậy, chùm ruột làm mứt phải lựa chùm ruột già đã ngả màu vàng, vừa chín, trái đều nhau cỡ hòn bi ve tụi con nít chúng tôi hay chơi thì hột nó mới nhỏ mà thịt lại dày.
Đôi bàn tay của mẹ rất điệu nghệ. Chùm ruột được lặt sạch cuống, rửa sạch để ráo, tiếp theo lăn sơ trên thớt cho chùm ruột dập, nước chua chảy ra bớt, rửa lại mấy lần với nước muối rồi nước lạnh, sau đó đổ vô tấm vải mùng vắt cho ráo nước. Lúc này, mẹ tôi bắt đầu cân chùm ruột: cứ một ký chùm ruột là bảy trăm gram đường cát trắng, rưới vô hai ống sirô đỏ, trộn đều lên rồi đem ra nắng phơi cho đường tan. Sau khi đường đã tan hết, mẹ cho hết lên chảo, để lửa liu riu, và sên đều tay cho đường chảy ra thấm đều vô trái chùm ruột, thấy hơi sền sệt thì rắc thêm ống vani vô cho thơm, tiếp tục sên cho đến khi rút hết nước thì nhấc chảo xuống. Chùm ruột chín thấm đường ngả sang màu đỏ thẫm, nhìn rất đẹp mắt.
Ảnh: IT.
Sau khi chùm ruột đã được ngào đường xong, mẹ trải ra mâm phơi một buổi nắng cho khô thêm, sau đó cất vô keo thủy tinh. Mứt chùm ruột ăn dai và chua chua ngọt ngọt, với mùi nồng nàn của sirô, vani phả lên tận mũi, thơm phức.
Những ngày Tết, mẹ đãi khách bằng hột dưa, bánh phồng tôm, giò nguội, đặc biệt là không thể thiếu món mứt chùm ruột trứ danh của mẹ. Ai ăn cũng tấm tắc khen ngon và muốn học hỏi bí quyết. Hoặc khi mọi người đã bắt đầu thấy ngán mùi thịt mỡ, vị nước ngọt có gas, mẹ lấy vài muỗng mứt chùm ruột đổ vào ly, thêm nước đá, thế là đã có thứ nước giải khát thanh nhẹ cho ngày Tết dịu dàng.
Một mùa xuân nữa lại về, tôi trở về bên gia đình sau chuỗi ngày rong ruổi nơi phương trời lạ, nhưng sẽ chẳng thể nào nếm được mùi vị của món mứt chùm ruột như những mùa xuân trước, cũng không còn cơ hội dắt mấy đứa em ra gốc cây chùm ruột ngồi tâm sự chuyện học hành. Bây giờ tôi mới hiểu, cây chùm ruột sau nhà, nó thực sự là người bạn của mẹ, là ký ức tuổi thơ của chúng tôi, là mùi Tếtquê và là chất keo đặc biệt gắn kết tình cảm gia đình.
QUÁCH MINH VINH
Theo thegioitiepthi.vn
Sau ly hôn thấy cuộc sống nhẹ nhõm, thênh thang Trước lúc kí đơn ly hôn, tôi vừa vui vừa hồi hộp. Ngày đầu tiên trở về cuộc sống độc thân, cảm giác của tôi là nhẹ nhõm, sung sướng, hạnh phúc vô cùng. Thế mới biết, không phải cuộc ly hôn nào cũng sầu bi. Thái Thị Hằng, một công nhân may ở tỉnh Hải Dương, chia sẻ. Theo Hằng, khi cuộc...